Ảnh minh họa : Một thành viên "Liên Minh Trà Sữa" trong cuộc biểu tình tại Đài Bắc, chống đàn áp ở Miến Điện. Ảnh ngày 28/02/2021. REUTERS - ANN WANG
Tình liên đới giữa giới trẻ châu Á với phong trào đấu tranh chống đảo chính tại Miến Điện, trong đó thành phần tiên phong là các thanh niên đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát, mà gần đây nhất là một bài viết trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 16/03 mang tựa đề “‘Liên minh trà sữa’ hay tình đoàn kết của giới trẻ châu Á chống chủ nghĩa chuyên chế”.
Tại Miến Điện, ngày 28/02/2021 vừa qua, trong đoàn người biểu tình gồm khoảng một nghìn người tuần hành ở trung tâm thành phố Rangoon để chống đảo chính quân sự, người ta ghi nhận nhiều tấm biển bên trên có biểu tượng của một phong trào có tên gọi Liên Minh Trà Sữa (Milk Tea Alliance theo tiếng Anh).
Cũng vào ngày hôm đó, tại một số thành phố khác ở châu Á, từ Bangkok, đến Đài Bắc, Hồng Kông hay Melbourne, nhiều thanh niên cũng xuống đường với những khẩu hiệu gợi đến phong trào Liên Minh Trà Sữa để ủng hộ cuộc đấu tranh của người Miến Điện.
Từ đấu tranh trên mạng đến xuống đường phản đốiĐiểm lý thú được Le Monde ghi nhận là thoạt đầu, phong trào gọi là Liên Minh Trà Sữa chỉ bắt nguồn từ một cuôc phản cộng trên internet bùng lên vào tháng Tư 2020 giữa các cư dân mạng Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan, chống lại các luận điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan đạo quân mạng hùng hổ của Trung Quốc, được chế độ Bắc Kinh hậu thuẫn. Tuy nhiên, mục tiêu đấu tranh của phong trào đã nhanh chóng biến thành chống chủ nghĩa độc tài nói chung.
Đề cập đến phong trào đấu tranh của giới trẻ Miến Điện hiện nay, Le Monde ghi nhận rằng khi chia sẻ trên mạng thông tin về các hành vi của chính quyền quân sự, nhiều thanh niên Miến Điện đã dùng đến hashtag #MilkTeaAlliance, tức “Liên Minh Trà Sữa”, tương tự như các thanh niên Thái Lan và Hồng Kông khi họ bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình ở Miến Điện, hay yêu cầu trả tự do cho các nhà đấu tranh của chính họ đang bị cầm tù.
Tại Đài Loan, từ những cư dân mạng bình thường cho đến các chính khách, thậm chí cả đại diện chính thức của chính quyền Đài Bắc tại Hoa Kỳ, tất cả đều nhắc đến “Liên Minh” khi bày tỏ lòng gắn bó vô điều kiện của hòn đảo với nền dân chủ, và khát vọng trở thành một tấm gương cần theo, trong bối cảnh dân chủ ở Châu Á ngày càng bị tấn công.
Trên các hình vẽ được giương cao trong các cuộc biểu tình hoặc được truyền đi trên mạng dưới tiêu đề MilkTeaAlliance, là những tách trà khác nhau tượng trưng cho cách uống khác nhau tuy theo địa phương, như với sữa ở Hồng Kông, với đá bào và trân châu ở Đài Loan, với đường ở Thái Lan, hoàn toàn khác biệt với các loại trà bình thường và khắc khổ mà cư dân Trung Quốc đại lục nhâm nhi trong ngày.
Tác giả bài báo dẫn lại giải thích của chuyên gia về Trung Quốc Chloé Froissart, thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (Inalco) tại Pháp nhân buổi hội thảo trực tuyến do Asialyst, trang web Pháp chuyên về châu Á tổ chức vào ngày 10 tháng 3: “Những loại trà sữa này có đặc thù của địa phương, nhưng ta tìm thấy trong phong trào này những giá trị chung: bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tự do, đấu tranh chống lại hành vi chiếm đoạt quyền lựa chọn vận mệnh của người dân”.
Chống độc tài, chuyên chế đồng nghĩa với chống Trung QuốcTheo Le Monde, bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ chính là mẫu số chung liên kết giới trẻ dấn thân vào các cuộc đấu tranh chính trị của châu Á, để chống lại sự trở lại của các thể chế độc tài, sự dụng các công cụ mà Trung Quốc cung cấp, và không nhiều thì ít, cổ vũ cho lập luận chống lại các giá trị phổ quát đang thịnh hành ở Bắc Kinh.
Nhân tố Trung Quốc đã xuất hiện ngay khi Liên Minh Trà Sữa được hình thành. Thoạt đầu, đó là một sự liên kết giữa cư dân mạng tại Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan chống lại đạo quân tuyên truyền trên mạng Trung Quốc được chính đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok và báo dân tộc chủ nghĩa cực đoan Global Times tại Bắc Kinh ủng hộ.
Cuộc chiến trên mạng đã bùng lên vào tháng Tư năm 2020 khi một nam diễn viên Thái Lan ban đầu đã bị những người theo chủ nghĩa cực đoan Trung Quốc tấn công vì đã viết chữ "nước" dưới các bức ảnh chụp Đài Loan và Hồng Kông. Diễn viên này đã xin lỗi, nhưng sau đó đến lượt bạn gái người mẫu của anh bị tấn công vì đã tweet lại giả thuyết về nguồn gốc virus corona ở phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Được cư dân mạng Hồng Kông và Đài Loan ủng hộ, người Thái đã phản công bằng loạt phim hoạt hình và những lời chế giễu.
Theo Le Monde, việc Đài Loan và Hồng Kông nhập cuộc rất dễ hiểu vì cả hai nơi này đều bất bình với Bắc Kinh. Chính “Phong trào hoa hướng dương”, dẫn đến sự kiện giới trẻ Đài Loan chiếm đóng Quốc Hội trong ba tuần lễ hai tháng 3 và 4 năm 2014 để tố cáo các hiệp định thương mại với Trung Quốc của chính quyền thân Bắc Kinh lúc bấy giờ, đã truyền cảm hứng cho Phong Trào "Dù Vàng" vào tháng 9 cùng năm tại Hồng Kông.
Qua năm 2019, phong trào biểu tình rầm rộ của người Hồng Kông chống lại dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đã gây tiếng vang lớn ở Đài Loan, góp phần giúp tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử vào năm 2020. Và tổng thống Đài Loan sau đó đã đoạn tuyệt với những hủ tục trong quá khứ, sẵn sàng đón nhận người Hồng Kông bỏ trốn khỏi đặc khu hành chính Trung Quốc vì "lý do chính trị".
Ở Thái Lan, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thường xuyên cáo buộc quân đội cầm quyền có các cuộc đàm phán không rõ ràng và đáng ngờ với Trung Quốc - đặc biệt là việc mua tàu ngầm, được công bố vào năm 2015 và sau đó bị đình chỉ vào năm 2020 sau khi bị phản đối kịch liệt, cũng như việc xây dựng tuyến đường sắt.
Ở Miến Điện, Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu đả kích, thâm chí là tấn công của nhiều người biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02, nhất là khi chế độ Bắc Kinh bị lên án về thái độ ủng hộ giới quân đội đảo chánh.
"Trà sữa" làm sao chống được súng đạn!Đối với giới phân tích, giới trẻ châu Á đang thể hiện tình đoàn kết với những người cùng thế hệ ở Miến Điện, thông qua phong trào Liên Minh Trà Sữa, tố cáo cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện và kêu gọi tái lập nền dân chủ. Tuy nhiên hy vọng thành công không bao nhiêu trong một khu vực mà cho đến nay, nền dân chủ hầu như chưa bao giờ được tự do phát triển.
Về tình hình Miến Điện, ngày giới trẻ châu Á theo lời kêu gọi của Liên Minh Trà Sữa xuống đường phản đối đảo chính hôm 28/02 vừa qua, cũng là ngày mà chính quyền quân sự Miến Điện leo thang đàn áp, xả súng bắn vào người biểu tình khiến hàng chục người chết.
Đối với nhà báo Pháp Dorian Malovic, tác giả nhiều tập biên khảo về Châu Á và Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống độc tài của giới trẻ châu Á trong Liên Minh Trà Sữa rất đáng hoan nghênh, nhưng sẽ rất khó thành công.
Trả lời đài truyền hình Pháp France24 ngày 01/03 vừa qua, nhà báo Malovic cho rằng: “Nhìn vào tình hình Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện, ai cũng thấy rằng người lái xe là các thế lực chuyên chế”.
Theo RFI