Báo cáo nhân quyền VN 2019 của BNG Mỹ không nêu vụ bắt Phạm Chí DũngBáo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố ngày 11/03/2020. Photo State.gov
Hôm 11/03/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019, trong đó liệt kê một số vi phạm của chính quyền về việc bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị, và một số vấn đề về tự do ngôn luận, tự do báo chí…Tuy nhiên, báo cáo không nhắc đến vụ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bị bắt.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm 2019 các giới chức hay những nhân viên khác dưới quyền chỉ huy của Bộ Công an hay sở Công an tỉnh giết hại người dân tuỳ tiện hay bất hợp pháp, “trong đó có ít nhất 7 người bị các nhân viên thi hành công lực giết.”
Báo cáo cũng nêu trường hợp mất tích của blogger Trương Duy Nhất, cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA) mất tích tại Bangkok, Thái Lan, vào tháng 1/2019, một ngày sau khi đệ đơn xin tị nạn với Cao Uỷ Tị nạn LHQ (UNHCR).
Báo cáo nhận định rằng các tù nhân chính trị ở Việt Nam thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình với các ví dụ điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra họ còn bị hạn chế gặp gia đình, người thân. Riêng tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa bị kỷ luật, biệt giam từ tháng 5 đến tháng 9.
Báo cáo nêu trường hợp các nhà hoạt động bị câu lưu trong nhiều giờ vì xuất hiện trên đường phố Hà Nội trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tháng 2/2019.
Báo cáo cũng nêu việc luật sư Trần Vũ Hải bị từ chối quyền bào chữa cho blogger Trương Duy Nhất và bản thân ông Hải cũng bị điều tra, xét xử với cáo buộc “trốn thuế.”
Trong phần tự do ngôn luận, tự do báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Việt Nam tiếp tục hạn chế những phát biểu chỉ trích lãnh đạo đảng hay chính phủ, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, nêu vấn đề về nhân quyền tự do tôn giáo và chủ quyền lãnh thổ chống lại Trung Quốc.”
“Chính phủ Việt Nam hạn chế và làm gián đoạn việc tiếp cận Internet, kiểm duyệt nội dung trên mạng và theo dõi thông tin liên lạc của các cá nhân mà không qua thẩm quyền pháp lý nào cả.”
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, báo cáo nhân quyền Việt Nam 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA Tiếng Việt và là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, bị bắt vào tháng 11/2019 với báo cuộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Cổng thông tin Bộ Công an VN đăng tin ông Phạm Chí Dũng bị bắt.
Theo VOA