Hai nhà báo của RFI Ghislaine Dupont et Claude Verlon, bị bắt cóc và giết chết tại Mali năm 2013. © ©RFI
Theo Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO, hơn 1.000 nhà báo trên thế giới bị giết chết trong ba năm gần đây. Tệ hại hơn nữa, là gần như trong 10 vụ ám sát có đến 9 vụ thủ phạm không bị trừng trị. Bản báo cáo được công bố nhân « Ngày Quốc Tế chống dung dưỡng tội ác giết nhà báo » 02/11 hàng năm.
Trong bản báo cáo, UNESCO bày tỏ lo ngại cho an nguy của giới phóng viên và nhà báo trên khắp thế giới. Trong ba năm, từ 2016 đến 2018, trên thế giới có 1.109 nhà báo bị ám sát. Điều tệ hại là trong gần 90% vụ án mạng, thủ phạm vẫn an nhiên không bị đền tội trước pháp luật.
Trong ba khu vực có nhiều nhà báo bị ám sát trong ba năm qua, đứng đầu là thế giới Ả Rập chiếm tới 30% vụ việc, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê với 26%. Châu Á - Thái Bình Dương đứng hạng ba với 24%.
Không chỉ có thế, nhìn chung, số nhà báo bị giết trong 5 năm vừa qua, từ 2014 đến 2018, tăng đến 18% so với thống kê 5 năm trước đó. Không kể các phóng viên chiến trường thiệt mạng vì bom đạn, đại đa số nạn nhân còn lại là các nhà báo địa phương chuyên điều tra về tham ô và các vấn đề chính trị.
UNESCO lên án đồng loạt những kẻ đặt phóng viên vào thế hiểm nguy, những kẻ ra tay giết nhà báo và những chính quyền không làm gì để chấm dứt tình trạng này. Theo UNESCO, cái chết của một nhà báo không có nghĩa là nỗ lực truy tìm sự thật bị kết thúc theo.
Từ tháng 07/2019, UNESCO yểm trợ chương trình Liên Hiệp Quốc về vấn đề an toàn cho phóng viên, quản lý Quỹ bảo vệ nhà báo do Anh Quốc và Canada đóng góp đầu tiên (gần 5 triệu đôla Mỹ). Ngân sách này dùng để « tăng cường bảo vệ nhà báo về mặt pháp lý và huấn luyện cho phóng viên cách thức tránh hiểm nguy ».
Theo RFI