Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12, với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Liêm chính trong kinh doanh
Tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, phát biểu rằng Hội nghị thành công không chỉ ở việc các nước cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất các giải pháp, chương trình hành động phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, cơ sở hạ tầng mà còn là cơ hội làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các nước thành viên và vùng lãnh thổ cùng các đối tác phát triển quan trọng.
Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng được báo giới quốc nội dẫn lời cho biết rằng những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng được đề cập trong hội nghị này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, và theo các giải pháp đó, Việt Nam sẽ đồng hành cùng các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như trong công việc phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực này.
Đài RFA ghi nhận, trong các buổi thảo luận tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10, một đại biểu của Việt Nam là ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh về yếu tố doanh nghiệp cần phải nhận thức được sự liêm chính trong kinh doanh là nền tảng tương tác giữa cộng đồng và chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét sửa đổi, xóa bỏ các điểm còn chồng chéo trong Luật Đầu tư để phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị còn thống nhất rằng việc phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia chủ động và quyết liệt của toàn xã hội.
Hiệu ứng từ Hội nghị?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore lên tiếng với RFA rằng yếu tố liêm chính và minh bạch trong kinh doanh đóng vai trò chủ chốt đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng, không chỉ trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà trong mọi lĩnh vực của một quốc gia. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp viện dẫn một trường hợp điển hình vừa mới xảy ra tại Việt Nam:
“Vừa qua mới có một vụ rất lớn liên quan một công ty của chính phủ là Công ty Mobifone mua Công ty AVG của tư nhân và đã xảy ra chuyện tính toán giá trị công ty bị sai. Sau khi AVG trả lại tiền thì đã phát hiện ra có sự nhận hối lộ trong thương vụ này và dẫn đến chuyện hàng chục người bị bắt, mà trong đó có 2 cựu bộ trưởng. Đấy là một ví dụ lớn nhất mà Chính phủ Việt Nam đã làm được trong việc liêm chính và minh bạch trong mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Đấy là việc họ làm tốt.”
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì kể từ khi Việt Nam ký tham gia Công ước Phòng, chống tham nhũng của LHQ hồi năm 2003 cho đến nay thì Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực hơn trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định rằng Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Hội nghị lần thứ 10 được tổ chức tại Việt Nam không có tác động bao nhiêu cho công cuộc chống tham nhũng của Chính phủ Hà Nội:
“Châu Á-Thái Bình Dương là một diễn đàn. Tất cả các nghị quyết của Châu Á-Thái Bình Dương thì không mang tính bắt buộc, mà chỉ mang tính khuyến nghị đối với các nước thành viên cho nên có sự khác biệt so với của Liên Hiệp Quốc (LHQ). LHQ có Công ước Phòng, chống tham nhũng và một loạt các công ước khác như chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố…Những công ước đó của LHQ mạnh hơn, góp phần cho Việt Nam một cách căn bản, nhiều hơn là của Châu Á-THái Bình Dương.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội nêu lên quan điểm của ông đối với một số ý kiến đề nghị cho phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đưa ra tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10:
“Người ta đặt vấn đề ‘liêm chính’ thì gần như là một lời kêu gọi các ông (doanh nghiệp) phải thế này, thế nọ, thế kia…Nhưng tôi nghĩ không hiểu quả. Còn cũng là lời kêu gọi ‘tất cả xã hội tham gia’ mà không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí thì tham gia kiểu gì? Cho nên, nghe thì có vẻ hay nhưng thật sự là không giải quyết được vấn đề gì cả.”
Chống tham nhũng không hiệu quả
Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây thể hiện quyết tâm chống tham nhũng một cách quyết liệt, qua những lời tuyên bố đanh thép của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như qua các vụ đại án lần lượt được xét xử, gây chú ý trong dự luận trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International-TI) công bố báo cáo hàng năm hồi năm 2018 đã xếp hạng Việt Nam 107/180 nước và tụt 10 hạng trong năm 2019, đứng thứ 117/180.
Trong phần báo cáo về tình hình tham nhũng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, phổ biến vào cuối tháng 1 năm 2019, Việt Nam được nêu danh có dính líu đến những vụ tham nhũng liên quan các công ty của Đan Mạch, Nhật Bản và Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2017.
Mới đây nhất, Công ty viễn thông Ericsson của Thụy Điển, trong tháng 12 năm 2019 đã thừa nhận đã đút lót cho các quan chức chính phủ của một số nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam để nhận được các hợp đồng lớn.
Từ Na-Uy, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng Việt Nam muốn đạt được hiệu quả trong chống tham nhũng thì phải hướng tới hai khía cạnh bao gồm kỹ thuật và thể chế. Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích:
“Về mặt kỹ thuật thì để chống tham nhũng, một chính quyền cần thiết lập các cơ chế sao cho nhân viên chính phủ không có cơ hội để tham nhũng, không tìm cách tham nhũng vì đã được bảo đảm một mức thu nhập tốt và không dám tham nhũng vì mức phạt rất nặng. Có rất nhiều cách khác nhau nhằm đảm bảo nhân viên chính phủ không có cơ hội để tham nhũng chẳng hạn như không cho người gửi hồ sơ và người xét duyệt hồ sơ được tiếp xúc trực tiếp với nhau, hồ sơ được nộp trực tuyến, ẩn danh người nộp hồ sơ, luân chuyển người xét duyệt, tổ chức xét duyệt theo hội đồng, công bố quy định thời gian và quy chuẩn xét duyệt công khai, minh bạch…Nhưng quan trọng nhất là ở khía cạnh thể chế và quyết tâm chính trị. Muốn chống tham nhũng thì thể chế phải trước hết bảo đảm một nhà nước thượng tôn pháp luật, pháp luật phải được thực hiện công bằng và minh bạch, không ai được đứng trên hoặc bẻ cong pháp luật. Có như vậy, khi mà tất cả các công dân đều tuân thủ pháp luật thì các vấn đề về mặt kỹ thuật chống tham nhũng nêu trên mới mang lại hiệu quả.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn với RFA rằng “Một nền tư pháp độc lập là yếu tố cần thiết để hạn chế tham nhũng.”
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định:
“Tôi nghĩ rằng 3 việc, tức là phải có một nền pháp trị nghiêm minh, phải có tư pháp độc lập và phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì có cả 3 thành tố đấy mới giúp cho vấn đề tham nhũng giảm được.”
Tuy nhiên, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam lại cho là khi nào còn thể chế độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước thì khi đó tình trạng tham nhũng vẫn tiếp diễn và thậm chí ngày một tệ hại hơn, như ý kiến của nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu-Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai rằng:
“Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc.”
Theo RFA