Một nhân viên trên sàn chứng khoán New York (NYSE), Hoa Kỳ, ngày 27/02/2020 REUTERS/Brendan McDermid/File Photo
Từ đầu năm đến nay, chỉ số các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu đã sụt khoảng 20% do tác động kép của dịch Covid-19 và tình trạng giá dầu tuột dốc.
Dịch viêm phổi do virus corona hiện đang làm tê liệt một phần của nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc, quốc gia chiếm 20% GDP toàn cầu, có nước Ý, một thành viên của nhóm G7, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Ấy là chưa kể nước Pháp, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 6 thế giới, cũng có thể sẽ bị giống như Ý.
Do mối lo ngại dịch bệnh này sẽ gây tác hại lâu dài lên nền kinh tế thế giới, mà ngày 09/03/2020 đã trở thành ngày thứ Hai đen đối với các thị trường chứng khoán trên toàn cầu.
Chỉ số thị trường Franforct đã sụt giảm đến 7,94%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt tấn công khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Thị trường Luân Đôn cũng bị mất 7,69%, còn Paris mất đến 8,39%, nặng nhất kể từ năm 2008, tức là năm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trước tình hình này, theo hãng tin AFP, hôm nay, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp với nhau từ xa để phối hợp hành động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm tới sẽ đề ra các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của nước khu vực đồng euro.
Theo lời nhà phân tích người Nhật Kiyoshi Ishigane được hãng tin Bloomberg trích dẫn, các thị trường tài chính trông chờ rất nhiều vào các biện pháp của châu Âu huy động ngân sách để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ kinh tế.
Mối lo ngại tái diễn khủng hoảng tài chính nay đã lan ra toàn cầu, chứ không phải riêng châu Âu, bằng chứng là hôm qua, chỉ số của thị trường chứng khoán New York đã sụt 8% vào đầu buổi chiều, theo chân các thị trường châu Á và vùng Vịnh. Cho nên hôm qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã kêu gọi phải có một đối sách phối hợp ở cấp độ thế giới để ngăn chận khủng hoảng tài chính 2008 tái diễn.
Nhưng dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, mà bên cạnh đó còn có tình trạng giá dầu tuộc dốc trong những ngày qua. Hôm qua, giá dầu ở Luân Đôn cũng như ở New York đã sụt đến 25%, mức sụt giảm nặng nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991
Bình thường trong tình hình như vậy thì các nước xuất khẩu dầu hỏa sẽ tìm cách giảm bớt sản lượng để nâng giá dầu lên trở lại. Thế nhưng, trong cuộc hôm thứ sáu tuần trước với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC, nước Nga, quốc gia sản xuất dầu đứng hàng thứ hai thế giới hiện nay, đã không chấp nhận đề nghị của Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Bất đồng này đã khiến giá dầu sụt 10% ngay ngày hôm đó.
Theo nhà phân tích Jeffrey Halley, được hãng tin AFP trích dẫn, Ả Rập Xê Út dường như muốn trừng phạt nước Nga cho nên đã quyết định « phá giá » dầu. Còn nước Nga, tự tin vì đang có nguồn dự trữ tài chính dồi dào, kiên quyết không chịu thua Ả Rập Xê Út, tuyên bố sẵn sàng để cho giá dầu tiếp tục tuột dốc.
Nhà phân tích Josh Mahony cho rằng thị trường dầu hỏa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới, nhất là vì, do tác động của dịch Covid-19 lên tăng tưởng kinh tế thế giới, nhu cầu về dầu hỏa trên toàn cầu sẽ bớt đi. Hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo năm nay nhu cầu dầu hỏa của thế giới sẽ sụt giảm lần đầu tiên từ năm 2009, cụ thể là mỗi ngày sẽ giảm 90 ngàn thùng so với năm 2019. Tổ chức này không loại trừ kịch bản xấu nhất, đó là nhu cầu dầu hỏa sụt đến 730 ngàn thùng/ngày, nếu các vùng bị dịch mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và dịch bệnh lan rộng hơn nữa trên thế giới.
Theo RFI