Ðừng bị ù tai vì nhiễu âm - nên nhìn vào thực tế kinh tế quốc tế...
Từ vài tháng qua, người ta bắt được nhiều tín hiệu trái ngược về tình hình kinh tế toàn cầu sau năm năm chấn động. Trong các nền kinh tế công nghiệp hóa, Hoa Kỳ đã phục hồi nhanh nhất. Âu Châu chưa ra khỏi cơn khủng hoảng và Nhật Bản mới bắt đầu áp dụng những giải pháp cải tổ táo bạo để đẩy lui làn sóng suy trầm. Ngoài thế giới công nghiệp hóa, nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới là Trung Quốc cũng khởi sự cải cách và có đà tăng trưởng thấp hơn. Rốt cuộc, kịch bản “Tàu vượt Mỹ” chỉ là ảo vọng...
Giữa khung cảnh đó, vụ thành phố Detroit bị vỡ nợ vì thu vào không đủ cho gánh nợ hơn 18 tỷ, trong đó phân nửa là nghĩa vụ về hưu bổng và y tế phải chi ra mà chẳng có nguồn thu. Ðã vậy, hôm 24, Tổng Thống Barack Obama lại mở chiến dịch vận động dư luận cấp cứu kinh tế với lối giải thích kỳ lạ về nguyên do của tổng suy trầm và hậu quả cho giới trung lưu.
Tức là kinh tế Hoa Kỳ chưa phục hồi?
Hôm Thứ Hai 29 tháng 7, đến lượt một chuyên gia cao cấp của Bắc Kinh đả kích lập luận bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Justin Lin (Lâm Nghị Phu) là người có thẩm quyền: Từ Ðài Loan đào thoát qua Hoa lục năm 1979, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Chicago để là viên chức ngân hàng Trung Quốc, rồi qua làm phó chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới từ 2008 đến năm ngoái, trước khi về làm cố vấn kinh tế cho lãnh đạo Bắc Kinh.
Nghĩa là kinh tế Trung Quốc chưa đến nỗi nào?
Bài viết này không đề cập đến chuyện “kinh tế cũng là chính trị” - xin để tuần sau! - mà cố trình bày những nguyên nhân sâu xa hơn, khiến Hoa Kỳ đã phục hồi sớm nhất trong các khối kinh tế lớn của thế giới. May ra, ta khỏi bị hiểu lầm về những lý luận hàm hồ của các chính khách.
***
Trước hết, thế giới trôi vào khủng hoảng tài chánh rồi suy trầm từ năm 2008 vì lý do chính là vay mượn quá nhiều sau khi tiêu thụ quá mức tiết kiệm. Nói đến điều ấy, ai cũng có thể nghĩ Hoa Kỳ là thủ phạm vì tiêu thụ chiếm đến 72% của tổng sản lượng, trong khi các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc, đã có mức tiết kiệm rất cao và nhờ vậy mà có tiền cho Mỹ vay để duy trì một thất quân bình quá lớn và quá lâu, đến vài chục năm.
Trong hoàn cảnh đó mà bảo Hoa Kỳ hồi phục sớm nhất là một nghịch lý nhuốm mùi “phục Mỹ”...
Thật ra, trong sự vận hành của kinh tế toàn cầu với tác động tương hằng từ xứ này qua xứ khác, lời phê phán đạo đức chỉ là chính trị. Thí dụ như dân Ðức hy sinh tiết kiệm cho dân Hy Lạp tiêu xài quá mức nên mới gây khủng hoảng trong khối Euro. Hoặc Bắc Kinh thắt lưng buộc bụng người dân để lấy dự trữ ngoại tệ rất cao cho Mỹ vay nhằm gây sức ép với Hoa Kỳ... Truyện ngụ ngôn con ve sầu ca hát và tiêu hoang nên mắc nợ con kiến chắt bóp tiết kiệm chỉ là... truyện.
Sự thật lại đơn giản như một bản kế toán. Xin lỗi quý độc giả về chuyện khó hiểu này!
Quốc gia nào cũng có hai sinh hoạt là sản xuất và tiêu thụ. Khi sản xuất nhiều hơn tiêu thụ thì được một khoản dư dôi là tiết kiệm. Nếu tiết kiệm nhiều hơn số đầu tư thì được thặng dư trong cán cân chi phó hay trương mục vãng lai. Số thặng dư phải được đầu tư ra ngoài, tức là xuất cảng tiền tiết kiệm, hay xuất cảng tư bản. Ngược lại, nếu tiết kiệm nội địa ít hơn đầu tư thì phải nhập cảng tiết kiệm, hay tiếp nhận đầu tư của nước ngoài. Theo định nghĩa kế toán, trương mục vãng lai và trương mục đầu tư phải cân bằng, với kết số bằng số không. Thâm hụt trương mục vãng lai phải được bù đắp bằng tư bản nhập nội.
Từ khái niệm trừu tượng đó, xin nhớ thêm rằng xuất cảng tư bản có nghĩa là nhập cảng số cầu từ nước khác. Vì vậy, khối tiết kiệm và tiêu thụ mới ảnh hưởng đến ngoại thương, xuất nhập cảng. Chính sách ngoại thương là kết quả của tình trạng chi thu, tiêu thụ và tiết kiệm bên trong. Và các nước muốn can thiệp vào ngoại thương để nâng xuất cảng và giảm nhập cảng thì có thể nghĩ đến giải pháp hối đoái, như phá giá để dễ hàng bán ra với giá rẻ hơn và giảm số nhập cảng vì giá đắt hơn. Những biện pháp can thiệp này tác động ngược vào số tiêu thụ và tiết kiệm nội địa...
Sau mấy trăm chữ về một chuyện khó hiểu, xin trở lại vấn đề chính là sức tiết kiệm của từng nước. Dĩ nhiên là nó tùy vào nếp văn hóa, tâm lý bi quan hay lạc quan về tương lai, mà cũng lệ thuộc vào chánh sách kinh tế hay những ràng buộc về tổ chức, với chỉ dấu tổng hợp là mức tiêu thụ so với tổng sản lượng.
Mức trung bình của nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu là ở trên 50% tổng sản lượng GDP. Hoa Kỳ có số tiêu thụ quá cao (tiết kiệm quá thấp), bằng 70-72%. Trung Quốc thì ngược lại, với số tiêu thụ chỉ bằng 35-37% tổng sản lượng.
Yếu tố quan trọng nhất là các khối kinh tế này không biệt lập mà tác động vào nhau. Việc Mỹ phải nâng mức tiết kiệm (giảm mức tiêu thụ) lại liên hệ với việc Trung Quốc phải tăng mức tiêu thụ. Sợi dây chuyển lực giữa hai nhu cầu này là ngoại thương, và gián tiếp hơn, là hối suất đồng bạc.
Nhưng việc điều chỉnh còn tùy thuộc vào tình trạng khép mở, tự do nhiều hay ít, của hai nước.
Hoa Kỳ trôi vào khủng hoảng vì nợ cao, tiết kiệm thấp do nhiều yếu tố tâm lý (lạc quan) hay chính trị, thậm chí sự hao tốn cho chiến tranh. Yếu tố quan trọng là vì có nền kinh tế mở nhất, với cơ chế linh động nhất: Thế giới càng tiết kiệm nhiều dân Mỹ càng tiêu thụ mạnh và tiết kiệm của thiên hạ tràn vào Mỹ càng tạo ra thịnh vượng và hiệu ứng là tâm lý phồn vinh... giả tạo.
Năm năm qua, Hoa Kỳ đụng đáy sớm nhất, dân chúng bóp bụng trả nợ, doanh nghiệp gia tăng tiết kiệm và đang xây dựng lại một nền móng quân bình hơn. Mức độ tự do của cơ chế khiến nước Mỹ ứng phó nhanh nhất. Nhưng trình độ dân chủ của chính trị cũng khiến các chính trị gia phát biểu lung tung để kiếm phiếu và gây ra ấn tượng sa sút của Hoa Kỳ.
Ngược lại, Trung Quốc trì hoãn nhu cầu cải cách mức tiêu thụ quá thấp được thấy từ 10 năm trước, tới khi tổng suy trầm xuất hiện năm 2008 lại còn thổi lên một núi nợ khổng lồ. Nếu trong 10 năm tới, xứ này cần nâng mức tiêu thụ từ 35% lên 50% để có cơ cấu quân bình hơn thì vừa phải đạt mức tăng trưởng hơn 10% một năm vừa tái phối trí tài nguyên từ khu vực nhà nước qua các hộ gia đình. Là điều bất khả về chính trị vì thế lực của đảng viên và cán bộ nhà nước. Do tình trạng bất khả này, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn ở khoảng 3-4% một năm.
Vì vậy 10 năm tới là 10 năm thoái trào của Trung Quốc và sự tái xuất hiện của siêu cường Hoa Kỳ mà nhiều người cứ tiên đoán là đang đi vào tiêu vong!
Chỉ có tại Hoa Kỳ:Một học khu tại tiểu bang Indiana cho biết là năm ngoái đã tốn 300 ngàn đôla thực phẩm mà làm học sinh bị đói. Chỉ vì học khu Carmel Clay áp dụng sáng kiến của Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama là cung cấp bữa trưa lành mạnh hơn cho học sinh, họ tốn tiền mua rau cỏ trái cây mà chẳng ai muốn ăn nên cuối cùng thì vào thùng rác. Bà giám đốc chương trình thực phẩm là Linda Wireman còn cho biết học sinh than phiền rằng chúng về nhà với bụng rỗng. Chủ quan duy ý chí của nhà nước để đẹp lòng lãnh đạo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Theo báo Người Việt
Sửa bởi người viết 29/07/2013 lúc 05:58:31(UTC)
| Lý do: Chưa rõ