Ảnh minh họa : Một tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá. Reuters
Washington tiếp tục có các hành động cụ thể để hỗ trợ các quốc gia ASEAN kháng cự hoạt động gây hấn trên biển của Trung Quốc. Hôm qua, 22/07/2020, Mỹ và Việt Nam ký kết thỏa thuận « tăng cường thực thi pháp luật về thủy sản », mà một trong các nội dung chính là « hỗ trợ ngư dân trước các đe dọa bất hợp pháp trên biển ».
Theo Vietnamnet, cơ quan truyền thông của bộ Thông Tin và Truyền thông Việt Nam, cục Phòng chống ma tuý và thực thi pháp luật quốc tế (INL) thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về « tăng cường năng lực thực thi pháp luật về thuỷ sản và quản lý nghề cá ». Đại diện ký kết phía Việt Nam là tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, về phía Mỹ là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink.
Thỏa thuận « tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá » được hy vọng là sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế nhằm đảm bảo duy trì bền vững nguồn lợi sinh vật biển, đấu tranh phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết: « Hoa Kỳ có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý và thực thi pháp luật thủy sản và sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Việt Nam nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe dọa bất hợp pháp trên biển".
Cơ quan thực thi pháp luật quốc tế (INL), thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, dự kiến đầu năm tới sẽ bàn giao cho cục Kiểm Ngư Việt Nam một trung tâm huấn luyện tại Phú Quốc. Trung tâm có mục tiêu nâng cao năng lực thực thi pháp luật của lực lượng kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh duyên hải của Việt Nam.
Việc Washington hỗ trợ ngành kiểm ngư Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam tại Biển Đông diễn ra chỉ ít ngày sau khi bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố « Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển tại Biển Đông », ngày 14/07/2020. Tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, bị xem là đi ngược lại luật pháp quốc tế tại vùng biển này, đặc biệt là việc Trung Quốc dùng vũ lực để dọa nạt, cưỡng bức và uy hiếp các quốc gia khác trong vùng trong các hoạt động « đánh bắt cá hay khai thác dầu khí » hợp pháp.
Theo RFI