Một cuộc tuần hành nhân ngày tự do báo chí thế giới tại Manila, Philippines, 2019.
Trên trang mạng của Liên Hiệp Quốc, lời trích trong thông điệp của Tổng Thư Ký LHQ Antonio Guterres nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới được đưa lên đầu trang rằng, "Khi đại dịch Covid-19 đang lan rộng, nó cũng xảy ra một đại dịch thứ hai về thông tin sai lệch, từ lời chỉ dẫn y tế nguy hại cho đến những thuyết âm mưu bừa bãi. Báo chí cần cung cấp thuốc giải bằng tin tức và phân tích được kiểm chứng, khoa học và có căn cứ".
Tổng Thư Ký Guterres viết rằng, các ký giả và nhân viên truyền thông báo chí là quan trọng nhằm giúp chúng ta có những quyết định đầy hiểu biết, mà trong cơn đại dịch thì đó là những quyết định tạo nên khác biệt giữa sự sống và cái chết của mỗi người. Nhưng nhiều ký giả đang bị gia tăng sự giới hạn hay trừng phạt chỉ đơn thuần vì làm nhiệm vụ của mình. Ông cảm ơn và ghi nhận những ký giả đang đóng vai trò cứu người trong việc tường trình các tin tức, phân tích về y tế cộng đồng, cũng như kêu gọi các chính phủ bảo vệ và duy trì sự tự do báo chí, một điều thiết yếu cho một tương lai của hòa bình, công lý và nhân quyền đến cho mọi người.
Ngày Tự Do Báo Chí Thế giới (World Press Freedom Day) được Đại Hội Đồng LHQ công bố vào năm 1993 theo sau đề nghị của tổ chức UNESCO, đã chọn ngày 3 tháng Năm thường niên để nhắc nhở các quốc gia tôn trọng cam kết về quyền tự do báo chí và giới ký giả về giá trị, đạo đức cùng các nguyên tắc căn bản của nghề nghiệp. Ngày báo chí này cũng kêu gọi sự đoàn kết bảo vệ các cơ quan truyền thông trước sự tấn công vào vai trò độc lập của họ, đồng thời tôn vinh những ký giả đã nằm xuống trong khi làm nhiệm vụ.
Không phải không có lý do khi LHQ kêu gọi và tái khẳng định sự cần thiết cho sự tự do báo chí trên toàn thế giới hiện nay. Trong khi đây là một trong những quyền hiến định căn bản thì sự tự do báo chí trong thời gian qua không chỉ bị đe dọa nghiêm trọng ở những quốc gia độc tài mà xảy ra ở cả những thể chế dân chủ lâu đời.
Những ký giả chưa bị hành hung, ngục tù hay đe dọa tính mạng như tại một số quốc gia độc tài khác nhưng họ thường xuyên đối diện với sự trả thù hành chính qua các sự giới hạn hay biện pháp ngăn trở nghiệp vụ từ giới hữu trách khi đưa tin tức bị xem là bất lợi. Họ bị xúc phạm, lăng nhục vô cớ giữa khi các hệ thống truyền hình quốc gia đang phát sóng trực tiếp và trên các phương tiện truyền thông xã hội khi muốn đào sâu vào vấn đề.
Bên cạnh đó, họ đối diện với một dạng "kiểm duyệt dân sự" của nhóm độc giả mới: thiên kiến và từ chối sự xác thực của dữ liệu để chỉ muốn nghe hay đọc điều mình đang tin hay muốn nghe-đọc trong thời đại mạng xã hội đầy các thông tin nhiễu loạn. Một câu nói, một bài báo trình bày dữ liệu hay thể hiện quan điểm khác biệt cũng có thể tạo nên hiệu ứng và phản ứng đám đông. Đáng tiếc là có không ít những phản ứng tiêu cực, đôi lúc không hề liên quan đến vấn đề được trình bày.
Đây là một thực tế mà hồi giữa tháng Tư vừa qua, chính Giám Đốc đài VOA là bà Amanda Bennett - một ký giả kỳ cựu từng đạt giải thưởng Pulitzer, đã phải gởi điện thư nhắc nhở nhân viên của mình rằng, "Chúng ta có nhiều việc để làm. Đó là công việc khó khăn và quan trọng. Chúng ta đừng để bị phân tâm cho công việc trước mắt", nhằm tái khẳng định vai trò và nhiệm vụ mà VOA đã theo đuổi trong suốt 75 năm qua.
Những thử thách của giới báo chí kể trên là chưa kể đến tình trạng sa sút tài chính chung của kỹ nghệ cùng các nguy hiểm nghề nghiệp mà các ký giả và nhân viên truyền thông phải đối diện khi làm nhiệm vụ tường trình. Từ các vùng chiến sự, thiên tai, các vụ bạo động nói chung hay như trong cơn dịch bịnh hiện nay, họ có thể trả giá bằng sinh mạng của mình.
Theo số liệu từ tổ chức Press Emblem Campaign có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ thì đã có ít nhất là 55 ký giả, nhân viên ngành truyền thông báo chí khắp thế giới bị chết vì nhiễm coronavirus từ đầu tháng Ba đến nay. Trong đó có khoảng gần mười ký giả Mỹ, mà sự mất mát to lớn nhất của riêng một số cơ quan truyền thông là cái chết của ký giả kỳ cựu Maria Mercader, 54 tuổi thuộc hệ thống truyền hình CBS và ký giả ảnh nổi tiếng Anthony Causi, 48 tuổi của tờ New York Post. Những sự hy sinh này không được biết đến nhiều cho dù nhiệm vụ của họ không ngoài mục đích tường trình tin tức, thông tin dịch bịnh đến người dân mỗi ngày.
Sự tấn công vào truyền thông báo chí cách này hay cách khác là điều nguy hiểm trong xã hội dân chủ và văn minh. Nó biến báo chí trở thành một nền báo chí thiếu chuyên nghiệp, không đáng tin cậy và chỉ phục vụ theo hay cho nhà cầm quyền và cho một nhóm độc giả giới hạn khi phải dè dặt, né tránh trong việc chuyển tải thông tin cùng các vấn đề một cách xác thực, cân bằng và toàn diện.
Đồng thời người dân cũng vô tình đánh mất quyền được hưởng một nền tự do báo chí quý giá, có thể giúp họ tự trang bị cho mình một nguồn thông tin đa dạng cùng các kiến thức hữu dụng khi kỳ vọng một dạng truyền thông chỉ cốt mang đến sự hài lòng nhưng bị dẫn dắt hay ngụy tạo. Trong khi chính nền truyền thông đa dạng và đa chiều mới giúp họ đối chiếu, đánh giá và suy xét các vấn đề chính trị xã hội bằng kiến thức cùng nhận thức của chính mình.
Nên quả không thừa khi trong ngày báo chí này, cũng cần nhắc lại và nhận biết rằng, vai trò của truyền thông báo chí trong một xã hội dân chủ là không chỉ đưa tin mà còn thay mặt người dân để đòi hỏi tính minh bạch và sự công khai hóa của chính phủ. Nó được phép chỉ trích hay phản biện các chính sách đi ngược lại hiến pháp, xâm phạm đến các giá trị dân chủ, nhân quyền cùng lợi ích quốc gia và người dân một cách xác thực và hợp pháp. Việc phản ánh thái độ và phản ứng của người dân trước các vấn đề xã hội hay chính sách, có thể giúp các chính quyền địa phương và chính phủ đưa ra những thay đổi và giải pháp cần thiết trong việc vận hành được hiệu quả hơn.
Với chủ đề "Nền báo chí không sợ hãi và thiên vị" do cơ quan UNESCO đưa ra trong năm 2020 này, thách thức cho các ký giả và nền truyền thông thế giới là một sự can đảm để nói ra sự thật, binh vực lẽ phải một cách chính xác, công bằng và mang xu hướng tích cực. Đây là điều không dễ dàng nhưng quả là một chọn lựa danh giá cho những người thực hiện đúng theo tôn chỉ và đạo đức nghề nghiệp của nền báo chí tiến bộ.
Đinh Yên Thảo (VOA)