Nhạc sĩ Nhật Ngân được biết đến với những bài hát nổi tiếng như “Xuân này con không về”, “Qua cơn mê”, “Một mai giã từ vũ khí”, một số bút hiệu khác của ông là Trịnh Lâm Ngân (sáng tác chung với Trần Trịnh), Ngân Khánh, …
Nhạc phẩm “Xuân này con không về” của ông được sáng tác khoảng năm 1968, đến năm 1975 ông bị cấm hoạt động và vượt biên nhưng không thành. Khi bị bắt, ông khai tên là “Nguyễn Văn Hai”. Lúc đấy là khoảng gần mùa xuân, ông sinh hoạt trong trại bình thường, mọi người đi cùng đợt với ông không ai biết ông là nhạc sĩ Nhật Ngân.
Thời gian sau, có một đoàn khác toàn người Sài Gòn cũng bị bắt vào trại ấy, mà không may, những người đó ai cũng biết đến tên ông. Và từ đó, ông sống trong lo sợ phải ngồi tù thêm vài năm nữa vì tội khai man lý lịch và là nhạc sĩ nhạc vàng. Có một hôm kia, khi lao động về trại, một tên công an xuống gọi:
-“Ông Nguyễn Văn Hai lên văn phòng trại làm việc!”.
Khi bước vào cửa văn phòng, thay vì bản án tù nặng nề, ông lại thấy bàn tiệc vừa cá vừa gà vô cùng linh đình, trưởng đại đội Năm Nghĩa gọi đến và bảo:
– “Anh Hai ngồi ghế đó !”
Rồi chỉ cái ghế trống cho ông ngồi. Sau khi nhạc sĩ ăn uống xong, ông Năm Nghĩa mới nói tiếp :
– “Tui biết anh Hai là nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, tui khi ở trong rừng, mỗi đợt xuân về mà nghe hát bài Xuân này con không về đó, tui nhớ mẹ vô cùng, mà tất cả mấy bạn của tui trong đó đều nhớ gia đình hết, mà họ cũng nói rằng anh nói đúng tâm trạng mà họ không nói được!”
Ông Năm Nghĩa lại tiếp :
– “Nếu mà nhạc sĩ như anh ở ngoài Bắc đi nữa, thì cái bài này cũng sẽ được phổ biến, vì bài này nói rõ ràng tâm trạng của người trai thời chiến yêu quê hương, tuy rằng 2 người ở 2 chiến tuyến nhưng ai cũng có thể nghe được cả!”
Thế rồi vài ngày sau nhạc sĩ lại được mời lên văn phòng trại, vẫn đợi ông ăn xong, ông Năm nghĩa đến vỗ vai nhạc sĩ, bảo rằng:
– “28 tết này có một chuyến cho về, tôi sẽ cho anh về!”
Đúng 28 Tết, trong những người được thả về, toàn đàn bà con gái, may mắn có đọc tên Nguyễn Văn Hai, nhạc sĩ bước ra khỏi trại cuốc bộ ra bến xe lam khoảng độ 1, 2 cây số, trong túi không còn tiền, cũng không có gì mang theo, ông bèn hỏi những người đi chung :
– “Ai có tiền có thể mua dùm vé tui về Sài Gòn, tui không đến nỗi nào, tui sẽ trả tiền cho các chị!”
Nhưng những người cùng hoàn cảnh, các bà cũng chỉ giấu được có ít tiền mua vé xe cho mình, có người còn không có tiền nên đều không thể giúp ông được. Trong lúc suy nghĩ làm sao phải về lại Sài Gòn trong khi bản thân đang ở Bạc Liêu, thì lại có 1 người công an đạp xe đuổi theo, người đó nói rằng :
– “Anh Năm Nghĩa gửi tiền xe cho anh về Sài Gòn”
Cho tới tận bây giờ, ông vẫn nói với bạn bè ông rằng trong những người ở bên kia chiến tuyến đó, vô tình vẫn có nhiều người tốt.
Ông đi vượt biên năm 1981 và định cư ở Mỹ năm 1984, mãi đến 1995 lần đầu tiên về Việt Nam, ông vẫn nhớ ơn người bạn Năm Nghĩa năm nào, ông tìm xuống Bạc Liêu tìm Năm Nghĩa, nhưng ông Năm Nghĩa đã qua đời. Nhạc sĩ có đến thắp hương và cảm ơn ông Năm Nghĩa.
Thiên Giang/Thời Báo