Ảnh chụp tại nhà máy Boeing Everett, Washington, Hoa Kỳ vào ngày 23/03/2020 sau khi hãng Boeing tuyên bố tạm thời ngưng sản xuất tại các cơ sở Puget Sound, do dịch Covid-19. REUTERS - David Ryder
Dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, thậm chí còn nặng nề hơn cả thời kỳ Đại khủng hoảng (từ cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1940). Cú sốc sẽ mạnh như thế nào là tùy thuộc vào phương thuốc của chính phủ, ngân hàng trung ương các nước và các định chế tài chính quốc tế.
Ngay trước cuộc họp khẩn cấp của nhóm G20 hôm qua 25/03, các kinh tế gia của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo là những nền kinh tế của nhóm này sẽ bị một cú sốc chưa từng có trong nửa đầu năm 2020 và có mức tăng trưởng âm trong năm 2020, trước khi phục hồi vào năm 2021.
Cụ thể, theo Moody’s, trong năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các quốc gia nhóm G20 sẽ sụt giảm 0,5%, GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 2%, GDP của khu vực đồng euro giảm 2,2%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 3,3%, mức rất thấp đối với quốc gia này.
Riêng về kinh tế Hoa Kỳ, ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo GDP của nước này sẽ sụt giảm đến 3,8%. Còn ngân hàng Deutsche Bank không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái trầm trọng nhất, ít ra là kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Tại châu Âu, bộ trưởng Kinh Tế Đức dự báo kinh tế nước này sẽ bị suy thoái đến 5% trong năm 2020.
Tổng thư ký của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) Angel Gurria thì bi quan hơn nhiều, dự báo kinh tế thế giới sẽ bị suy thoái trong nhiều năm.
Theo nhận định của hãng tin AFP, khủng hoảng virus corona sẽ nặng nề hơn khủng hoảng 2008, vì lần này, không chỉ có hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế thực (real economy) cũng bị ảnh hưởng sâu rộng, bởi vì hàng trăm triệu người phải nghỉ làm, tự cách ly trong nhà để ngừa lây nhiễm, khiến nền sản xuất sụp đổ, và mức cầu cũng sụt giảm theo.
Những lĩnh vực bị nặng nhất là giao thông, du lịch, phân phối hàng hóa. Chỉ có ngành công nghiệp liên quan đến thiết bị và sản phẩm y tế, kinh doanh thực phẩm và thương mại trực tuyến là được hưởng lợi từ đại dịch Covid-19.
Một hậu quả khác của dịch virus corona là thất nghiệp sẽ tăng cao, nhất là tại châu Âu. Đây là nơi có luật bảo vệ người lao động rất chặt chẽ, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng vọt lên 12%, từ đây đến cuối tháng 6, xóa sạch những thành quả mà các nước châu Âu đã đạt được trong 7 năm qua. Còn tại Hoa Kỳ, nơi mà ngay cả những người làm việc với hợp đồng dài hạn vẫn có thể bị sa thải, các kinh tế gia dự báo là số người thất nghiệp sẽ tăng với mức độ « chóng mặt ».
Để đối phó với tác động kinh tế của dịch Covid-19, nhiều nước đã đề ra các kế hoạch huy động cả trăm, cả ngàn tỷ đôla, chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, Thượng Viện hôm qua vừa nhất trí thông qua một kế hoạch « lịch sử » 2.000 tỷ đôla để hỗ trợ nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đức là một quốc gia đã thắt lưng buộc bụng suốt nhiều năm qua để kềm chế thâm thủng ngân sách, nhưng các dân biểu Quốc Hội nước này hôm qua đã không ngần ngại thông qua một kế hoạch cũng « lịch sử » không kém, sử dụng gần 1.100 tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế hàng đầu châu Âu.
Những nước lắm tiền nhiều của thậm chí còn trợ cấp tiền cho người dân để kích thích tiêu thụ, gọi là tiền « thả dù » hay là tiền « trực thăng » (helicopter money), như ở Mỹ, mỗi gia đình hai con sẽ nhận được ngân phiếu 3.000 đôla. Hồng Kông cũng làm tương tự, phát hơn 1000 đôla cho mỗi cư dân ở đặc khu hành chính. Hiện giờ các nước châu Âu chưa làm như thế, nhưng một số kinh tế gia đã đề nghị Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu tặng cho mỗi công dân của Liên Hiệp Châu Âu 1.000 euro để mua sắm.
Theo RFI