Một tiệm sách ở Đường Sách, Sài Gòn. Hình minh họa.
Lại một lần nữa câu chuyện cải cách giáo dục, và cụ thể là việc cải cách trong “tính tự do” lựa chọn sách giáo khoa cho khối Tiểu học, là sự kiện nổi bật tại Việt Nam một vài tháng qua.
Thực hiện Nghị Quyết 88, Luật Giáo Dục (sửa đổi), vào đầu tháng 7/2020, Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chính thức công bố việc các trường được tự chọn một trong năm bộ sách giáo khoa mới xuất bản năm nay để áp dụng cho việc giảng dạy trong năm học 2020-2021.
Trao đổi với vài người bạn là nhà giáo đang làm việc tại Việt Nam, họ cho biết vấn đề này thực sự đang rất sôi nổi trong các cấp trường và đặc biệt là quý phụ huynh học sinh. Tất cả đều đang rất nóng lòng muốn biết bộ sách nào sẽ được trường chọn lựa để phụ huynh có thể mua và chuẩn bị (hay dạy trước?) cho con trước khi bắt đầu năm học mới vào tháng 9 sắp tới.
Câu chuyện cải cách giáo dục thực ra đã được đều đặn nói đến từ những năm sau 1975. Nó được nhắc đến nhiều và trở nên một cụm từ dường như không thể thiếu khi bàn về công tác giáo dục ở Việt Nam nhiều năm qua. Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, ra trường, đi dạy học và đến hôm nay, sau hơn 30 năm nghe cụm từ ấy, tôi vẫn không thấy nó có biến chuyển gì, mặc dù biết rằng nó đã tiêu tốn quốc gia không biết bao nhiêu ngân sách để mong biến nó thành sự thật. Đến hôm nay, khi nghe đến việc thực hiện cải cách bằng cách cho phép các trường lựa chọn một trong năm ấn bản sách giáo khoa mới, một lần nữa tôi thấy trước mắt mình là khoản tiền khổng lồ mà ngành giáo dục và phụ huynh học sinh lại phải đổ vào đó. Đồng thời, tôi cũng tự đặt ra câu hỏi, liệu rằng câu chuyện cải cách giáo dục này có giống như trong suốt hơn 30 năm qua hay không?
Hãy theo dõi các thông tin trên các trang mạng của ngành giáo dục cũng như các trang tin điện tử trong nước. Các bài mục dành cho đề tài này chiếm số lượng khá nhiều. Bài nào cũng cho thấy một “bầu khí hân hoan phấn khởi” vì sự cải cách ngoạn mục này. Tuyệt nhiên, tôi không tìm thấy một đoạn nào nói về việc chuẩn bị yếu tố con người cho việc thay đổi này là như thế nào cả. Trang mạng “Sách giáo khoa - Cùng học để phát triển năng lực” nhận định rằng xã hội Việt Nam đã có nhiều đợt cải cách giáo dục về mặt hình thức, ví dụ như thay đổi chương trình học, nội dung sách giáo khoa, hình thức thi cử v.v. Và đến hôm nay, trang mạng này một lần nữa cũng nhắc đến sự cải cách về sách giáo khoa này là thêm một sự cải cách về mặt hình thức. Câu hỏi được đặt ra là liệu điều này sẽ đem lại lợi ích thiết thực nào cho giáo dục Việt Nam?
Tôi không dám hình dung hay nghĩ xa hơn.
Tôi chưa được tiếp cận các bộ sách này nên không dám lạm bàn đến phần nội dung. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng đó là những suy tư, là công sức thật sự đáng trân trọng của tất cả những ai đã dày công nghiên cứu và phổ biến nó.
Tuy vậy, sau khi trao đổi với các bạn làm thầy cô giáo tại Việt Nam, tôi thấy, về mặt hình thức và phương pháp ứng dụng cải cách, tất cả đều như đang lặp lại câu chuyện ‘trường kỳ’ của gần bốn thập niên qua.
Vì đã từng là giáo viên giảng dạy nhiều năm tại Việt Nam, hiện lại đang tham gia giảng dạy tại Úc, cộng với kinh nghiệm làm việc ở cả trường công lẫn trường tư ở cả hai quốc gia, tôi hiểu hai cách lựa chọn phương pháp và tiến hành thực hiện những việc được coi là cải cách trong giáo dục là như thế nào giữa hai quốc gia.
Yếu tố con người là yếu tố đầu tiên và bắt buộc cần phải chuẩn bị cho tiến trình cải cách đã bị lãng quên tại Việt Nam. Những năm học và làm việc tại Việt Nam, khi học hỏi về phương pháp giảng dạy lấy học trò làm trung tâm và phương pháp dạy học tích hợp, các nhà giáo chúng tôi luôn được “dồn tập trung” để nghe thuyết trình về các phương pháp ấy trong một khán phòng khoảng vài trăm người. Vào thời điểm đó, các phương pháp này đều là những mỹ từ rất sư phạm, rất nhân văn. Chúng tôi nghe thuyết trình và cũng lấy làm phấn khởi vì những giá trị được nêu ra - nếu thực hiện được - là rất hay và hữu ích. Tuy nhiên, sau khi được quan sát một vài buổi dạy mẫu của các giáo viên ‘nòng cốt’, chúng tôi trở về với thực tế và lại tiếp tục loay hoay với kế hoạch bài giảng. Không có thực nghiệm, không có những buổi thảo luận hay phân tích và rút kinh nghiệm tại cơ sở làm việc. Sau những ngày cuối tuần bỏ cả thời gian dành cho gia đình và cá nhân để tham gia những buổi nghe thuyết trình từ sáng đến chiều, giáo viên lại lao vào soạn bài, làm giáo cụ và dạy học theo phương pháp mới, tài liệu mới. Các bài giáo án của giáo viên khi nộp lên cho các cấp lãnh đạo, bao giờ cũng được trả về với đầy dẫy những phê phán mà có lẽ bản thân người phê cũng biết rõ rằng các giáo viên sẽ khó có cách nào đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi về thời gian, công sức, tài chánh v.v. rất phi thực tế đó.
Vấn đề ở đây không phải là lỗi của giáo viên không muốn hay không thao thức để thực hiện hoặc áp dụng phương pháp tiến bộ để giảng dạy. Những nhà giáo đích thực ai cũng đau đáu trong lòng những khát mong làm thế nào để việc dạy và học đem lại hiệu quả và giá trị cao nhất cho các học trò của mình. Để có thể đặt học trò là đối tượng trung tâm của giảng dạy, đòi hỏi giáo viên cân nhắc đến yếu tố cá nhân, ưu khuyết của từng em; các yếu tố thời gian, không gian; ngôn ngữ giảng dạy; sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội trong mọi lãnh vực nghề nghiệp v.v. Tất cả đều đặt nền tảng trên yếu tố con người. Từ nội dung đến hình thức của giáo dục có được sự chuẩn bị, nâng đỡ, đồng hành, hỗ trợ của gia đình – nhà trường – xã hội cách đồng bộ và hợp lý hay không, đó mới là vấn đề. Hô hào cải cách giáo dục bằng việc ào ào tập huấn, ào ào phát động phong trào thi đua giáo viên giỏi, học trò ngoan hay để đạt chỉ tiêu, chỉ là một hình thức thi đua và tiêu phí biết bao tiền của và thời gian, sức lực của con người.
Cải cách (reform) là cải thiện, là làm cho một điều gì đó tốt hơn trước. Ở Úc, trường tôi đang làm việc liên tục có những cải cách, cập nhật và trau dồi trong phương pháp giảng dạy. Những việc này được thực hiện để giúp giáo viên làm việc hiệu quả hơn và dĩ nhiên là để đem lại hiệu quả tối đa cho giáo dục đối với từng cá nhân học trò.
Trong năm học 2020, đối với việc giảng dạy môn văn học nghệ thuật của khối Tiểu học, trường tôi chọn một phương pháp giáo dục mới có tên là “7 bước viết văn” (7 Steps to Writing). Phương pháp này dĩ nhiên là lấy học trò làm trung tâm. Mục tiêu là làm sao để khơi gợi và phát triển khả năng ngôn ngữ, văn học của học trò cách tối đa, hiệu quả nhất. Điều chắc chắn phải diễn ra là sẽ phải tốn thời gian để tìm hiểu và cung cấp những tài liệu cần thiết để giáo viên tham khảo trước khi chính thức đào tạo và ứng dụng phương pháp này. Nhà trường cũng cử người đi học hỏi, thực hành, và sau đó từng bước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết quả thực nghiệm của họ với tập thể nhà trường. Sau từng bước trao đổi, phân tích và thực hành các bước của 7 bước viết văn; có phân tích, rút kinh nghiệm, xem xét khả năng thực sự của giáo viên, họ cần hỗ trợ gì trong khi thực hành các bước này. Sự hỗ trợ không dừng lại ở phương diện tài liệu, tài chánh, mà còn là sự hỗ trợ về mặt nhân sự. Ban lãnh đạo và các đồng nghiệp luôn đồng hành, giúp cùng đứng lớp, khơi gợi sự thảo luận giữa giáo viên và học sinh, giúp giáo viên tự tin hơn trong việc ứng dụng phương pháp mới. Hợp tác, đào tạo, hỗ trợ và rút kinh nghiệm qua từng bước ứng dụng luôn là điều cốt lõi để giúp việc thay đổi hiệu quả. Việc cải cách này được chia thành các giai đoạn để dễ dàng hỗ trợ nhau, dễ dàng phân tích điểm hay và chưa hay của phương pháp và của từng bước học viết văn. Sự cải cách không còn dừng lại ở việc truyền dạy kiến thức (Teaching as Transmission), là dạy các em biết bước một, bước hai, ba v.v là gì. Nó cũng không dừng lại ở mức độ trao đổi kiến thức qua lại giữa giáo viên với học trò và giáo viên với giáo viên (Teaching as Transaction). Đó chính là sự biến đổi (Teaching as Transformation) trong nhận thức, kiến thức và áp dụng nó như một điều tự nhiên của bản thân, của cuộc sống, và đối với tất cả những ai có liên quan đến việc dạy và học này.
Theo như nhận định trên trang mạng “Sách Giáo Khoa, Cùng Học Để Phát Triển Năng Lực” (2020), để giúp học sinh “vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống qua các bài học có hệ thống”, sẽ có sự cắt giảm trong số môn học và các hoạt động giáo dục, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hoá - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.” Có rất nhiều điều trong nhận định trên đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt hơn 30 năm qua tại Việt Nam!
Duy trì, nuôi dưỡng, bảo tồn và cải cách là những khái niệm không thể quên lãng trong giáo dục. Thế nhưng tất cả những điều cần cho sự cải cách đầu tiên và triệt để là triết lý, quan điểm về giáo dục cho ai và vì ai. Cải cách giáo dục như ta đang thấy ở Việt Nam hiện nay vẫn dừng lại ở việc tập trung vào truyền dạy kiến thức mà chưa thể bước đến bước tiếp theo và bước sau cùng là - trao đổi và biến đổi - trong kiến thức và trong đời sống. Kiến thức phải biến đổi con người và xã hội trở nên tốt hơn.
Yếu tố con người trong tương quan với giáo dục vẫn bị bỏ quên. Yếu tố thực tiễn của xã hội vẫn bị bỏ quên. Bộ sách giáo khoa mới có thể có những thay đổi về nội dung bên trong của cuốn sách. Nhưng để chuyển tải những nội dung đó vào giáo dục và thực hành nó, ứng dụng nó như thế nào, thì còn chờ sự rút kinh nghiệm một cách khách quan của ngành giáo dục và của xã hội.
Một điều có thật là tuy có sự lạc quan tin tưởng nhưng cũng không thiếu hoài nghi về một ngày mai tươi sáng của sự cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Trần An-Bee (VOA)
_________________
Tham khảoCải cách sách giáo khoa (2020),
http://netnews.vn/Cai-ca...oa-su-kien-194-2524.htmlThanh Niên (2020), Sẽ thay sách giáo khoa từ năm 2020,
https://thanhnien.vn/gia...tu-nam-2020-1037621.htmlThục Đoan (2020), Năm 2020, Các trường được tự chọn sách giáo khoa mới,
http://netnews.vn/Nam-20...en-194-2524-2139767.htmlSách Giáo Khoa, cùng học để phát triển năng lực (2020), Cải cách giáo dục Việt Nam,
https://sgkphattriennang...h-giao-duc-viet-nam-2020