Ảnh hai dân biểu đảng Dân Chủ Mỹ, ông Adam Schiff (T) và ông Eric Swalwell, hai thành viên Ủy ban Tình báo Hạ Viện, bị bộ Tư Pháp thời Donald Trump điều tra. Ảnh chụp năm 2019. © AFP - MANDEL NGAN,SAUL LOEB
Tập đoàn tin học Apple bị bộ Tư Pháp thời chính quyền Trump buộc cung cấp thông tin cá nhân của các dân biểu Ủy ban Tình báo Hạ Viện. Hôm qua, 11/06/2021, phe Dân Chủ và giới bảo vệ các quyền tự do lên án chính quyền tiền nhiệm lạm quyền, và kêu gọi cải tổ luật, để giới hạn « quyền dọ thám » của hành pháp.
Lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Thượng Viện khẳng định : « Đây là một vụ lạm dụng quyền lực thô bạo, một hành động tấn công vào nguyên tắc quyền lực phân lập ». Thượng nghị sĩ Dân Chủ Ron Wyden nhận định : « Những điều diễn ra cho thấy quyền theo dõi của bộ Tư Pháp có thể bị lạm dụng, và cần phải đặt ra các giới hạn ». Thượng nghị sĩ này cho biết có thể sẽ đề xuất một dự luật nhằm « tăng cường tính minh bạch » trong lĩnh vực này.
Hai dân biểu Dân Chủ Adam Schiff và Eric Swalwell bị nghi ngờ đã để lộ tin cho báo chí về cuộc điều tra rất nhạy cảm liên quan đến nghi án giới thân cận với tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga. Apple hồi tháng trước thông báo hãng đã buộc phải cung cấp một số thông tin cá nhân của các dân biểu này cho bộ Tư Pháp trong hai năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump, để phục vụ cuộc điều tra về rò rỉ tin mật. Vào thời điểm đó, bộ Tư Pháp đã cấm Apple không được tiết lộ thông tin về cuộc điều tra. Lệnh cấm hết hạn năm nay.
Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :
« Phe Dân Chủ tố cáo một sự lạm quyền không thể chấp nhận được của chính quyền Donald Trump. Trong hai năm 2017 và 2018, tập đoàn Apple đã buộc phải bí mật cung cấp cho bộ Tư Pháp các dữ liệu cá nhân của hai nghị sĩ, và kể cả của những người thân cận và các thành viên gia đình họ.
Chính quyền Trump đã cố tìm cách để biết được do đâu mà đã có các rò rỉ thông tin liên quan đến những nghi ngờ về sự thông đồng giữa ông Donald Trump và chính quyền Nga.
Adam Schiff, một trong hai nghị sĩ bị nhắm tới, từng là mục tiêu tấn công liên tục của tổng thống Trump. Nghị sĩ này bày tỏ sự phẫn nộ : ‘‘Thật là quá sức kỳ lạ, đây có thể là điều chưa từng xảy ra. Tôi nghĩ rằng đã có sự lạm quyền kinh khủng, vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực, biến bộ Tư Pháp thành một cơ quan hoàn toàn nằm dưới sự chỉ đạo của ông Donald Trump, chịu trách nhiệm bảo vệ các lợi ích pháp lý, chính trị và cá nhân của ông ta’’.
Ngoài cuộc điều tra của tổng thanh tra bộ Tư Pháp, một điều tra khác sẽ do Ủy ban Tư Pháp của Thượng Viện tiến hành. Bên Dân Chủ yêu cầu cựu bộ trưởng Tư Pháp thời Donald Trump, ông Jeff Sessions, ra điều trần ».
Theo AFP, tại Hoa Kỳ, việc đề lộ thông tin mật là bất hợp pháp, và các chưởng lý liên bang có toàn quyền ra lệnh truy tìm các bằng chứng phạm tội, thế nhưng cho đến nay, dường như chưa bao giờ các nghị sĩ Mỹ lại là đối tượng của một cuộc điều tra như vậy. Ông Patrick Toomey, thành viên của ACLU, tổ chức bảo vệ các quyền dân sự nổi tiếng ở Mỹ, nhấn mạnh là việc hành pháp được giao phó những quyền hạn rất lớn trong lĩnh vực do thám « có thể dễ dàng dẫn đến hành động lạm dụng vì các mục tiêu chính trị ».
Theo RFI