Hình ảnh các bài viết chia sẻ báo chí Đức trên Facebook bị chặn tại Việt Nam
Hôm nay ngày 25-10-2020, đài Bayerischer Rundfunk (BR), một đài phát thanh và truyền hình của bang Bavaria (Bayern) ở miền nam Đức, đăng trên trang web của đài một bài viết của phóng viên Maximilian Zierer với tựa đề "Dưới áp lực của Việt Nam: Facebook chặn các bài viết chỉ trích chính phủ". Sau đây là bản dịch:
"Facebook nhiều lần nhấn mạnh đến giá trị của quyền tự do ngôn luận. Nhưng chẳng hạn như một số bài viết chỉ trích của Thoibao.de đã bị công ty này chặn, không truy cập được tại Việt Nam, trong đó có một bài điều tra của đài Đức Bayerischer Rundfunk.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lo ngại những hậu quả sâu rộng từ thỏa thuận giữa Facebook và nhà nước độc đảng Việt Nam: Nếu Facebook nhượng bộ những nỗ lực kiểm duyệt như vậy, nó sẽ có hiệu ứng domino trên toàn thế giới."
"Do các giới hạn pháp lý tại địa phương, chúng tôi đã hạn chế quyền truy cập vào bài viết của bạn tại Việt Nam". Nhiều lần, Lê Trung Khoa đã nhận được thông báo như thế của Facebook. Từ Berlin, nhà báo này bình luận phê phán trong các video và bài viết về các sự kiện chính trị ở Việt Nam, quê hương ông.
Kể từ khi blog tin tức của ông ấy ở Việt Nam bị chính phủ Việt Nam chặn, ông ấy - giống như nhiều blogger chỉ trích khác - đã đặc biệt phụ thuộc vào Facebook cho công việc của mình. Hàng trăm nghìn người theo dõi trang báo của ông ấy trên Facebook.
Các bài báo tiếng Đức bị chặnChỉ riêng trong tuần qua, 4 bài viết trên trang báo điện tử Thoibao.de của Lê Trung Khoa đã bị Facebook chặn, không truy cập được tại Việt Nam. Tất cả các bài này đều có đưa link (liên kết) dẫn đến các bài của báo chí Đức mà có nội dung chỉ trích Việt Nam. Đó là các bài của:
+ Nhật báo taz,
+ Đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức),
+ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới,
+ Và trên trang web của kênh truyền hình Đức tagesschau.de, một bài phóng sự điều tra của đài Bayerischer Rundfunk (BR) và tờ Zeit Online về gián điệp mạng: Nội dung nói về các cuộc tấn công của tin tặc từ Việt Nam, những kẻ đặc biệt nhắm vào những người đang sinh sống ở Đức mà chỉ trích chế độ Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam được cho là đứng sau các vụ tấn công của tin tặc. Do đó, Lê Trung Khoa nghi ngờ rằng bài này đăng trên Facebook đã bị báo cáo (report) và bị chặn. Theo ý kiến của ông, tin tức đó là “rất nguy hiểm cho chế độ” vì người dùng ở Việt Nam có thể đọc thông tin này qua trang của anh ấy. Mặc dù độc giả của ông không hiểu tiếng Đức, nhưng nhờ các bản dịch, họ sẽ biết rằng các phương tiện truyền thông Đức đã đưa tin về các cuộc tấn công của tin tặc từ Việt Nam. Lê Trung Khoa cho rằng điều này là nguy hiểm cho quyền lực của chế độ và đó là lý do tại sao chính phủ chặn nội dung này trên Facebook.
Facebook cúi đầu trước áp lực của Việt NamTrả lời những câu hỏi của đài Bayerischer Rundfunk, công ty Facebook xác nhận rằng Chính phủ Việt Nam luôn luôn đòi hỏi Facebook gỡ bỏ các bài gây khó chịu. Rõ ràng trước đây Việt Nam cũng đã từng áp lực Facebook: các công ty viễn thông Việt Nam nhiều lần làm tê liệt máy chủ Facebook tại Việt Nam.
Sau đó, vào tháng 4 năm nay, Facebook đã nhượng bộ - một cách miễn cưỡng, như công ty nhấn mạnh. Kể từ đó, những nội dung nào mà chính phủ Việt Nam mô tả là “bất hợp pháp” thì có thể bị Facebook chặn.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cảnh báo diễn biến nguy hiểm
"Sự kiểm duyệt của chính phủ trên Facebook", bà Lisa Dittmer, trưởng bộ phận tự do Internet của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, đã đặt tên như thế. Theo bà Dittmer, cần có một tín hiệu rõ ràng đối với chính phủ Việt Nam: các bài của báo chí nên để cho mọi người truy cập công khai, bất kể ngôn ngữ nào.
Không nên có các cuộc phong tỏa riêng biệt từng quốc gia. Facebook phải nói rõ ràng với các chính phủ: "Tới mức này và không thể tiếp tục nữa".
Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia. Chính vì lý do này, bà Lisa Dittmer lo ngại những hậu quả sâu rộng từ thỏa thuận giữa Facebook và nhà nước độc đảng Việt Nam: Nếu Facebook nhượng bộ những nỗ lực kiểm duyệt như vậy, nó sẽ có hiệu ứng domino trên toàn thế giới.
Bà Lisa Dittmer của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói rằng vì vậy Facebook nên đưa ra cam kết rõ ràng: tích cực bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến cũng như quyền tự do báo chí của các nhà báo lưu vong, blogger và các nhà hoạt động nhân quyền. Ngay cả khi điều đó có thể có nghĩa là tổn thất về tài chính hoặc tranh chấp công khai với chính phủ.
Facebook xác nhận ngăn chặnRõ ràng Facebook không muốn mạo hiểm trong một cuộc tranh chấp công khai với chính phủ Việt Nam. Trả lời câu hỏi của đài Bayerischer Rundfunk, công ty cho biết Việt Nam là một "thị trường quan trọng". Và: Facebook là một trong những phương tiện cuối cùng mà người dân Việt Nam có thể bày tỏ ý kiến của mình.
Mặc dù công ty thừa nhận có ngăn chặn, nhưng lưu ý đến phương cách hành xử cân bằng "giữa tự do ngôn luận và tôn trọng luật pháp địa phương và các chuẩn mực văn hóa". Nếu các chính phủ yêu cầu chặn nội dung mà nó thực sự nằm trong lãnh vực quyền tự do ngôn luận, công ty sẽ làm tất cả để chống lại yêu cầu này, công ty Facebook cho biết như thế.
Nhưng khi blogger Lê Trung Khoa chia sẻ trên Facebook bài của đài Bayerischer Rundfunk về tin tặc Việt Nam thì bài dịch của ông ấy đã bị Facebook chặn tại Việt Nam. Các lý do chính xác cho việc chặn này vẫn chưa rõ.
Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã không trả lời những câu hỏi của đài Bayerischer Rundfunk.
Hiếu Bá Linh
Nguồn:
https://www.br.de/nachri...rrt-kritik-an-regierung, SEFhjWr