Ông Đoàn Văn Vươn trong phiên xử tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 02.04.2013. AFPHai ngày xử phúc thẩm kết thúc về vụ việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn, những người phải cho nổ súng và bình ga nhằm tạo tiếng vang trước biện pháp cưỡng chế bất công của cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng, Hải phòng.
Tuy nhiên dư luận vẫn không yên về tình trạng bất công cũng như những bản án không công minh như thế.
Rút ngắn, thiếu khả năng tranh luậnThông báo ban đầu của tòa phúc thẩm cho biết phiên xử theo đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang chủ tọa sẽ kéo dài trong ba ngày từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 7.
Thế nhưng đến chiều ngày 30 hội đồng xét xử đã tuyên án. Theo đó giữ nguyên y án sơ thẩm 5 năm tù đối với hai ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý về tội danh giết người ; cũng như 18 tháng tù treo đối với bà Phạm thị Báu- vợ ông Quý và 15 tháng tù treo đối với bà Nguyễn thị Thương- vợ ông Vươn về tội danh chống người thi hành công vụ.
Hai người được giảm án là ông Đoàn Văn Sịnh từ 3 năm 6 tháng tù còn 2 năm 9 tháng và anh Đoàn Văn Vệ từ 2 năm xuống 19 tháng tù.
Trong phiên phúc thẩm các luật sư đã đưa ra nhiều điểm và yêu cầu được tranh luận với Viện Kiểm sát, thế nhưng những điểm được xem là cốt lõi của vụ án như động cơ phải nổ súng và bình gas, việc cố ý cưỡng chế nhầm ngoài khu đất 19,3 héc ta; rồi kết luận giám định thiếu cơ sở khoa học … mà các luật sư bào chữa đưa ra không được công khai tranh cãi tại tòa.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư tham gia phiên phúc thẩm trong hai ngày 29 và 30 tại Hải Phòng cho biết:
Chúng tôi thấy rằng chỗ Viện kiểm sát họ rất yếu lý hoặc trình độ có hạn. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng yếu lý và muốn làm cho xong chuyện, xong trách nhiệm. Đó là điều đáng buồn và theo tôi bản lĩnh của kiểm sát viên có vấn đề.
Mất niềm tinNhững diễn tiến tại tòa và các mức án mà tòa phúc thẩm tuyên cho những thành viên trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn không thuyết phục được những người quan tâm; và theo họ phiên xử đã làm mất niềm tin của người dân vào công lý.
Ông Vũ Văn Luân, tổng thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng, người theo dõi sát sao vụ việc lâu nay bày tỏ phản ứng của ông:
Thực chất đến như thế này người ta không còn niềm tin gì nữa bởi vì Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao là tiếng nói của quốc hội, của nhà nước rồi được chủ tịch nước phê chuẩn. Các thẩm phán tòa án tối cao phê chuẩn các công tố viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chúng tôi nhận định rằng án này là án bỏ túi, án chỉ định.
Đến giờ phút này tôi cũng muốn nói và nhắc lại không còn gì lòng tin nữa. Nói như lời bà Ngô Bá Thành ‘ở Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng cuối cùng người ta xử bằng luật rừng chứ không xử bằng luật pháp’.
Điều mà chúng tôi được thông tin ‘lớn nhất’ là tại tòa gia đình ông Vươn đã phẩn uất lên chửi cả tòa án tối cao mà không ai nói gì. Điều đó cho thấy kể cả thẩm phán tòa án tối cao, kiểm soát viên tòa án tối cao và cả công an ở phòng xử án đều đồng thuận phẩn uất của gia đình ông Vươn. Người ta đồng ý đó là một bản án bất công với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Chúng tôi rất đồng tình với luật sư đã nói đúng và trúng bản chất của vụ việc. Một thành công nữa là ông Vươn, ông Quý và gia đình đã không chấp nhận bản án, người ta không chịu khuất phục. Đó là một thất bại lớn nhất của ngành tư pháp Việt Nam, đặc biệt Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao trong việc này.
Chính người luật sư tham gia tranh tụng tại tòa là luật sư Trần Vũ Hải, cũng thừa nhận về tác động bất lợi khi tòa xử không công tâm như thế:
Chúng tôi là những người thực tế, chúng tôi không nghĩ rằng trong tình hình hiện nay có những quan tòa có bản lĩnh để tuyên những bản án mà họ thấy thực sự vô tội hoặc không đúng tội danh trong vụ án lớn như thế này. Họ cũng có những áp lực khác. Tôi nghĩ, tất nhiên họ cũng lo ngại rằng nếu các bị cáo được tuyên vô tội hoặc được thay đổi tội danh thì cấp trên của họ hay ai đó sợ rằng đó là những bài học quí báu cho những người khác noi theo.
Chúng tôi hiểu vấn đề đó. Tuy nhiên, những quan tòa phải là những người có bản lĩnh và họ phải có cách thức nào đó mà chúng tôi đã phân tích tại tòa. Việc thay đổi tội danh hoàn toàn nằm trong khả năng của họ. Ở đây các bị cáo cho biết không có tội danh giết người, họ phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp này phải phân tích có phòng vệ chính đáng hay không. Nếu không phải tội danh giết người thì đó là tội danh nào. Tòa có thể hoàn toàn xem xét, và từ xem xét đó đưa ra một bản án hợp tình, hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng làm được thế nhân dân sẽ hoan nghênh, chứ không thể cho rằng vì việc tuyên như thế mà gây xáo trộn cho xã hội Việt Nam.
Chúng tôi biết rằng trước đây có những thẩm phán dù có những áp lực vẫn tuyên theo đúng lương tâm của mình. Còn việc tuyên như thế này- không có động cơ giết người, không ai chết cả mà vẫn tội danh giết người…; trong khi đó động cơ của các bị cáo làm rõ là gây tiếng vang thôi, tìm mọi cách không ảnh hưởng đến tính mạng- sẽ làm người ta mất niềm tin vào công lý khi ra tòa.
Đó là một mất mát đối với hệ thống tư pháp thôi, vì người ta nghĩ rằng ra tòa công lý được xác lập; các bên có thể có quan điểm khác nhau, có những ứng xử nào đó nhưng ra tòa họ tin công lý sẽ được thực hiện; những gì không phải sẽ được tòa xem xét, xác minh, những gì oan sai sẽ được giải; những người làm sai phải bị trừng trị, phải bị vạch mặt. Nhưng điều đó chưa được thực hiện tại phiên tòa này. Do vậy niềm tin rõ ràng giảm sút, và điều này không có lợi cho hệ thống tư pháp Việt Nam.
Chúng ta thấy ví dụ như nhà báo, nhà văn Nguyễn Quang Vinh và nhiều người khác khi thấy yêu cầu của luật sư triệu tập những người liên quan ra tòa không được chấp thuận, họ nghĩ ngay vụ án này ‘bỏ túi’, được chỉ đạo trước. Họ đã nghĩ như vậy. Chúng tôi không nghĩ vậy, chúng tôi giữ niềm tin đến giờ phút cuối cùng; nhưng họ đã nghĩ như vậy và sau phiên tòa việc họ nghĩ càng được chứng minh.
Phiên tòa này đã không thành công trong việc tạo được niềm tin cho người dân. Theo tôi đó là một điều đáng tiếc!
Ngay khi vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn xảy ra, nhiều người nhắc đến vụ án Đồng Nọc Nạn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long dưới thời Pháp thuộc hồi năm 1928. Tòa không xử ép những người nông dân nổi dậy giết chết những kẻ đến cưỡng chiếm đất bất công.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 31/07/2013 lúc 09:15:15(UTC)
| Lý do: Chưa rõ