Hai phụ nữ treo trên hàng rào tên của những nạn nhân bạo lực cảnh sát nhân kỷ niệm ngày chấm dứt chế độ nô lệ. Ảnh chụp ngày 19/06/2020 tại New York, Hoa Kỳ REUTERS - IDRIS SOLOMON
Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ đã diễn ra hôm qua 19/06/2020, trong bối cảnh phong trào chống kỳ thị sắc tộc và chống nạn bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp diễn sau vụ người da đen Geoges Floyd thiệt mạng do bị cảnh sát ghì cổ đến nghẹt thở hôm 25/05.
Tại thành phố New York, khoảng 50 sự kiện được tổ chức ở nhiều địa điểm. Thông thường, ngày kỷ niệm thường niên này là dịp để người Mỹ gốc Phi tụ họp với gia đình và bạn bè, đi dã ngoại hoặc đi xem hòa nhạc. Dịch bệnh Covid-19 năm nay có gây ảnh hưởng nhưng không ngăn cản được người dân tập hợp đông đảo, thậm chí theo ghi nhận của thông tín viên Loubna Anaki tại New York, các hoạt động còn thu hút đông người hơn cả những năm trước.
Còn ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã tập trung dự lễ tưởng niệm, một ngày trước khi tổng thống Mỹ Donald Trump đến thành phố này để tổ chức buổi mít-tinh đầu tiên của ông từ 3 tháng nay.
Từ Tulsa, đặc phái viên RFI Anne Corpet gửi về bài phóng sự :
« Tập hợp dưới bầu trời đang có cơn giông, những người Mỹ gốc Phi ở Tulsa yêu cầu được bù đắp vì nỗi đau khổ do chế độ nô lệ gây ra, vì vụ thảm sát hồi năm 1921 trong đó 300 người da đen đã bị giết hại tại thành phố của họ, và cuối cùng là vì sự kỳ thị mà họ vẫn phải chịu đựng cho đến ngày nay.
Ông Robert Turner là mục sư của cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại đây. Ông phát biểu : « Chúng tôi vẫn chưa đạt được công lý cho chế độ nô lệ. Và ngay cả bây giờ, với những sự chệnh lệch, bất bình đẳng về chăm sóc y tế, số người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát nhắm tới, chính sách của các ngân hàng phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, chúng tôi vẫn không hoàn toàn có tự do trong cái gọi là một đất nước tự do ».
Al Sharpton, một nhà tranh đấu vì dân quyền, người đã phát biểu tại lễ tang của Georges Floyd, nói về việc tổng thống Donald Trump đến Tulsa. Al Sharpton thắc mắc :« Ông ấy vẫn sẽ nói là sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, nhưng hãy nói cho tôi biết nước Mỹ đã là hùng mạnh cho tất cả mọi người vào khi nào ? »
Phát biểu của Al Sharpton được cô Broomie Williams hoan nghênh. Cô có cảm giác mình không thuộc về cùng một nước Mỹ như những người da trắng sắp đi gặp tổng thống. Broomie Williams nói : « Tôi cảm thấy chúng tôi không được tự do như những người Mỹ khác ... ví dụ hôm qua mọi người đã đến xem nơi tổ chức buổi mít-tinh của tổng thống, chỉ là để xem thôi, nhưng chẳng có người da đen nào ngoài tôi. Có rất nhiều biểu lộ tiêu cực, như thể chúng tôi không nên ở đó. Lẽ ra không nên như vậy ! »
Còn Al Sharpton kết luận, khi tất cả mọi người cùng nhau đi bộ, khi người da đen, da trắng, người gốc Á và người Mỹ da đỏ cùng nhau đối mặt với hơi cay và đạn cao su, thì đó mới là lúc nước Mỹ lớn mạnh … »
Tại thủ đô Washington, trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay 20/06, những người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc đã kéo đổ bức tượng duy nhất của vị tướng liên quân Mỹ Albert Pike ở thành phố này. Trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ việc là « nỗi xấu hổ đối với đất nước chúng ta » và kêu gọi bắt giữ các thủ phạm.
Theo RFI