Phim nào sẽ giành giải Oscars năm nay?“The Irishman” khắc họa bức tranh xã hội Mỹ bị thao túng nặng nề bằng quyền lực và sự giàu có. (Hình: motionpictures.org)
HOLLYWOOD, California (NV) – Một trong những sự kiện được mong chờ nhất của giới mộ điệu điện ảnh Mỹ, lễ trao giải Oscars lần thứ 92, sẽ diễn ra vào cuối tuần này, Chủ Nhật, 9 Tháng Hai, 2020, tại nhà hát Dolby Theatre, Hollywood.
Nếu như năm ngoái có tám đề cử cho giải “Best Pictures,” tức là giải “Phim xuất sắc nhất,” thì năm nay có đến chín đề cử. Với sự trở lại của nhiều đạo diễn tài ba và gương mặt gạo cội đóng phim, cuộc đua “Best Pictures” dự đoán sẽ gay cấn và đầy bất ngờ.
1- The IrishmanĐạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese trở lại cuộc chơi điện ảnh năm nay với bộ phim “The Irishman,” với sự tham gia của hai gương mặt gạo cội của Hollywood là Robert De Niro và Al Pacino, hai tài tử kỳ cựu nổi tiếng từ ba bộ phim “The God Father.”
Dựa theo tiểu thuyết “I Heard You Paint Houses” của nhà văn Charles Brandt, bộ phim theo chân nhân vật Frank Sheeran, từ khi còn là người lính trong Đệ Nhị Thế Chiến, sau chiến tranh đi làm công việc giao thịt trong vùng, cho đến khi trở thành một sát thủ chuyên nghiệp, rồi trở thành một nhà chính khách, bảo kê cho các tập đoàn quyền lực và giàu có.
Dưới bàn tay điều khiển của đạo diễn Martin Scorsese và kịch bản của nhà biên kịch Steven Zaillian, “The Irishman” khắc họa bức tranh xã hội Mỹ bị thao túng với đầy rẫy cám dỗ quyền lực và cái giá phải trả cho những ai lỡ chân bị cuốn vào cỗ máy tiền bạc.
Bên cạnh đó, diễn xuất của tài tử Robert De Niro và Al Pacino giúp “The Irishman” xuất sắc có mặt trong danh sách đề cử Oscars năm nay.
2- 1917 Hai diễn viên George MacKay (trái) và Dean-Charles Chapman trong phim “1917.” (Hình: motionpictures.org)
Đạo diễn Sam Mendes có một năm thành công khi bộ phim “1917” của ông gây tiếng vang lớn trong năm nay với hàng loạt giải thưởng lớn và nhỏ tại các Đại Hội Điện Ảnh thế giới.
Bộ phim về đề tài chiến tranh tưởng chừng như vô cùng khô khan, bạo lực và âm u nhưng với “1917” thì khác. Nó vẫn khắc họa một cách chân thật sự tàn nhẫn, khốc liệt, chết chóc tang thương mà chiến tranh đem lại, nhưng điều làm cho “1917” khác biệt chính là mạch cảm xúc đem lại cho người xem. Tình người, tình đồng đội, cộng với sự hy sinh cao cả của người lính khiến khán giả không khỏi ngậm ngùi, đồng thời truyền cảm hứng cho một niềm tin, hy vọng về một tương lai cuộc sống hòa bình tốt đẹp hơn. Giá trị nhân văn mà đạo diễn Sam Mendes truyền tải cho người xem chính là tình thương và sự đồng cảm của những người ở hai đầu chiến tuyến và niềm khát khao mưu cầu hạnh phúc và bình yên của con người.
Bộ phim sử dụng kỹ thuật quay one-take, tức là chỉ quay một shot hình duy nhất, khiến hình ảnh chân thật hơn, cảm xúc hơn. Khán giả xem phim cứ ngỡ như mình đang đồng hành cùng hai người lính, cùng họ đi qua từ chiến hào này đến chiến hào khác.
3- Parasite Đạo diễn Bong Joon-ho dùng chất liệu màu sắc u ám để thể hiện sự khác biệt sâu sắc giữa hai tầng lớp xã hội trong “Parasite.” (Hình: motionpictures.org)
Nhân tố đặc biệt nhất trong danh sách đề cử giải Oscars năm nay chính là bộ phim “Parasite,” hay tựa tiếng Việt là “Ký Sinh Trùng,” của các nhà làm phim Nam Hàn. “Hài hước, giật gân, đầy ám ảnh, đầy kịch tính, xuất sắc” là những từ ngữ được các nhà phê bình phim lặp đi lặp lại khi nói về “Parasite.”
Bộ phim của đạo diễn Bong Joon-ho, lấy bối cảnh đất nước Nam Hàn thời hiện đại, kể về câu chuyện hai tầng lớp xã hội thượng lưu và hạ lưu. Nếu như thượng lưu là lớp người tận hưởng mọi thứ tốt nhất trên đời, mà đại diện trong phim chính là gia đình nhà họ Park thì tầng lớp hạ lưu như gia đình ông Ki-taek phải sống trong cảnh túng thiếu dưới đường hầm ẩm thấp, không việc làm, đói nghèo, tìm mọi cách để tồn tại thậm chí là bằng cách lừa gạt người khác.
Bằng các hình ảnh và thước phim ẩn dụ đặc sắc, nổi bật lên sự khác nhau tương phản sâu sắc giữa giàu và nghèo, “Paratise” đi từ một bộ phim hài hước nhẹ nhàng chuyển biến sang phần kịch tính, giật gân, hơi hướm kinh dị khi lột tả chân thật hoàn cảnh nghiệt ngã, châm biếm trào phúng như bỡn cợt khi các nhân vật bị cuốn vào những suy nghĩ và cám dỗ do chính mình tạo ra.
Trước buổi lễ trao giải Oscars sắp diễn, “Ký Sinh Trùng” xuất sắc nhận giải Cành Cọ Vàng và giải WGA của Hiệp Hội Biên Kịch Mỹ chọn. Nếu bộ phim của đạo diễn Bong Joon-ho đoạt giải “Best Pictures” năm nay, đó không chỉ là niềm tự hào của người Nam Hàn mà còn là của nền điện ảnh Á Châu.
4- Ford v. Ferrari Christian Bale (trái) và Matt Demon khắc họa thành công nhân vật dựa trên câu chuyện có thật ở nước Mỹ trong phim “Ford v. Ferrari.” (Hình: motionpictures.org)
“Ford v. Ferrari” là bộ phim do hãng Disney đầu tư và sản xuất, kể câu chuyện có thật của nhà thiết kế xe hơi người Mỹ Carrol Shelby và tay đua người Anh Ken Miles. Cả hai cùng nhau hợp tác và chiến đấu chống lại các chướng ngại vật từ các hãng xe, các định luật vật lý và thậm chí là xung đột trong chính bản thân họ để chế tạo ra một chiếc xe đua chưa từng có cho hãng Ford Motor Company, đối đầu với chiếc Ferrari tại cuộc đua 24 Hours of Le Mans tại Pháp năm 1966.
Với kinh nghiệm dày dặn của hai tài tử Matt Demon và Christian Bale, “Ford v. Ferreri” lột tả rõ nét tình anh em “bromance” đặc trưng của người Mỹ, đồng thời thể hiện bản lĩnh của người đàn ông khi theo đuổi ước mơ và biến những điều kỳ diệu thành hiện thực, cho dù tất cả mọi người quay lưng lại và không tin tưởng vào khả năng của mình.
5- Jojo Rabbit Không chỉ là đạo diễn, Taika Waikiki còn đảm nhận nhân vật Adolf Hitler trong “Jojo Rabbit.” (Hình: motionpictures.org)
Đạo diễn Taika Waititi được biết đến với tài năng châm biếm sâu sắc qua các tác phẩm mang tính trào phúng, chế giễu dựa trên chất liệu hình ảnh, đối thoại và cách khai thác nhân vật. Và bộ phim “Jojo Rabbit” không phải là ngoại lệ.
Cùng đề tài về chiến tranh, nhưng khác với “1917,” “Jojo Rabbit” là góc nhìn của một em bé trai người Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến khi cha em phải ra chiến trường không biết sống chết ra sao, trong khi người mẹ phải tất tả lo cơm áo gạo tiền trong thời loạn lạc và người chị chết vì cúm. Chàng trai nhỏ tuổi tìm kiếm niềm vui trong lý tưởng của chính mình, khi tưởng tượng ra người bạn của cậu, chính là Adolf Hitler, do chính đạo diễn Taika Waititi thủ vai. Để rồi sau một tai nạn nếm thử trái lưu đạn, em bị thương nặng, mặt biến dạng, cậu bé mới nhận ra lý tưởng thật sự và giá trị cốt lõi của cuộc sống khi vô tình phát hiện ra cô bé Do Thái trốn chui nhủi trong nhà mình do chính mẹ mình che giấu cưu mang.
Nếu như các bộ phim nổi tiếng như “Schindler’s List” của đạo diễn Steven Spielberg hay “The Pianist” của đạo diễn Roman Polanski khắc họa chân thật nỗi bi ai mà lịch sử thế giới phải chứng kiến của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, thì ở “Jojo Rabbit” nó được thể hiện một cách đầy hài hước và châm biếm. Từ đó, thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm đến chính là mỗi người trong chúng ta nên giữ lại một chút hồn nhiên và ngây thơ của con nít, để thế giới và nhân loại trở nên hiền hòa và thanh bình hơn.
6- Once Upon a Time in Hollywood Kinh đô điện ảnh Hollywood hào nhoáng đầy tham vọng được thể hiện chân thật qua “Once Upon a Time in Hollywood.” (Hình: motionpictures.org)
Chỉ nghe qua hai cái tên Brad Pitt và Leonardo DiCaprio và dưới bàn tay điều khiển của đạo diễn Quentin Tarantino, là đủ tạo nên độ “hot” và bảo đảm phẩm chất cho “Once Upon a Time in Hollywood.”
Lấy bối cảnh Hollywood năm 1969, bộ phim kể về chàng diễn viên hết thời Rick Dalton, do Leonardo DiCaprio thủ vai, phải làm công việc đóng thế cho tài tử Cliff Booth, do Brad Pitt đóng. Không chỉ Rick Dalton mới hết thời vận mà thậm chí cả Cliff Booth cũng đang loay hoay tìm cách vực dậy tên tuổi của mình. Qua câu chuyện của hai nhân vật, khán giả sẽ hiểu được những góc khuất, mồ hôi công sức, thậm chí là xương máu mà các diễn viên phải đối mặt đằng sau vẻ hào nhoáng hoa lệ của kinh đô điện ảnh.
Điều thú vị của phim chính là cách mà đạo diễn Quentin Tarantino kết nối các sự kiện có thật ở Hollywood, như chuyện minh tinh Sharon Tate bị giết thảm khốc, hay cái chết của tài tử Lý Tiểu Long, từ đó bật lên giấc mơ Mỹ mà nhiều người theo đuổi, bắt đầu từ nền tảng yêu điện ảnh tha thiết và cả khát khao thể hiện bản thân, như cách mà các nhân vật phải đối mặt ở chốn kinh đô điện ảnh phồn hoa tráng lệ nhưng cũng đầy nhẫn tâm, tàn bạo và lạnh lùng.
7- Joker Joker do tài tử Joaquin Phoenix thể hiện lột tả nét điên dại, ngông cuồng, tội lỗi của tên tội phạm đầy ám ảnh nhưng ẩn sâu là một tâm hồn bị tổn thương sâu sắc. (Hình: AP Photo)
Diễn xuất xuất thần của tài tử Joaquin Phoenix trong vai chàng hề Joker đầy ma mị, man rợ và đầy ám ảnh là một trong những yếu tố giúp bộ phim “Joker” có mặt trong danh sách đề cử năm nay.
Bộ phim của đạo diễn Todd Phillips không hề dễ coi, ngược lại, nó có thể khiến người xem bị rơi vào cảm xúc bàng hoàng cực độ khi những bạo lực, đen tối được khắc họa quá chân thật và dã man, cộng với lớp lan không gian và thời gian của phim đan xen nhau chồng chất. Nhưng qua đó, nó bộc lộ được nội tâm và sự chuyển biến tâm lý đến khó tin của nhân vật Arthur Fleck, từ một chàng trai hiền lành với ước mơ trở thành danh hài độc thoại cho đến khi trở thành tên tội phạm tàn nhẫn, điên loạn dưới vỏ bọc thằng hề miệng đỏ đầy ám ảnh.
Không gian ngột ngạt và u ám của thành phố Gotham trong thập niên 1980 với hình ảnh các tòa nhà nhớp nháp, u tối, dơ dáy cùng với con người sinh sống hằng ngày với tinh thần kiệt quệ, “Joker” đem đến cho khán giả câu hỏi nhức nhối về xã hội và các giới hạn về đạo đức.
8- Little Women Từ trái, Emma Walson, Saoirse Ronan, Florence Pugh và Eliza Scanlen, đại diện hình ảnh phụ nữ mạnh mẽ trong phim “Little Women.” (Hình: motionpictures.org)
Bộ phim duy nhất của nữ đạo diễn nằm trong đề cử Oscars năm nay là “Little Women,” dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Louisa May Alcott. Sau bộ phim “The Lady Bird” gây tiếng vang lớn, nữ đạo diễn Greta Gerwig trở lại màn ảnh rộng với câu chuyện kể về gia đình giàu có “sa cơ lỡ vận” trong thời kỳ nội chiến Mỹ. Bốn chị em, bao gồm Amy, Jo, Beth, Meg và người mẹ của mình tại Massachusett phải đùm bọc, bảo vệ nhau khi người cha đi lính.
Bộ phim sẽ theo chân bốn chị em trải qua những năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành với những rung động đầu đời. Mỗi “phụ nữ nhỏ bé” đều có những ấp ủ, ước mơ và hoài bão cá nhân cũng như phải đối mặt với những đấu tranh và mục tiêu khi họ lớn lên.
Cuộc đời của bốn chị em nhà họ March từ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành cũng chính là đâu đó những suy nghĩ, cảm xúc của người phụ nữ, cho dù là sống ở giai đoạn hay xã hội nào, cũng như thông điệp nữ quyền mà nhà làm phim muốn gửi gắm qua những nhân vật nhỏ bé trong phim. Đó chính là hạnh phúc là do chính bản thân mình làm chủ, cho dù định kiến xã hội khắt khe thì hoài bão và ước mơ sẽ không bao giờ bị dập tắt.
9- Marriage Story “Ly hôn, cuối cùng là lỗi ở ai?” là câu hỏi đau đáu sau khi khán giả xem xong phim “Marriage Story.” (Hình: motionpictures.org)
Nữ diễn viên Scarlett Johansson trúng “jackpot” năm nay khi cả hai phim cô đóng đều có mặt trong hạng mục “Best Picture” của Oscars. Bên cạnh nhân vật người mẹ trong “Jojo Rabbit,” Scarlett Johansson thể hiện xuất sắc vai người mẹ Nicole trong cuộc chiến giành quyền nuôi con với chồng cũ trong quá trình ly dị.
Đạo diễn Noah Baumbach khắc họa hành trình cảm xúc phức tạp của con người thông qua mối quan hệ giữa hai vợ chồng Nicole và Charlie, cả hai bắt đầu từ tình yêu say đắm, kết hôn, sinh con rồi cuối cùng lại cất bước ra đi. Có lẽ tình yêu giữa Nicole và Charlie không mất đi, nhưng chính những áp lực cuộc sống hằng ngày, những khác biệt trong suy nghĩ, những mệt mỏi dần dần xuất hiện và ở lại lâu hơn, những bức bối trong cuộc sống, những xúc cảm rời bỏ giấc mơ dang dở để gồng gánh trách nhiệm gia đình, để rồi từ bỏ luôn chính bản thân mình, và cuối cùng là buông tay nhau.
Chính cuộc chiến ly hôn giành quyền nuôi con là cơ hội để cả Charlie và Nicole nhận ra tình cảm của mình nó còn sâu sắc và đậm đà đến chừng nào, nhưng đồng thời nó cũng là bước ngoặt để cả hai bần thần nhận ra hôn nhân không được nuôi dưỡng mà chỉ yếu ớt bám vào niềm tin bền chặt không thôi thì cũng có ngày không thể hàn gắn.
Bộ phim kết thúc sẽ để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc cho khán giả, và có lẽ một trong những câu hỏi thấp thoáng trong đầu người xem chính là “Hôn nhân tan vỡ, thì cuối cùng là lỗi do ai?”
Nhất Anh/Người Việt