Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm nghĩa trang tử sĩ VNCH (nghĩa trang Bình An) ở Bình Dương, 21/6/2020
Hôm 21/6, lần đầu tiên một đại sứ của Hoa Kỳ đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Trong cùng ngày, Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng thăm nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở tỉnh Bình Dương, còn có tên là nghĩa trang Bình An, trang Facebook của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho hay tối 22/6.
Tường thuật về cuộc viếng thăm hai nghĩa trang, tòa đại sứ Mỹ đăng lên 4 bức ảnh theo thứ tự lần lượt là ảnh về Đại sứ Mỹ thăm nghĩa trang liệt sĩ Cộng sản đứng trước, tiếp theo là ảnh ông thăm nghĩa trang tử sĩ Cộng hòa.
Lời chú thích của bức ảnh đầu tiên viết: “Đại sứ Kritenbrink bày tỏ lòng tôn kính tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM trong chuyến thăm đầu tiên của một Đại sứ Hoa Kỳ đến nghĩa trang này”.
Tuy là lần đầu thăm một nghĩa trang của liệt sĩ Cộng sản ở Tp.HCM, song trước đây, Đại sứ Kritenbrink đã thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ở tỉnh Quảng Trị, vào tháng 8/2019, và được xem là lần đầu tiên một đại sứ Mỹ tưởng niệm các quân nhân Cộng sản đã ngã xuống trong Chiến tranh Việt Nam.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Tp.HCM, 21/6/2020
Bức ảnh thứ hai trong bài tường thuật của đại sứ quán Mỹ cho hay ông đại sứ cùng Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà Marie Damour, và Tùy viên quân sự, Đại tá Thomas Stevenson, “bày tỏ lòng tôn kính tại Nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là Bình An) ở tỉnh Bình Dương”.
Đi cùng 4 bức ảnh là thông điệp của Đại sứ Kritenbrink nói rằng: “Khi chúng ta cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh thì lòng tin và tình bạn của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn”.
Đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ ở Việt Nam nhấn mạnh: “Là một phần trong quá trình hàn gắn cùng tinh thần hoà giải và tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi thể hiện sự kính trọng đối với tất cả những người đã hy sinh, bất kể họ đứng về phía nào”.
Trong Chiến tranh Việt Nam, kéo dài từ đầu thập niên 1960 đến 30/4/1975, Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, để chống lại Bắc Việt theo chủ nghĩa Cộng sản, khi đó có tên chính thức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam theo Hiệp định Hòa bình Paris. Đến cuối tháng 4/1975, quân đội Bắc Việt giành chiến thắng, toàn bộ đất nước Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền Cộng sản.
Sau 20 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, hai nước Mỹ, Việt bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Tháng 7 năm nay, hai nước sẽ kỷ niệm mốc 25 năm của mối quan hệ song phương.
Hồi cuối tháng 7/2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Mỹ, hai nước ra tuyên bố “xác lập quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai bên.
Từ hai kẻ thù trong chiến tranh, đến nay quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực gồm ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục, nhân đạo, giao lưu nhân dân…
Trong phần cuối thông điệp của đại sứ Mỹ đăng trên Facebook chính thức hôm 22/6, ông Kritenbrink khẳng định: “Ngày nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác để xây dựng một tương lai mới, dựa trên cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân hai nước”.
Theo VOA