Phiên sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra hôm 9/9/2020. AFP
Phiên phúc thẩm xử Thi sĩ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, 69 tuổi, cựu quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, diễn ra ngày 24/3/2021 tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội vẫn giữ cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với Nhà thơ Trần Đức Thạch trong phiên tòa được luật sư biện hộ nhận định là không công bằng.
Đây là trường hợp mới nhất mà các phiên phúc thẩm tù chính trị tại Việt Nam giữ nguyên án sơ thẩm.
Trước đó không lâu, phiên xử phúc thẩm sáu người có kháng cáo trong vụ Đồng Tâm ngày 9/3 vừa qua cũng tuyên y án sơ thẩm, bao gồm cả hai án tử hình đối với hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức với cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”. Trong khi những người bị xét xử chỉ cho rằng họ đang cố gắng giữ đất của mình.
Hồi năm ngoái, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội khi xét xử phúc thẩm nhà báo Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, vào chiều 14/8/2020, cũng đã không thay đổi bản án 10 năm tù giam với cáo buộc tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Mặc dù ông Trương Duy Nhất trong phiên sơ thẩm đã nói rõ ông là nạn nhân của một âm mưu chính trị ở mức cao nhất trong chính phủ Hà Nội.
Sáng 8/1/2020, Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm 4 thành viên của nhóm Hiến Pháp tuyên y án sơ thẩm đối với các ông/bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 8 năm tù giam, Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc cùng 5 năm tù giam và ông Hồ Đình Cương 4 năm 6 tháng. Thêm vào đó, mỗi người sẽ tiếp tục bị quản chế từ 2-3 năm sau khi án tù kết thúc.
Những phiên phúc thẩm đối với vụ án có tính chất chính trị tôi cảm nhận nó có sự chỉ đạo từ trước nên hiếm khi được giảm án, hiếm khi được thay đổi. Tòa người ta vân giữ nguyên tắc bảo thủ của người ta nên rất khó. - LS. Hà Huy SơnTừng bào chữa cho nhiều tù nhân chính trị, bao gồm cả Thi sĩ Trần Đức Thạch, hay trong vụ Đồng Tâm, Luật sư Hà Huy Sơn – Giám đốc Công ty luật TNHH Hà Sơn từ Hà Nội giải thích vì sao các phiên phúc thẩm tù chính trị tại Việt Nam hiếm khi giảm án:
“Nguyên nhân họ đưa ra thì phúc thẩm phải có tình tiết mới hoặc chứng minh được bản án sơ thẩm có những sai phạm trong việc áp dụng pháp luật thì mới có cơ sở để người ta sửa bản án, tức giảm án hoặc tuyên vô tội. Về nguyên tắc là vậy.”
Tuy nhiên, LS. Hà Huy Sơn cho rằng trong thực tế, những vụ án có yếu tố chính trị không được xét xử công bằng:
“Những phiên phúc thẩm đối với vụ án có tính chất chính trị tôi cảm nhận nó có sự chỉ đạo từ trước nên hiếm khi được giảm án, hiếm khi được thay đổi. Tòa người ta vân giữ nguyên tắc bảo thủ của người ta nên rất khó.
Cùng hình sự với nhau thì các vụ án mà không có tính chất chính trị thì người ta dễ dàng xem xét hơn, thẩm quyền của hồi âm xét xử có thể chủ động hơn, có quyền hơn.”
Điển hình như trong phiên phúc thẩm thi sĩ Trần Đức Thạch vừa qua, LS. Hà Huy Sơn cho hay phiên tòa diễn ra chỉ trong vòng 1 giờ 45 phút mà không có sự đối đáp giữa luật sư và Viện Kiểm sát, trong khi cấp Tòa sơ thẩm trước đó đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Trả lời RFA trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông Phil Robertson của Human Rights Watch cho rằng các phiên tòa phúc thẩm thường không thay đổi bản án sơ thẩm, đặc biệt trong các vụ án chính trị, trừ khi bị can hợp tác hoặc đặc biệt hữu ích đối với cán bộ.
Hình minh hoạ. Blogger Trương Duy Nhất tại phiên toà sơ thẩm ở Hà Nội hôm 10/3/2020. AFP
Đồng quan điểm vừa nêu, nhà báo độc lập, blogger Nguyễn Ngọc Già, từng bị tuyên án tù giam vì những bài blog của ông, nhận định với RFA tối 25/3 rằng:
“Từ xưa đến nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ xử dựa trên những căn cứ thành kiến là cái quan trọng nhất, họ dựa trên thời cuộc, thái độ và trên dư luận cả trong và ngoài nước để xử án đó cao thấp bao nhiêu đã được quyết định trước, mà người ta hay nói là án bỏ túi.
Vì đã không thay đổi được như vậy nên hầu như tất cả các án chính trị nói chung không bao giờ có sự giảm án, nếu có sự giảm án thì đó chính là chuyện thời cuộc.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên thực tế bản thân chứng minh cho những lập luận vừa nêu:
“Ví dụ như bản thân tôi khi học xử sơ thẩm là bốn năm tù giam, ba năm quản chế, khi phúc thẩm thì họ hạ xuống một năm, còn ba năm tù giam, một năm quản chế. Vào thời điểm tôi được giảm một năm là chuyện Đại hội Đảng đang diễn ra giữa phe của ông Nguyễn Tấn Dũng và phe còn lại.”
Theo đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già khẳng định rằng việc giảm án phụ thuộc vào yếu tố thời cuộc mà theo ông là thời cuộc trong nội bộ của Nhà nước Việt Nam chứ không phải thời cuộc quốc tế.
Vẫn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, tại Việt Nam không có tù chính trị, bởi vì:
“Hầu hết có thể nói thì người ta không làm chính trị gì hết. Một số người viết báo, viết blog chẳng hạn như tôi thì họ vẫn ghép vô chính trị, trong khi đó là nhân quyền. Vì vậy tôi không chấp nhận từ tù nhân lương tâm và tôi không nghĩ mình là tù chính trị, tôi chỉ thực hiện nhân quyền của mình.”
Không chỉ riêng Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, mà tất cả những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, những blogger, những người bày tỏ chính kiến của mình khi bị bắt giữ, xét xử đều cho rằng bản án mà họ bị tuyên phạt không đúng với Hiến pháp Việt Nam vì họ chỉ đang thực hiện quyền công dân.
Với quan điểm làm luật phản khoa học, chống lại triết học thì tôi nghĩ không có một căn cứ nào để tôi tin rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bớt đàn áp, bớt bắt bớ. - Nhà báo Nguyễn Ngọc GiàTổ chức Ân xá Quốc tế trong báo cáo công bố ngày 1/12/2020 ghi nhận Việt Nam đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm.
Theo thống kê của tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền đưa ra cuối năm ngoái, có ít nhất 260 tù nhân lương tâm đang trong lao tù Việt Nam.
Phúc trình có tên ‘Nạn tra tấn và đối xử vô nhân đối với tù chính trị tại Việt Nam năm 2018 - 2019’ của Dự án 88 được công bố hôm 5/11/2020 nêu rõ, nhiều người bị giam giữ theo các điều luật về an ninh quốc gia bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo.
Những trường hợp tù nhân được nêu tên cụ thể trong báo cáo gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hóa…
Mới đây, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ hôm 16/3 vừa qua kể với gia đình về việc anh bị quản giáo trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thả chó cho cắn khi anh hét lên: “Tù nhân Lương Tâm cũng cần được sống!” từ nơi biệt giam.
Với kinh nghiệm trong ngành luật lâu năm, LS. Hà Huy Sơn cho rằng khi nào có sự xét xử độc lập theo pháp luật thì cơ hội xét xử công bằng những vụ án chính trị mới xảy ra.
Trong tình trạng hiện nay, theo LS. Sơn, Việt Nam còn xét xử chưa độc lập thì vẫn còn nhiều tù nhân chính trị bị xử án oan sai.
Từ Sài Gòn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng:
“Với quan điểm làm luật phản khoa học, chống lại triết học thì tôi nghĩ không có một căn cứ nào để tôi tin rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bớt đàn áp, bớt bắt bớ.”
Theo RFA