Kremlinologists, cái tên gọi các chuyên gia về Nga thời còn Liên Bang Xô Viết tưởng đã đi theo đảng Cộng Sản Nga bị vứt vào sọt rác của lịch sử. Nhưng có lẽ đúng như Marx nói, lịch sử thường lập lại, lần đầu là một tấm thảm kịch nhưng lần sau là một trò hề.
Kể từ hôm giữa tuần, lịch sử đã diễn một tấn tuồng mới về điện Kremlin quanh vụ lãnh tụ đối lập Alexei Navalny được trả tự do.
Sự việc là chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi ông Alexei Navalny, lãnh tụ đối lập có lẽ duy nhất của nước Nga hiện nay, bị kết tội ăn cắp và kêu án năm năm tù giam và bị dẫn ra khỏi tòa án với tay bị còng, ông đã được đưa lại trở về cũng tòa đó và được cho tại ngoại chờ đợi kháng cáo. Ðiều còn kỳ lạ hơn là việc ông được tại ngoại không phải do ông yêu cầu mà là do chính cùng vị công tố viên mà một ngày hôm trước đã đòi ông phải đi tù. Một sự việc đã được ông Navalny sử dụng để chọc quê chính quyền “Thưa tòa, tôi yêu cầu quý tòa hãy xác nhận xem đây có thực là công tố viên Sergei Bogdanov hay không bởi có thể đây là một người giả mạo do các nhà tranh đấu đối lập đưa vào, vì trước đây chính công tố viên Bogdanov đã đòi tôi bị bắt ngay trước tòa.”
Không một luật sư hay chính trị gia nào ở Nga có thể nhớ lại là có một chuyện như vậy đã từng xảy ra từ trước đến nay.
Dĩ nhiên không ai nghi ngờ là chỉ thị trả tự do tạm cho ông Navalny đến từ điện Kremlin, và dĩ nhiên chỉ thị trước đó bắt giam ông cũng phát xuất từ đó. Nhưng lý do nào dẫn đến sự thay đổi ý kiến quá nhanh chóng như vậy. Và đây là lúc các chuyên gia về điện Kremlin, các Kremlinologists bắt đầu “bàn loạn”.
Theo tờ The Economist, lý do viện dẫn bởi phía chính quyền là để cho ông Navalny có cơ hội tham gia cuộc bầu cử đô trưởng Moscow vào tháng 9, chống lại đương kim đô trưởng Sergei Sobyanin. Mới tháng rồi ông Sobyanin đã đột ngột kêu tổ chức bầu cử, có vẻ như là để cho sự cai trị của ông được danh chính ngôn thuận vì ông đã được chỉ định chứ không được dân bầu lên. Mà muốn cho bầu cử có ý nghĩa ông Sobyanin cần một đối thủ thực sự được coi như là một nhân vật đối lập thật chứ không phải thứ dỏm. Ông Navalny, người nay đã trở thành lãnh tụ đối lập chính của Ðiện Kremlin, người đã bảo đảng Nước Nga Ðoàn Kết của ông Putin là một đảng của “những tên ăn trộm và lừa đảo”, rất thích hợp cho vai trò này bởi trong các cuộc thăm dò thì ông thua ông Sobyanin rất xa. Dân chúng thủ đô Nga nghĩ chức đô trưởng chỉ là một chức vụ hành chánh chứ không phải là một chức vụ chính trị.
Sự thay đổi nhanh chóng này phản ảnh một sự rối loạn và vô trật tư bên trong chính Ðiện Kremlin. Trong khi phe diều hâu, còn có cái tên là silovoiki, muốn bắt bỏ tù vĩnh viễn ông Navalny cho ông khỏi quậy phá, ông Sobyanin cần ông không bị tù. Riêng Tổng Thống Vladimir Putin, tuy hẳn sẽ tống ông Navalny vào tù ngay sau bầu cử, có vẻ sẵn sàng cho ông Sobyanin hài lòng.
Tờ tạp chí kinh tế nổi tiếng này của Luân Ðôn kết luận “Ông Navalny nhanh chóng cho là lý do ông được tại ngoại là do áp lực của những cuộc biểu tình phản đối. Nhưng có lẽ thực ra nó đến từ tranh chấp nội bộ trong điện Kremlin.” Nói cách khác, theo The Economist, ông Navalny được trả tự do là để đem lại chính nghĩa cho cuộc bầu cử đô trưởng Moscow.
Tờ New York Times trước hết nhắc lại là lập luận của công tố viên là ông Navalny cần được tại ngoại để ông có thể tham gia ứng cử đô trưởng Moscow, viết tiếp “Việc này sẽ giúp cho ông Navalny được ra khỏi nhà tù khoảng hơn một tháng, tạm thời trung hòa được sự tức giận của dân chúng trước bản án và đồng thời cho ông tham gia ứng cử đô trưởng.”
Tờ Times nói là ông Navalny có vẻ đã được Ðiện Kremlin chú ý đến vì kể từ khi chỉ là một blogger chống tham nhũng, ông đã trở thành một lãnh tụ của các cuộc xuống đường khổng lồ sau khi ông Putin thắng cử nhiệm kỳ thứ nhì, và do đó là một ứng cử viên được ưa chuộng cho chức vụ đô trưởng.
Tờ Times thì dẫn lời của các ủng hộ viên của ông Navalny nói là không biết công tố viên đang âm mưu chuyện gì, nhưng họ tin là chính các cuộc biểu tình đã lật ngược thăng bằng. Theo tờ báo, trong khi đám biểu tình cỡ vài chục ngàn người tràn xuống quảng trường Manezh ở Moscow tối hôm Thứ Năm, Dân Biểu Dmitri Gudkov, vốn là đồng minh của ông Navalny đã tweet “Ngày mai Navalny sẽ được trả tự do. Quảng trường Manezh đây là thắng lợi của các bạn.” Như vậy theo New York Times, ông Navalny được tự do là nhờ phản ứng nồng nhiệt của những ủng hộ viên của ông và vì Ðiện Kremlin e ngại biểu tình sẽ lại bùng lên.
Trên The Daily Beast, blogger Peter Pomerantsev, một người Nga, lại đưa ra một giải thích khác. Theo blogger, nền độc tài của ông Vladimir Putin ở Nga tân kỳ hơn, xảo trá hơn là loại độc tài của thế kỷ thứ 20. Bởi nếu sống ở Moscow, bạn có thể đánh lừa mình nghĩ là mình đang sống trong một thành phố tự do nhất, cấp tiến nhất và hợp thời trang nhất địa cầu. Ngoài các cửa tiệm, các phòng tranh, còn có đến một đài truyền hình, ít nhất hai đài phát thanh, nhiều tờ báo nơi mà bạn có thể nói cho sướng miệng và bày tỏ sự tức giận đối với điện Kremlin cho thỏa thích. Thỉnh thoảng bạn còn được cho phép biểu tình. Nói cách khác bạn có thể tự ru ngủ mình sống trong một chế độ dân chủ giả dối.
Ðiều bạn không được làm là nêu đích danh, nghiên cứu và phổ biến những kế hoạch tham nhũng thật sự vốn đã làm cho đám quần thần nhỏ quanh ông Putin trở thành những người giàu nhất thế giới, hay thực sự thách thức uy quyền của họ. Ðó theo ông Pomerantsev là luật chơi, được tăng cường bởi sự thờ ơ phát xuất từ thất vọng với cải tổ dân chủ thời thập niên 1990, và chấp nhận cái kết luận là không còn có lý tưởng nào đáng để tranh đấu nữa.
Nhưng trong bầu không khí lờ đờ đó xuất hiện Alexei Navalny. Pomerantsev nói còn nhớ hồi thập niên 2000, ông đã theo dõi những video của ông Navalny đưa ra chi tiết về tham nhũng trong giới lãnh đạo quanh ông Putin. Lúc đầu ông bảo phản ứng tức khắc của ông là “Họ sẽ giết ông ta. Không ai được phép làm vậy”. Ðiện Kremlin cho ông sống bởi sự can đảm của ông có lợi cho họ: Những kẻ cạnh tranh nhau tiết lộ tin tức cho ông Navalny về đối thủ của mình. Nhưng ông Navalny không chịu ngừng lại ở các công ty mà tấn công toàn thể hệ thống. Trong vài tháng của các biểu tình phản đối năm 2011 và 2012, ông Navalny đã từ một blogger chống tham nhũng trở thành một chính trị gia, trở thành một lãnh tụ đối lập.
Nhưng không phải chỉ việc chống tham nhũng mà ông Navalny theo ông Pomerantsev còn đưa lại mọi sự mới từ lối hành xử, lối nói và lối suy nghĩ. Ông tránh những chữ như “dân chủ” hay “nhân quyền” vốn đã từ lâu bị điện Kremlin giành lấy, lợi dụng và làm nó phá sản rồi. Những bài diễn văn của ông mang giọng điệu anh chị đường phố cộng với sự hăng máu của sân chơi nhà trường. Lời kêu gọi chính của ông “Một cho tất cả và tất cả cho một” phát xuất từ cuốn film mà ông thích nhất hồi còn thơ ấu “Ba người ngự lâm pháo thủ”. Lời lẽ bộc trực có khi thô bạo của ông gây ấn tượng. Ông nói đến con nhện khổng lồ sống ở Ðiện Kremlin... đến một trăm gia đình hút máu của nước Nga. Mục đích của ông là thức tỉnh dân Nga. Và trong một giai đoạn ngắn ông đã thức tỉnh được ít nhất Moscow. Nhưng rồi sự hờ hững trở lại. Và cũng vì điều ông Navalny đòi hỏi là bắt những người dân Nga phải từ bỏ cái thế giới quen thuộc này mà từ mảnh bằng đại học đến bằng lái xe cũng có thể mua được. Và rồi họ bắt đầu chán ông. Họ thì thầm ông là tay sai của đám tỷ phú, hay ông làm vậy vì vụ lợi.
Nhưng khi ông bị kêu án năm năm tù thì chính Pomerantsev và tất cả những người Nga như ông đã bị chấn động. Pomerantsev viết “Mọi người tôi hỏi, và kể cả tôi nữa, phản ứng ra mặt, tay chân run rẩy, muốn nôn mửa, nước mắt tràn ra, miệng liên tiếp chửi thề”. Ai cũng biết chuyện rồi sẽ xảy ra, nhưng không ai nghĩ nó xảy ra. Và đó là tại sao nhiều ngàn người đổ ra đường tối hôm Thứ Năm. Và chính vì thế mà điện Kremlin trả tự do cho ông.
Ðó là các nhà báo. Lý thú nhất theo tôi là từ một tay Kremlinologist cũ. Nhân vật này, ẩn danh, đã email cho các nhà báo một giải thích khác: Ông Putin thả Navalny là món quà cho Hoa Kỳ để đánh đổi lại việc đã làm Hoa Kỳ phật lòng vì vụ Edward Snowdon.
Thật đúng là khi lập lại lịch sử chỉ là một trò hề.
Lê Phan