Đan viện Thiên An, Thừa Thiên Huế. Photo Facebook BPSOS Vietnam Advocacy
Các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau ở Việt Nam vừa tổ chức buổi cầu nguyện cho các nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin.
Ngày 28/5/2019, Đại Hội đồng LHQ thông qua quyết định lấy ngày 22/8 hàng năm làm Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.
Hòa thượng Thích Thiện Minh ở thành phố Hồ Chí Minh, thành viên của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm 26 năm tù, chia sẻ với VOA về buổi lễ được tổ chức ở thiền thất tư gia:
“Chúng tôi và quý Phật tử rất nhiệt tình hưởng ứng cho Ngày tưởng niệm này, mặc dầu buổi lễ không được đông lắm vì dịch bệnh COVID-19.
“Chúng tôi cũng có nhã ý kêu gọi đồng bào Phật tử trong và ngoài nước cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi này, cũng như liên thông cùng với quý chức sắc của các tôn giáo khác để cầu nguyện chung trên khắp mọi miền đất nước.”
Hòa thượng Thích Thiện Minh nêu ước nguyện thông qua Ngày tưởng niệm năm nay:
“Chúng tôi có ước muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, những quốc gia cầm quyền độc tài, độc đoán, có hành động bạo ngược, áp bức, bách hại…hãy nên suy xét lại, để quay về với nẻo thiền, gột sạch tư tưởng bất lành để dân sinh có quyền tự do tôn giáo và niềm tin.”
Từ Thừa Thiên Huế, Linh mục Andrew Nguyễn An Dũng thuộc dòng Biển Đức phát biểu tại lễ cầu nguyện trực tuyến Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin hôm 23/8 do BPSOS tổ chức.
“Trên thế giới vẫn còn nhiều nước có các vị lãnh đạo sống trong ốc đảo của sự hận thù, độc tài và gian dối.
“Tại Việt Nam, chính quyền đã thuê côn đồ đánh chiếm đất đai thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, Huế. Họ đóng cọc, làm rào, chửi rủa, xúc phạm đến các đan sĩ.”
USCIRF ra thông cáo bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF
Từ thủ đô Washington DC, Tiến sĩ James Carr, Uỷ viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), góp lời cầu nguyện tại buổi cầu nguyện chung trực tuyến, dành lời cầu nguyện cho Đan Viện Thiên An, và các tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam. Ông Carr phát biểu qua lời của người phiên dịch:
“Tôi muốn chúng ta dùng dịp này cùng nhấn mạnh một điều rằng cho dù chúng ta đến từ khắp nơi trên thế giới với nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng quyền tự do tôn giáo thuộc về tất cả mọi người.
“Tôi và đồng nghiệp của tôi cùng đang làm việc để củng cố quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Việt Nam có số tù nhân lương tâm vì tôn giáo cao.
“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến sự việc xảy ra tại Đan viện Thiên An.”
Ông Carr và một ủy viên khác ở USCIRF đang bảo trợ cho tù nhân tôn giáo A Đảo và Nguyễn Bắc Truyển.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ Hòa Hảo và là vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, phát biểu:
“Chồng tôi là người bảo vệ quyền tự do tôn giáo, hỗ trợ cho các tôn giáo thiểu số bị bách hại. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã bị trả thù, nhiều lần bị tấn công, hành hung bằng bạo lực…Chồng tôi bị kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản thúc với tội danh vu cáo.
“Nhân dịp Ngày tưởng niệm Nạn nhân bị bạo hành vì Tôn giáo và Niềm tin do LHQ khởi xướng, tôi kính mong mọi người cùng hiệp thông dâng lời cầu nguyện cho chồng tôi và các tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo như Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thâm, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Thị Hồng Hạnh và các nạn nhân tôn giáo khác.”
Các Tín hữu Cao Đài Thủ Thiêm kỷ niệm Ngày Quốc tế dành cho các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.
Từ Thành Phố Raleigh, North Carolina, mục sư Tin lành A Ga phát biểu tại lễ cầu nguyện chung:
“Xin dâng lời cầu nguyện cho những người anh em ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên đang ngày đêm đối diện với những khó khăn từ phía chính quyền Việt Nam: bắt bớ, tra tấn, tù đày…”
Linh mục Peter Trần Đình Lai, người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Hà Tĩnh, nói với trang The Union of Catholic Asian News hôm 21/8 rằng tự do tín ngưỡng đang bị vi phạm nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Ông cho biết các tín đồ bị tước đoạt phương tiện kiếm sống, thực hành đức tin và truyền bá phúc âm, trong khi những người khác bị chỉ trích và bị gán ghép một cách hung hăng.
Theo VOA