“30 tháng 4” thật sự là chỉ một ngày như bao nhiêu ngày khác trên tờ lịch. Nhưng từ sau 30 tháng 4 năm 1975, nó trở thành một ngày trọng đại vì nó ghi lại một biến cố lớn, đau thương, bám chặt ký ức của người Việt Nam. Nó đánh thức lòng trắc ẩn và lương tâm thế giới văn minh do những hệ quả kéo dài của nó.
Đối với người Việt Nam, đó là “Ngày Quốc hận”, “Ngày Mất nước”... Nhưng với người cộng sản Hà Nội, cũng là ngày đó, nó trở thành ngày “Giải phóng Miền Nam”, ngày “Đất nước thống nhất”... Ngày lễ hội vui mừng!
Kẻ mất buồn, người được vui! Thông thường thôi. Nói theo Võ văn Kiệt thì ngày 30 tháng 4 “Có một triệu người vui, có một triệu người buồn”. Phải chăng Ông Kiệt đã nghĩ tới những người không phải bên thắng cuộc? Nhưng thật lòng thì ông buồn hay vui? Cái nào nhiều, cái nào ít? Nhưng giờ đây chắc chắn cả nước buồn! Cả người cộng sản phản tỉnh và đông đảo thanh niên. Trừ những người cộng sản làm giàu nhờ cầm quyền. Những người này nói cách mạng, làm chính quyền cách mạng nhưng không ai có thành tích cách mạng. Du đãng mà mặt không dính thẹo thì không thể nói là du đãng hay anh chị được. Chỉ là những tên điếm đàng mà thôi. Đó là những Nguyễn Phú Trọng, những Tô Lâm, những Lê Thanh Hải... Nguyễn Tấn Dũng ít ra còn có thành tích lúc 16 tuổi làm y tá, xức thuốc đỏ cho du kích VC trong mật khu Rạch giá, Cà Mau.
Giữa hai lớp người buồn vui đó, có một ít người không thấy buồn, trái lại thấy vui vì tự “chia vui” với “Bên thắng cuộc”. Tất cả họ đều thuộc lớp khá giả trong xã hội Miền Nam nhưng lại chạy theo cộng sản, làm tay sai cộng sản chống lại chính quyền miền Nam.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Bài hát kêu gọi và nói về ước mơ thống nhất dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968 nhưng chưa từng công bố cho tới thời điểm đó, nay được ông công bố để kỷ niệm sự kiện trọng đại mà ông mong chờ đã lâu. Trong bài phát biểu trên đài, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam:
"Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này..."
Những ngày sau đó, Trịnh Công Sơn cũng không có chỗ đứng. Nghe bạn khuyên nên về Huế sống yên lành hơn vì quê hương và bạn bè cũ. Nhưng ở Huế, ông thấy có nhiều khó khăn. Bạn lại khuyên ông nên trở vào Sài Gòn tốt hơn. Và ông ở Sài Gòn luôn từ đó. May mà ông không bị đi cải tạo tập trung như nhiều văn nghệ sĩ khác.
Sau gần nửa thế kỷ “thắng cuộc”, đất nước về một mối xã hội chủ nghĩa, những điều họ tranh đấu đòi hỏi ngày trước như dân chủ, tự do, xã hội công bằng, người không bóc lột người, no cơm ấm áo, không có bóng dáng ngoại bang... thì nay, những điều đó chẳng những chưa có, trái lại còn trầm trọng hơn đang trở thành thực tế xã hội Việt Nam nhưng không thấy những người đó đứng lên, biểu tình, tuyệt thực, đói hỏi như trước kia. Đó là những người của “Thành phần Thứ ba” hay của “Lực lượng Thứ ba”.
Thành phần thứ ba
Tổ chức “Thành phần thứ ba” hay “Lực lượng thứ ba” ra đời trong hoàn cảnh nào, không rõ ràng lắm. Theo ký giả Pomonti của nhựt báo Le Monde, “Thành phần thứ ba” xuất hiện năm 1960 sau khi Nhóm Caravelle đưa ra bản Tuyên ngôn với 18 nhân sĩ ký tên đòi hỏi ông Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ đường lối cai trị, chấm dứt tình trạng độc tài gia đình trị. Sau đó thì xuất hiện phong trào quần chúng nổi lên chống chế độ Ngô Đình Diệm độc tài, kỳ thị tôn giáo.
Nhưng theo ký giả Decornoy, cũng của Le Monde, thì vào cuối năm 1969, có một phong trào quần chúng xuất hiện ở Sài Gòn chống chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đòi hòa bình, đi theo chủ trương “Hòa giải dân tộc” của tướng Dương Văn Minh.
“Thành phần thứ ba” gồm một số Dân biểu như Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Lý Quí Chung, Dương văn Ba, Ngô Công Đức; Sinh viên có Huỳnh Tấn Mẩm, Nguyễn Hũu Thái...; trí thức có Bà Ngô Bá Thành...; tu sĩ có Ni sư Huỳnh Liên, Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ...
Năm 1971, Sài Gòn tổ chức bầu cử Quốc hội. Nguyễn Hũu Thái được Mặt trận Giải phóng Miền Nam bí mật móc nối đề nghị ra tranh cử với lập trường “hòa bình đứng giữa ” chuẩn bị cho Thành phần thứ ba khi có Chính phủ 3 thành phần theo Hiệp định Paris tuy lúc đó Hội nghị Paris chưa kết thúc.
Nhưng “Thành phần thứ ba” trở thành một danh xưng chính thức từ khi Hà Nội đưa ra tại hòa đàm Paris đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp gồm 3 thành phần. Xin nhắc lại thành phần thứ ba của Hà Nội đề cập không có phong trào sinh viên, dân biểu, trí thức, tu sĩ, như trên đây.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước sau vẫn cương quyết phủ nhận thành phần thứ ba. Năm 1972, Hà Nội chính thức lên tiếng bênh vực phong trào này.
Chẳng những phủ nhận “Thành phần thứ ba” hay “Lực lượng thứ ba”, chính phủ Sài Gòn cũng từ chối đề nghị một Chính phủ Liên hiệp 3 Thành phần như phía Việt cộng đòi hỏi. Tuy nhiên, khi “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình” ký kết tháng giêng 1973 ở Paris thì có điều 12 qui định thành lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần ngang nhau”.
Hà Nội coi trọng thành phần thứ ba như là một yếu tố giúp họ thắng lợi bằng chính trị: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam là chìa khóa dẫn đến hòa bình, và lực lượng thứ ba là một thành phần không thể thiếu được của giải pháp này...” (Phạm văn Đồng trả lời nhà báo pháp Jean Lacouture, Etudes vietnamiennes, Paris).
Để làm áp lực ở hòa đàm Paris, Hà Nội cho thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị “8 điểm” có đề cập thành lập một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời gồm 3 thành phần: "những người của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời, những người yêu chuộng hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ trong chính quyền Sài Gòn, và những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo, trong hay ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ phản ánh các khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam về hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, và hòa giải, hòa hợp dân tộc."
Tiếp theo, vào cuối 1973, rầm rộ xuất hiện ở Sài Gòn nhiều phong trào đều do Hà Nội thổi lên như:
- Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống (Bà Ngô Bá Thành sáng lập).
- Phong trào Thi hành Hiệp Định Paris.
- Mặt trận Nhân dân Cứu đói (Tổ chức lớn nhất ở Miền Nam với sự tham gia của các nhóm Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo và Cao Đài. Linh mục Phan Khắc Từ là một trong 3 phó chủ tịch.)
- Mặt trận các Tôn giáo vì Hòa bình, Hòa hợp, và Hòa giải (Dương Văn Minh sáng lập).
- Lực lượng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc (Một tổ chức Phật giáo do Vũ Văn Mẫu lãnh đạo).
- Tổ chức Nhân dân đòi Thi hành Hiệp định Paris (Ngô Bá Thành sáng lập).
- Ủy ban Tranh đấu cho Tự do Báo chí và Xuất Bản (Dân biểu Nguyễn Văn Binh, anh vợ Ngô Công Đức đứng đầu).
- Ủy ban đòi trả tự do cho tù Chính trị của Lực lượng thứ ba.
- Ủy ban bảo vệ quyền lợi người lao động (Linh mục Phan Khắc Từ lãnh đạo).
- Nhóm các Nhà Lập Pháp Tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Hòa bình.
Nhưng hiện tượng quần chúng này chỉ là những đòi hỏi giai đoạn của người cộng sản để chờ đợi đạt trọn vẹn mục tiêu cuối cùng. Đó là ngày 30 tháng 4/1975.
Sau 30-4-75 có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ?
Cuộc chiến Nam-Bắc Việt Nam kết thúc ngày 30-04-1975 thì qua tháng 4/1976 hai miền Việt Nam được thống nhất thành một nước có tên gọi là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Không đợi thi hành Hiệp định Paris.
Nhân đây xin nhắc lại cái chết của một cựu Nam Bộ kháng chiến Khu 7 liên hệ tới quyết định thống nhất 2 Miền sớm hơn thời hạn. Trong Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn về thống nhất, tướng Huỳnh Văn Nghệ, tức Tám Nghệ, cựu Bộ trưởng Lâm nghiệp, phản đối việc quyết định thống nhất sớm. Giận dữ, ông rút khẩu súng cá nhân dằn lên bàn, gằn giọng - “Ai quyết định thống nhất ngay, hãy bước qua sát chết của tôi”. Qua đầu năm 1977, Huỳnh Văn Nghệ một hôm bị đau bụng, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đảng vội cho chở ông vào Chợ Rẩy để chữa trị. Bác sĩ ở Hà Nội phải vào để săn sóc ông theo tiêu chuẩn cán bộ đảng viên. Vài hôm sau, ông thấy tình trạng sức khỏe của mình không có gì nặng nên muốn về nhưng bác sĩ không cho. Đưa ông đi chụp hình, liền sau đó, đưa ông qua phòng mổ và mổ. Bình thường gặp bác sĩ thứ thiệt của Hà Nội mổ thì cũng khó sống. Nay ông lại được bác sĩ Hà Nội đặc biệt quan tâm mổ theo ý kiến của Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương đảng thì dĩ nhiên ông không thể không ra về bằng ngỏ sau của nhà thương. Chuyện này, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa biết nên bà có lên tiếng trong nôi bộ và bà tỏ thái độ bằng cách trả thẻ đảng. Phạm văn Đồng can thiệp không được, đành chấp nhận và yêu cầu bà giữ tiếng trong 10 năm. Đúng 10 năm, bà công bố việc trả thẻ đảng của bà trên nhật báo Le Monde của Pháp. Về cái chết của Huỳnh văn Nghệ, bà chỉ nói riêng trong vòng thân mật mà thôi.
Thống nhất xong, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20 tháng 9/1977.
Nhưng ít người biết rằng trước khi thống nhất đã từng có hai nước Việt Nam nộp đơn cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Một là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thủ đô Hà Nội, với cờ đỏ sao vàng. Và nước Việt Nam kia là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thủ đô Sài Gòn, có cờ nửa đỏ trên, nửa xanh dưới, ngôi sao vàng giữa.
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh này xuất hiện vào cuối năm 1960, khi một số trí thức miền Nam tuyên bố thành lập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” trong vùng rừng núi Lộc Ninh, để đối lập với chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn. Sau thời gian dài hoạt động khủng bố nhờ đó tư cách Mặt trận được thừa nhận. Và cũng từ đó Mặt trận này thành lập một chính phủ có tên là “Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”.
Trong thời gian đó, Hà Nội cứ nói lấy được cuộc chiến ở miền Nam là cuộc chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với lực lượng võ trang của Mặt trận. Tức do nhân dân Miền nam nổi lên đòi độc lập và thống nhất chớ không do miền Bắc can thiệp. Khi chính phủ Sài Gòn đưa bằng chứng cán binh của Hà Nội xâm nhập vào Nam thì Nguyễn Thị Bình trả lời “Họ là người Việt Nam thì dĩ nhiên họ có quyền đi trong vùng lãnh thổ của họ”.
Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì cờ của Mặt trận Giải phóng được kéo lên nóc dinh Độc lập ở Sài Gòn. Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thừa kế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, xác nhận lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 tới mũi Cà mau, với cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam cùng đề nghị nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đại diện cho Hà Nội là ông Nguyễn Văn Lưu, ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn.
Ngày 11/8/1975, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng bị Hoa Kỳ phủ quyết nên việc gia nhập LHQ của 2 nước của cùng Hà Nội không thành.
Giải thích lý do Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết, Gs Ngô Vĩnh Long cho rằng vì họ không muốn có 2 nước Việt Nam “độc lập” cùng Hội viên LHQ mà để 2 Việt Nam thống nhất theo Hà Nội, tức trở thành cộng sản. Hoa Kỳ sẽ có cớ không bang giao, mà còn dùng Việt Nam như một nơi thực hiện một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Liên Xô (Joaquin Nguyễn Hòa, BBC. 20/4/19)
Còn theo Gs Đoàn Viết Hoạt, hiện sống tại Mỹ, thì quyết định của Mỹ không cho hai miền Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc có thể liên quan đến những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1972 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sau tuyên bố Thượng Hải. Lúc đó, Mỹ toan tính liên minh với Trung Quốc để chống Liên Xô, giao vùng Đông Nam Á cho Trung Quốc, và Bắc Kinh không muốn có một miền Nam Việt Nam độc lập, không theo cộng sản. Theo giải thích này, Gs Hoạt tin rằng Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam không phải của cộng sản Hà Nội nặn ra!?
Vẫn theo Gs Ngô Vĩnh Long thì cho đến 30/4/1975, quan điểm về sự thống nhất Việt Nam của Hà Nội cũng như Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc, sẽ là một quá trình nhiều bước kéo dài từ 12 đến 14 năm. Vì việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai nước Việt Nam thất bại đã thúc giục những thành phần cứng rắn tại Hà Nội kết thúc dự án thống nhất đất nước kéo dài đó.
Nhưng sau khi việc gia nhập Liên Hiệp Quốc của hai miền Việt Nam bị thất bại, Đảng Lao động Việt Nam, tức đảng Cộng sản Hà Nội hiện nay, họp Hội nghị trung ương lần thứ 24, quyết định gấp rút thống nhất Việt Nam "Đứng trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, tháng 9/1975 tại Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước" (Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới “Hoàn thành thống nhất tổ quốc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”).
Thế là Mặt trận và cả Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam cùng dẹp tiệm vì đã “hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ lịch sử” (Nguyễn thị Bình tuyên bố).
Tuy tài liệu không thấy nhắc tới đã có 2 nước Việt Nam chính thức xin gia nhập LHQ nhưng Gs Đoàn Viết Hoạt nhớ lại, lúc còn ở Sài Gòn, ông có nghe một bản tin của đài BBC về sự kiện hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc rồi bị thất bại vào tháng 8/1975. Tức chuyện đã có 2 Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ là thật.
Chứng kiến sự quản lý nhà nước tại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 ông Hoạt kể lại ông thấy tất cả những quyết định của nhà cầm quyền đều mang danh nghĩa Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kèm theo tiêu đề: “Độc lập, tự do, Trung lập”.
Với bản tin thế giới nghe qua đài BBC, cộng với sự kiện mình không bị bắt, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng những người cộng sản lúc đó đang thật sự tính tới dự án cho miền Nam một qui chế riêng, chứ không gấp rút thống nhất Việt Nam dưới màu áo cộng sản duy nhất (theo trích dẫn trên).
Đâu là sự thật?
Sáng ngày 1 tháng 5/1975, tại Sài Gòn có cuộc diễn binh lớn do chính quyền mới tổ chức để ăn mừng "Đại thắng Mùa xuân". Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời ngồi trên khán đài danh dự coi diễn binh. Chờ hoài không thấy "đoàn quân giải phóng" đi qua, bèn nghiêng qua hỏi một sĩ quan Quân đội nhân dân. Vị sĩ quan này trả lời rất vui vẻ - “Ủa anh không biết sao? Quân đội ta đã thống nhất tối hôm qua rồi kia mà!” (Trương Nhu Tảng kể lại lúc tỵ nạn ở Paris).
Qua ngày 2 tháng 5/1975, chính quyền mới ra lệnh giải tán tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo... được thành lập dưới chế độ VNCH. Còn các tổ chức mới thành lập để chống "Mỹ Ngụy cứu nước" đều bị hoặc tự giải tán, hoặc sáp nhập vào các tổ chức chính thức của Hà Nội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Giải phóng, cả Chính phủ cách mạng Lâm thời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, các cơ sở vật chất ở hải ngoại... đều không còn vết tích!
Điều đáng ngạc nhiên là việc giải tán không có một lời phản đối hay than phiền nào của những người trong các tổ chức đó hết cả, mặc dầu họ đã từng can trường đương đầu với chế độ VNCH, không hề sợ sệt dùi cui, hơi cay, tù đày. Hay nay họ cũng hiểu nhiệm vụ “cách mạng” chạy theo cộng sản của họ đã hoàn tất!
Thái độ của trí thức
Ai cũng biết triết gia Jean-Paul Sartre là người không có chính kiến chắc chắn. Đúng hơn ông là người có tinh thần tiến bộ mà hơi “ba phải”, nặng cá nhân chủ nghĩa, khuynh hướng vô chính phủ, chống chủ nghĩa quân phiệt, và hơn hết là chống tư sản nên ông dễ ngã theo cộng sản. Từ những năm 1950, Sartre ủng hộ Liên Xô mạnh mẽ. Cho đến nỗi ông đã không ngần ngại lớn tiếng chửi thẳng ai không theo cộng sản là thứ con chó! Đến khi Liên Xô đưa xe tăng qua đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary ông mới từ bỏ cộng sản. Cộng sản Pháp lên án ông đã đầu hàng giai cấp. Trong lúc đó, Raymond Aron, bạn của Sartre, lại tôn thờ tinh thần dân chủ tự do. Vì vậy hai người ghét nhau trong thời chiến tranh lạnh. Họ không hề nói chuyện với nhau, không gặp nhau suốt từ những năm 47.
Thế mà tháng 6/1979, trước thảm họa cộng sản ở Việt Nam và Miên, cả 2 cùng tới Điện Elysée yêu cầu Tổng thống Giscard d’Estaing hãy mở rộng cửa đón nhận người Miên và Việt Nam, hàng chục ngàn, hằng trăm ngàn đang chạy trốn cộng sản.
Sartre trả lời báo chí “Riêng cá nhân tôi, tôi ủng hộ những ngưởi tuy không phải là bạn của tôi trong thời gian Việt Nam tranh đấu cho tự do (Việt Minh). Nhưng điều đó không có gì quan trọng, bởi vì điều quan trọng ở đây, chính họ là những con người. Những người đang bị nguy hiểm”.
Lời tuyên bố trên đây cho thấy Sartre không ngụ ý vì đã phủ nhận ý thức hệ cộng sản mà thật sự chỉ là lương tâm con người trí thức thúc đẩy ông hành động.
Qua cách ứng sử này, Aron và Sartre bắt tay nhau. Hai người nắm tay nhau cùng bước ra khỏi Elysée.
Các đảng phái khác, cả Xã hội, RPR, đều hưởng ứng cùng vận động giúp đỡ người tỵ nạn cộng sản. Hồng Y Etchegaray kêu gọi mỗi gia đình giáo dân hãy đón nhận 1 gia đình người tỵ nạn.
Hơn tháng sau, tháng 7/79, Pháp đón nhận và định cư 128531 người tỵ nạn cộng sản Đông Dương.
30/4/2020
Nguyễn thị Cỏ May