Thủ tướng Scott Morrison phát biểu về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông tại Hạ Viện Úc, Canberra, Úc, ngày 12/09/2019. AFP - MARK GRAHAM
Trung Quốc liên tiếp tấn công Úc trong thời gian gần đây từ thương mại đến ngoại giao. Những quyết định như tăng thuế nông sản, đến việc đăng trên Twitter hình ảnh cắt ghép để lên án quân nhân Úc giết thường dân và tù nhân ở Afghanistan, cho thấy đỉnh điểm căng thẳng giữa hai nước từ bốn năm nay.
Bất đồng bắt đầu từ việc Úc hủy hợp đồng thuê cảng Darwin trong 99 năm của một công ty Trung Quốc vào năm 2016. Tiếp theo là một loạt quyết định khác của Úc khiến Trung Quốc bất bình : loại tập đoàn Hoa Vi khỏi dự án mạng 5G vào năm 2018 ; quân đội Úc tham gia các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với Mỹ, mà Trung Quốc là đích nhắm đến ; lên tiếng trong các hồ sơ Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương ; bắt giữ nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp…
Nhưng kể từ khi thủ tướng Úc Scott Morrison yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, xuất phát từ Vũ Hán, Bắc Kinh đã để những « chiến lang » dồn dập tấn công. Ngày 17/11, chính ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, lập danh sách « 14 điểm bất bình » gửi đến chính quyền Canberra, kèm theo lời cảnh cáo : « Nếu các ngài biến Trung Quốc thành kẻ thù, thì Trung Quốc sẽ là kẻ thù của các ngài ».
Bắc Kinh ngang nhiên « bắt chẹt » được Canberra nhờ khai thác lợi thế đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng lượng hàng xuất khẩu của Úc, theo trang The Conversation ngày 30/11, đặc biệt là về quặng mỏ, nông nghiệp… Riêng rượu vang, mặt hàng vừa bị Trung Quốc áp thuế chống phá giá mới lên đến 212%, mang về cho Úc 735 triệu euro trong 9 tháng đầu năm 2020.
Khi trừng phạt Úc, Trung Quốc không hề lo về nguồn cung khoáng sản, vì họ đã mở rộng được mạng lưới đối tác thông qua dự án « Một Vành đai, Một Con đường », cũng như tại châu Phi, nơi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Ngược lại, nguồn thu từ xuất khẩu sang Trung Quốc của Úc sẽ bị giảm do các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh, trong khi đó, Úc vẫn phải nhập nhiều sản phẩm thông dụng, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Úc tìm đường « thoát » TrungTuy nhiên, thủ tướng Scott Morrison không có ý định khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn mạng Nine Network ngày 19/11, ông khẳng định Úc « sẽ luôn lập ra những luật lệ riêng của mình tùy theo lợi ích quốc gia, chứ không theo yêu cầu của một ngoại bang, dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác ».
Về căng thẳng thương mại, sau quyết định tăng thuế của Trung Quốc đối với rượu vang Úc, thủ tướng Úc thông báo ý định kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là thủ tục xét xử sẽ kéo dài và nhà sản xuất Úc sẽ chịu thiệt trong thời gian này. Ngoài ra, Úc kỳ vọng phần nào « thoát » được Trung Quốc nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thị trường chiếm đến 30% GDP toàn cầu, vừa được ký ngày 15/11 tại Hà Nội.
Kinh nghiệm Úc cho các nước phương Tây ?Những tuyên bố gây sốc và những quyết định trừng phạt Úc của Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá là nhằm phục vụ các mục đích địa-chính trị, vì Bắc Kinh luôn coi những hành động của Canberra là « gây hấn » và được Hoa Kỳ « cổ vũ ». Úc trở thành một nước lớn đầu tiên phải trả giá cho cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung.
Trừng phạt Úc còn là dấu hiệu Bắc Kinh gửi đến bất kỳ quốc gia nào theo « mô hình lựa chọn kép », có nghĩa là dựa vào Mỹ về an ninh, nhưng lại thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, và « tìm cách chỉ trích Bắc Kinh », theo phân tích của trang Bloomberg ngày 29/11. Chuyên gia Heribert Dieter, khi trả lời France 24, cũng đồng tình với nhận định rằng trường hợp của Úc minh họa cho việc « Bắc Kinh tìm cách kiểm soát cách một nước phát triển nói về Trung Quốc như thế nào ».
Vì vậy, bà Lucrezia Poggetti, chuyên gia về Trung Quốc thuộc nhóm nghiên cứu Merics của Đức, khuyến cáo : « Các nền dân chủ trên khắp thế giới cần lưu ý đặc biệt đến các hành động của Trung Quốc đối với Úc ». Pháp và Đức từng là nạn nhân của chiến lược « bịt miệng » và « bóp méo sự thật » của Bắc Kinh trong năm 2020.
Theo RFI