logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
khi  
#1 Đã gửi : 16/07/2013 lúc 06:07:09(UTC)
khi

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 338

UserPostedImage
Chuyện cũ: Đầu tháng 8 năm 2010, ở Hà Nội, đã cử hành Đại Hội Nhà Văn Việt Nam với sự tham dự của hơn 900 người. Với sự có mặt của một trung tướng công an trên bàn chủ tọa, cái xiềng xích của Đảng quàng lên cổ lên vai các văn nghệ sĩ vẫn còn. Những bài tham luận nảy lửa của Trần Mạnh Hảo, của Bùi Minh Quốc... đã không được đọc trước đại hội. Tinh thần khủng bố cũng như sự mua chuộc khiến kết quả cuộc bầu bán vẫn chỉ là cuộc chọn lựa tay sai để Đảng kềm chế văn nghệ sĩ. Từ chuyện hôm nay, nghĩ tới chuyện ngày trước. Tấn tuồng diễn đi diễn lại vẫn thế, chỉ thay đổi ít chi tiết. Văn nghệ có đổi nhưng vẫn cũ, không mới...



Chuyện cũ: Vào tháng 2 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa công bố “Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”. Danh sách những tác giả được giải là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm và hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Khi biết mình được nhận giải, nhà thơ Lê Đạt và Hoàng Cầm đã tỏ ra hân hoan và sốt sắng bày tỏ như Lê Đạt đã nói với phóng viên Việt Nam Net rằng một thành viên trong ban chấm giải là Đỗ Chu đã phát biểu là “có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Còn nhà thơ Hoàng Cầm thì tỏ ra cảm kích với kết quả của giải thưởng.

Có nhiều người đã tỏ ra không thiện cảm với hành động mau mắn ấy. Cái án Nhân Văn Giai Phẩm tới nay vẫn còn là một vết thương nhức nhối. Những lời buộc tội ngày nào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bây giờ vẫn rành rành ra đó, chưa bôi xóa được. Những đầy ải, tru diệt cho cá nhân và gia đình vẫn chưa phai... Giải thưởng cho bốn người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì có hai người đã ra người thiên cổ là Trần Dần và Phùng Quán. Theo nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thì có cả nhà thơ Hữu Loan trong danh sách những người được giải thưởng nhưng giờ chót bị thay thế bởi hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Có lẽ, vì sự can cường bất khuất của nhà thơ tác giả “Màu Tím Hoa Sim”.

Tình cờ, tôi đọc lại “Trần Dần Ghi 1954-1960”. Một cuốn sách lạ lùng. Từ tên tựa sách đến nội dung chất chứa bên trong. Những trang sách của một người viết cho chính mình ở thể dạng nhật ký nay một cách bất đắc dĩ thành một tác phẩm cho độc giả. Những dòng chữ của sự thực, một sự thực đen tối không tưởng tượng nổi. Những bi ký ghi chép lại một thời kỳ mà con người đối xử với nhau không giống con người. Có những sự thực chua chát, khi mà con người bị dồn đẩy vào trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, và trong nhiều trường hợp phải nghĩ đến mình mà quên đi những tình nghĩa, làm những điều mà kẻ sĩ không thể làm.

Trần Dần, một kiện tướng của Nhân Văn Giai Phẩm, người đã viết “Dạ Đài”, bản tuyên ngôn của thơ tượng trưng từ những năm 1946 và là nhà văn, nhà thơ có năng lực sáng tạo mãnh liệt, cũng là người chịu sự trù dập suốt cả cuộc đời của chế độ độc tài phi nhân. “Được cái hoạn nạn” ông đã chua chát tổng kết cuộc đời của mình. Tài ba như thế, tâm huyết như vậy mà vẫn phải chịu hết bão táp này qua phong ba nọ ròng rã mấy chục năm cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Đọc xong những trang sách cuối, bần thần một lúc, tự nhiên tôi thấy một nỗi buồn và mỗi khi nghĩ đến lại chạnh lòng. Cái cảm xúc ấy kéo dài nhiều ngày trong tôi. Tưởng tượng ra trong một xã hội mà con người phải luôn luôn sống thủ thế với nhau và tuyệt đối không tin tưởng vào một ai ngoài chính mình. Hoàn cảnh ấy đã tạo ra một quán tính chung để tự bảo vệ và sống còn. Trong cuộc sống ấy, mọi người tự rào kín mình trong chu vi phòng thủ, nhiều khi phải ích kỷ nghĩ đến mình trước và làm những công việc mà thật tình với thiên lương con người họ không muốn. Đè nén, trù dập, tù tội, bao vây kinh tế, thắt chặt sinh hoạt, cô lập hóa, tạo sự nghi kỵ lẫn nhau,... bao nhiêu là tội nạn chực chờ những người bị coi là có “vấn đề”. Những người ấy, có thể là những người đi sai đường lối của Đảng, hay không hưởng ứng sự suy tôn lãnh tụ hay thừa nhận quyền chuyên chính vô sản. Chuyện tru di tam tộc tưởng là chuyện phong kiến ngày xưa, nhưng những chuyện lý lịch, chuyện liên quan còn tàn bạo gấp nhiều lần. Đời sống ấy quá nhiều bi kịch, mà hậu quả dành riêng cho những nhà văn, nhà thơ có chân tài, có tâm huyết lại càng ghê gớm hơn như trường hợp Trần Dần. Lúc còn trẻ, tù tội gian nan, sống nghèo khổ không sinh kế, về già thì bệnh hoạn bại liệt, không có thảm cảnh nào hơn. Đó là một mẫu chân dung nhà văn bị đầy ải và bị nghiến nát trong guồng máy chính trị toàn trị độc tài.

Trần Dần viết,“Thế là tôi mất bảy năm kể từ ngày hòa bình bắt đầu sinh sự cho đến ngày xử án. Bảy năm trong văn học có ý nghĩa gì? Một cái chớp mắt. Bảy năm trong đời một con người thì có ý nghĩa lắm! Chớp mắt mãi mà không xong...”Ngày 7 tháng 7 năm 1958 là ngày ông bị án treo bút hai năm. Thế mà không ngờ cái án hai năm ấy kéo dài đến suốt cuộc đời. Bảy năm, từ 1954 đến năm 1960, từ xã hội đến con người đều có nhiều thay đổi. Cộng sản nắm chính quyền tạo nhiều biến động cho đời sống nhân dân. Chủ trương đấu tranh giai cấp. Trí phú địa hào, đào tận gốc bốc tận rễ. Cải cách ruộng đất, đấu tố, sửa sai, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu máu xương, nước mắt.

Thế mà nhà thơ Trần Dần lại viết phê bình phê phán lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu. Rồi mặc dù là đảng viên mà ông đã lập gia đình với người con gái thuộc thành phần gia đình “liên quan” có thân nhân di cư vào Nam bất chấp sự ngăn cấm của Đảng. Và về chủ trương văn nghệ thì ông đòi quyền tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ không thừa nhận chế độ chính ủy trong văn học. Thành ra, Trần Dần là người đứng đầu sóng ngọn gió, hứng chịu biết bao nhiêu đòn thù của chế độ. Bị phê phán bởi cả Hội Nhà Văn điều động, bị đấu tố bởi cả một tập đoàn cầm bút đang lăm le lấy điểm với chế độ. Thi sĩ Trần Dần chịu những áp lực đè nặng lên đời sống mình và gia đình mình.

Bảy năm ấy, với những trang nhật ký ghi chép lại, đã thành một cuốn sách để cho những lớp người của thế hệ sau hiểu được những tang thương dâu bể của một thế thời hỗn loạn của lịch sử Việt Nam. Ngôn ngữ là tiếng than ngậm ngùi, là biểu tỏ của tâm sự không biết có ai làm tri kỷ. Những trang sách, không phải chỉ viết về một người mà còn cho cả một thế hệ, với một sự thực mấp mé cảnh tượng của cơn hồng thủy.

Sự thực ấy, với Trần Dần, không phải được mô tả theo cảm quan của người đứng bên này hay bên kia chiến tuyến. Ở cương vị người quốc gia, những tác giả của Nhân văn Giai Phẩm là những thần tượng văn hóa, là tiếng nói của kẻ sĩ chân thật. Còn ở phía bên kia, họ là những người phản bội lý tưởng cộng sản, là kẻ nội thù, là những người phải bị phê phán và tiêu diệt.

Ở nhật ký “Ghi”của Trần Dần, có chân dung của một con người, có buồn vui riêng tư, có buồn bã thất vọng, có chua chát vì tình đời và cũng có những lúc đau xót vì tình người. Đọc những trang sách ghi nhận lại cảm xúc chân thực và rất người ấy, rõ ràng một điều là trong hoàn cảnh ấy, khó ai cưỡng chống lại được một guồng máy tàn bạo lạnh lùng của chế độ cộng sản. Trừ khi, như ý nghĩ của nhà văn Solhzenytsin, sự dối trá bị vạch trần và chế độ bị tan rã vì chính sự phản tỉnh ấy.

Con người, dù là văn nghệ sĩ, không phải là thần thánh siêu việt, nên đôi lúc cũng ích kỷ, cũng tự thủ thân bằng những hành động đôi lúc vì mình hơn là vì người. Nhưng họ vẫn là những người hướng thiện, có những ray rứt những ý nuốn đi gần đến điều thiện hơn là điều ác. Nhưng xã hội ấy lại đẩy con người đi gần cái ác hơn mà bỏ xa cái thiện. Không có bản cáo trạng nào hùng hồn hơn những trang sách mô tả đến những nhỏ nhen, những tị hiềm, những vết chàm của chân dung những người một thời vang bóng. Đọc xong, để xót xa để thương cảm. Và lại càng thấy hiện trạng của một xã hội bị sa đọa và xuống cấp trầm trọng. Làm sao hơn được, mọi người bị đẩy vào thế nghi ngờ nhau, tị hiềm nhau và như thế mọi đối kháng với chế độ không có cách nào liên kết với nhau được.

Lúc tôi còn trẻ, đọc “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của cụ Hoàng Văn Chí, hay đọc những bài thơ của Trần Dần, Phùng Quán, tôi đã nghĩ đến những sĩ phu Bắc Hà cang cường. Nay đọc lại nhật ký của Trần Dần thì sự ngưỡng mộ ấy không giảm bớt mà còn xót xa hơn. Từ sự thực ấy, mới hiểu được nỗi thống khổ của người cầm bút bị treo bút. Lại càng hiểu hơn những gánh nặng đè lên vai người mang cái nghiệp người cầm bút mà văn chương đã trở thành nghiệp... chướng. Cái họa văn tự đeo đuổi một đời, như những gông xiềng tuy không hiện hữu nhưng như mơ hồ ràng buộc. Chẳng thà là một cái tội có án để dễ thở hơn là những tội vạ cứ rình rập để tạo ra những bi thảm cho đời.

“Trần Dần, ghi 1954-1969”, nhiều khi là nhật ký không chỉ ghi chép lại những sự kiện hằng ngày mà còn là những ghi nhận có lúc mơ hồ không rõ ràng mà chỉ người viết mới hiểu được. Nhưng cũng có những đoạn rất rõ ràng minh bạch, ghi lại những sự kiện, những ý nghĩ bằng những hình ảnh, những ngôn từ chuyên chở được tâm cảm. Viết về thơ, với tâm thức của một thi sĩ, và thâm trầm của người hay suy tư triết học, ông đã có những dòng chữ thật xúc tích và chứa nhiều đam mê. Thí dụ đoạn viết kể lại hành trình đi vào thi ca của ông. Trước kia, ông viết tuyên ngôn của phái Tượng Trưng:

“Trước kia tôi muốn Thơ tôi thế nào?

Thời đó tôi muốn một thứ Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn, đang Bắc sang Đông, vừa ở Bắc lại vừa ở Đông. Người ta có thể bất phương chủ nghĩa, tự thả mình theo quy luật một thứ biện chứng duy tâm, những hình ảnh thơ nóng bỏng cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quái . Đúng là một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaos có harmonic của nó. Một cái hỗn độn có trật tự riêng của nó. Và cái harmonic, cái thần tiên, cái trật tự đó là tùy theo tiêu chuẩn tôi cho là ý thích của tôi. Mà ý thích của Tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Đó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi mười tám, mười chín tuổi.”



Lúc ấy là khi ông viết Dạ Đài. Nhưng khi chiến tranh, Trần Dần tham gia bộ đội, ông suy nghĩ về thơ khác hơn. Một phần nào, cuộc sống đã ảnh hưởng đến ông, nhưng ngược lại ông đã có những đối nghịch sâu sắc với những người lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Trần Dần là một trong những người sáng lập ra Tạp chí Văn Nghệ thuở đầu tiên nhưng lối thơ bậc thang của ông lại bị chê bai là lập dị khó hiểu. Cũng như khi soạn tài liệu giảng huấn cho các khóa đào tạo văn công, ông bị chỉ trích là diễn dịch sai chính sách văn nghệ của Đảng. Dù rằng sau đó ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và do cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tác động mạnh mẽ để ông hoàn tất tiểu thuyết “Người người lớp lớp”, một cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học kháng chiến thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Về thơ, ông đã đi gần với chính trị hơn, để viết về thời sự, về cuộc chiến đang diễn ra với tất cả sự khốc liệt của nó:

“Vào chiến tranh, tôi muốn Thơ tôi như thế nào?

Có những ngày và nhiều ngày, tôi không nghĩ tới nữa. Lại cũng có ngày tôi nghĩ rất nhiều. Có lúc tôi tưởng như nắm chặt chân lý trong tay rồi. Có lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời!

Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khỏe của những bắp thịt hồng. Lúc một thứ Thơ rõ nghĩa. Lúc một thứ Thơ vừa rõ nghĩa vừa mở 100, 1000 nghĩa khác. Lúc một thứ Thơ theo sát chính trị từng bước một. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế... Tôi vẫn hằng nghĩ, đó là chuẩn bị cho một cơn bão sẽ tới. Tôi góp gió cho nên trong chiến tranh tôi mất và tôi được là những cái đó, chưa thành cái gì cả. Tôi có thể nói chắc chắn rằng Thơ tôi chưa thành tức là chủ nghĩa chưa đúc, lý tưởng chưa chảy vào tâm máu, chưa hóa thành những tế bào của cuộc đời tôi. Thơ tôi chưa thành tức là con người tôi còn đang dang dở, cuộc đời tôi chưa có ra gì. Chiến tranh đã dạy cho tôi những điều lụn vụn, những sự thực chi tiết và bộ phận. Chiến tranh chưa tạo cho tôi thành một người có da có thịt. Tôi chưa nhìn thấy sự thực lớn lao nhất của cuộc sống. Cho nên không có lạ gì những ngày đầu tiên của Hòa Bình tôi rất buồn cho những năm chiến tranh của tôi, tôi có những hối hận những tiếc rẻ tiếc đắt, những ý nghĩ bâng quơ và nhạt mồm.”



Sau chiến tranh, tác giả rơi vào hụt hẫng. Thơ đang ngơ ngác giữa ngã ba đường. Người ta (chỉ lãnh đạo Đảng) muốn một đàng thì tâm ý ông lại ở một nẻo khác:

“…Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào?

Những sự suy nghĩ của tôi nó kế tiếp nhau tuy nhiều lúc tưởng rằng nó chống chọi nhau và từ bỏ nhau hẳn. Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào đó giải quyết được một số những mâu thuẫn giữa tôi và người ta và giữa tôi với tôi. Tôi muốn nhiều nghĩa, mờ ảo mà người ta muốn rõ nghĩa rành mạch. Vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó có một nghĩa rõ ràng kèm theo muôn ngàn nghĩa khác. Tôi muốn (...) không có vần, không có kỷ luật. Người ta thích thơ dễ đọc có vần vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn, cái nhịp đó đủ sức mạnh và âm điệu để cho tự nó có thể sinh tồn - chỗ có vần chỗ không có vần. Nó rất nhịp nhàng nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề khúc khuỷu, chối tai rức óc. Nhưng mà những cái đó lại nhịp nhàng. Nghĩa là tất cả những cái xốc họp lại thành cái êm. Một cái êm rất xốc...

Tôi thích Thơ phải có buồn có tủi, có suy nghĩ, có thấm thía có chua xót, có đau khổ, có máu, có mồ hôi, Thơ đầm nước mắt. Giọt mực là giọt máu, giọt mồ hôi. Accent thơ là những accent éo le, trái ngược, giận dữ, châm chọc, tự hào, hãnh diện, hằn học, soi mói...”



Viết một tập nhật ký là không ngoài chủ đích ghi nhận lại những cái “được” của tác giả, những hoạn nạn khởi đầu từ chuyện ông không bằng lòng với chính sách kiểm soát văn nghệ của Đảng, viết bài phê bình tập thơ “Việt Bắc” của người làm thơ thuộc loại quan chức lãnh đạo Tố Hữu. Thêm vào đó, mối tình của ông với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bị ngăn trở và phê phán gay gắt. Bà Ngọc Khuê xuất thân trong một gia đình Công giáo và cả nhà đã di cư vào Nam năm 1954. Bất chấp sự ngăn cấm và kỷ luật của đơn vị quân đội và Đảng bộ địa phương, Trần Dần vẫn không ngại bị gán tội “liên quan” và kết hôn với bà Ngọc Khuê gây nên những cơn bão tố cho suốt cả cuộc đời mình. Biết là sẽ khổ sở, biết là sẽ bị trù dập nhưng với bản tính riêng ông vẫn bất chấp. Trong Ghi, Trần Dần than thở:

“...Đời một người con gái, một đứa bé và đời tôi người ta quyết định tùy tiện như vậy sao?Vậy có nhân đạo gì nữa không?Tư tưởng lập trường gì mà đàn áp tâm hồn người ta như vậy?

Kính gửi những người phụ trách cuộc sống ở Việt Nam tôi buồn như thế, khổ như thế. Người ta hà khắc vô lối với đời tôi, đời người con gái tôi yêu, đời đứa con tôi sắp đẻ như thế...”

Khi ấy đang có cuộc di cư vào Nam và tình hình còn nhiều lộn xộn chưa ổn định nên Đảng chưa ra tay vội mà chờ thời gian sau thuận tiện hơn. Thế mà Trần Dần lại chọc tức bằng một công việc táo bạo là viết bài phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, một người coi như là thi sĩ tiêu biểu cho văn học miền Bắc. Bài phê bình rất nặng nề, coi Tố Hữu như một nhà thơ giả trá, thi ca không có hồn và toàn là sao chép lượm lặt chứ không có nét to lớn vĩ đại của sáng tạo mà bộ máy tuyên huấn đã xưng tụng. Nhỏ nhen, Tố Hữu ra lệnh bắt giam Trần Dần ở Việt Bắc. Vợ Trần Dần ở Hà Nội bơ vơ một mình, bụng mang dạ chửa, không sinh kế. Bạn bè phải thăm hỏi, giúp đỡ, nâng cao tinh thần. Vụ ông bị bắt gây ra dư luận ồn ào tại Hà Nội và Đảng buộc lòng phải dẹp yên và sửa sai bằng cách bắt buộc Trần Dần tham gia phong trào Cải Cách Ruộng Đất.

Năm 1956, nhân cơ hội chính biến ở Liên Xô, Krushchev hạ bệ Stalin và chủ trương xét lại nên một nhóm trí thức ở Hà Nội thực hiện “Giai Phẩm Mùa Xuân” trong đó có bài “Nhất Định Thắng” của Trần Dần. Tạp chí này vừa in xong là bị tịch thu ngay, Trần Dần bị đấu tố tơi bời, quy tội phản động, bị mang ra đấu tố công khai trước hội nghị. Trần Dần uất ức dùng lưỡi dao cạo cứa cổ tự sát nhưng không chết. Sau này còn vết sẹo to ở cổ.

Năm tháng sau, lợi dụng phong trào sửa sai sau cải cách ruộng đất, nhóm trí thức này lại thực hiện “Giai Phẩm Mùa Thu” và tạp chí Nhân Văn. Cụ Phan Khôi viết, “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ”, nhà thơ Hoàng Cầm viết “Con Người Trần Dần”. Sau khi bị đàn áp, đến năm 1957, báo Văn phê bình Đảng và Trần Dần đăng bài thơ “Hãy Đi Mãi”với sự xác quyết sẽ theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Trần Dần bị kỷ luật, bị treo bút ba năm nhưng thực tế thì bị ghi tên vào sổ đen đoạn trường và không một chủ nhiệm hay chủ bút nào có gan đăng bài viết của ông nữa. Cuộc đời của ông lúc này bị cô lập, tuyệt đường sinh kế, cả gia đình nheo nhếch sống nghèo đói khổ cực.

Ghi lại đời mình trong những trang nhật ký, ông trung thực trong từng ý nghĩ cũng như sự nhận định. Nhiều chi tiết mà tới bây giờ khi đọc tới vẫn làm người đọc rùng mình ghê sợ. Cải cách ruộng đất, vô sản chuyên chính, oan khuất chập chồng, cơ hội cho những kẻ mặt người dạ thú cầm quyền sinh sát. Những chuyện xảy ra, vừa bi vừa hài, tưởng là chuyện giỡn mà là sự thực. Con người đối xử với nhau tàn bạo, phản trắc, vì quyền lợi mà đôi khi giết nhau một cách gián tiếp, gán cho nhau những tội lỗi tày trời một cách điêu ngoa. Trần Dần ghi chép lại. Không phẩm bình nhưng cô đọng và lôi cuốn với sự thuyết phục. Đọc những trang nhật ký, mà ở đó sự thực được phô bày để rõ nét hơn một thời kỳ vô cùng đen tối của đất nước mà chủ nghĩa Mác Lê-nin đã gây ra.

Những trang nhật ký tiếp theo từ năm 1957 là những năm mà Trần Dần viết nhiều về những người cầm bút cùng thời kỳ với ông. Chân dung con người thực được tỏ lộ, để sự thực làm đau đớn và thất vọng những người đọc thời sau. Xã hội ấy, thì những chuyện như thế là chuyện dĩ nhiên phải có. Họ phải tự tạo ra áo giáp trong cuộc sống để thủ thế và nhiều khi có những lời nói, những việc làm trái với lương tâm ngược lại điều mong muốn.

Trần Dần viết về Lê Đạt, người mà về sau này đã nhận giải một cách thật là “khôn ngoan” và “hồ hởi”:

“...Viện Văn Học Gorki chả lấy 8 người đi học. Gạn mãi, ta mới chấm được 5! Ông Lê Đạt đâu tuyên bố: xin đi, để tị nạn!

Hoàng Cầm cười khỉnh: “Ông Lê Đạt mà! Bão chưa lên ông ấy đã trốn biến ngay”.

Trần Dần viết về Văn Cao, Hoàng Cầm:

“Cuối cùng Vcao (Văn Cao) bảo thẳng mặt Hcầm (Hoàng Cầm) rằng tính mày hay mách lẻo thì nhớ cho kỹ nội dung cuộc gặp hôm nay đấy, có mách thì mách cho đầy đủ!

Cuộc hội đàm bẩn thỉu ấy xong rồi, không biết Vcao có về báo cáo lãnh đạo hay không? Nhưng HCầm thì có: Anh ta gặp ngay NĐThi (Nguyễn Đình Thi) báo cáo ra sao không rõ, nhưng cũng có thể đoán là anh ta chắc không báo cáo đúng về riêng cái phần của anh ta! Tphác (Tử Phác) kết luận “cả hai thằng đều như hai con đĩ rạc đĩ rày cả. Bẩn hết chỗ nói!!”

Và đoạn khác: “Tphác nói ‘rất lạ, là nó cứ nói mình, rất cynique rằng nó xưa nay vẫn là người tiến bộ, theo Đảng! Kỳ thế cơ chứ, bao nhiêu lần pum, ăn uống, nó nói những gì, bây giờ nó làm như không có cả! mà nó lại rất thành thực cơ chứ, Vcao quên thực hay sao! Đặng Đình Hưng bỉu môi sì một cái. Quên. Nó thiếu probité... thì có’.

Đang lúc kiểm thảo ở cơ quan thì tiên chỉ đi pum. Tất nhiên là lãnh đạo phải biết! Một tối anh mò đến Tố Hữu. Tố Hữu hỏi:

- Có còn chống đối không?

- Thôi rồi. Văn Cao nói.

- Nhưng pum thì vẫn còn chứ? Tố Hữu hỏi độp một cái, khác gì cái tát.

Văn Cao choáng người, thú nhận vẻ xuê xoa:

- Có một lần... Hì!!

- Đã mắc chưa?

- Chưa!! Hì... Buồn quá thì lại đi... Hì!! Chứ chưa mắc... Hì...

Văn Cao về, kể lại chuyện ấy, có vẻ khoe cái sự thân mật của mình với Đảng đến được cái độ ấy!!”



Trong “Ghi” rất nhiều những đoạn ghi lại những câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Hoàng Cầm. Những người thực, chuyện thực. Và ở trên tất cả là một không khí chung của một xã hội mà mọi người không ai tin tưởng vào ai được, luôn luôn dè chừng, canh chừng nhau, thủ thế nhau, báo cáo lẫn nhau. Ở những khuôn mặt ấy, họ bộc lộ đầy đủ mặt xấu mặt tốt. Đừng ai bắt họ phải tử vì đạo bởi vì trong cuộc sống họ phải vật lộn bươn chải để tự sinh tồn nên cá tính của mỗi người hiện ra không che giấu được. Những năm 1959, 1960, Trần Dần sống trong hoàn cảnh tận cùng khổ sở, một vợ hai con, gia đình nghèo mà đơn bạc lại không được ở gần để săn sóc. Bị cải tạo lao động chân tay ở tập đoàn sản xuất Chí Linh ở gần thị xã Đông Triều. Công việc nặng nhọc, không phù hợp với thể chất thư sinh nên lâm bệnh nặng nhưng vẫn phải gượng làm việc, cố gắng để bày tỏ thiện chí muốn tự mình sửa đổi bằng lao động. Viết văn, làm thơ, lúc này đối với ông sao xa vời quá. Năm 1960, ông bị cải tạo ở khu gang thép Thái Nguyên, bị bệnh nặng nên được trở về Hà Nội. Sau đó, ông sống âm thầm bằng nghề dịch sách, bị cấm viết một cách không chính thức và xóa tên trong những sinh hoạt văn học. Trong “Ghi” có kể lại những ngày tháng đó, phác sơ lược nỗi đau đớn và vẫn là những câu hỏi để tự vấn chính mình. Lao động như thế có giúp ích gì cho nhà văn, nhà thơ hay không...

Đọc xong cuốn sách lần đầu, tôi bàng hoàng cả người và những lần sau đều như thế. Đời sống ấy, từ những phóng chiếu trung thực, từ tâm tư tác giả, phản ánh một thế thời đen thẳm. Câu văn, ý chữ, không phải đơn thuần mà như kết tinh bằng máu lệ của một đời người trí thức sống trong một xã hội đầy biến loạn nhiều biến cố. Trần Dần là một người cầm bút bất hạnh, là một nhà thơ luôn gặm nhấm nỗi bất lực của mình với cuộc đời. Cuộc sống dìm ông xuống tận đáy vực sâu, tuổi trẻ hoạn nạn, tuổi già bệnh hoạn liệt bại cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Trần Dần, tuy đời sống đầy tân toan cực nhục, mà thơ ông vẫn khởi hành. Đi, đi mãi như những câu thơ:



Tôi vẫn cháy

Ngọn hải đăng con mắt

Ở trong biển sống

Hằng đêm

Tôi vẫn đóng những câu thơ

Như người thợ đóng tàu

Chở khách

Đi về phía trước.

Nơi

Loài người

Đã biết sống chung nhau

Nơi

Tất cả

- chẳng còn ai bần tiện

chẳng còn lo

cơm áo

nợ nần



Nghĩ về một thi sĩ, nghĩ về một người tuẫn nạn bởi văn chương, tôi bắt chước ông Nguyễn Hữu Đang, khấn vái và cầu chúc:

“Anh đi nhé và sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài ở thế giới bên kia!!!”



Nguyễn Mạnh Trinh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.291 giây.