Ảnh minh họa: Một lá cờ quốc gia Việt Nam bay trên một chiếc xe ngoại giao bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, ngày 12 tháng 5 năm 2017. AP / Thomas Peter
Sao chép Trung Quốc nhưng có khác!Luật An ninh Mạng của Việt Nam cho thấy chính phủ Hà Nội đang gắng chạy theo mô hình kiểm soát internet mà Bắc Kinh áp dụng lâu nay.
Nhận định vừa nêu được tác giả Justin Sherman, thành viên Chính sách an ninh mạng thuộc định chế có tên New America trụ sở chính ở thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí The Diplomat hôm 11 tháng 12 năm 2019. Tác giả này đồng thời là thành viên của Trung tâm Luật & Công nghệ tại Đại học Luật Duke.
Ông Justin Sherman nhắc lại Luật An ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi được thông qua tại Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Luật này tăng cường sức mạnh cho chính phủ trong biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông ở Việt Nam, chặn và xóa nội dung dữ liệu trực tuyến.
Tác giả Justin Sherman cho rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực này. Trong năm 2018, số quốc gia trên thế giới bắt đầu kiểm soát internet chặt chẽ hơn ngày càng nhiều.
Những thay đổi chính sách trong lĩnh vực quản trị mạng được đưa ra với nhiều lý do, bao gồm mong muốn bảo vệ đất nước tốt hơn, loại trừ các mối đe dọa an ninh mạng từ nước ngoài, buộc dữ liệu được lưu trữ trong nước để thúc đẩy sáng kiến nội địa.. Tất cả đều là mong muốn kiểm duyệt internet dễ dàng hơn.
Trên thực tế, một số nhà phân tích đã so sánh luật mới của Việt Nam với chế độ quản trị internet của Trung Quốc, một luật được đánh dấu bằng sự kiểm soát, kiểm duyệt và giám sát internet phổ biến. Freedom House đã coi Trung Quốc là “kẻ lạm dụng tự do internet tồi tệ nhất thế giới”suốt 4 năm liên tiếp.
Một số điểm quan yếu trong nỗ lực của chính phủ Việt Nam thúc đẩy kiểm soát hơn nữa mạng Internet cho thấy Hà Nội đang rập khuôn Trung Quốc; dù rằng đối với một số vấn đề khác gồm địa chính trị và kỹ thuật hai nước vẫn bất đồng.
Trả lời RFA hôm 11/12 từ Hà Nội liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nhận định:
“Thật sự khi phản đối dự luật an ninh mạng, lúc nó còn là dự luật, chúng tôi đã vạch rõ là nó copy đến bao nhiêu phần từ luật tương tự của Trung Quốc, Sự sao chép đấy là hiển nhiên, và tất nhiên Bộ Công an, họ hợp tác với Trung Quốc để làm chuyện này, kể cả chuyện thực thi. Nhưng ở Việt Nam khác với Trung Quốc, ở đó họ không có internet, mà chỉ có mạng nội bộ giống internet thôi. Còn Việt Nam có internet thật, nhưng thỉnh thoảng dựng tường lửa chặn này chặn kia.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm, dù có những điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng rõ ràng là Việt Nam đang sao chép kiểm duyệt internet từ Trung Quốc, mặt dù không thể dễ dàng kiểm soát như Trung Quốc:
“Trung Quốc họ có nhiều nền tảng mạng xã hội của họ như Weibo, Wechat… nhưng Việt Nam thì không có cái đấy. Bây giờ VN bắt chước thì không thành công, cái thành công nhất thì cũng từ nền tảng Trung Quốc như Zalo chẳng hạn. Nó khác nhau ở những cái đó, ngoài ra nó còn khác nhau khả năng về kỹ thuật, con người… của VN không thể bằng TQ được. Một điểm khác nữa là giới đấu tranh của VN, không dám nói là mạnh hơn TQ, nhưng đã dày dạng với sự đàn áp từ trước khi có luật an ninh mạng.”
Việt Nam có bắt chước Bắc Kinh không?Tác giả Justin Sherman cho rằng chuyện so sánh mô hình quản trị internet theo chủ quyền và có kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào với Trung Quốc là lẽ thường. Cách so sánh như thế chính xác và có giá trị theo một số ngữ cảnh nào đó. Lý do Chính phủ Trung Quốc dẫn đầu thế giới kiểm soát chặt chẽ không gian mạng trong nước.
Tuy nhiên, có một số điều khiến cho hệ thống quản trị internet của họ trở nên độc đáo. Chế độ kiểm duyệt internet của Trung Quốc cực kỳ tinh vi, rộng khắp. Chính phủ có nhân lực mạnh và khả năng công nghệ để thực hiện phân loại nội dung thủ côngvà kiểm tra các ứng dụng… Ngoài ra, Bắc Kinh dễ dàng bơm tài nguyên vào quản lý và kiểm soát internet, trong khi đối với các quốc gia khác để làm được thế là không thể.
Ba cô gái trẻ Việt Nam sử dụng máy tính xách tay và điện thoại thông minh để lên mạng tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. AP
Mặc dù vậy, theo ông Justin Sherman, Luật pháp của Việt Nam phù hợp hơn với thông lệ của Bắc Kinh, trong việc khá ngang nhiên về việc theo dõi công dân và kiểm soát các luồng thông tin. Chẳng hạn, ngay sau khi có Luật An ninh mạng, chính phủ Việt Nam cho rằng công ty Facebook đã vi phạm luật pháp, bằng cách cho phép ‘nội dung vu khống chính phủ’ trên nền tảng mạng xã hội của mình. Hay việc luật này quy định, thông tin vu khống hoặc gây rối trở thành “sự xâm phạm an ninh mạng”.
Bản thân Luật an ninh mạng được xây dựng dựa trên luật pháp trước đó đã cho chính phủ những quyền lực rõ ràng trong việc lọc internet và gỡ bỏ nội dung không mong muốn về mặt chính trị.
Đây là một phần lý do tại sao Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), vào tháng 10 năm 2019, đã xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt thông tin nhiều nhất trên thế giới.
Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ tin học, sở hữu nhiều trang mạng, cho biết ý kiến về việc này:
“Tất nhiên ai cũng biết có những trang đối với nhà nước là nhạy cảm, thì nhà nước chặn lại bằng tường lửa, thì cũng có người bị ảnh hưởng vì không xem được thông tin theo một khía cạnh nào đó. Khi đó mình phải dùng công cụ khác để vào xem được, Trên internet có nhiều công cụ để vượt tường lửa, nhưng sẽ bị chậm vì bị chặn lại bớt. Giống như TQ chặn Facebook nhưng mình qua TQ mình vẫn dùng được nếu dùng công cụ. Tương tự ở VN cũng vậy nếu trang nào bị chặn thì mình sử dụng công cụ để xem.”
Ngoài ra tác giả bài phân tích trên The Diplomat còn nêu một số lý do cho thấy việc thúc đẩy kiểm soát internet của Việt Nam, tương tự như Trung Quốc, như luật nội địa hóa dữ liệu… Hay vai trò của Bộ Công an trong quy định an ninh mạng ở cả hai nước.
Tại Trung Quốc, Bộ Công an liên quan đến mọi thứ, từ quy định internet đến bảo vệ thông tin cá nhân; ngay cả với việc sắp xếp lại các cơ quan không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công an vẫn giữ một vai trò nổi bật trong quản trị internet trong nước.
Ở Việt Nam, cũng có thể được nói là tương tự, trên thực tế, Bộ Công an Việt Nam đã soạn thảo và đề xuất luật an ninh mạng mới ngay từ đầu. Điều này một lần nữa có thể nhấn mạnh ý định của luật pháp nhằm mục đích kiểm soát nội dung trực tuyến nhiều hơn các động lực có thể khác, nghĩa là bảo vệ công dân khỏi các tác hại của an ninh mạng.
Nhìn chung, Việt Nam dường như bắt chước cách quản trị Internet của Trung Quốc vì mong muốn kiểm soát tốt hơn không gian mạng và đặc biệt là các luồng thông tin trong lãnh thổ của mình.
Tác giả Justin Sherman nhận định không có khả năng Việt Nam sẽ sớm từ bỏ việc theo đuổi kiểm soát internet chặt chẽ hơn. Báo cáo năm 2019 của Freedom House, nêu rõ thúc đẩy không ngừng biện pháp kiểm soát không gian mạng của Việt Nam cho thấy Internet tại Việt Nam hết sức bị giới hạn. Freedom House cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do chính trị và quyền tự do dân sự.
Cuối cùng ông Justin Sherman cho rằng, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đối với quản trị internet vẫn còn mạnh mẽ và nó tiếp tục phát triển thông qua đầu tư nước ngoài, áp lực chính trị, tham gia ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế và các cơ chế khác. Mặc dù không phải quốc gia nào kiểm soát internet chặt chẽ cũng nên đem so sánh với Trung Quốc; nhưng qui định Internet chặt chẽ của Việt Nam cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia với khả năng cùng mong muốn tuân theo từng bước trong lĩnh vực kiểm soát internet của Trung Quốc.
Theo RFA