Khi thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký công hàm 1958 thì văn kiện này gặp trở ngại lớn lao về pháp lý. Đó là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, như một quốc gia, không có tư cách pháp lý, nhường một phần lãnh thổ (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc chủ quyền của một đệ nhị quốc gia là nước Việt Nam Cộng Hòa, cho một đệ tam quốc gia là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa...
Đại dịch Vũ Hán đang tàn phá Trung Hoa Lục Địa và toàn thể nhân loại. Tuy thế, tai họa này vẫn không giảm thiểu tham vọng bá quyền xâm lược của đảng CSTQ đối với Việt Nam qua các hoạt động tập trận, xâm phạm lãnh hải và vùng kinh tế cũng như hiếp đáp gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Nhà cầm quyền CSVN gần đây đã gởi 3 công hàm (30/3, 10/4 và 14/4) cho Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Phía Trung Quốc trả đũa bằng cách trưng ra Công Hàm của cố thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 như là một biện minh cho chủ quyền TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Hầu đả phá toàn diện biện minh này của TQ, chúng ta cũng phải duyệt lại một lần nữa giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng. Tôi đã nêu ra lập luận này ngày 3/8/2016:
Nội dung của công hàm này là gì?
Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, gởi cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện, tương đương thủ tướng Trung Quốc, nội dung như sau:
“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Phạm Văn Đồng
Thủ tướng chính phủ
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Câu hỏi mà mọi công dân Việt Nam yêu nước luôn nêu ra là: liệu công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý, trước một pháp đình nghiêm chỉnh hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải qua một quá trình phân tách như sau.
Trước hết, người CSVN cho đến bây giờ, vẫn luôn biện minh rằng, công hàm này chưa từng nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế không thể kết luận rằng công hàm xác nhận hai quần đảo này thuộc TQ.
Tuy nhiên người TQ sẽ phản biện rằng, công hàm này tán thành tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc “quyết định về hải phận 12 hải lý” của họ. Tuyên bố của TQ ghi rõ:
“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:
1. Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Hoàng Sa thì TQ gọi là Tây Sa và Trường Sa thì TQ gọi là Nam Sa.
Người CSVN có thể lập luận rằng, công hàm này chỉ giới hạn ở vấn đề hải phận 12 hải lý.
Trong khi đó, người CSTQ sẽ lập luận rằng, trong một văn kiện quan trọng như thế, nếu muốn giới hạn thì ông Phạm Văn Đồng đã ghi rõ rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi Phạm Văn Đồng không làm điều đó thì đã chứng minh sự công nhận chủ quyền TQ trên hai quần đảo này.
Điểm thứ nhì cần phân tích là một văn kiện nhường chủ quyền của một thành phần máu huyết của tổ quốc, cho một ngoại bang như TQ, như công hàm này, đã thông qua những thủ tục hiến định cần thiết hay chưa?
Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần duyệt lại nội dung hiến pháp có hiệu lực vào thời điểm ông Phạm Văn Đồng ký công hàm. Người CSVN kinh qua nhiều hiến pháp khác nhau. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Thời điểm ký phù hợp với Hiến Pháp 1946 vì Hiến Pháp 1959 chỉ được Quốc Hội thông qua ngày 31 tháng 12, 1959 và Ông Hồ Chí Minh công bố ngày 1 tháng 1, năm 1960.
Khi phân tích Hiến Pháp 1946, thì Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo quốc hội chế. Quốc hội lúc đó gọi là Nghị Viện Nhân Dân và theo điều 23 có trách nhiệm chuẩn y các hiệp ước ký với nước ngoài. Theo điều 32 Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Sau cùng theo điều 49 chỉ có chủ tịch nước, tức ông Hồ Chí Minh mới có quyền “ký hiệp ước với các nước”.
Trong Hiến Pháp 1946, chức vụ thủ tướng hoàn toàn chịu sự lãnh đạo của chủ tịch nước và không có quyền ký một văn bản quan trọng liên hệ đến vận mệnh hoặc chủ quyền quốc gia. Ngay cả trong trường hợp ông Hồ Chí Minh đích thân ký công hàm này, cũng không thể có hiệu lực vì nhân dân chưa có phúc quyết theo điều 32 và Nghị Viện Nhân Dân chưa chuẩn y.
Dĩ nhiên cả hai ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Bộ Chính Trị lúc đó đều ý thức điều này. Nếu muốn công hàm có hiệu lực, họ phải khơi động (invoke) các điều khoản hiến pháp liên hệ và thông qua những thủ tục hiến định. Sau đó đích thân ông Hồ Chí Minh, thừa ủy nhiệm của Nghị Viện Nhân Dân, theo điều 49 hiến pháp, ký vào công hàm. Tuy nhiên, một là lãnh đạo các đảng CS kể cả CSTQ có thói quen coi thường hiến pháp. Thói quen này này của họ vô hình trung trở thành một lợi điểm pháp lý cho chúng ta. Hai là cả Hồ Chí Minh lẫn Phạm Văn Đồng muốn lập lờ đánh lận con đen với cả Trung Quốc lẫn nhân dân Việt Nam, hầu nhận sự Viện trợ của Trung Quốc.
Dĩ nhiên Trung Quốc có thể vin vào điều 27 của Công Ước Vienna về Luật các Hiệp Ước (Vienna Convention on the Law of Treaties) quy định rằng một quốc gia không thể viện dẫn một luật nội địa để không thi hành một hiệp ước. Tuy nhiên điều 27 có thể bị điều 46 phủ quyết và điều 46 ghi rõ như sau:
“Một quốc gia không thể viện dẫn sự kiện rằng sự đồng ý của mình để bị ràng buộc bởi một hiệp ước đã được thể hiện qua sự vi phạm một điều khoản của luật nội địa liên hệ đến thẩm quyền ký kết hiệp ước, như là yếu tố vô hiệu hóa sự đồng ý này, trừ khi sự vi phạm là hiển nhiên và liên hệ đến một quy luật nội tại có tầm mức quan trọng nền tảng”. (A State may not invoke the fact that its consent to be bound by a treaty has been expressed in violation of a provision of its internal law regarding competence to conclude treaties as invalidating its consent unless that violation was manifest and concerned a rule of its internal law of fundamental importance.)
Hiến pháp 1946 là luật nền tảng và sự vi phạm nó là là hiển nhiên và sẽ bị điều 46 Công Ước nêu trên chế tài và sẽ bị cho là vô hiệu lực.
Đó là chưa kể lập luận của chúng ta sẽ là: vì vi phạm những nguyên tắc căn bản nêu trên, không có một hiệp ước nào được thành lập ngay từ khởi thủy (ab initio) nhường Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cả.
Tức là lập luận của chúng ta sẽ vững chãi trên cả hai bình diện nêu trên và một bình diện quan trọng thứ 3:
1. Một là không có hiệp ước công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc ngay từ đầu;
2. Hai là nếu có, thì sẽ bị vô hiệu hóa chiếu theo điều 46 của Công Ước Vienna nêu trên;
3. Điểm thứ ba vô cùng quan trọng là vào thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia có cương thổ, quân đội, chủ quyền pháp lý lẫn thực tế trên Hoàng Sa và Trường Sa. VNCH được Hoa Kỳ và 87 quốc gia khác công nhận. Nếu Liên Bang Xô Viết không phủ quyết thì năm 1957, VNCH đã trở thành một quốc gia thành viên của LHQ. Tuy thế VNCH đã là thành viên của nhiều Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc.
Bắc Việt tức nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bị phần lớn các quốc gia tự do tẩy chay. Chỉ được các nước cộng sản khác công nhận.
Chính vì thế khi thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký công hàm 1958 thì văn kiện này gặp trở ngại lớn lao về pháp lý. Đó là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, như một quốc gia, không có tư cách pháp lý, nhường một phần lãnh thổ (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc chủ quyền của một đệ nhị quốc gia là nước Việt Nam Cộng Hòa, cho một đệ tam quốc gia là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Phán quyết ngày 12 tháng 7, 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague, Hà Lan, chiếu theo Công Ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, vô hiệu hóa Đường Lưỡi Bò 9 đoạn của Trung Quốc và giới hạn các quyền lợi liên hệ đến các quần thể trên Biển Đông trong vòng hải phận 12 hải lý, cũng là một án lệ quốc tế vô cùng thuận lợi cho Việt Nam.
Với các lý do nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, trước một pháp đình có thẩm quyền nghiêm chỉnh, công hàm liên hệ đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của cựu thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 sẽ không có giá trị pháp lý và nhà cầm quyền CSVN cần phải đưa Trung Quốc ra tòa càng sớm càng tốt, hầu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
Năm nay và một vài năm sắp tới sẽ là thời điểm mà uy tín trên chính trường cũng như vũ trường công pháp quốc tế của đảng CSTQ sẽ suy yếu rõ rệt và sẽ là thời điểm tốt nhất để khởi kiện CSTQ.
22/4/2020
Luật sư Đào Tăng Dực