VIDEO Câu chuyện thứ nhất: Một người đàn ông da trắng đứng trước cửa tiệm thực phẩm Á Châu. Người đi qua đi lại, không ai để ý đến ông. Ngay cả khi ông kèo nài người qua đường. Could you spare me some change for something to eat. Khuôn mặt có nhiều nét hằn của thời gian. Thân hình ốm o. Chiếc áo rộng thùng thình chắc là món quà của Salvation Army. Chiếc quần jean bạc màu và đôi giầy màu nâu không bí tất. Hình ảnh quen thuộc của những người vô gia cư trong thành phố. Một thanh niên Á Châu sau khi xếp đồ vào xe, đẩy chiếc xe chở đồ lại chỗ trả xe. Ông già vô gia cư - cứ tạm cho rằng ông già là người vô gia cư đi – đăm đăm nhìn người thanh niên. Hai mắt mở lớn. Hai con mắt mệt mỏi nhưng sao tôi vẫn thấy từ đó ánh lên cái gì như tia hy vọng. Có thể là tôi để trí tưởng tượng rong ruổi như con ngựa được nới lỏng dây cương. Người thanh niên đẩy chiếc xe chở đồ chợ lại chỗ trả xe. Ngày trước, thiên hạ dùng xe chở đồ xong, thường hay bỏ đại trong bãi đậu xe, cửa tiệm phải thuê nhân viên đi gom những chiếc xe đẩy ấy về tiệm. Rồi người ta nghĩ ra cách gắn sợi dây xích vào xe. Muốn dùng xe, bạn phải gài một đồng bạc cắc vào cho sợi xích tuột ra. Dùng xong, trả xe lại chỗ cũ, gài sợi dây xích vào bộ phận khóa xe, đồng bạc rơi ra. Bạn lấy lại được đồng bạc và cùng lúc bạn trở thành người lịch sự vì đã trả chiếc xe đẩy hàng về chỗ cũ. Ông già đứng chờ ở chỗ thiên hạ trả xe đẩy hàng, cạnh cửa ra vào tiệm thực phẩm Á Châu. Ông cụ mong ngóng từ tâm của khách hàng. Và con mắt ông cụ sáng lên khi người thanh niên đẩy chiếc xe lại chỗ trả. Anh ta gài sợi dây từ chiếc xe trước vào xe mình để đồng tiền cắc một đồng lọt ra. Ông già chớp vội hai mắt chờ đợi. Người thanh niên cầm đồng xu và ném về phía ông già. Ông già nhanh miệng cảm ơn và đưa tay đón bắt, nhưng hụt, và đồng tiền lăn tròn trên nền xi măng, phía dưới những chiếc xe đẩy cho khách dùng chất đồ mua trong tiệm. Đồng tiền mất hút khỏi tầm nhìn. Ông già khom lưng tìm. Nhưng dù có trông thấy đồng bạc cũng chẳng cách nào lấy ra được trừ khi tháo hết từng chiếc xe một để chừa ra khoảng trống. Ông cụ cứ loay hoay hết đứng thẳng lại cắm cúi tìm kiếm. Một người đàn bà và một bé gái đi qua chỗ ông già. Bé gái chăm chăm nhìn ông già đang lom khom tìm kiếm kia. Bé gái níu tay người đàn bà. Và hai mẹ con - chắc là hai mẹ con - dừng lại. Em bé buông tay mẹ chạy đến bên ông già hỏi ông già tìm gì. Ông già chỉ vu vơ xuống khoảng nền xi măng phía dưới những chiếc xe đẩy dành cho khách hàng. The loonie. My loonie. Đồng bạc của tôi. Loonie là tiền cắc một đồng ở Canada, có hình con loon, một loại chim có thể lặn dưới nước như vịt, sống nhiều ở bắc bán cầu. Đồng loonie lăn tận xó kẹt nào đó. Và ông già lom khom tìm kiếm. Bé gái cũng khom người nhìn theo hướng ngón tay chỉ của ông cụ. I don’t see anything. Bé gái nói, giọng trong trẻo. Ông cụ lắc đầu. Có chứ. My loonie. A nice man gave it to me moments ago. Bé gái hỏi: Chỉ có một đồng cắc loonie thôi phải không. Ông cụ gật đầu. Bé gái chạy lại chỗ bà mẹ đang chờ. Mommy, can I have a loonie. Người đàn bà lục cái túi xách đeo bên vai, lấy ra một đồng loonie đưa cho bé gái. Bé gái cầm đồng tiền trong tay, chạy lại bên ông cụ. Cô bé giúi đồng tiền vào bàn tay ông cụ. Here’s your loonie! Buổi sáng, trước cửa tiệm thực phẩm Á Châu, tôi ngồi đếm những tấm lòng. Tôi thầm tiếc người thanh niên đã có lòng cho ông cụ một đồng bạc mà không dám đưa tận tay ông già để đồng bạc lăn đi mất. Và bất chợt, tôi nhận ra rằng đó là hành vi thường thấy ở những nơi thiếu sự tôn trọng người khác. Ngay cả đối với loài vật cách cư xử của con người cũng khác biệt tùy nếp sống văn hóa của chính họ. Ở các nước như Việt Nam, người ta ném xương cho chó chứ ít có người đặt miếng ăn một cách từ tốn trước mặt con vật. Ở những nền văn hóa tôn trọng đối tượng (con vật hay con người) người ta đặt thức ăn trước mặt con vật, xoa đầu nó, nhiều người còn bon appétit! với nó. Với kẻ bần hàn, người ta đặt đồng bạc từ tâm vào lòng bàn tay họ chứ không quăng đồng bạc - một cách khinh mạn - như người thanh niên trước cửa tiệm thực phẩm Á Châu mà tôi gặp. Và tôi nhận ra sự khác biệt giữa hành vi chia sẻ và hành vi bố thí, dẫu cả hai cùng phát xuất từ một chút từ tâm. Phát sinh từ lòng trắc ẩn, đồng loonie của người thanh niên kia là đồng tiền bố thí cho kẻ khốn cùng, còn đồng loonie của cô bé là đồng tiền chia sẻ với một người nghèo khó. Câu chuyện thứ hai: Người tù được thả vào buổi sáng tinh mơ, khi nắng còn le lói sau những ngọn cây. Đám người thăm nuôi vây quanh. Những câu chào xen lẫn những lời hỏi thăm tíu tít. Có gặp anh A, anh B, ông C… trong đó không. Có, tôi có gặp ông C nhưng không gặp ông A. Hình như ông A đã được chuyển trại cách đây mấy tuần rồi. Thế còn ông B. Ông B cũng vậy. Chuyển trại mà không báo cho người nhà biết à. Dĩ nhiên rồi. Chuyển trại. Đem đi đày nơi khác - một nơi không ai biết - là chuyện thường tình ở đất nước này. Tôi đang nói về đất nước Việt Nam, và năm xảy ra câu chuyện này là 1979 khi cả nước Việt Nam tội nghiệp đã loe loét sắc đỏ của cái chủ nghĩa tồi tàn. Năm ấy, tôi ở cái nơi có tên Trại Tạm Giam Kiên Giang, tôi bị giam TẠM trong khám lớn vì bị tình nghi “tham gia những hoạt động chống phá cách mạng.” Buổi sáng, tôi được trả tự do sau một năm tù đày. Cái đầu tóc vừa mới cạo lởm chởm được mấy hôm. Thằng bạn tù tự nhận là ngoài đời có nghề hớt tóc. Có nghề thì có việc làm, được đứng giữa trời nắng, phơi những mụn ghẻ và hít thở không khí trong lành, nghe được tiếng chim hót, thỉnh thoảng được ngắm nhìn những con chim chọc ghẹo nhau tíu tít trên những cành cây rậm lá. Tên bạn tù tự nhận là có nghề cắt tóc. Tôi đem cái đầu chấy rận bù xù ra cho nó thanh toán. Tên thợ cắt tóc như cóc gặm. Lũ bạn đồng tù nhìn tác phẩm của nó, phê bình như thế. Cái đầu cóc gặm. Nhưng như vậy vẫn hơn để nguyên mớ tóc rối bù suốt ngày gãi xồn xột, đôi khi làm rụng xuống những con chấy kềnh no nê bụng căng máu đỏ. Buổi sáng, tôi mang cái đầu cóc gặm, đi chân đất - bởi đôi giầy đã bị chúng tịch thu ngay khi bị bắt khoảng một năm trước đó – loanh quanh giữa đám đông, tìm người nhà. Tôi chớp mắt ngỡ ngàng với nắng. Tôi luống cuống nhìn quanh. Bao nhiêu khuôn mặt xa lạ nhưng gần gũi. Những người mẹ đi thăm con, những người vợ đi thăm chồng, những người em gái đi thăm anh, những đứa con gái đi thăm cha. Những kẻ có người thân là tù nhân, buổi sáng, tụ đầy ngoài cổng khám lớn, chờ gửi quà vào cho người nhà đang bị giam cầm. Tôi cũng là tù nhân và họ là những kẻ đi thăm (nuôi) tù. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi thấy gần gũi. Tôi ở tù, bố mẹ không biết tin nên chẳng được thăm nuôi. Và tôi đứng xớ rớ, ngẩn ngơ nhìn mọi người. Gần một năm trời co cụm giữa bốn bức tường. Hít chung bầu không khí nặng hơi người và đủ thứ mùi xú uế đã quen, bây giờ hít thở lại thứ không khí trong lành, tôi mang cảm giác của người đi lạc. Lạc tới một nơi chốn không quen, chưa hề đặt chân tới bao giờ. Tôi được trả tự do. Đôi giầy đã bị tước đoạt ngay lúc mới bị bắt. Giấy tờ tùy thân và quyết định phân công ra trường đám cai tù không biết ai giữ, tôi cũng không dám đòi vì đã từng có nhiều tù nhân khi được trả tự do, đã đòi lại giấy tờ, và vì không tìm thấy giấy tờ của họ, đám cai tù bắt giam họ trở lại để “chờ giải quyết sau.” Tóc tai lởm chởm. Mặt mũi hốc hác, xanh xao. Tay chân ghẻ lở trầy trụa. Mặt mũi ngơ ngáo. Tôi ngẩn ngơ cả với ánh nắng nóng ran trên da mặt. Tất cả như lạ, như quen. Một người đàn bà còn khá trẻ đứng xa xa nhìn về phía tôi khi tôi giải thích cho người nhà ông A, ông B biết cách người ta chuyển tù. Thế này nhé: không hề báo trước, người ta bất ngờ mở hé cái lỗ vuông vức trên khung cửa. Người ta chõ mồm vào đọc những cái tên. Trại giam đang ồn ào như phiên chợ bỗng dưng im bặt. Những cái tên được đọc lên. Người ta đọc nguyên một danh sách và bảo những người có tên trong danh sách ấy thu gom đồ đạc của mình trong vòng năm phút. Những người có tên trong danh sách ấy có thể sẽ được trả tự do, có thể được chuyển qua trại khác, có thể bị chuyển đi U Minh. U Minh là nơi người ta đày những người tù bất trị. Tóm lại đó đơn giản chỉ là một danh sách tù nhân. Có thể được trả tự do hay bị chuyển sang trại khác, có thể là đi đày. Chuyện gì xảy ra cho họ chỉ mình họ biết. Đám bạn đồng tù chỉ có thể đoán mò. Nghe giải thích xong, những người thăm nuôi tản mát về phía cổng trại giam. Chợt người phụ nữ còn khá trẻ kia tiến đến bên tôi. Tôi ngước nhìn, chờ câu hỏi thăm của chị nhưng chị bất ngờ giúi vào tay tôi mảnh giấy nhỏ. Tôi ngỡ ngàng nhìn tờ giấy trong lòng bàn tay mình. Đó là tờ giấy bạc năm mươi đồng. Bạn hãy hình dung năm mươi đồng ở nước Cộng Hòa Xả Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của năm 1979. Tôi ú ớ không biết nói sao. Nhưng chị đã mau miệng nói: “Anh cầm lấy để mua vé xe về nhà. Chừng nào trả cũng được.” Và chị quay ngoắt đi, lẩn vội vào đám đông. Bạn có biết 50 đồng năm 1979 lớn cỡ nào không? Tôi hồi ấy, bác sĩ mới ra trường lương tháng trong hai năm đầu là 85% của 60 đồng tiền mới đổi (còn gọi là tiền Hồ). Từ đó, khi nhìn thấy bất kỳ người phụ nữ Việt lam lũ, nghèo nàn nào ngoài đời sống hay trong hình chụp, trong hay ngoài đất nước Việt Nam, tôi cũng đều nghĩ là chị ấy; người đã giúi đồng năm chục vào tay anh chàng bác sĩ trẻ măng vừa mới ra tù; một kẻ không quen biết, cùng với lời dặn dò: “Chừng nào trả cũng được!” Hôm nay tôi kể lại câu chuyện năm xưa. Biết đâu người chị không quen biết năm nào tình cờ đọc được. Chắc chị sẽ không tìm gặp người đã nhận sự giúp đỡ năm xưa của chị để nhận lại số tiền cho mượn. Tôi cũng không dám nghĩ sẽ gặp lại chị để trả lại chị năm mươi đồng bạc quý giá năm xưa, tôi chỉ mong gặp chị, để nói với chị một lời cảm ơn - bởi hôm ấy, trong lúc tôi còn ngẩn ngơ trước cử chỉ quá bất ngờ, chưa kịp nói câu gì thì chị đã biến đi. Chị biến đi như bà tiên trong chuyện cổ tích. Tôi muốn nói với chị lời cảm ơn bởi chị đã để lại trong tôi hình ảnh tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Bởi không biết chị là ai nên nhìn người nữ nào tôi cũng nghĩ là chị; người mẹ, người cô, người dì, người thím, người chị, người em gái đúng nghĩa. Mấy mươi năm sau, ở quê hương thứ hai, tôi lại gặp một người nữ, một người nữ trẻ thơ, một người nữ có tấm lòng; người đã nhét vào lòng bàn tay ông già vô gia cư trước tiệm thực phẩm Á Châu đồng tiền nhân ái. Những người nữ đã làm rực rỡ thêm hình ảnh đẹp tuyệt vời nơi người phụ nữ. Và cho đến bây giờ tôi vẫn tin người phụ nữ đẹp là người có tấm lòng nhân ái. À quên, lòng nhân ái và sự ngây thơ. Bởi buổi sáng hôm ấy, bạn biết không, khi bà mẹ nói với bé gái trước cửa tiệm tạp hóa Á Châu: You’re a good girl, bé gái đã nói với mẹ một câu dài mà tôi hiểu được như thế này: “Mẹ ơi con tiếc quá, phải như ông cụ không bị mất đồng loonie của ông ấy thì bây giờ ông ấy đã có tới hai đồng rồi!” Ơi, cái ngây thơ đầy thánh thiện! Hoàng Chính