Gọi Putin là “kẻ sát nhân”, Biden bỏ "chính sách làm lại từ đầu" trong quan hệ với Nga ?Ảnh minh họa : Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva, Nga Vasily MAXIMOV / AFP
Phong tỏa Covid bắt đầu được áp dụng trở lại tại hàng loạt tỉnh thành nước Pháp, vac-xin AstraZeneca được tiếp tục dùng tại châu Âu, và căng thẳng ngoại giao Mỹ - Nga sau khi tổng thống Mỹ khẳng định đồng nhiệm Nga là “kẻ giết người”, là các chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay, 19/03/2021.
Theo Le Figaro, phản ứng của tổng thống Mỹ Joe Biden sau câu hỏi của nhà báo, đồng ý coi ông Putin là “kẻ giết người”, hoàn toàn không phải là một hành động bột phát. Nhật báo Pháp có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề: “Chính quyền Mỹ rút ra các bài học từ chính sách reset (tức chủ trương gây dựng lại từ đầu trong quan hệ) với Nga”. Bài phân tích của nhà báo Isabelle Lasserre nhấn mạnh đến hành động đi trước một bước trong chiến lược đối với Nga, của tân tổng thống Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã rút ra bài học, và quyết định tỏ thái độ cứng rắn ngay từ đầu đối với ông chủ điện Kremlin, không phải đợi đến khi chính sách “reset” bị thất bại, như những người tiền nhiệm, từ George W. Bush đến Barack Obama. Thái độ của ông Biden với tổng thống Nga cũng hoàn toàn tương phản với thái độ nhũn nhặn của người tiền nhiệm Donald Trump trước Putin.
Le Figaro ghi nhận, ngay khi tại vị ở Nhà Trắng, ông Bien đã thỏa thuận được với đồng nhiệm Nga về việc triển hạn 5 năm Hiệp ước vũ khí hạt nhân New Start, tuy nhiên, trong tất cả những vấn đề còn lại, tổng thống Mỹ tỏ ra “rất cứng rắn” với ông Putin. Tổng thống Biden dường như đã hoàn toàn từ bỏ “chính sách cởi mở” với Nga, với hy vọng Matxcơva sẽ thay đổi quan điểm.
Le Figaro điểm lại hàng loạt biến cố chính dẫn đến quan hệ Mỹ - Nga ngày càng tồi tệ trong những năm gần đây, từ can thiệp tại Ukraina, sáp nhập bán đảo Crimée, vụ cựu điệp viên Serguei Skripal bị đầu độc, đến các can thiệp tại Syria…, đặc biệt là các can thiệp của Nga vào hai cuộc bầu cử Mỹ. Vụ âm mưu ám sát nhà đối lập chủ yếu của điện Kremlin, ông Alexei Navalny, bằng thuốc độc, rồi sau đó bắt giam nhà đối lập, được coi là yếu tố giọt nước tràn ly, khiến quan hệ Mỹ - Nga “đột ngột xấu hẳn đi”.
Về phía châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh là vụ Navalny cũng để lại những hệ quả sâu đậm trong quan hệ giữa Bruxelles và Matxcơva, đặc biệt sau chuyến công du tìm giải pháp ngoại giao với Nga của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Joseph Borelle, với thất bại ê chề. Bài phân tích của Le Figaro cũng lưu ý đến sự khác biệt lớn trong thái độ với chính quyền Putin, giữa Pháp và Đức. Chính quyền của tổng thống Macron, một mặt cố gắng tái xây dựng quan hệ với Nga, nhưng mặt khác kiên quyết thực thi các trừng phạt. Trong khi đó, chính quyền của bà Merkel, tuy hoan nghênh thái độ cứng rắn của nước Mỹ, nhưng lại có nhiều nhân nhượng với điện Kremlin, vì lý do kinh tế.
Theo Le Figaro, thái độ của chính quyền Pháp với Nga cho đến nay là tiếp tục cố gắng, dù hy vọng rất nhỏ nhoi. Một nhà ngoại giao cao cấp của Pháp, gần gũi với hồ sơ này, cho biết quan hệ với Nga là “hoàn toàn bế tắc”, tuy nhiên “vẫn phải cố gắng”. Còn nước còn tát. Đặc biệt khi phải đối mặt với một nước “Trung Quốc hung hãn”, trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên Âu, và nước Mỹ quyết định cứng rắn hơn với Nga. Tuy nhiên theo Le Figaro, xét cho cùng châu Âu trong một thời gian dài đã bị “mù quáng”, giờ đây mới hiểu ra bản chất thực sự của chế độ Nga. Trên thực tế, Matxcơva không hề muốn cải thiện quan hệ với các nền dân chủ phương Tây, thời gian tìm kiếm reset (xây dựng lại từ đầu) “có thể đã qua”, theo một nguồn tin ngoại giao châu Âu.
Theo RFI