Một chiếc ô tô chạy trên một con phố vắng bóng người ở tỉnh Hồ Nam, gần biên giới với tỉnh Hồ Bắc, vốn đang bị cách ly vì virus corona mới, ngày 28/01/2020. REUTERS/Thomas Peter
Bắc Kinh phải đối mặt với một loại virus có nguy cơ lây lan nhanh trên một đất nước rộng lớn. Kèm theo đó là mối đe dọa siêu vi corona tấn công vào cả lĩnh vực tiêu thụ lẫn khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Với cộng đồng quốc tế, dịch viêm phổi 2020 đang chứng minh : "Trung Quốc mới ho cũng đủ để cả thế giới phải xanh mặt".
Kinh tế Trung Quốc chưa hết vận hạn từ năm Tân Hợi cho dù đã bước vào năm Canh Tý. Tưởng chừng tạm yên tâm về mặt thương mại sau khi đã ký kết một hiệp đình "ngừng bắn" với Washington, nhưng lại phải đối mặt với một đối thủ đáng sợ không kém là siêu vi gây viêm phổi corona.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po. trước hết nhắc lại, khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát hồi năm 2002-2003, phải mất nhiều tháng Bắc Kinh mới lên tiếng, lần này từ đầu tuần trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng minh đang làm chủ tình hình và nhìn nhận "tình hình nghiêm trọng" :
"Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ dịch SARS. Khi đó Trung Quốc đã không cung cấp thông tin kịp thời, chính quyền Trung Quốc bị cả công luận trong nước lẫn quốc tế cáo buộc che giấu thông tin. Lần này thì ngược lại, ngay từ Thứ Hai tuần trước, chính ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các cán bộ Nhà nước ở mọi cấp minh bạch thông tin và xử lý các ca lây nhiễm. Cũng có thể nói là Bắc Kinh phô trương nỗ lực đang làm tất cả để ngăn chận dịch bệnh lây lan. Dù vậy, một bộ phận trong công luận ở Trung Quốc vẫn hoài nghi về thực tâm của chính quyền. Số nạn nhân có thể còn lên cao hơn nhiều trong những ngày tới".
Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để trấn an công luận trong nước và quốc tế. Ngoài vấn đề y tế thì kinh tế mới là mối quan tâm của ban lãnh đạo trong tay ông Tập Cận Bình. Từ một tuần qua, Vũ Hán một lá phổi công nghiệp của Trung Quốc, trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường phố vắng bóng người. Các nhà máy đóng cửa chưa biết đến khi nào, nhân viên bất đắc dĩ phải nghỉ phép "vô hạn định".
Gần một tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, giới quan sát lo ngại, virus corona cướp đi từ 1 đến 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh GDP của nước này chỉ còn 6 % thay vì 11-12 % như vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích thêm :
"Về mặt kinh tế, sẽ có nhiều tác động cả về ngắn lẫn trung hạn đối với Vũ Hán và ngay cả với kinh tế của Trung Quốc nói chung. Vũ Hán có 11 triệu dân, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Tỉnh này tương đối giàu có. Phải đợi thêm vài ngày nữa mới có thể biết thêm về tác động kinh tế do virus gây nên, nhưng chắc chắn một điều là các sinh hoạt đang bị chựng lại. Trung Quốc là nơi các hoạt động mua bán trực tiếp rất quan trọng.
Với dịch viêm phổi lần này, người ta hạn chế ra đường, hay đi xem phim, đi mua sắm ... Chỉ số tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Nhiều chương trình du lịch vào dịp Tết tại Hoa Lục hay các kế hoạch đi ra nước ngoài đã bị hủy.
Nhìn đến khu vực sản xuất, tất cả đã bị ngưng lại từ nhiều ngày qua. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị ảnh hưởng đã đành, mà hơn thế nữa cả cỗ máy sản xuất của Trung Quốc cũng bị tác động dây chuyền, bởi vì Hồ Bắc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho cả nước, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy sản xuất. Trước mắt, Vũ Hán bị nặng nhất và những tác động về kinh tế được nhận thấy rõ nhất tại thành phố này".
Lá phổi công nghiệp Trung Quốc Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và từng được mệnh danh là một "Detroit" của ông khổng lồ châu Á này. Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc là Đông Phong (Dongfeng) đặt trụ sở tại Vũ Hán từ thời Mao Trạch Đông. Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Vũ Hán không chỉ là tủ kính trưng bày của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc mà còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66 % đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.
Hơn 300 tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn đầu tư vào thành phố này. Trong số đó, phải kể đến Microsoft của Mỹ, công ty sản xuất phần mềm của Đức SAP, hơn 160 hãng lớn nhỏ của Nhật Bản. Theo báo South China Morning Post, năm ngoái, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 6,5 % thì tại riêng thành phố này, tăng trưởng đạt 7,8 %. Báo The Guardian của Anh lưu ý GDP của riêng thành phố Vũ Hán lên tới 224 tỷ đô la năm 2018, tương tương với tổng sản phẩm nội địa của một quốc gia như Việt Nam hay Bồ Đào Nha.
Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại : với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với châu Âu, với Trung Đông và cả Hoa Kỳ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với thành phố Lyon, miền trung nước Pháp.
Về mặt ngoại giao và văn hóa, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ mở tòa lãnh sự tại Vũ Hán. Thành phố này cũng là một điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế ưa chuộng.
Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy quyết định "cách ly" Vũ Hán trong những ngày qua sẽ đem lại những hậu quả tai hại tới mức độ nào. Nhà báo Pierre Haski, từng là thông tín viên thường trực của báo Pháp Libération khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002-2003, trả lời trên đài France Inter và cho biết Trung Quốc đang bị một đòn đau và kèm theo đó là nguy cơ công phẫn trong xã hội gia tăng :
"Chắc chắn là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong vụ SARS, dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi từ 1 cho tới 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10 %. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc dự trù cho năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6 % một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, xóa đi từ 1 đến 1,5 % tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn có 5 %, những điều này lại càng đẩy Trung Quốc vào "vùng nguy hiểm". Nguy cơ bất ổn trong xã hội và những nỗi phẫn nộ chồng chất trong xã hội lại càng dễ dâng trào".
Trung Quốc ho, thế giới cảm lạnhTrước mắt, lãnh đạo nhiều công ty đang hoạt động tại Vũ Hán đều muốn tin rằng, dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn, nhưng đó là trước khi có lệnh "kéo dài thời gian nghỉ phép" vào dịp Tết Canh Tý đề phòng dịch bệnh lây lan. Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, thế giới đang lo cỗ máy tiêu thụ của nước đông dân nhất địa cầu bị đóng băng vì siêu vi corona.
Ngành du lịch của châu Á nói riêng và của thế giới nói chung lo ngại dịch bệnh kéo dài, du khách Trung Quốc hủy các chương trình tham quan ra hải ngoại. Thế giới điện ảnh Hollywood đang lo khi thấy số vé vào cửa tại Trung Quốc trong những ngày Tết vừa qua giảm mạnh. Vào ngày 30 Tết năm nay, các rạp chiếu phim trên toàn quốc thu vào được 1,8 triệu nhân dân tệ (tương đương với 260 ngàn đô la). Con số này giảm gần 1.000 lần so với đúng một năm trước.
17 năm trước, khi dịch SARS khi được phát hiện và đã kéo dài trong hơn 5 tháng (từ 15/03/2003 đến 05/07/2003) gây thiệt hại cho kinh tế thế giới chừng 40 tỷ đôla, gần 0,1 % GDP toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là khi đó GDP Trung Quốc tương đương với 8,3 % của thế giới ngày nay, còn nay tỷ lệ này được nâng lên tới hơn 20 %. Virus corona do vậy sẽ "ảnh hưởng" tới kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Hồi năm 2003, sức mua của 1,4 tỷ dân Trung Quốc không sánh được với bây giờ. Một số nhà quan sát lo rằng, thuần túy về kinh tế mà nói, có nguy cơ virus corona "độc hại" hơn SARS xưa kia.
Theo RFI