Một buổi tọa đàm về sách giáo khoa tại Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội). Từ trái sang: nhà giáo Phạm Toàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, nhà giáo Vũ Thế Khôi, điều khiển phần thảo luận và TS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức, nơi xuất bản SGK Cánh Buồm. boxit.vn
Bộ sách giáo khoa Cánh Buồm có 36 cuốn, do nhóm Cánh Buồm gồm các nhà sư phạm, học giả và trí thức trẻ trong cũng như ngoài nước tham gia soạn thảo, không qua hệ thống kiểm duyệt của Bộ Giáo Dục- Đào Tạo nhưng lại tạo tiếng vang đáng kể vì tinh thần nhân bản khai phóng của nó.
Nhà giáo Phạm Toàn qua đời hôm 26 tháng Sáu năm 2019, đến ngày 4 tháng Mười 2019 vừa qua thì buổit ưởng niệm 100 ngày mất của ông diễn ra tại Nhà Văn Hóa Pháp trên phố Tràng Tiền, Hà Nội:
Là vì hoạt động của Phạm Toàn nói chung không được chính quyền ủng hộ nên Nhà Văn Hóa Pháp cho mượn hội trường đúng 100 ngáy mất của anh để làm lễ tưởng niệm, đồng thời cũng để ôn lại những thành tựu của Cánh Buồm.
Nhà Văn Hóa Pháp thường cho thuê hội trường để làm các buổi hội thảo nhưng riêng Phạm Toàn thì họ cho mượn vì cảm kích cái vĩ đại của một cá nhân , bản thân chẳng có đồng xu nào cả mà dám đứng ra tập hợp đội ngũ trí thức trong ngoài nước để soạn sách giáo khoa theo yêu cầu mới của đất nước, của thời đại.
Đó là lời cựu phóng viên Lê Phú Khải đài Tiếng Nói Việt Nam, bạn thân của nhà giáo Phạm Toàn, cũng là thành viên nhóm Cánh Buồm.
Đối với nhà báo Lê Phú Khải, nhà giáo Phạm Toàn thực sự là một người trải hết đời cho giáo dục. Thuở trẻ ông từng đi bộ đội, sau theo học ngành Sư Phạm để rồi gắn bó với giấc mơ cải cách giáo dục từ những chuyện nhỏ nhất:
Có một thời gian ông ấy lên miền núi dạy học rồi sáng tác chữ cho người dân tộc. Nói cách khác là anh rất thiết tha về công tác giáo dục và cả đời cống hiến cho giáo dục của đất nước. Anh ấy còn là nhà văn có nhiều tác phẩm văn học được xã hội thừa nhận.
Hành trình bộ sách giáo khoa Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn và nhóm soạn thảo cùng tên thể hiện ước vọng hướng dẫn học sinh từ Lớp Một cho tới Lớp Chín theo phương pháp giáo dục tự do và khoa học.
Đối với Cánh Buồm, muốn cải cách phải định nghĩa được lại các khái niệm, quan trọng hơn nữa muốn cải cách bây giờ thì trước hết phải cải cách chính người làm cải cách giáo dục bởi những người ấy chưa chắc đã có năng lực đủ để thực hiện cải cách giáo dục.
Bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 Photo: RFA
Bộ sách giáo khoa Cánh Buồm tự nó mang phương pháp sư phạm không từ chương, không áo đặt, khuyến khích tư duy độc lập, là tâm sự của nhà giáo Phạm Toàn với RFA khi còn sống:
Chúng tôi hướng dẫn cho các em có triết lý sống từ tiết thứ nhất của Lớp Một, tức là học nhưng không bắt buộc phải học thuộc lòng và bắt buộc phải tìm đến kiến thức bằng những thao tác mà chúng tôi đã nghiên cứu rồi. Bằng những thao tác, việc làm giao cho các em thực hiện. Khi học văn chẳng hạn chúng tôi cho phép các em làm lại thao tác của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ chân chính thì trước hết phải có một tấm lòng đồng cảm với con người. Văn từ Cấp Một chúng tôi hướng phải đồng cảm. Nguyễn Du là đồng cảm với dân. Nguyễn Bỉnh Khiêm là đồng cảm với dân. Victor Hugo là đồng cảm với dân. Không đồng cảm thì không có nghệ thuật được phải học đồng cảm ngay từ Lớp Một. Khi các em học văn thì đồng thời các em học được tính nhân văn của con người. Các em phải học sống với cộng đồng sống với lại mọi người cho nên chúng tôi có cái môn được gọi là môn “Lối Sống” nhưng không có môn đạo đức.
Môn Lối Sống chúng tôi dạy các em sống đồng thuận. Đồng thuận tức là cùng lao động, hai là tôn trọng các giá trị tinh thần văn hóa của nhau. Anh muốn theo đạo gì anh theo, anh muốn theo chủ nghĩa gì thì cứ theo nhưng mà chúng ta tôn trọng nhau.
Và yếu tố thức ba rất quan trọng nữa tức là cùng nhau “tháo ngòi xung đột”. Tháo ngòi xung đột là cái để dạy cho các nguyên thủ quốc gia, để dạy cho những người đứng đầu các nước. Nhưng mình không dạy được họ thì mình hy vọng dạy các em nhỏ của một dân tộc, khi lớn nó sẽ thành những con người biết sống đồng thuận, biết cùng lao động, tôn trọng nhau và cùng tháo ngòi xung đột.
Nhận định về bộ sách giáo khoa Cánh Buồm cũng như người bạn mà ông ngưỡng mộ, cựu phóng viên Lê Phú Khải nói lý do là vì:
Nói chung thì giáo dục của chúng ta bị chính trị hóa đi, lồng giáo dục vào chính trị không mở mang khai phóng con người mà gò ép vào chính trị, nhất là những môn Khoa Học và Xã Hội.
Nhóm Cánh Buồm dạy cho trẻ trở thành những người tự do và tìm ra lẽ phải chứ không bị gò ép phải yêu cái này phải yêu cái kia cho nó có màu sắc chính trị. Vấn đề giáo dục của Việt Nam là phải yêu đảng, yêu chế độ. Đảng và chế độ chỉ là một giai đoạn lịch sử thôi. Ngay từ đầu trẻ đi học đã phải dạy như thế rồi, nó trở thành những kẻ nô lệ. Ông Phạm Toàn với nhóm Cánh Buồm tuyên bố phải dạy trẻ con trở thành những đứa trẻ tự do và tự tìm ra lẽ phải. Quan điểm giáo dục của ông Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm rất là khác xa.
Nhóm Cánh Buồm và bộ sách giáo khoa Cánh Buồm ra khơi trong môi trường giáo dục Việt Nam đã gần 10 năm, người khởi xướng là nhà giáo Phạm Toán, mà blogger Tuấn Khanh gọi là người ươm mầm hy vọng, đã không còn nữa.
Hồi tưởng về ông khi báo với RFA rằng Cánh Buồm gần như như sắp hoàn tất, nhà giáo quá cố Phạm Toàn bày tỏ là Cánh Buồm rất biết thân phận khó khăn của mình:
Nhưng nó ra đời vào cái thời đại có một công cụ vô cùng ghê gớm là Internet, cho nên sau đây độ nửa tháng quý vị sẽ thấy bộ sách tôi đưa hết lên mạng thành dạng Open Book và mọi người tự do lấy xuống dùng cho gia đình mình, cho lớp học mình, cho trường của mình. Ai cấm thì cứ cấm, ai cho phép thì cứ cho phép. Mình cứ tự cho phép mình bởi vì thời đại này đã có Internet mà chúng tôi lại không cần nhuận bút, chúng tôi không cần bản quyền chúng tôi chỉ cần người dân thấy có ích cho mình rồi cùng dùng.
Thời đại bây giờ nó cho phép mọi người ở mọi nơi có thể tự do làm việc tự do đóng góp, tự do hết sức mình với một tinh thần trách nhiệm. Trong vòng ít hôm nữa chúng tôi sẽ giới thiệu trên mạng mà chúng tôi chủ trương, mạng Cánh Buồm (canhbuom.edu.vn) nơi đây sẽ giới thiệu cách vào Open Book đấy để sau một cái nhấp chuột thôi là anh có sách rồi.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, là trí thức thì không ai có thể phủ nhận triết lý giáo dục của Cánh Buồm, vẫn đang được lưu hành trong xã hội cho tới giờ phút này. Chỉ có điều ông băn khoăn là:
Nhóm Cánh Buồm là một tổ chức dân sự không có đăng ký, mà trong một tổ chức như thế luôn luôn cần người dẫn dắt. Sau khi nhà giáo Phạm Toàn mất đi thì không biết có ai đứng ra bởi người điều phối hoạt động rất quan trọng.
Tấm gương của Cánh Buồm, bài học, sự thực và sự tồn tại của nó, sự dám làm của nó mang lại giá trị lâu bền, ảnh hưởng đến rất nhiều nhóm khác, rất nhiều người khác trong xã hội Việt Nam
Theo RFA