Từ điển tiếng Việt định nghĩa “ấm ớ hội tề” là “thái độ không dứt khoát”. Đem nghĩa này gắn vào những tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng XIII, dự kiến diễn ra trong tháng 01 năm 2021, thì sẽ thấy vẫn chỉ là chuyện nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, hay chỉ nhằm tung hòa mù để hù họa nhau.
Riêng ông Trọng thì có vẻ như muốn đảng ghi công, người dân nhớ đến nhiều hơn các Tổng Bí thư tiền nhiệm với câu nói “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”.
Chuyện dân và việc đảng
Nhưng trước hết, từ xưa tới nay, chuyện chọn người vào Trung ương của mỗi kỳ Đại hội là việc riêng của đảng cầm quyền, làm theo kế hoạch tiến cử đã được thỏa hiệp giữa các ban, ngành và địa phương của đảng, Lực lượng Võ trang nhân dân gồm Quân đội và Công an, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người dân chỉ được đóng vai khán giả vỗ tay và phải chấp hành những quyết định của Đại hội. Mọi việc đều diễn ra theo như chương trình đã hoạch định, hầu như không có phản biện. Nếu có, cũng không được công khai.
Mặt trận Tổ quốc, nơi quy tụ các tổ chức chính trị và xã hội do đảng thành lập, đóng vai thu góp ý kiến, nếu có, của cán bộ, đảng viên và người dân tại các cuộc họp của tổ chức và địa phương.
Báo chí và các cơ quan thông tin, tuyên truyền của đảng, có nhiệm vụ phổ biến các Dự thảo văn kiện để thu góp ý kiến (nếu có) của độc giả và khán, thính giả rồi gửi cho Ban Tuyên giáo trước khi đến tay Ban Bí thư.
Những việc làm này diễn ra tuần tự như tiến, suôn sẻ từ đầu đến cuối nên luôn luôn có kết luận quen thuộc như: “thành công mỹ mãn” , “đoàn kết, thống nhất” và “đáp lại nguyện vọng của toàn đảng, toàn quân và toàn dân” v.v…
Những sáo ngữ này được lập đi lập lại nghe đến mỏi tai nhưng kỳ nào lãnh đạo cũng chăm chỉ làm cho đúng thủ tục và lớp lang của màn trình diễn dù rất tốn phí đồng tiền của dân.
Riêng kỳ đảng XIII này, xem ra công tác tổ chức được chuẩn bị bài bản hơn vì ông Nguyễn Phú Trọng đã một mình đứng đầu 2 Ủy ban quan trọng nhất là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự. Ba Tiểu ban còn lại gồm Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Theo Điều lệ đảng, ông Trọng không thể làm quá 2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư, sau khi đã cầm quyền 10 năm (2011-2021) qua 2 khóa đảng XI và XII.
Trước đây từng có nỗ lực của một số thành phần trong Đảng muốn sửa Điều lệ để ông Trọng có thể ngồi lại, ít nhất thêm một nhiệm kỳ thứ 3, nhưng Hội nghị Trung ương XI/khóa XII, họp từ ngày 7/10 đến ngày 12/10/2020, tại Hà Nội đã tán thành trình Đại hội XIII của Đảng cho giữ Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung, sửa đổi).
Như vậy, ông Trần Quốc Vượng, sinh ngày 05/02/1953 tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng XII, được coi là người có triển vọng cao nhất kế vị ông Nguyễn Phú Trọng.
Tham vọng và bia miệng
Nhưng xuyên qua những phát biểu và bài viết của ông Trọng trong vòng một năm qua, không khó để thấy ông muốn để lại một điểm son khi mãn nhiệm. Vì vậy ông đã tập trung vào 2 vấn đề then chốt: Phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; và phải tổ chức thành công đảng khóa XIII để "chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau."
Về văn kiện đảng XIII gồm có 4 dự thảo đang thảo luận trong đảng gồm: (1) Dự thảo Báo cáo chính trị; (2) Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; (3) Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và (4)Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tại cuộc họp duyệt xét lần đầu các Dự thảo ngày 14/02/2020, ông Trong tự đề cao “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau.”
Nhưng ông đã để lại nhiều thắc mắc trong bài viết, phổ biến ngày 26/04/2020, có nhan đề “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”,
Ông nói Ban Chấp hành Trung ương XIII: "Là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ."
Nhưng ai đánh giá những người này? Nếu cứ theo như tập quán “đảng cử, đảng bầu” thì có phải anh vừa đá bóng vừa thổi còi không?
Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nói: "Đại hội XIII sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.”
Nhưng căn cứ vào đâu mà ông khẳng định chủ quan như thế? Ông có chắc thành phần nhân sự đảng XIII sẽ thành công đến mức cao như thế không, và thứ “chủ nghĩa xã hội” mà đảng sẽ tiến lên, sau Đại hội XIII, là thứ chủ nghĩa xã hội gì, ở đâu, còn bao nhiều năm nữa mới tới đích?
Hơn nữa, sau 35 năm đổi mới, đảng CSVN vẫn đang còn “qúa độ lên Xã hội chủ nghĩa cơ mà”? Và, hẳn ông chưa quên khi phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Hà Nội ngày 24/10/2013, ông đã nói: "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."
Như vậy là phiêu lưu rồi còn gì nữa mà ông Nguyễn Phú Trọng lại tự tung, tự hứng rằng: "Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động."
Hay: "Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.”
Nhưng nếu chỉ nghe ông Trọng nói mà lãnh đạo đảng làm được như thế thì thật là đại phúc cho dân cho nước. Chỉ có điều là chừng nào chưa chấm dứt được tệ nạn “đảng cử dân bầu”, hay “đảng bỏ phiếu cho nhau” để bảo vệ quyền lợi phe nhóm, và vẫn còn nạn chạy chức, chạy quyền như bấy lâu nay, thì dân còn khổ, nước còn nghèo nàn và tụt hậu lâu dài.
Vạch tai mà nghe
Ngoài ra quanh chuyện ông Nguyễn Phú Trọng nói nhiều về nhân sự đảng XIII, cũng nên đọc những lời phát biểu khá thẳng thắn của ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN—Voice of Vietnam), ngày 13/05/2020.
Ông nói: "Lần này tôi thấy (và cảm giác) hình như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn lưu ý vấn đề uy tín của cán bộ trước nhân dân. Đó là chuyện lớn, rất lớn. Thực ra đó mới chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất, thậm chí chỉ cần một tiêu chuẩn đó là xong (nhiều nước họ đã làm vậy lâu rồi) - được nhân dân tín nhiệm cụ thể bằng lá phiếu của một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và minh bạch thông tin.”
Ông Hoàng nói tiếp: "Ở nước ta cũng không ít lần nói đến sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng thực hiện thì chưa nhiều, nói nhưng không có cơ chế cho rõ ràng. Biết thế nào là có hay không có uy tín, nếu không có cách đo đếm. Những năm gần đây, khi bầu cử thì phải có số dư, đó cũng là một bước tiến bộ, nhưng vẫn còn rất ít, không có số dư khi bầu chủ chốt vẫn nhiều và người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp cũng chưa được dân bầu trực tiếp, mà còn qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Nước ta cũng chưa có tranh cử, các ứng cử viên chưa tranh luận với nhau, chưa có chương trình hành động được công khai. Cho nên, câu chuyện về tín nhiệm của nhân dân là chuyện rất lớn mà nước ta phải tích cực chủ động tiến tới để văn minh tiến bộ hơn.”
Ngoài ra ông Hoàng còn muốn nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng: "Đánh giá con người trên công việc cụ thể chứ không phải tự hình dung ra, mặc dù linh cảm nhiều khi cũng đúng. Tốt nhất là có biện pháp cụ thể và hữu hiệu để dựa vào dân mà chọn người. Được dân tín nhiệm thật sự là tiêu chuẩn cao nhất, quyết định nhất, chứ không phải nêu ra nhiều tiêu chuẩn nhưng chung chung trừu tượng, khó đo đếm. Bầu cử dân chủ, có tranh cử thực chất, lấy lá phiếu của dân mà quyết định. Đảng lãnh đạo bằng cơ chế dân chủ, bảo đảm dân chủ và minh bạch, tuyên truyền về tiêu chuẩn, chống gian lận và giới thiệu người ra tham gia tranh cử bình đẳng, chứ không phải sắp đặt theo chủ quan của một tổ chức nào, càng không được áp đặt.”
Tại sao bí mật?
Liên quan đến “tin Mật” đã có 600 cán bộ được quy hoạch vào Danh sách “cán bộ chiến lược” thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, ông Vũ Ngọc Hoàng nói trằng ra ý mình rằng: "Tôi rất nhất trí việc cho công khai sớm danh sách quy hoạch để nhân dân tham gia giám sát. Có ý kiến sợ làm thế người ta có thể phá hỏng quy hoạch. Tôi nghĩ khác, danh sách quy hoạch không chuyện gì lại phải “bí mật bất ngờ” với mọi người như là chuyện “đánh trận”. Đúng bản chất vấn đề thì danh sách quy hoạch là phát hiện những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua thực tế và giới thiệu cho công chúng, chứ đâu phải giữ chỗ, xí phần và không cho người khác lọt vào.”
Hiển nhiên, sau khi nghe những điều nói thẳng ruột ngựa của ông Vũ Ngọc Hoàng, hẳn ông Trong cũng nhức nhối lắm, nhưng ông Trọng là người điếc không sợ súng, vẫn chưa thoát khỏi tư duy dĩ hòa vi qúy cho tứ bề cùng vui nên ông chỉ biết nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.
Đấy là chưa bàn tới chuyện quân Tầu đang hoành hành và đe dọa Việt Nam ở Biển Đông ngày một gay gắt hơn nên viễn ảnh một Việt Nam có dân chủ và bầu cử tự do hãy còn xa vời vợi, chừng nào ông đầu đảng Nguyên Phú Trọng vẫn còn ấm ớ hội tề và đảng CSVN chưa gỡ được chiếc gông ngàn cân đeo cổ của Trung Cộng. -/-
05/020
Phạm Trần