Toàn Trị - Một góc nhìn
Chuyên chế, ngu dân và mị dân
Xây nền toàn trị phản nhân văn.
Sinh hạ bầy mặt người dạ thú,
Dàn kiêu binh náo loạn đô thành.
Toàn trị - loài buôn xương bán máu,
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. (1)
Vắt chanh bỏ vỏ bầy nô cẩu,
Mặt nạ rơi, hiển diện tội đồ!
Toàn trị kiêu căng và hợm hĩnh,
Coi trời bằng... khuy áo, đầu đinh.
Nhưng không dám cạnh tranh bình đẳng
Giữa nghị trường đa đảng văn minh. (2)
Toàn trị xây đời nô lệ mới,
Bốn ngàn năm văn hiến lụi tàn.
Công nông, trí thức thành “tôi mọi”
Phò “hôn quân tập thể” , gian thần.
Toàn trị - chuyên nghề chia để trị,
Lắm độc chiêu đe nẹt, vỗ về...
Nhìn quanh đồng chí ai đồng chí
Chia sẻ niềm vui, nỗi tái tê. (3)
Hoa mắt nhìn “thế lực thù địch”
Khắp nơi, trừ băng nhóm triều đình.
Toàn trị – một vở bi hài kịch
Phò tư bản đỏ, bỏ cùng đinh.
Toàn trị đánh cắp lòng yêu nước,
Loại trừ các chính đảng đồng hành. (2)
Nhập bọn cùng nội xâm, ngoại thuộc,
Ăn mày dĩ vãng, mãi hư danh.
Toàn trị - tập đoàn phi chính nghĩa,
Mị lừa dân cưỡng đoạt chính danh.
Là nỗi đau dài xuyên thế kỷ,
Chính quyền hay đạo tặc lộng hành?
Toàn trị chuyên ngón nghề tẩy não
Hiền tài thành bồi bút, văn nô.
Lời huyết lệ gửi vào di cảo,
Phẫn hận mang theo xuống đáy mồ.
Toàn trị giành độc quyền yêu nước,
I - tờ nghề đối ngoại nhân dân.
Với chính sách lân bang khiếp nhược,
Được đằng đầu, lân tiếp đằng chân.
Toàn trị lún sâu vào tử huyệt,
Xây nhà tù lớn nhốt nhân dân.
Hình sự hóa ngàn lời tâm huyết,
Diệt ân công, bức hại trung thần.
Toàn trị đứng ngồi trên đống lửa,
Gã khổng lồ đầu rỗng, tim đen.
Chân đất sét, miệng hùm, gan sứa,
Sợ mặt trời, chui rúc bóng đêm.
Toàn trị - Tổ quốc là phương tiện
Xây vương triều “còn Đảng còn mình”.
Bao giờ phận con giun, cái kiến
Dân lành nhìn ánh sáng văn minh?
Món “dân chủ triệu lần” toàn trị
Là hàng giả dân trót cầm nhầm.
Mãi dằn vặt nỗi đau thế kỷ,
Ngậm bồ hòn khen vị hồng sâm.
Sao chẳng dám nhìn vào sự thật:
Miếng thịt ôi toàn trị Tháng Mười
Thế giới phẳng ném vào sọt rác,
Nỗi đau trùm thế kỷ hai mươi!
Bệnh toàn trị vô phương cứu chữa
(Cấp tiến, xét lại hay giáo điều).
Nhân dân sẽ ôn hòa gõ cửa,
Điểm danh từng “mặt vượn, đầu hươu”.
Giã toàn trị, xây đời dân chủ,
Sớm hoàn lương về với cộng đồng!
Người cộng sản biết dừng, biết đủ,
Giờ đây là nghĩa cử anh hùng.
Khôn nơi toàn trị là khôn dại,
Dại chốn đa nguyên ấy dại khôn.
Đánh kẻ chạy đi, đón người chạy lại,
Lòng dân luôn mở lượng khoan hồng.
TS Trần Nhơn (Danlambao)
_____________________________________
Chú thích:
(1) Câu thơ “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” được trích từ bài thơ “Kỷ Hợi Tuế” (Năm Kỷ Hợi). Tác giả bài thơ là Tào Tùng (đời Đường, sinh năm 848, không rõ ngày mất). Ông là người Thư Châu, nay là Tiềm Sơn thuộc tỉnh An Huy, đỗ Tiến sỹ năm ngoài 70 tuổi.
Bài thơ “Kỷ Hợi Tuế” được làm vào năm 879, gồm hai bài (Kỷ Hợi Tuế nhị thủ). Bài có câu thơ trên đây là bài thứ nhất.
Nguyên văn:
Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ
Sinh dân hà kế lạc tiều tô
Bằng quân mặc thoại phong hầu sự
Nhất tướng công thành vạn cốt khô.
Hai câu thứ 3 và thứ 4 của bài này được chọn là danh cú (những câu thơ hay) in trong sách “Đường thi giám thưởng từ điển” của Trung Quốc cùng với hơn 1700 câu thơ Đường khác.
Bản dịch nghĩa:
Sông núi nước Trạch nhập vào cuộc chiến.
Dân chúng làm sao có thể vui vẻ mà làm công việc kiếm củi, cắt cỏ được.
Xin ông đừng nói đến chuyện phong hầu gì cả,
(Vì) một tướng thành công thì có hàng vạn người chết.
Bản dịch thơ của Hải Như:
Tranh giành cuộc chiến nổ ra,
Lầm than cái chắc khó mà vui đâu.
Rùm beng chi chuyện phong hầu,
Được phong một tướng rơi đầu vạn quân.
(2) Quốc Hội Dân Bầu đầu tiên, với 24% nghị viên thuộc đảng Bolshevik, họp lần đầu tiên ngày 18/1/1918. Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau, Lenin hạ lệnh giải tán Quốc hội. Trước các họng súng của Hồng Vệ không ai dám lên tiếng phản đối. Kể từ tháng 6/1918 các thành viên Menshevik và XHCM trong các UB Xô Viết do dân bầu lên bị tống ra ngoài. Chính Lê nin, chứ không phải ai khác, đã mở ra kỷ nguyên Quốc hội và Nhà nước độc đảng toàn trị như vậy đó!
Bệnh kiêu ngạo cộng sản (“coi trời bằng khuy áo, đầu đinh”) và bệnh tự ti cộng sản (người cộng sản không dám tranh cử bình đẳng với đảng viên thuộc các chính đảng khác) luôn đi liền với nhau như vậy đó!
Lê nin đã phát hiên ra bệnh kiêu ngạo cộng sản, nhưng lại chưa cảm nhận (?) nổi bệnh tự ti cộng sản đã ủ rất lâu trong người ông, thấm sâu vào huyết quản và xương thịt ông.
Không dám tranh cử, cạnh tranh bình đẳng với các chính đảng khác nên Lê nin phải tìm cách tiêu diệt họ để không còn đối thủ cạnh tranh. Đó là tính phản động nổi bật nhất của chủ nghĩa Lê nin phải được vạch trần.
Karl Marx chưa bao giờ có ý tưởng phản nhân văn kỳ quái như vậy trong đầu ông, và học thuyết của ông không hề liên quan đến sự ra đời của thể chế độc đảng toàn trị (một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa Lê nin) rất ô nhục này! Một thể chế hủ bại như vậy thì dù cho vị lãnh đạo tài đức xuất chúng đến đâu điều khiển, vận hành nó, cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến một trong hai kết cục: hoặc tha hóa, biến thành đảng trưởng của một băng đảng (ở các mức độ khác nhau), hoặc bị đào thải nhanh chóng (vô hiệu hóa, bị loại bỏ, bị thủ tiêu...). Cho nên không có cái gọi là “Chủ nghĩa Mác – Lê nin”. Đó là thuật ngữ do bạo chúa Stalin bịa ra để ăn theo và tiếp tục dối Đảng lừa dân, làm cho gần một nửa nhân loại bị kéo lùi về thời trung cổ gần trọn thế kỷ 20. Đến bây giờ 1,5 tỷ người trên hành tinh vẫn còn đang lặn ngụp trong bể khổ đó.
(3) Phỏng ý thơ Nguyễn Trọng Nội.