Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào chiều ngày 11 tháng 3 trả lời báo giới rằng Hà Nội không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ từ Hà Nội khi được hỏi về báo cáo của tổ chức Freedom House tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có quyền tự do.
Bà Hằng nói rằng, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được qui định trong Hiến pháp năm 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan.
Một ví dụ được bà Lê Thị Thu Hằng nêu ra là trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019, ý kiến của đại đa số các nước tham gia đánh giá cao nỗ lực và thành tựu của Việt Nam; ủng hộ cách tiếp cận cũng như các kiến nghị có tính cách xây dựng của Việt Nam.
Anh Phạm Minh Vũ, một nhà báo tự do và nhà hoạt động cho dân chủ - nhân quyền từng bị tù, có nhận xét về trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam:
“Theo khách quan đánh giá, những năm trở lại đây, có thể dưới áp lực quốc tế, và cần thiết phải tham gia vào các sân chơi kinh tế theo xu hướng hội nhập, thì các hiệp định kinh tế hay những đòi hỏi sự cân bằng về chính sách lấy con người là yếu tố trung tâm, thì Việt Nam dần có một số thay đổi chậm để thích nghi. Chẳng hạn như quyền về người lao động đòi hỏi phải có công đoàn độc lập, Việt Nam cũng dần bước chấp thuận theo xu hướng chung đó.
Tuy nhiên, những thay đổi chậm đó không nói lên Việt Nam là một quốc gia tôn trọng nhân quyền. Vì bởi lẽ, những đáp ứng về nhân quyền nó nằm ở những chính sách thuộc phạm trù về tự do. Mà những quốc gia độc tài, nhất là độc tài cộng sản đều không muốn những thứ tự do được phát huy theo bản năng.”
Vào ngày 3 tháng 3 vừa qua, Freedom House công bố báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021. Theo đó Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do.
Tổng số điểm trên thang 100 mà Việt Nam có được là 19; trong đó 3 điểm cho các quyền chính trị và 16 điểm cho các quyền tự do dân sự. So với báo cáo năm 2020, Việt Nam mất 1 điểm.
Theo RFA