Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ quận 2.
Hôm 27/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết năm 2019 tăng trưởng GDP của Việt Nam là trên 7%, đạt mức tăng trưởng “cao hàng đầu thế giới”. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần cải cách để khơi thông tiềm năng của thị trường vốn.
“Theo số liệu vừa mới công bố, tăng trưởng GDP là 7,02%. Năm 2016 chỉ số này 6,21%, năm 2017 là 6,8%, 2018 là 7,08% và năm nay 7,02%. Như vậy 2 năm liền chúng ta tăng trưởng GDP trên 7%”, trang Tuổi Trẻ Online trích lời Bộ trưởng nói. Ông cho biết thêm: “Đây là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới!”
Về chỉ số lạm phát, ông Dũng nói: “Chỉ số lạm phát được kiểm soát dưới mức Quốc hội giao rất nhiều, với 2,79% - mức thấp nhất 3 năm qua.”
Hãng tin Bloomberg hôm 27/12 trích lời ông Vishnu Varathan, Giám đốc bộ phận kinh tế và chiến lược thuộc Ngân hàng Mizuho tại Singapore nhận định: “Mức tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại một chút vào đầu năm tới”.
Ông nói rằng Việt Nam khó có thể giữ được mức tăng trưởng này trong năm 2020 nếu như quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đi vào ổn định.
Trong một báo cáo hôm 17/12, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nói: “Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể làm suy yếu động lực xuất khẩu trong thời gian ngắn, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu thông qua các kênh đầu tư và thương mại”.
“Hai khía cạnh gây trở ngại đó là: Thứ nhất, cách thức Việt Nam quản lý các vấn đề năng lực của mình, điều này đang tạo thêm những hạn chế khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, và thứ hai, liệu Mỹ có thể xem xét kỹ lưỡng hơn về vấn đề thâm thụt thương mại rất lớn và đang ngày càng tăng với Việt Nam”, ông Varathan nhận định với trang Bloomberg.
Tờ Los Angeles Times hôm 26/12 có bài nhận định về giá nhà ở rẻ, chi phí y tế thấp và mức sống khá ở Việt Nam khiến ngày càng có nhiều người Mỹ quyết định chọn nơi này để nghỉ hưu.
Trang này viết: “Sự phát triển vượt bậc ở Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á khác đã tạo ra những câu chuyện mà không ai có thể tưởng tượng trong quá khứ: những người già thuộc thế hệ boomer (sinh từ năm 1946 đến 1964) ở Mỹ đang có một lối sống gợi nhớ đến Florida, Nevada hay Arizona, nhưng ngay tại Việt Nam”.
Việt Nam đã nới lỏng các chính sách thị thực để thu hút những người nước ngoài đã về hưu, cùng với tài khoản tiền tiết kiệm của họ, tờ báo Mỹ cho biết thêm.
Trang Los Angeles Times viết: “Việt Nam đã nhìn thấy lợi ích lan tỏa từ sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc nhưng cũng có mối quan hệ gần gũi với nước láng giềng này, dù hai bên đã xảy ra một chiến ngắn vào năm 1979. Người nước ngoài có xu hướng coi Việt Nam hiếu khách hơn Trung Quốc; thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn, vẫn giữ được phong cách của một đô thị quốc tế”.
Tuy nhiên, xét những rủi ro bên ngoài, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động.
“Mặc dù các thị trường vốn ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 đến 2 lần, và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ”, World Bank nhận định.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khuyến cáo: “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”.
Theo VOA