Mặc dù nhiều người dân Việt Nam ở hải ngoại luôn tranh đấu cho tự do dân chủ ở quê nhà nhưng theo một khảo sát toàn cầu mới, đại đa số người dân trong nước tin là Việt Nam có dân chủ. (Ảnh Bùi Văn Phú)
Một khảo sát toàn cầu mới cho thấy chính phủ Hà Nội đã đáp ứng được sự kỳ vọng của hầu hết người dân về tự do dân chủ khi có tới hơn 70% người dân trong nước tin là mình đang sống ở một quốc gia dân chủ dù Việt Nam không được Freedom House coi là đất nước có tự do.
Chỉ số Nhận thức Dân chủ (DPI), nghiên cứu hàng năm lớn nhất về dân chủ, vừa được đưa ra cho thấy đại đa số người dân Việt Nam, 81%, coi dân chủ là quan trọng và 71% những người được khảo sát ở Việt Nam nói rằng “đất nước của tôi có dân chủ.”
Chỉ có 18% người dân Việt Nam được hỏi nói rằng “không có đủ dân chủ ở đất nước tôi” và chỉ có 12% cho rằng chính phủ của họ “thường hành động vì lợi ích của một nhóm nhỏ”, theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu Dalia Research, có trụ sở chính ở Berlin của Đức kết hợp với quỹ Liên minh Dân chủ (AoD) có trụ sở ở Copenhagen, Đan Mạch, đưa ra ngay trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen được tổ chức hôm 18-19/6.
Quốc gia cộng sản láng giềng Trung Quốc cũng có những chỉ số tương tự như Việt Nam khi 83% người dân coi dân chủ là quan trọng và 73% nói đất nước của họ có dân chủ.
Sự tương đồng này còn thể hiện trong các chỉ số khác khi chỉ có 10% người dân Trung Quốc nói họ “không có đủ dân chủ” và 13% nói chính phủ của họ hành động vì lợi ích của các nhóm nhỏ.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đứng đầu trên bảng chỉ số DPI với 95% người dân của hai nước cho rằng chính phủ của họ làm tốt trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Việt Nam, cũng như Trung Quốc, bị Freedom House, tổ chức theo dõi tiến trình dân chủ toàn cầu, xếp vào nhóm những nước không có tự do.
Tại Việt Nam, quốc gia độc đảng do Đảng Cộng sản thống trị trong nhiều thập kỷ qua, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, và hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế nghiêm ngặt ở Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Freedom House, có trụ sở ở Washington DC, Mỹ.
Tuy nhiên báo cáo của Freedom House 2020 ra hồi tháng 3 vừa qua cho biết rằng chính phủ Việt Nam nói chung không hạn chế người dân về các tự do xã hội. Đàn ông và phụ nữ có quyền ngang nhau trong việc quyết định các vấn đề như hôn nhân và ly dị theo luật. Năm 2015, Việt Nam bãi bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng giới nhưng chính phủ vẫn chưa công nhận về mặt pháp lý việc hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Mặc dù phần lớn người dân Việt Nam hài lòng với mức độ dân chủ trong nước, nhưng khảo sát của Dalia Research đưa ra hôm 15/6 cũng chỉ ra rằng một lượng thiểu số người Việt Nam, 47%, muốn có nhiều hơn các điều luật quy định các nội dung mà mọi người chia sẻ trên các diễn đàn xã hội. Theo nhận định của Freedom House, giới chức chính quyền đã tăng cường truy quét việc sử dụng mạng xã hội và internet của người dân Việt Nam.
Tháng 11 năm ngoái, Freedom House đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet. Nhưng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng ngay sau đó đã bác bỏ những đánh giá về internet khi cho rằng “việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam được quy định trong Hiến pháp.”
Theo VOA