logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 26/12/2020 lúc 09:58:23(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tuấn lái chiếc Jeep chạy quanh thành phố Qui Nhơn không biết đã đến vòng thứ mấy. Anh không bỏ một ngóc ngách nào không chạy qua nếu chiếc Jeep lọt qua được. Vừa lái chầm chậm, anh vừa đảo mắt tìm một hàng quán bất kể nhỏ lớn miễn có thể ghé vào uống vài chai bia hay vài ly rượu cho vơi bớt nỗi buồn đang cấu xé tâm hồn anh. Đêm nay là đêm Giáng sinh, đêm Chúa Ngôi Hai xuống trần đem bình an xuống cho người có lòng ngay. Thế nhưng, Qui Nhơn vẫn giới nghiêm, các đơn vị quân đội vẫn phải cấm trại một trăm phần trăm. Đêm Giáng sinh, lẽ ra mọi nơi mọi người dù tin Đức Kitô Giêsu hay không đều hân hoan vui mừng, đường phố lẽ ra phải tưng bừng nhộn nhịp. Thế nhưng đêm nay, người tin Chúa vội vàng trở về nhà sau Thánh Lễ tại nhà thờ Công giáo hoặc giờ Thờ phượng tại nhà thờ Tin Lành, vội vàng đóng cửa cài then để nếu có bữa cơm Giáng sinh thì cũng chỉ chia sẻ trong gia đình. Học bài học Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa không còn dám tin tưởng vào lời hứa ngưng chiến mừng lễ mừng Tết của Việt Cộng nữa. Cộng sản đồng nghĩa với dối trá, từ trước ai cũng biết cộng sản luôn tuyên truyền điều dối trá. Sau đình chiến chia đôi đất nước với Hiệp định Genève 1954, người lính Việt Nam Cộng Hòa đã trố mắt ngạc nhiên khi thấy dân vùng dưới quyền cộng sản đem dao đem gậy đâm thọc vào xe tăng hoặc máy bay trực thăng lần đầu tiên họ được đến gần. Hỏi tại sao làm vậy, họ trả lời:
“Việt Cộng tuyên truyền Việt Nam Cộng Hòa chẳng có xe tăng hay máy bay lên thẳng gì cả, tất cả đều chỉ làm bằng giấy để hù đọa dân thôi.”
Người lính có mặt tại chỗ phá ra cười. Một người hỏi:
“Giờ các bác thấy sao?”
Đến lượt người dân cười bẻn lẽn:
“Không phải giấy, bằng sắt nên thọc không lủng, đập nghe tiếng sắt không phải tiếng giấy.”
Tuấn mỉm cười trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường, chép miệng:
“Thật hết biết, tuyên truyền láo khoét đến thế là cùng.”
Nhiều chuyện tuyên truyền còn kỳ lạ hơn. Chiến sĩ anh hùng lao mình lấp lỗ châu mai. Anh hùng trẻ em tự biến mình thành ngọn đuốc lao vào kho đạn của Việt Nam Cộng Hòa. Anh hùng lái máy bay tắt máy đậu trên mây chờ máy bay Mỹ đến mới nổ máy phóng ra bắn hạ. Anh hùng bắn hạ máy bay chiến đấu phản lực bằng súng AK nối vào thân một cây tre đưa lên cao rồi kéo dây bấm cò. Và vô số chuyện anh hùng tương tự.
“Lạ nhỉ, nói thế mà sao dân vẫn tin.”
Tuấn quẹo xe chạy quanh vòng Kim Khánh rồi rẽ qua Phan Bội Châu. Trước năm 1973, hai con đường song song Phan Bội Châu rộng, Trần Cao Vân hẹp, là hai cái nôi của bar và gái điếm cho lính Mỹ. Hầu hết các căn nhà mặt tiền đều trở thành bar, số ít do chính chủ nhà làm chủ, số nhiều hơn chủ nhà cho thuê. Ai mà không cho thuê khi được trả tiền thuê với giá cao ngất ngưỡng. Phan Bội Châu là giang sơn của lính trắng, Trần Cao Vân của lính đen. Tuấn chép miệng thấy tội nghiệp cho hai nhà ái quốc được đặt tên cho hai con đường. Đừng tưởng luật lệ cấm kỳ thị chủng tộc của Mỹ ký từ thời Kennedy đã chấm dứt việc phân biệt da đen da trắng. Dĩ nhiên, chính thức, quân đội Mỹ không có sự phân biệt này. Lính đen lính trắng sống chung trong một đơn vị, sĩ quan trắng chỉ huy đơn vị đen, sĩ quan đen chỉ huy đơn vị trắng, chẳng một người lính nào dám tỏ ra bất cứ thái độ chống đối nói chi hành động. Nhưng bước ra ngoài, trắng là trắng, đen là đen. Gái và bar phục vụ trắng trên đường Phan Bội Châu không tiếp khách đen, và cũng thế Trần Cao Vân không phục vụ trắng. Một cô gái phục vụ trắng đi với một đen hay ngược lại chẳng những sẽ bị lính Mỹ khác màu da cho ra rìa mà ngay cả chủ bar và các cô gái cùng cảnh ngộ cũng loại bỏ ra khỏi vòng giao du.
“Con Linda đi với đen rồi tụi bay, đừng chơi với nó nữa.”
Bị loại ra rồi, cô gái cũng đừng mong được phe bên kia chấp nhận vào. Chẳng được phe nào chấp nhận cô cả, con đường duy nhất cô phải đi là xéo ra khỏi vùng đó đến một vùng khác nơi chưa biết chuyện cô đã làm.
Nghề bán rượu và chứa gái cho lính Mỹ đem lại lợi nhuận to lớn, lợi nhuận không chỉ đến từ tiền lời bán bia bán rượu, tiền gái điếm phải trả gọi là tiền phòng, mà còn đến từ việc buôn bán đôla đỏ gọi tắt là đô đỏ. Để ngoại tệ không lọt ra ngoài, quân đội Mỹ phát hành một loại tín phiếu gọi là đôla đỏ vì có màu đỏ thẩm, hình dáng giá trị như đồng đôla chính thức gọi là đôla xanh gọi tắt là đô xanh vì có màu xanh. Trên nguyên tắc, đô đỏ chỉ lưu hành nội bộ không lọt ra bên ngoài vòng rào kẽm gai đơn vị. Cũng trên nguyên tắc, mọi mua bán bên ngoài kể cả bar và gái lính Mỹ phải trả bằng tiền Việt Nam Cộng Hòa, đổi từ đô xanh theo hối đoái chính thức. Thế nhưng, lính Mỹ chẳng ai hoài công đổi tiền nên mọi chi trả bên ngoài đều dùng đô đỏ, thường được tính theo giá hối đoái chính thức hoặc thấp hơn. Lính đã say rượu hoặc mê mẩn vì gái đâu còn sá kể gì giá trị đồng tiền. Trong đơn vị, lính Mỹ có thể đổi đô đỏ thành đô xanh bất cứ lúc nào. Thế là nẩy sinh ra một thị trường buôn bán tiền tệ chưa từng có trước đó. Những người thu mua đô đỏ từ các nguồn trôi nổi, dĩ nhiên nhiều nhất là từ gái bán bar và chủ bar, rồi bán lại cho các đầu mối thu mua đô đỏ lớn hơn. Người thu mua lớn hơn bán lại cho chủ mua đầu mối lớn hơn hết. Chủ đầu mối này liên hệ một số lính Mỹ đổi đô đỏ thành đô xanh, dĩ nhiên với một tỉ lệ hoa hồng. Đô xanh đến lượt được bán cho người cần để mua hàng hóa nước ngoài, kể cả bán cho Việt Cộng, với giá thị trường tức giá chợ đen. Đô đỏ chạy một vòng từ đơn vị quân đội Mỹ qua gái điếm và chủ bar qua các tay thu mua để biến thành đô xanh. Đã có vợ chồng một đại úy, về sau được thăng thiếu tá, chết vì mìn gài trên Quốc lộ 19 khi đường chưa kịp mở chỉ vì cần từ Pleiku về lại Qui Nhơn kịp khỏi trễ “chuyến hàng,” dĩ nhiên là chuyến hàng hô biến đô đỏ thành đô xanh.
Hết Phan Bội Châu, Tuấn rẽ trái qua Nguyễn Huệ rồi rẽ trái nữa chạy vào Trần Cao Vân. Lính Mỹ đã về nước. Nhà cửa trên đường Phan Bội Châu và Trần Cao Vân đã trở lại cuộc sống bình thường, một số thành tiệm ăn hiền lành bán bún riêu bánh cuốn, hoặc quán nhậu bán cho khách Việt Nam. Tuấn không hiểu số gái điếm đã giải tán về đâu. Có thể nào họ trở lại thôn làng quê hương họ, và có chồng có con, và đang bươn bả tìm miếng cơm manh áo như mọi người dân khác? Tiền bạc gái điếm kiếm được chẳng ai giữ được lâu, chẳng ai dành dụm được để lo cho tương lai. Sau khi gửi một ít về giúp gia đình họ, còn lại họ chi cho son phấn áo quần, son phấn thì nhiều nhưng áo quần thì ít vì thực sự họ cũng chẳng mấy khi phải se sua áo quần. Không tiệc tùng, không dạo phố mua bán, họ sắm áo quần để làm gì trong khi công việc họ làm mặc càng ít áo quần càng tốt. Rốt cuộc số tiền họ dễ dàng kiếm được trở thành con sâu con kiến cắn rứt tay chân buộc họ phải tiêu tán. Không biết cách, sẽ có chủ bar và một số người sống bám vào họ sẵn sàng chỉ cách cho. Trước hết là ăn quà vặt. Họ ăn mọi thứ người bán gánh đến cho họ, thiếu tiền thì ăn thiếu ăn chịu. Sau quà vặt, cách tiêu tán tiền mau hơn nữa sẽ là cờ bạc. Chủ bar gầy đủ sòng để họ lao vào. Xì dách, xì phé, tứ sắc đánh được nhưng lâu ăn lâu thua, bài cào còn gọi là bài ba lá mau ăn mau thua hơn cả. Chia mỗi người ba lá bài, mở lên đếm số là biết ai được ai mất tiền, ai biết đọc số là đếm được. Thua nhẵn túi? Không sao, chủ bar sẵn sàng cho vay:
“Em hết tiền hả? Cần bao nhiêu chị cho vay, mười phân thôi, ai cũng thế em biết rồi.”
Biết bar mở cửa lính Mỹ ồ ạt bước vào là tiền lại đầy túi, cô gái trả lời:
“Chị cho em ba trăm đi, rồi em trả chị cả vốn lẫn lời.”
Ba trăm là ba trăm đô đỏ. Ngày mai, nếu có tiền, cô gái trả chủ cả vốn lẫn lời là ba trăm ba chục đô. Nếu không may lính Mỹ cấm trại cả tuần cả tháng, các cô tiếp tục vay chủ để có tiền tiêu và đánh bài. Đã quen vung tay quá trán, các cô không cách nào nhịn được. Thế là nợ chồng chất cho đến khi lính Mỹ xả trại được tự do vui chơi bên ngoài. Nợ chồng nợ chất, cô nào cô nấy trả mấy tháng trời vẫn chưa hết nợ vì mười phân không phải tiền lời mỗi tháng mà mỗi ngày, một trăm sau một tháng sẽ cộng với ba trăm tiền lời thành bốn trăm phải trả.
Lái xe chạy chầm chậm, Tuấn như thấy bóng ma nhộn nhịp lính Mỹ gái điếm đi lại trên con đường này, đi trong âm thầm không một tiếng động. Một cảm giác rờn rợn làm Tuấn rùng mình. Chợt thấy bên trái đường một ngôi nhà còn lọt ánh sáng ra ngoài, cửa sắt xếp mở hé để một người gầy có thể lách mình vào được. Ngừng xe nhưng không tắt máy, Tuấn bước xuống để biết có phải là một hàng quán bán khuya không. Bên trong, một người đàn bà tuổi trạc trên dưới năm mươi đang ngồi trên chiếc ghế thấp đặt cạnh một các bàn vuông cao hơn ghế đôi chút. Nghe động, người đàn bà đứng lên kéo cánh cửa rộng thêm vừa đủ lọt người Tuấn rồi hỏi:
“Đại úy cần gì không?”
Người đàn bà chủ quán gọi ngay Tuấn bằng đại úy chắc hẳn vì đã quen thuộc với cấp bậc của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, Tuấn biết ngay bà không phải là người tò mò vì không nhìn xuống bảng tên Tuấn thêu trên túi áo trận hay nhìn qua cánh tay để biết phù hiệu đơn vị. Tuấn nói vội:
“Quán bà đang mở?”
Bà chủ dạ một tiếng nhỏ:
“Dạ, quán tôi thường mở khuya cho khách quen. Mời Đại úy vào.”
“Quán có gì bà?”
Bà chủ trả lời:
“Chẳng gì nhiều đâu Đại úy, bia, và Whisky, và trứng vịt lộn.”
Người Nam gọi là hột vịt lộn nhưng Trung vẫn gọi là trứng. Tuấn nhìn vội số nhà, quay ra xe bấm máy VRC46 gọi về cho sĩ quan phụ tá biết anh đang ở đâu và làm gì.
“Đại bàng làm gì ngoài đó vậy?”
Tuấn cười nhẹ:
“Làm gì đâu, buồn buồn tớ chạy một vòng xem Qui Nhơn đêm Giáng sinh thế nào”.
Có tiếng cười trong máy:
“Giờ nhậu? Có gì nhậu ngon không Đại bàng?”
“Có gì đâu, bia, Whisky, và trứng lộn.”
Có tiếng cười:
“Vậy được rồi. Chơi chai Whisky và mấy trứng là đủ lên trời rồi. Em ra với Đại bàng nghe?”
Tuấn la hoảng:
“Đâu được cậu, cậu ra lỡ có chuyện gì ai chỉ huy đơn vị.”
Im lặng vài giây rồi máy truyền tin lại rè rè:
“Lỡ Mặt Trời hỏi Đại Bàng, em trả lời sao?”
“Cậu nói tớ vừa xách xe chạy ra ngoài, có lẽ kiểm soát các đơn vị trực thuộc.”
Lại có tiếng cười:
“Nói dối xuôi dữ, đã vậy còn có công trạng, bỏ ngủ lo an ninh cho đơn vị.”
Tuấn chửi “yêu”:
“ĐM, cậu phá tớ.”
Tắt VRC46, tắt máy xe, Tuấn bước tới lách mình qua của xếp và khép lại như lúc vừa trông thấy. Ngồi xuống bàn, anh định gọi một chai Whisky nhưng nghĩ sao anh đổi ý:
“Bà chủ cho tôi mười trứng và mười chai 33.”
Bà chủ trố mắt nhìn Tuấn:
“Đại úy gọi một lúc nhiều thế lỡ dùng không hết thì sao?”
Tuấn mỉm cười:
“Tôi trả tiền trước, nếu còn bỏ lại gì bà cứ tự nhiên cất lại, coi như chút quà tôi tặng bà.”
Có lẽ đã quen với loại khách kỳ dị như Tuấn, bà chủ lẳng lặng bưng đến một đĩa lớn đựng mười trứng lộn, một chén muối tiêu đặt trên chiếc đĩa nhỏ có miếng chanh, và một đĩa đựng rau răm và ớt. Cũng lẳng lặng, bà đến tủ lạnh đem lại bàn Tuấn bốn chai bia, và định quay lại lấy chuyến khác. Tuấn vội ngăn lại:
“Cứ thư thả, bốn chai đủ rồi, xong rồi mỗi lần bà cho tôi hai chai.”
Tuấn móc bóp trả tiền. Bà chủ đi đến hộp tiền định thối tiền nhưng Tuấn nói:
“Bà giữ hết đi, hôm nay Noël, tôi mừng Lễ bà.”
Tôi mở chai bia, dùng chiếc muỗng nhỏ đập đầu lớn của cái trứng, múc ra một muỗng chấm tí muối tiêu chanh, rồi cho vào miệng. Nhai một vài lá rau răm, Tuấn nuốt trứng, cảm thấy vị béo của trứng, vị mặn và chua của muối chanh, và vì thơm cay của rau răm. Uống một ngụm bia, Tuấn mỉm cười một mình. Đêm Noël kỳ lạ nhất trong đời  Tuấn, mừng Noël tại quán đêm với bia và trứng lộn. Sáu năm quân ngũ từ chuẩn úy lên đại úy vẫn độc thân, chưa tìm được người con gái để chính thức cầu hôn. Trước khi thành lính, Tuấn đã trả qua hai mươi bảy năm cuộc đời với quân đội Quốc gia bên cạnh quân đội Pháp, với quân đội Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh quân đội Mỹ, rồi đến năm nay một mình quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Cả Quốc gia, cả Pháp, cả Cộng Hòa, cả Mỹ đều phải đối đầu với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc theo chế độ cộng sản.
Từ căn nhà nào đó vẳng lại tiếng Thánh Ca Giáng sinh, Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Chúa ban bình an, Phật ban bình an, ông bà tổ tiên ban bình an, thần tiên thánh mẫu ban bình an, vậy sao chẳng riêng Việt Nam mà toàn thế giới chẳng lúc nào thực sự bình an, chẳng lúc nào không có tiếng vũ khi đùng đùng nơi này nơi khác. Ngày xưa, bộ tộc này đánh bộ tộc kia, nước này đánh nước kia bằng gươm dao cung nỏ. Ngày nay chủ nghĩa này đánh với chủ thuyết kia, lực lượng này đánh với lực lượng kia bằng súng cá nhân súng liên thanh súng đại bác và đủ loại bom. Cũng may các ông bà lãnh đạo còn tự kiềm chế chưa dùng đến bom nguyên tử hay các loại bom bí mật tiêu diệt hàng loạt mạnh hơn bom nguyên tử. Nước Việt Nam nhỏ bé chưa bằng tiểu bang lớn nhất của Mỹ, chiến tranh vẫn dai dẳng từ khi dân số chỉ mới mười bốn triệu đồng bào như bài học Tuấn học lúc mới bập bẹ đọc và viết chữ quốc ngữ, rồi hai mươi lăm triệu khi Tuấn học lớp Nhất bậc tiểu học, rồi năm mươi triệu sáu mươi triệu. Bao nhiêu triệu vẫn không thấy chiến tranh chấm dứt cho dẫu chủ thuyết nào chính phủ nào cũng tuyên bố mưu cầu hòa bình. Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Chúa nói đúng, hòa bình chỉ đến với người lòng chân thành ngay thẳng, nhưng rất tiếc mọi nhà lãnh đạo đều miệng nam mô bụng một bồ dao găm.
Tuấn từ khi Tuấn biết suy nghĩ về hiện tình đất nước đến giờ phút này vẫn chưa có câu trả lời.
Tuấn gõ gõ cái trứng thứ hai, mở chai bia thứ hai, rồi lại ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Thấy Tuấn ngồi im lặng, bà chủ quán rụt rè hỏi:
“Đại úy có chuyện gì buồn sao ngồi trầm tư mãi vậy?”
Ngạc nhiên nghe bà chủ quán vào trạc năm mươi hỏi anh với lời lẽ tỏ ra là một người có học, Tuấn không trả lời câu bà hỏi mà hỏi lại:
“Sao bà không bán ban ngày mà bán suốt đêm thế này, thì giờ đâu mà nghỉ ngơi?”
Chủ quán mỉm cười:
“Nhiều lý do, một là ban ngày nhiều người bán, tôi khó cạnh tranh. Hai là ban ngày tôi còn việc khác phải làm. Ba là tôi đã bán khuya như vậy nhiều năm rồi, khách thành quen nghỉ không được.”
Tuấn ngạc nhiên:
“Bà nói bán đêm đã nhiều năm nghĩa là sao? Đường này trước đây toàn là….”
Tuấn bỏ lửng câu nói. Hình ảnh con đường Trần Cao Vân nhộn nhịp lính Mỹ đen và gái điếm lại hiện ra trong trí anh. Lính Mỹ đến Việt Nam, ngoài việc ngăn chặn không cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phát huy hết năng lực chiến đấu của mình còn đem đến bao nhiêu bại hoại cho phong tục tập quán và làm hại biết bao nhiêu gia đình. Lính Mỹ ồ ạt đổ vào, chiến tranh mở rộng, thôn quê mất an ninh. Để tránh bom đạn, người dân chạy vào thành phố. Thất nghiệp. Người dân phải tìm mọi cách để sống còn. Thế là mọi người đổ xô đi làm Sở Mỹ, không làm Sở Mỹ được thì… làm gái bán bar. Thế là nhiều chuyện oái oăm xẩy ra. Trẻ em các phố có bar không còn lạ gì chuyện đàn ông đàn bà làm với nhau. Chúng quen thuộc với thuốc lá, với bia rượu, với các dụng cụ ngừa thai mà lính Mỹ dùng khi gần gũi các cô bán bar, và có khi còn cả với ma túy. Làm nơi gọi chung là Sở Mỹ, gái xuân xanh hơ hớ phải chịu cho lính Mỹ ôm ấp sờ mó không dám chống lại vì sợ mất chỗ làm. Vợ đi làm, mang bầu, đẻ ra con mắt xanh tóc vàng mũi lõ hoặc da đen tóc xoắn môi dày. Tuấn đã chứng kiến vợ một thiếu tá nhận điện tín vợ sinh vội vàng chạy xe Jeep từ Đà Lạt về Qui Nhơn lúc đã tối trời, vội vàng vào bệnh viện thăm vợ thăm con mới sinh, rồi vội vàng lên xe chạy về lại Đà Lạt ngay trong đêm bất chấp nguy hiểm. Sao vậy? Vì vợ ông ấy không sinh ra con không giống ông ấy, không giống  bất cứ người da vàng mũi tẹt nào mà là một chú bé da đen tóc quăn môi dày. Không đi làm sở Mỹ, con cháu các gia đình chẳng còn ruộng vườn để sinh sống chỉ còn một con đường thoát, đó là làm gái bán bar. Nếu chỉ bán bia bán rượu cho lính Mỹ mà thôi thì chẳng có gì đáng nói, đáng nói là lính Mỹ không cần bia rượu cho bằng cần thân xác các cô gái đó. Thế là trước sau các cô cũng trở thành gái điếm, xi lô xi la tiếng Mỹ bồi giu gô mi? Giu bum bum mi vê ri gút! Gái bán bar trở thành từ ngữ để gọi các cô gái trước đây người ta gọi là kỹ nữ, gái nhà thổ, gái điếm, gái đứng đường.
Bà chủ quán phá tan sự im lặng:
“Đại úy chưa trả lời câu hỏi của tôi.”
“Câu hỏi gì cơ?”
“Đại úy trầm ngâm chuyện gì vậy?”
Tuấn cười nhẹ:
“Chuyện khó nói vì chẳng có chuyện gì cả mà lại thực nhiều chuyện.”
“Thế là thế nào?”
“Tôi suy nghĩ đến thời cuộc, đến cuộc chiến dai dẳng Nam Bắc, đến Chúa Giáng sinh đem hòa bình mà hòa bình vẫn chưa thấy đến.”

Bà chủ quán nhìn Tuấn, lộ vẻ ngạc nhiên. Nhiều sĩ quan các cấp, nhiều binh lính đủ đơn vị đủ binh chủng đã ngồi trong quán bà, ngồi ngay chiếc ghế người sĩ quan này đang ngồi, chưa ai biểu lộ các suy nghĩ như Tuấn vừa nói. Bà đã nghe quá nhiều lính tráng các cấp huênh hoang về chiến thắng, huênh hoang về tính anh hùng, chửi thề chửi tục, có khi gây gổ đâm chém nhau nhưng trầm tư suy nghĩ về cuộc chiến, bà mới nghe một sĩ quan nói đến lần này là lần đầu. Bà buột miệng:
“Chiến tranh, tàn ác thật đó Đại úy.”
Tuấn hỏi gặng:
“Bà nói tàn ác là tàn ác thế nào?”
Người đàn bà thở dài:
“Cần nói gì xa xôi, bản thân tôi đây đủ nói lên sự tàn ác của chiến tranh.”
Tuần tò mò:
“Chuyện thế nào bà, tôi biết được không?”
Người đàn bà nói chua chát:
“Chiến tranh đã phá nát gia đình tôi.”
Chồng bà và con trai lớn. con rể của bà đều là quân nhân, chồng bà hạ sĩ quan, con trai và con rể bà sĩ quan. Bà tiếp tục câu chuyện, không giấu nước mắt:
“Trước hết là thằng rể. Ra trường Thủ Đức, trình diện đơn vị tác chiến chưa được sáu tháng, nó tử trận khi phục kích một đơn vị Việt Cộng. Con gái tôi mang bầu ba tháng chịu đựng không nỗi tin dữ sét đánh bất ngờ trở nên mất trí.”
“Thế cô ấy giờ ra sao?”
“Tôi chăm sóc đứa bé trong bụng nó để cháu có thể chào đời an toàn. Sau đó tôi phải nuôi cả mẹ lẫn con.”
Thấy nghèn nghẹn trong cổ chẳng biết nói lời nào để an ủi người đàn bà, Tuấn yên lặng mở chai bia thứ ba nhưng không dám gõ thêm trứng vì sợ tiếng động phá tan bầu khí đang trang nghiêm. Im lặng một chút, bà chủ quán nói tiếp:
“Chưa hết đâu Đại úy, chiến tranh còn phá nữa, phá cho tan gia đình tôi mới vừa lòng.”
Tuấn nhấp một ngụm bia rồi nhìn người đàn bà tỏ vẻ thông cảm:
“Lại còn chuyện gì nữa sao bà?”
“Còn, sao mà hết được khi chiến tranh chưa hết, Đại úy.”
Im lặng vài giây, bà nói tiếp:
“Chưa được mười tháng sau khi ra trường Thủ Đức, con trai tôi được thăng cấp Thiếu úy đặc cách tại mặt trận. Mấy tháng sau, đại đội phó của cháu bị tử trận nên cháu giữ chức vụ đó vì các trung đội trưởng nếu thiếu úy thì kém thâm niên hơn cháu, ngoài ra đều là chuẩn úy.”
Tuấn mỉm cười:
“Bà coi bộ rành lề lối nhà binh dữ.”
“Không rành sao được khi cả nhà đều là lính, Đại úy.”
Lại im lặng.
“Mấy tháng sau nữa, một buổi sáng tôi đang chăm sóc thằng cháu ngoại và con gái thì có tiếng xe ngừng trước cửa rồi có tiếng gõ cửa. Đơn vị con trai tôi cho người đến báo tử. Cháu tử trận tuần lễ trước đó.”
Tuấn cúi gầm đầu nhìn cái trứng chưa đập vỏ, có cảm giác chính Tuấn là người có lỗi đã gây ra hai cái chết của con trai con rể bà và gây nên bệnh hoạn cho con gái bà. Tại sao anh còn sống sót, được thăng cấp đại úy, trong khi con trai con rể bà phải chết ngoài mặt trận? Đau lòng về chuyện đã xẩy ra, bà chủ quán sụt sùi lấy khăn lau nước mắt rồi nói tiếp:
“Chưa hết đâu, Đại úy.”
Tuấn tò mò:
“Còn chưa hết? Chẳng lẽ lại còn chuyện gì xẩy ra?”
Bà chủ gật đầu:
“Còn, Đại úy. Nhà tôi được thuyên chuyển về hậu cứ, một cách giúp đỡ sau khi con trai và con rể tử trận. Vợ chồng tôi mừng vì về hậu cứ cho dẫu vẫn chưa an toàn một trăm phần trăm nhưng cũng tránh được bom đạn trực tiếp ở đơn vị tác chiến.”
Tuấn gật đầu:
“Đúng vậy.”
Bà chủ lắc đầu:
“Nhưng khổ thay, chiến tranh không chừa một ai, không chừa một xó xỉnh nào. Một đêm pháo kích, nhà tôi ăn đủ hai miểng pháo, cụt hai chân, thành một phế binh.”
Bà chép miệng:
“Cũng may về phần tài chánh, con gái tôi và tôi có tiền trợ cấp cô nhi quả phụ, chồng tôi có tiền phế binh. Tôi chỉ phải buôn bán thêm đôi chút đủ chi tiêu cho con trai út đang học đại học và cho cháu ngoại. Chỉ giận là giận chiến tranh, giận những kẻ gây ra chiến tranh để khổ cho biết bao nhiêu gia đình.”
Tuấn nói như một nhận xét nhưng cũng là cách để an ủi chủ quán:
“Đúng, nhưng đáng giận là những kẻ khốn nạn gây nên chiến tranh.”
“Đại úy nói đúng, nhưng tôi cho rằng chiến tranh là bản tính của loài vật và con người. Khác chăng là loài vật chỉ gây chiến tranh hoặc để bảo vệ lãnh thổ, để bảo vệ quyền làm chủ các con cái, hoặc để bảo vệ miếng ăn. Con người gây chiến tranh cơ bản cũng vì mục đích tương tự, nhưng còn đi xa hơn vì để thỏa mãn tham vọng của họ, tham vọng bành trướng quyền lực, sức mạnh, và lãnh thổ.”
Một lần nữa, Tuấn ngạc nhiên về cách suy nghĩ và lời lẽ của bà chủ quán. Tuấn dè dặt hỏi:
“Tôi nhận thấy cách suy nghĩ và lời nói của bà không phải của một người bán trứng lộn và mấy chai bia. Dám hỏi trước đây bà làm gì?”
Người đàn bà cười:
“Đại úy nhận xét tinh tế. Tôi sở dĩ phải ngồi bán lặt vặt thế này vì ban ngày phải để dành thì giờ lo cho chồng, cho con gái, và cho cháu ngoại. Trước đây, khi gia đình tôi còn lành lặn, tôi dạy Trung học Đệ Nhất Cấp.”
Nhạc Giáng sinh từ nhà ai vẫn văng vẳng vọng lại. Có tiếng hát Latin Gloria in excelsis Deo, Et in terra pax hominibus bonne voluntatis cùng ý nghĩa Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng Trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Tuấn uống hết chai bia, đứng lên chúc bà chủ bằng tiếng Pháp:
“Joyeux Noël, Madame!”
Không đợi trả lời, Tuấn bước lên xe đề máy. Trời đã hừng sáng, đêm Giáng sinh đã sắp qua, chiến tranh vẫn còn đó. Tiếng máy xe đều đặn như điệp khúc Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Ai là người có thiện tâm? Đến bao giờ mới có người thiện tâm? Đến bao giờ?

Giáng sinh 2020
Trần Hữu Thuần
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.222 giây.