Nga : Độc tài kiểu PutinCảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình ở Matxcơva chống lại bản án dành cho nhà đối lập Navalny, ngày 18/07/2013.
REUTERS/Tatyana MakeyevaHôm qua, tại Nga, nhà đối lập Alexei Navalny bị tòa án xử 5 năm tù vì tội biển thủ công quỹ. Navalny bị cáo buộc biển thủ 16 triệu rúp (380.000 euro) khi ông là cố vấn của Thủ hiến vùng Kirovles. Là một blogger chống tham nhũng nổi tiếng tại Nga, Navalny bắt đầu thu hút dư luận kể từ năm 2011 khi đứng ra kêu gọi người dân xuống đường chống Putin. Việc ông bị kết án đã dành sự chú ý đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay. Tất cả các tờ báo đều cho rằng, bản án mang động cơ chính trị.
Theo các tờ báo, động cơ chính trị ở đây tức là bản án dành cho nhà đối lập Navalny được tiến hành theo chỉ thị của điện Kremli, chứ không phải dựa vào luật pháp và chứng cứ. Quan điểm đó được các tờ báo thể hiện ngay trong các dòng tít. Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa lớn trên trang nhất : « Độc tài theo kiểu Putin ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài : «Năm năm tù cho đối thủ của Putin ». Tờ báo kinh tế Les Echos cũng chạy tít tương tự : « Án tù dành cho một người chống đối Putin », nhật báo Công Giáo La Croix cũng có bài : «Nhà đối lập chính của Putin ở tù ».
Các tờ báo đều đồng loạt nhắc lại rằng, ông Navalny là gương mặt đối lập trọng yếu của Tổng thống Putin và Đảng Nước Nga Thống Nhất. Navalny là ứng viên chức Đô trưởng Maxtcơva trong cuộc bầu cử vào tháng Chín tới. Ông cũng được xem là ứng viên có trọng lượng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018. Navalny cũng chính là người đã làm lan rộng quan điểm cho rằng Đảng Nước Nga Thống Nhất là « Đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp ». Từ đó, các tờ báo cho rằng, ông Navalny là đối tượng cần loại trừ của chính quyền Putin và không ngại cho rằng, bản án nói trên được thừa hành theo lệnh của Điện Kremli.
Trong bài xã luận mang tên « Theo lệnh », Libération cho rằng: « Navalny là nạn nhân cuối cùng của cựu đại tá KGB Putin. Vị cựu đại tá này không chấp nhận bất kỳ sự chống đối nào đối với quyền lực tuyệt đối của ông ». Bài xã luận cũng nhắc lại một số bản án bị cho là có động cơ chính trị theo lệnh của điện Kremlin. Bài xã luận nhấn mạnh, tại Nga, nhiều nhà báo, nhiều nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã bị giết hoặc bị loại trừ bởi «bọn tay sai » của nhà cầm quyền.
Để làm sáng tỏ hơn cái gọi là « sự độc tài theo kiểu Putin », Libération cho biết thêm, tại Nga, các tổ chức phi chính phủ bị coi là gián điệp ngoại bang. Tòa án, cảnh sát cũng như các phương tiện truyền thông, tất cả đều làm theo lệnh của tổng thống Putin.
Phản ứng của Phương Tây
Lập tức phương Tây đã lên tiếng chỉ trích bản án nói trên. Chính phủ Đức cho rằng bản án là « quá nặng » so với tội mà ông Navalny bị cáo buộc. Đại sứ Mỹ tại Nga nhận định đó là một bản án « có động cơ chính trị ». Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : « Bản án này đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm túc về tình trạng pháp quyền tại Nga ». Bộ Ngoại giao Anh và Pháp cũng đều có phản ứng và đều cho rằng « lấy làm quan ngại ».
La Croix bàn thêm về quan hệ Nga-Mỹ. Tờ báo cho rằng, gần đây, quan hệ song phương đã gặp sóng gió về hồ sơ cựu nhân viên CIA Snowden. Và giờ đây, La Croix cảnh báo, coi chừng bản án Navalny sẽ làm cho cơn sóng gió ngoại giao giữa hai nước tăng thêm.
Source: RFI