Trước bản tiếng Pháp, tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn đã được dịch sang tiếng Anh
Sau tiếng Anh và Đức, cuốn sách 'Chuyện kể năm 2000' của Bùi Ngọc Tấn vừa có bản tiếng Pháp do nhà xuất bản L'Aube công bố với tựa đề 'Conte pour les siecles a venir'.
Đây cũng là bản dịch tiếng Pháp của Tây Hà, sau tập truyện ngắn 'Une vie de chien' và tiểu thuyết La Mer et le Martin-pêcheur, của Bùi Ngọc Tấn.
Trên trang buingoctan.worldpress hôm 27/7 có bài viết bình luận về sự kiện này:
"Điều khiến người đọc câu chuyện (có tính chất tự truyện) này là những năm tháng khổ đau ấy được kể lại thật thanh thản. Không chút hận thù. Trái lại, rất nhiều chỗ dành cho chất thơ như bay bổng bên trên sự tàn ác của con người."
Hồi năm 2001, cuốn sách được đưa lên mạng Internet, thu hút sự chú ý quốc tế, theo một bài trên trang BBC News Online (7/2/2001).
Vẫn bài viết này trích Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói rằng câu chuyện 600 trang về người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách “chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức”.
Bài cũng viết tác giả Bùi Ngọc Tấn đã bị tù một số năm trong trại cải tạo ở Việt Nam từ 1968 đến 1973.
Vào thời điểm đó, Bộ Văn hóa Việt Nam cho rằng sách đã “vi phạm luật” nhưng các bản in chui vẫn được phổ biến ngoài xã hội ở Việt Nam, và còn được bán với giá “cao hơn giá bìa quá 10 lần”, theo BBC News.
BBC Tiếng Việt cũng từng trích đọc một số chương ‘Chuyện kể năm 2000’ trên làn sóng radio khi còn phát thanh về Việt Nam.
Nay cuốn sách đã có mặt tại các hiệu sách ở Việt Nam bình thường.
Trong một bài trả lời Bấm phỏng vấn nhà báo Phạm Tường Vân được đăng trên bbcvietnamese.com năm 2012, nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể:
"Năm 1986, đọc được những sáng tác như mình muốn viết, tôi hiểu: thời thế văn chương đã khác. Đầu 1990, khi làn gió dân chủ, đổi mới thổi suốt từ bức tường Berlin sụp đổ đến nước chúng ta, tôi đã viết lại,"
"Đầu tiên là Nguyên Hồng- Thời đã mất. Sau đó là Người ở cực bên kia, Cún. Sau Cún là Mộng du (tên đầu tiên của tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000).
Ông cũng nói:
"Khi tôi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai đọc cũng hiểu."
Theo BBC