Nghịch lý 30 Tháng 4 - Giữ vững sự lãnh đạo của đảng và sự tồn tại của chế độ là quá trình tự diệt của chúng
Nguyên nhân và cơ sở của nghịch lý chính là mâu thuẫn, biện chứng hay logic tự nhiên của cuộc sống của Dân tộc, con người Việt Nam và của loài người nói chung. Sở hữu Tư nhân, Chế độ sở hữu Tư nhân, Cá nhân con người, Sự thật, Tự do, Trí tuệ, Lương tâm và Dân chủ và những giá trị kéo theo chúng, là biện chứng, là logic tự nhiên của đời sống và chúng đã và đang không ngừng được khẳng định trong mâu thuẫn, xung đột với những gì trái ngược với chúng. Không nên thần thánh hóa hay khách quan hóa cái logic tự nhiên này, vì nó chính là khát vọng, là hoạt động, lao động của hàng triệu người dân, của cả nhân loại không ngừng vươn lên địa vị con người, để xứng đáng với kiếp sống con người của mình là Tự do...
Có hai cách hiểu về nội dung khái niệm nghịch lý. Theo I. Kant, nghịch lý (antinomie) là việc một mệnh đề nào đó được nêu lên vừa có nghĩa là sự khẳng định nhưng đồng thời cũng có nghĩa là sự phủ định chính nó.
Thí dụ, trong chuỗi quan hệ nhân quả mà người ta khẳng định rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân của chúng hoặc chúng đều là kết quả của các nguyên nhân nào đó. Nhưng nếu cứ kéo dài hoặc mở rộng mãi cái chuỗi quan hệ ấy thì lại không thể tìm được nguyên nhân nào cả, vì thế kết luận trước bị phủ định. Sở dĩ gọi đây là nghịch lý, vì nó trái với điều xưa nay ta vẫn khẳng định là mọi sự vật đều có nguyên nhân và kết quả của chúng. I. Kant gọi đây là những nghịch lý của lý tính con người khi nó hoàn toàn bất lực trước nguyên nhân được cho là cuối cùng (Thượng đế).
Còn theo F. Nietzsche thì nghịch lý là ở chỗ cả chân lý và sai lầm, hoặc cả thiện và ác đều làm nên giá trị. Sở dĩ gọi đây là những nghịch lý vì trước F. Nietzsche người ta nghĩ chỉ có chân lý đưa đến chân lý, sai lầm đưa đến sai lầm, chỉ có cái thiện đem lại cái thiện và cái ác dẫn đến cái ác và người ta đòi hỏi không được phép lẫn lộn điều này.
Vậy, nguồn gốc, cơ sở của những nghịch lý này là gì? Đó là những mâu thuẫn, là tính biện chứng tự nhiên, vốn có của tồn tại nói chung, của cuộc sống nói riêng. Hoặc theo cách nói mới nhất, người ta gọi đó là tính phức hợp hay căn nguyên của tính phức hợp của tồn tại. Tôi gọi đó là những nghịch cảnh hay nghịch tồn của các sự vật, hiện tượng, của tồn tại nói chung. Chẳng hạn, biện chứng, mâu thuẫn hay logic của tồn tại quy định các nghịch lý của lý tính được I. Kant chỉ ra, chính là mâu thuẫn giữa tính có hạn và tính vô hạn, giữa tính xác định và bất định v.v... của tồn tại. Còn trong cuộc sống của con người, những gì tồn tại trái với quy luật, trái với tự nhiên thì càng củng cố, càng giữ vững chúng thì chúng càng nhanh chóng bị xóa bỏ, bị sụp đổ và vì thế càng thúc đẩy quá trình tiền bộ và phát triển của các sự vật, hiện tượng khác. Như thế, mâu thuẫn, biện chứng, logic của tồn tại quy định những nghịch lý của con người, chúng là cái thuộc về nhận thức của chúng ta. Và như đã biết, những phát hiện của I. Kant, F. Nietzsche về các nghịch lý, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhận thức nói chung, khoa học nói riêng.
Không thể nghi ngờ sự thật là đảng cộng sản ở Việt nam đứng đầu là tổng Trọng đang thể hiện sự quyết tâm giữ vững và củng cố sự lãnh đạo của đảng và sự tồn tại của chế độ cộng sản. Tất nhiên, điều này cũng đã được thể hiện trong suốt quá trình tồn tại của đảng cộng sản và chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam, nhưng hiện giờ nó đặc biệt rõ trong những cố gắng chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng sẽ diễn ra vào năm 2021. Ở đây ta nêu hai vấn đề là về đảng cộng sản và về chế độ của nó, nhưng thực ra nó là một: giữ vững hay củng cố sự lãnh đạo của đảng cũng là giữ vững sự tồn tại của chế độ của nó và ngược lại. Ta gọi đây là nghịch lý vì trước hết nó thể hiện nhận thức, quyết tâm và ý chí của đảng cộng sản ở Việt Nam và có thể của cả bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn tin - theo đảng cộng sản một cách tự giác hoặc tự phát, cố ý hoặc vô tình. Mặt khác, nó thể hiện đúng bản chất của nghịch lý là ở chỗ càng giữ vững, củng cố sự lãnh đạo của đảng cộng sản, của chế độ thì càng thúc đẩy nhanh cái chết của đảng, chế độ càng nhanh chóng bị xóa bỏ.
Thiết nghĩ, không cần chứng minh sự thật đã rất hiển nhiên này. Chỉ nhấn mạnh thêm một vài điều là đảng cộng sản, chế độ cộng sản ở Liên Xô “hùng mạnh” như thế mà chỉ một lời tuyên bố của M. Gorbatrop mà sụp đổ tan tành như cái bức tường đã quá mục nát chỉ cần lấy ngón tay di nhẹ một cái là nó đổ xuống nát vụn. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam dù có biện hộ bằng tính “đặc thù” ghê gớm thế nào đi nữa thì sự không chính danh, tham lam, dối trá, tàn ác cũng sẽ đưa đến sự sụp đổ không tránh khỏi của chúng. Cũng có thể đảng cộng sản và chế độ của chúng có thể lựa chọn cái chết “ngọt ngào” hơn là muốn “giành được” sự tin cậy của dân, “gần” với dân hơn, thậm chí thực hiện một cái chết liều mạng và đầy tính hoang tưởng là “tự mình trở thành dân tộc”, thì chúng vẫn là cái chết không hơn không kém. Tuy nhiên, không nên hiểu cái quá trình tự chết này một cách đơn giản, máy móc theo kiểu là chính đảng cộng sản và chế độ của nó “tự bắn vào tim nó”, mà phải hiểu rằng do bản chất của chúng, tất nhiên chúng sẽ gây nên những hậu họa, tội ác nhiều hơn đối với đất nước, người dân, nên chúng không tránh khỏi bị trừng phạt.
Nhưng có một điều cần phải nói rõ rằng nghịch lý giữ vững sự lãnh đạo của đảng cộng sản và sự tồn tại của chế độ của nó là quá trình tự diệt hay tự triệt tiêu của chúng, là một thứ nghịch lý rất không bình thường, rất “đặc thù”. Ở chỗ đảng và chế độ của đảng trong khi khẳng định rất rõ quyết tâm của mình là giữ vững hoặc củng cố sự lãnh đạo của đảng và sự tồn tại của chế độ của nó, nhưng lại không tuyên bố, không thừa nhận, không tự giác hoặc chưa, không ý thức được sự phủ định tất yếu của chính tuyên bố, khẳng định ấy là trên thực tế, nó đang làm tất cả để dẫn đến cái chết và sự sụp đổ của nó. Nói chung, một con người, một tổ chức bình thường biết được cái chết tự nhiên của nó. Nhưng sự bất chính, ngạo mạn, tự phụ, tham lam và bất minh của đảng và chế độ của nó khiến chúng không tự giác, vô tri trước cái chết của chúng. Đó là bất hạnh và bi kịch lịch sử của chúng.
Dĩ nhiên, nguyên nhân và cơ sở của nghịch lý nói trên chính là mâu thuẫn, biện chứng hay logic tự nhiên của cuộc sống của Dân tộc, con người Việt Nam và của loài người nói chung. Sở hữu Tư nhân, Chế độ sở hữu Tư nhân, Cá nhân con người, Sự thật, Tự do, Trí tuệ, Lương tâm và Dân chủ và những giá trị kéo theo chúng, là biện chứng, là logic tự nhiên của đời sống và chúng đã và đang không ngừng được khẳng định trong mâu thuẫn, xung đột với những gì trái ngược với chúng. Không nên thần thánh hóa hay khách quan hóa cái logic tự nhiên này, vì nó chính là khát vọng, là hoạt động, lao động của hàng triệu người dân, của cả nhân loại không ngừng vươn lên địa vị con người, để xứng đáng với kiếp sống con người của mình là Tự do.
Bởi vậy, học thuyết Marx, chế độ cộng sản xuất hiện trên thế giới có thể xem là những bước đi không tránh được của lịch sử và nó đã tồn tại và có thể được kéo dài hơn bởi đặc thù của phương Đông-Trung Quốc của nó (Việt Nam và Bắc Triều Tiên chỉ là những thứ kéo theo của nó). Xét về mặt giá trị lịch sử, có thể xem chúng là sự “phản biện” cần thiết để chủ nghĩa tự do, giá trị Tự do của con người được khẳng định, đào luyện vững chắc, cao hơn và trưởng thành hơn. Nhưng chúng không có lý do hay cơ sở để tiếp tục tồn tại hoặc tồn tại mãi mãi, vì chúng là những bước đi trái với quy luật của đời sống con người, loài người. Bởi vì, con người, nhân loại luôn khao khát Tự do. Điều này rất lớn lao, cao quý, nhưng cũng rất giản dị như khát thì phải uống, đói thì phải ăn, thiếu hụt thì phải bù đắp. Một con người, một dân tộc bằng lòng với cuộc sống yên bình do người khác đem lại, ban ơn và kể cả một con người, một tổ chức hoặc chế độ chỉ “thích” sống bằng cách đem lại, ban ơn cho người khác, cho “dân mình”, đều là những con người, dân tộc, tổ chức hay chế độ hoặc đã và đang dối trá, tự lừa dối mình hoặc vẫn chưa thức tỉnh.
Nhân đây tôi muốn nói rằng trước khi viết bài này, vào ngày hôm qua khi ra khỏi căn phòng của mình, tôi nghĩ phải viết gì đó liên quan đến cái ngày 30 tháng Tư được người dân Việt Nam hải ngoại gọi với cái tên là “tháng Tư đen” - một cái tên đầy cay đắng và tủi hờn, nhưng cũng đầy ý chí vì một đất nước Việt Nam Tự do - Dân chủ. Và tôi đã hình thành ý tưởng cho bài viết này. Có thể bài viết hơi trễ, nhưng vẫn xin được sẻ chia với những người anh em, đồng bào đau thương của tôi ở xa quê nhà nhưng không nguôi nỗi nhớ và trách nhiệm đối với quê hương - Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta vẫn còn đang dưới ách cai trị cộng sản vô minh, hèn nhát, tham lam và man rợ.
Tôi chia sẻ cả với những uất hận, hờn căm của mọi người, và vẫn thường lắng nghe cả những tiếng chửi có vẻ như rất “tục tằn” nhưng tôi hiểu nỗi lòng của họ, đối với đảng cộng sản và chế độ của chúng. Tôi đã không kìm giữ được những giọt nước mắt khi viết những dòng chữ này. Tôi thương người dân nước tôi, Dân tộc tôi với biết bao người dân, những người lính vẫn còn rất trẻ ở cả hai miền, hai chiến tuyến, trong đó có những người anh em ruột thịt của tôi, đã chết trong cuộc chiến tranh và cả sau khi chiến tranh đã kết thúc có hàng trăm ngàn người đã chết ngoài biển lớn, rất nhiều người lính và quan chức của chế độ VNCH bị giam cầm trong tù ngục cộng sản và bị tra tấn dã man, hiện giờ vẫn còn bao nhiêu tù nhân lương tâm bị giam trong nhà tù và bị đối xử rất tàn nhẫn và còn biết mảnh đời bất hạnh khác. Tôi nhìn những lá cờ đỏ treo vào ngày 30 tháng Tư thấy thêm căm thù chế độ cộng sàn và cũng thấy thương và phần nào cảm thông với những người dân vẫn còn tăm tối, ngu ngục, bất lực hoặc có thể vẫn đang che giấu điểu sự trông đợi điều tốt đẹp hơn.
Tôi cũng muốn nói rằng mặc dù không hoàn toàn đồng tình với chế độ VNCH, nhưng càng ngày tôi thấy rõ hơn rằng họ có nhiều cái đúng, thậm chí rất cơ bản, ít ra là ba điều: 1) Họ đã thấy rõ nguy cơ, hiểm họa của Tàu Cộng đối với đất nước Việt Nam chúng ta từ rất sớm và những người lính của họ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa - phần máu thịt của Tổ Quốc, chủ quyền thiêng liêng của tổ tiên để lại; 2) Họ thấy rõ nguy cơ, hiểm họa của cộng sản đối với Dân tộc, văn hóa Dân tộc Việt Nam. Đó là cái nhìn sáng suốt và có trách nhiệm đối với Dân tộc; 3) Một phần vì hai lý do trên, một phần vì lý do khác, có thể đó là từ yếu tố cốt cách Dân tộc mới đã hình thành ở người dân miền Nam, họ đã lựa chọn liên minh với người Mỹ, một sự lựa chọn đúng đắn, tự nhiên và tự do. Nhưng tiếc rằng thời vận lịch sử đã chưa thể đến với họ.
Vì vậy, tôi đặt tên cho bài viết này là “Nghịch lý 30 tháng Tư...”. Tôi rất tin và hy vọng rằng những người anh em, đồng bào của chúng ta trong và ngoài nước sẽ luôn giữ vững niềm tin. Đảng cộng sản và chế độ của nó ở Việt Nam nhất định phải chết, nhất định sẽ bị xóa bỏ. Nhưng cần thấy rằng tính “tự diệt” không tránh khỏi của cộng sản không tách rời cuộc đấu tranh bền bỉ, ngoan cường và đầy trí tuệ của đông đảo người dân chúng ta, nhất là của những người tuổi trẻ, để làm sáng tỏ sự thật, lẽ thật. Tôi cũng xin được nói rằng tôi rất tin các bạn trẻ sẽ không bị ru ngủ, bị làm lạc hướng bởi sự tuyên truyền dối trá của cộng sản. Mới đây nghe Thanh Tâm trên VIETLIVE. VN thể hiện bài viết của Yến Phương với chủ để “Nói thẳng với Phan Đăng” (Tôi gọi Phan Đăng là “Phan Đom-đóm” hoặc “Phan Trì Đăng”, tức là ngọn đèn nơi ao, đầm), tôi càng thêm tin vào tuổi trẻ Việt Nam.
Tôi hiểu thực chất của khai sáng là không ngừng làm sáng tỏ sự thật, lẽ thật. Nó là cách tốt nhất để chúng ta đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Cho nên, ngay từ lúc này chứ không phải lúc khác, tuổi trẻ phải đào luyện tâm trí hay lương tri của mình để có thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao trước Dân tộc - Tổ Quốc - Nhân dân. Một cuộc đào luyện như thế chỉ có thể là ở ngay trong cuộc đấu tranh nhằm bóc tràn những sự lừa bịp, dối trá của cộng sản. Tôi luôn tin tưởng và hy vọng Dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ được hòa hợp trong một nền độc lập thực sự, chủ quyền dân tộc sẽ được giành lại và được bảo vệ vững chắc hơn bao giờ hết.
Ngày 30 tháng 4 năm 2020
Phạm Văn