đại diện cho nước Mỹ ký Hiệp định Khí hậu Paris, ngày Trái đất 22/04/2016. © Copy d'écran
Trái đất nóng lên nhanh chóng. Bất chấp đại dịch Covid-19, khiến kinh tế toàn cầu đình trệ và chu kỳ dòng hải dương lạnh La Nina khiến nhiệt độ sụt giảm, năm 2020 vừa qua vẫn là một trong số hai năm nóng nhất kể từ 120 năm nay. Bão lũ, hạn hán, cháy rừng, thời tiết thất thường… ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hãm đà hâm nóng khí hậu ngày càng được nhìn nhận như cuộc chiến sống còn của nhân loại.
Nhiều người coi sự trở lại của nước Mỹ với Hiệp định Khí hậu Paris, hướng tới cái đích không để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5°C đến 2°C, vào đầu năm 2021 này là một tin mừng. Trở lại với Hiệp định Khí hậu 2015 là một trong các sắc lệnh quan trọng nhất của tân chính quyền Joe Biden ngay trong ngày nhậm chức 20/01/2021, đảo ngược lại chính sách thời Donald Trump, vốn không thừa nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa hàng đầu của nhân loại, cũng như việc Trái đất bị hâm nóng một phần cơ bản là do xã hội con người.
Tuy nhiên, tuyên bố trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ sớm trở lại nhóm các quốc gia dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, như kỳ vọng. Tân chính quyền Biden phải đối mặt với những thách thức nào trong lĩnh vực này ? RFI xin giới thiệu một số phân tích của kinh tế gia về khí hậu, giáo sư Christian de Perthuis, Đại học Paris Dauphine, trên ideas4development.org, một trang mạng chuyên về môi trường của chính phủ Pháp.
1 - Thách thức trước hết phải chăng là xác định được chỉ tiêu cắt giảm khí thải về trung hạn, của chính nước Mỹ, đúng tầm với đòi hỏi của cuộc chiến khí hậu ?
Chuyên gia Christan de Perthuis ghi nhận ông Biden, trong thời gian tranh cử tổng thống, khẳng định trước hết mục tiêu trung hòa về khí thải ở cái mốc 2050 (tức lượng khí thải ra tương đương với lượng khí thải hấp thu, đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế sẽ không góp phần làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên). Trên thực tế, đây cũng là mức phấn đấu về dài hạn đã nhận được sự đồng thuận của các quốc gia công nghiệp hóa, từ Liên Hiệp Châu Âu, cho đến Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Vấn đề hiện nay với tân chính quyền Joe Biden – Kamala Harris là xác định được mục tiêu phấn đấu trong trung hạn đủ tầm cỡ, từ đây đến năm 2030. Tân chính quyền Mỹ phải hoàn tất công việc này trước Thượng đỉnh về Khí hậu tại Glasgow, Anh quốc, tháng 11 tới. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Thượng đỉnh Khí hậu COP 26 tháng 11 tới được coi là cái mốc quan trọng nhất sau Thượng đỉnh COP 21 tại Paris, bởi đây sẽ là dịp các quốc gia công bố mức cam kết cắt giảm khí thải về trung hạn, được nâng cao, để hướng đến lộ trình không để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp (tổng mức cam kết hiện nay dự kiến sẽ khiến Trái đất nóng lên từ ít nhất 3°C trở lên).
Các cam kết hiện nay của nước Mỹ, được đưa ra từ năm 2015 (trước khi bị chính quyền Donald Trump xóa bỏ), mới chỉ hướng đến mục tiêu khí thải vào 2025 sẽ phải giảm từ 26 đến 28% so với 2005. Đây là mục tiêu quá thấp. Theo kinh tế gia Nathaniel Keohane, nguyên là cố vấn về năng lượng – khí hậu thời Obama, nước Mỹ cần phải nâng mức phấn đấu, để vào năm 2030, khí thải phải giảm đến 50% so với 2005. Theo chuyên gia đại học Paris Dauphine, có một yếu tố thuận lợi là mục tiêu trung hạn nói trên hoàn toàn không xa với cương lĩnh tranh cử của ông Biden, với một trong những cái đích hướng đến là loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch trong việc sản xuất điện, cũng như việc chấm dứt bán xe hơi chạy xăng, vào năm 2035.
2 - Tân tổng thống Joe Biden có dễ nhận được sự hậu thuẫn của Quốc Hội lưỡng viện Mỹ, mà hiện phe Dân Chủ đã giành được đa số ?
Giáo sư Christan de Perthuis nhấn mạnh đến việc, cho dù phe Dân Chủ có được đa số tại Quốc Hội lưỡng viện, sau cuộc bầu cử Thượng Viện bổ sung hồi đầu tháng, chính quyền Biden – Harris vẫn phải cần đến sự ủng hộ của phe Cộng Hòa, nếu muốn ra được các luật quan trọng liên quan đến Khí hậu và Môi trường. Chuyên gia Đại học Paris Dauphine dẫn lời kinh tế gia Robert Stavins, theo đó, cần phải có ít nhất 60 phiếu tại Thượng Viện mới đủ để thông qua các luật về Khí hậu có tầm cỡ, như mục tiêu của đảng Dân Chủ, có nghĩa là phải có nhiều hơn 10 phiếu so với số phiếu mà đảng Dân Chủ có tại Thượng Viện hiện nay.
Trước đây, các luật lớn về Khí hậu và Môi trường, như Clean Air Act, đã đạt được là nhờ có sự liên minh của các chính trị gia có uy tín của đảng Cộng Hòa (như thượng nghị sĩ John McCain), hay độc lập (như thượng nghị sĩ Lieberman). Ông Joe Biden, khi còn là thượng nghị sĩ, đã bảo vệ thành công một trong các luật đầu tiên về khí hậu, vào năm 1987, dưới thời tổng thống đảng Cộng Hòa Ronald Reagan.
Nhà nghiên cứu Pháp lưu ý là có được sự đồng thuận của đảng Cộng Hòa giờ đây là điều không hề dễ dàng. Kể từ thời tổng thống Bush (2001-2009), vấn đề hâm nóng khí hậu đã trở thành chủ đề mang tính đối kháng, trong quan hệ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Tỉ phú địa ốc Donald Trump, sau này trở thành tổng thống (2016-2020), đã đẩy đối kháng này lên đến tột đỉnh.
« Một trong những ẩn số lớn nhất về chính trị » là khả năng của tân chính quyền Biden tìm được thỏa hiệp với một bộ phận đối lập Cộng Hòa. Theo kinh tế gia Robert Stavins, thỏa hiệp tương đối dễ đạt được hơn nằm trong các biện pháp tái thúc đẩy tăng trưởng dựa trên các chính sách giảm thuế và trợ cấp, được bổ sung bằng các đầu tư của chính quyền liên bang vào các « các cơ sở hạ tầng xanh » phục vụ chuyển tải phân phối điện và giao thông. Các đầu tư theo hướng này có thể sẽ không lên được đến mức 1.700 tỉ đô la đầu tư liên bang trong vòng 10 năm, như cương lĩnh của ứng viên tổng thống Dân Chủ, nhưng thỏa hiệp trong lĩnh vực này cũng sẽ cho phép tiền của Nhà nước liên bang được đầu tư ồ ạt vào cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, nhiều hơn hẳn so với thời Obama.
Tuy nhiên, kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis cũng nhấn mạnh là, để đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải trung hạn (tới 2030) đủ tầm cỡ, thì vấn đề then chốt không chỉ là đầu tư mạnh cho khu vực kinh tế phát thải thấp, mà điều chủ yếu là phải thúc đẩy tiến trình từ bỏ triệt để các năng lượng hóa thạch.
3 - Để thực hiện được mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp từ bỏ nhanh chóng các năng lượng hóa thạch, tân chính quyền Biden sẽ gặp phải thách thức nào ?
Thách thức hiển nhiên trước hết sẽ là phe Cộng Hòa. Cuộc đối đầu hứa hẹn sẽ quyết liệt. Trong hai nhiệm kỳ (2008 – 2016), tổng thống Obama đã chỉ thành công trong việc khởi sự chính sách từ bỏ than đá (và đưa một số tiêu chuẩn về khí thải vào lĩnh vực xe hơi), nhưng chưa khởi sự được tiến trình từ bỏ dầu hỏa và khí đốt. Khi lên nắm quyền, Donald Trump đã khuyến khích than đá trở lại, cũng như ngành khai thác dầu cát.
Mục tiêu của chính quyền Biden là thúc đẩy tiến trình từ bỏ than đá, và tấn công vào hai ngành dầu lửa và khí đốt. Theo chuyên gia Christian de Perthuis, cuộc chiến giữa hai phe sẽ diễn ra trên ba cấp độ hay ba trận địa.
Trên bình diện các quy định cấp liên bang, tổng thống Biden có thể sẽ ban hành một loạt sắc lệnh, từ cấm khai thác dầu khí tại các vùng được bảo vệ, cho đến siết chặt quy định về khí thải xe cộ, để giảm lượng tiêu thụ xăng dầu, năng lượng hóa thạch. Đối lập Cộng Hòa dự kiến sẽ phản công bằng hàng loạt vụ kiện, làm chậm lại tiến trình này. Cuộc chiến pháp lý hứa hẹn sẽ cam go, ông Donald Trump đã để lại cho tân chính quyền « món quà tẩm độc », với việc bổ nhiệm hàng loạt thẩm phán phe « bảo thủ » vào tòa án các cấp, trong đó có ba thẩm phán « bảo thủ » vào Tối Cao Pháp Viện.
Trận địa thứ hai của cuộc chiến liên quan đến thuế đánh vào cac-bon, theo nguyên tắc, những người sử dụng năng lượng hóa thạch, gây ô nhiễm, sẽ phải chịu phí tổn cao hơn, bao gồm cả việc xem xét thiết lập thuế cac-bon ở biên giới, tương tự như dự án đang được thảo luận tại châu Âu. Đây là con đường được chuyên gia Christian de Perthuis đánh giá là « chắc chắn nhất » để từ bỏ năng lượng hóa thạch, do giá loại năng lượng này sẽ ngày càng cao. Tuy nhiên, để thông qua được luật về chuyện này là không dễ. Năm 2010, tổng thống Obama thời đó, cho dù đã có được đa số tại Quốc Hội lưỡng viện, ở vị thế thuận lợi hơn chính quyền Biden hiện nay, cũng đã không thành công trong dự kiến ra luật.
Những bế tắc hay chống đối gặp phải tại Quốc Hội buộc những người muốn đưa ra các biện pháp thúc đẩy tiến trình thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch phải tìm sự ủng hộ tại các bang, các địa phương. Xu thế cần tiến hành là mở rộng các biện pháp đã sẵn có tại các bang đã ngả theo cuộc chiến vì khí hậu, như California, và các bang ven biển nói chung, cả bờ Đông cũng như bờ Tây của nước Mỹ. Đây chính là trận địa thứ ba. Chính quyền Donald Trump trước đây đã không cản trở được nhiều các nỗ lực của những bang vì khí hậu, cho dù đặt ra hàng loạt rào cản. Trở lực lớn nằm tại các bang phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhất, như Texas, Wyoming, Bắc Dakota, Tây Viriginia, hay Oklahoma…, cũng thường là các thành trì của phe Cộng Hòa.
4 - Về mặt đối ngoại, đâu là các thách thức chính với tân chính quyền Biden trong lĩnh vực khí hậu ?
Theo kinh tế gia về khí hậu, Đại học Paris Dauphine, chính quyền Biden cần có một chính sách ngoại giao khí hậu phù hợp. Cam kết của các nước công nghiệp phát triển về cơ bản đã xác định, và khá gần với tầm mức của thách thức khí hậu. Ẩn số lớn hiện nay là Trung Quốc, quốc gia phát thải hơn một phần tư tổng lượng toàn cầu, và trong tương lai gần là các nền kinh tế đang trỗi dậy, có xu hướng ngả sang các nguồn năng lượng hóa thạch « rẻ tiền ».
Thách thức hàng đầu hiện nay là thúc đẩy Trung Quốc đề ra các chỉ tiêu cắt giảm khí thải về trung hạn đủ tầm cỡ, trước thềm thượng đỉnh COP 26 ở Glasgow. Cũng không thể coi nhẹ vai trò của các quốc gia khai thác và xuất khẩu năng lượng hóa thạch (như Ả Rập Xê Út). Từ COP 1 (Berlin, 1995) cho đến nay, các nước này thường xuyên kìm hãm hay ngăn chặn các thương thuyết về khí hậu. Phải có biện pháp để hỗ trợ các quốc gia này hội nhập vào tiến trình chung, bởi việc từ bỏ sản xuất năng lượng hóa thạch buộc các quốc gia nói trên phải tái tổ chức lại toàn bộ nền kinh tế của mình.
Đối với nhóm nước phát thải thấp, cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp cho các nước này không đi theo lối mòn của nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch, vốn thống trị thế giới nhiều thế kỉ nay. Theo chuyên gia Christian de Perthuis, hai biện pháp cần làm khẩn cấp là giảm, xóa nợ và đầu tư mạnh vào năng lượng xanh tại các nước này. Chuyên gia kinh tế về khí hậu Pháp hy vọng là, nếu chính quyền Biden nỗ lực, cùng Trung Quốc và châu Âu, hướng theo lộ trình này, thì Thượng đỉnh COP 26 tại Glasgow sẽ trở thành một bước đột phá trong cuộc chiến vì khí hậu, rất được trông đợi.
Theo RFI