Bà Sureerat Chiwarak, mẹ của một lãnh đạo biểu tình đã bị bắt, Parit 'Penguin' Chiwarak, tham gia biểu tình đòi trả tự do cho con mình tại Bangkok.
Phong trào đấu tranh dân chủ tại Thái Lan đang gặp những thử thách lớn lao.
Chính quyền Thái Lan có rất nhiều vũ khí, kể cả pháp luật, để bắt nạt hay giam cầm những người bất đồng chính kiến. Điển hình như lệnh khẩn cấp được ban hành nhiều lần và nhiều nơi khác nhau, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19. Kể từ cuối năm 2018, họ không còn sử dụng luật Lese Majeste, vì không thấy cần thiết trong khi các luật khác chứng minh hiệu quả. Chẳng hạn như các đạo luật tội phạm máy tính và luật nổi loạn, đã được sử dụng hơn 100 lần kể từ năm 2014.
Nhưng đến cuối năm 2020, trước sự lớn mạnh và ảnh hưởng của phong trào giới trẻ Thái, chính quyền Prayut Chan-o-cha đã phải sử dụng đến điều luật phỉ báng hoàng gia, Lese Majeste, để trấn áp những người trẻ. Kể từ đầu tháng 8 năm 2020, giới trẻ Thái Lan hiểu rằng mọi cuộc đấu tranh mà không đụng đến cốt lõi của vấn đề thì cũng vô ích. Mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền lực không thể xâm phạm của vua Thái, mặc dầu nhà vua không can dự trực tiếp vào việc điều hành quốc gia. Cho nên phong trào lấy quyết định mở rộng yêu cầu của họ bao gồm cải cách thể chế của chế độ quân chủ, nhất là kiềm chế quyền lực của Nhà vua. Những người biểu tình ngày càng đặt câu hỏi công khai về tính hợp pháp của Nhà vua, bao gồm cả quyền cai trị của ông khi sống ở Đức, sự tập trung quyền lực và tài sản cá nhân của ông. Điều này là chưa từng có trước đây.
Họ đã rất công khai và táo bạo, dù biết cái giá đắt phải trả.
Parit Chiwarak, Panusaya Sithijirawattanakul, Anon Nampa, Chukiat Sangwong, và Parinya Cheewinkulpatom, là năm nhà đấu tranh nhân quyền, dân chủ trẻ tại Thái Lan. Họ đã lãnh đạo phong trào đấu tranh từ ngày 18 tháng Bảy năm 2020 cho đến tháng Ba năm 2021, khi lần lượt bị chính quyền Thái bỏ tù. Họ đang đối diện với nhiều bản án mà chính quyền dành cho họ, đặc biệt là tội xúc phạm đến hoàng gia Thái, theo Mục 112 của Bộ luật Hình sự Thái, còn được gọi là Lese Majeste, như có nói trên.
Parit, còn được gọi là chim cánh cụt/Penguin, bị giam cầm từ ngày 9 tháng Hai năm 2021 đến nay, liên quan đến 2 cuộc biểu tình 19 tháng 9 và 14 tháng 11 năm 2020. Cách đây 5 ngày, Parit đã tuyệt thực 46 ngày để phản đối cách anh bị đối xử. Tình trạng sức khoẻ của Parit hiện đang trong tình trạng khá nguy kịch.
Mẹ Parit, bà Sureerat Chiwarak, cùng với các bà mẹ khác của các nhà dân chủ, mỗi chiều thứ Bảy đến trước trại giam để biểu tình phản đối. Vào ngày 29 tháng Tư tuần trước, bà Sureerat đến trước Tòa Hình sự để yêu cầu Parit được tại ngoại hầu tra. Đây là lần thứ 9 bà nộp đơn, nhưng cuối ngày đơn bị từ chối.
Ngày hôm sau, không chịu bỏ cuộc, bà trở lại tòa để nộp đơn xin tại ngoại hầu tra lần thứ 10. Trước khi đến tòa, bà đã cạo đầu để phản đối tòa từ chối duyệt xét các đơn trước đây. Mái tóc dài đẹp của bà không còn. Nhưng nét đẹp trong sự thể hiện tình thương và sự can trường của bà Sureerat là quá rõ.
Bà Sureerat tâm sự: “Tôi chỉ là một phụ nữ. Tôi là mẹ của một ai đó rất yêu thương con trai mình… Con trai tôi không làm gì sai. Con trai tôi chỉ nghĩ khác người ta. Con trai tôi không được tự do nói. Con trai tôi đang bị giam trong tù nhưng không bị kết tội. Con trai tôi đã không nhận được công lý trong việc đấu tranh trong trường hợp của mình.”
Không dừng lại ở đây, bà kêu gọi mọi người hãy đấu tranh cho công lý: “Tôi mong muốn mọi người hãy ghi nhớ điều này và đấu tranh cho công lý. Chúng ta phải tháo gỡ sự bất công ra khỏi xã hội của chúng ta. Đừng để ai phải chịu những mất mát, đau thương như gia đình chúng tôi đang phải đối mặt ”.
Nói về con trai mình đang tuyệt thực lâu nay, bà Sureerat chia sẻ: “Hiện tại, Penguin sống được là nhờ vào bản thân và sức mạnh của chính mình. Em nó không có I.V. chất lỏng có thể cứu sống, vì cơ thể của em không thể tiếp nhận nó nữa.”
Bà Sureerat chỉ muốn được đưa Penguin về nhà chăm sóc cho con vì bà hiểu được nhu cầu của con mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo hiện nay.
Parit đã được đưa vào bệnh viện cứu chữa vào ngày 30 tháng Tư vì tình trạng sức khỏe nguy bách của anh.
Việc xuống tóc để nói lên nỗi oan ức của con mình cũng để nói lên sự bất công của cả một hệ thống pháp lý vô minh.
Trong khi đó, tại một phiên tòa ở Việt Nam vào thứ Tư, mùng 5 tháng 5 vừa qua, hai mẹ con chị Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị kết tội 8 năm tù và 3 năm quản chế, với cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phán tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Khi chủ tọa hỏi tên bị cáo, để xác định lý lịch, thì nhận được câu trả lời nguyên văn như sau:
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay “Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa; họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ.”
Sureerat Chirawak và Cấn Thị Thêu đều là những người mẹ can trường. Vì tình thương cho con và người chung quanh, họ không còn sợ bất cứ điều gì.
Thương con, người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả. Penguin hay Phương, Tư chắc đã tiếp thu được quá nhiều từ tình yêu thương và tinh thần bất khuất của mẹ mình. Thương mẹ, và được mẹ bảo bọc, có lẽ không có nền tảng nào quan trọng hơn tâm lý và tinh thần kiên cường trước bao nghịch cảnh của xã hội.
Phạm Phú Khải (VOA)
Albert TranĐây mới đúng là những người Mẹ Anh Hùng, chứ không phải những 'anh hùng' do vc nặng ra.