logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 30/06/2021 lúc 02:20:08(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Văn Học Press
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978 • email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
Trân trọng giới thiệu:
UserPostedImage
Đây là cuốn sách xuất sắc và độc sáng, được viết với sự trong trẻo và minh triết, nó mời mọc chúng ta trực tiếp đi vào.
– John Updike, The New York Times Book Review
“Tập sách cái cười & sự lãng quên” tự gọi là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó là một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể gọi bất kỳ cái gì nó muốn, bởi tổng thể cuốn sách là một thiên tài.
– John Leonard, New York Times
Ảo diệu… Nếu bạn đọc cuốn sách này một cách kiên nhẫn và thành tâm, nó có thể thay đổi cuộc sống bạn.
– Ted Solotaroff, The New Republic

Sửa bởi người viết 30/06/2021 lúc 02:20:58(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 30/06/2021 lúc 02:24:00(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Milan Kundera: Cái Cười Cái Nhẹ Cái Quên

UserPostedImage

T
rong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”


Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận (ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc) như trong những đoạn viết sau:

Bởi Lịch sử, với tất cả những động thái của nó, chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng, quốc nhục, không được chen vào can dự ngòi bút của nhà văn – không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh họa, lên án hoặc biện giải. Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia; nhà văn có thể bị mê hoặc bởi Lịch sử, nhưng bởi nó là thứ đèn giọi xoay vòng chạy xung quanh hiện hữu con người, chiếu luồng sáng lên nó, lên những khả thể bất ngờ, mà ở những lúc bình ổn, khi Lịch sử đứng yên, không ló mặt ra phía trước, chúng nằm yên phía sau, không ai thấy, không ai nhận biết.

Lịch sử nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, nhẹ như hạt bụi cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.

Nếu vậy, đối với Kundera, chủ đề trong tiểu thuyết có hàm chứa một ý nghĩa gì đáng kể không? Hiển nhiên, như hầu hết các tiểu thuyết gia tầm vóc khác của thế giới, Kundera cương quyết chống lại mọi chủ thuyết luận đề trong văn chương. Đối với ông, chẳng có gì đáng khinh bỉ hơn một tác phẩm tiểu thuyết mà đọc không khác một văn bản tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, bàng bạc trong những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy những chủ đề sau hiển lộ rõ ràng: cuộc sống lưu vong; căn tính, đời sống vượt qua lằn ranh biên thùy (bên kia tình yêu, bên kia nghệ thuật, bên kia sự nghiêm túc); lịch sử như cái gì liên tục trở lại; và lạc thú của một đời sống ít có những điều “quan trọng.”


Và, cũng như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỷ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó bao giờ. Hai cuộc Thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bohemia của ông – miền đất tuy nhỏ bé nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hóa quan trọng – luôn luôn là mảnh đất chịu thiệt thòi và bị giẫm nát trong bất kỳ cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ireland, Bohemia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera khó lòng hoàn toàn đi trệch ra khỏi quy luật đó.


Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. Đưa ra một định nghĩa cho tiểu thuyết, ông nói: “Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết.” Kundera cả quyết rằng sự nảy sinh của nhân vật tiểu thuyết không giống sự ra đời của con người nơi cuộc sống bên ngoài; “họ có mặt do một tình huống, một câu văn hay một ẩn dụ bên trong cái vỏ bọc hàm chứa những khả thể cơ bản liên quan đến con người mà tác giả nghĩ rằng chưa ai khám phá hay đề cập điều gì trọng yếu về nó.” Xem thế, tính sáng tạo trong tiểu thuyết Kundera chủ yếu nằm ở điểm này. Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông nắm bắt được điều muốn tìm kiếm; bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lý.


Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học Hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật tiểu thuyết chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lý thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dẫn chứng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đã va chạm đến vô thức trước khi có Freud, đã luận về đấu tranh giai cấp trước khi có Marx; và trước khi các nhà hiện tượng học ra đời tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học. Câu nói “tiểu thuyết nói những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được” thường được ông đem ra dùng khi cần bênh vực cho vai trò tích cực và vị thế trọng đại không thể thiếu của tiểu thuyết trong đời sống văn hóa con người.


Kundera tự xem mình là một nhà văn châu Âu, không phải Đông Âu như nhiều người gán lên ông. Ông lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ những nhà văn truyền thống châu Âu từ thời Phục hưng như Boccacio, Rabelais, hoặc mới hơn như Sterne, Diderot… Nhưng chính những trước tác của các nhà văn hiện đại thế kỷ XX đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên những trang viết của ông, đó là Musil, Gombrowitz, Broch, Heidegger, và nhất là Kafka. Ông dành nguyên một phần trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết để nói về Kafka. Theo ông, chính Kafka, không phải Proust, không phải Joyce, đã tiên phong cho trào lưu tiểu thuyết  Hiện đại mà ảnh hưởng vẫn còn vang động cho đến tận ngày nay.


Kundera cũng tuyệt đối trung thành với những ý niệm mỹ học mà ông khai triển gần như suốt văn nghiệp ông. Ở những cuốn nổi tiếng như Đời nhẹ khôn kham, Chuyện đùa, chúng ta thấy ông say sưa với những cặp phạm trù nặng/nhẹ, tâm-hồn/thế-xác, chung-thủy/phản-bội, cái-cười/sự-lãng-quên, vân vân. Thậm chí ông lấy cặp phạm trù cái-cười/sự-lãng-quên làm nhan đề cho một tác phẩm của ông, Tập sách cái cười và sự lãng quên. Kundera nói về cuốn sách này của ông như sau:

Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề, nội tại một suy tưởng, nội tại
một tình huống duy nhất, giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất về cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của tôi.


Nó là cuốn tiểu thuyết viết về Tamina, và những chuyện diễn ra lúc Tamina bước ra khỏi sân khấu. Nó là cuốn tiểu thuyết viết cho Tamina. Cô là nhân vật chính diện và cũng là khán giả chính diện. Tất cả những chuyện khác là biến tấu dựa trên chuyện của chính cô, gặp gỡ đời sống cô như gương soi mặt.


Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về thành phố Praha, về Praha và những thiên sứ của nó…

Như hầu hết các tác phẩm khác ông viết trước đó hoặc sau này, cuốn sách là một tổng hợp những khía cạnh khác nhau của hiện tồn được khuếch đại, thu nhỏ, sắp xếp lại trật tự, nhấn mạnh, xem xét, phân tích, trải nghiệm… với một cái nhìn thật mới mẻ và tinh tế.


Ông viết cuốn sách vào khoảng giữa thập kỷ 70. Tác phẩm có bẩy phần. Gọi mỗi phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera, ta nên xem nó là một tổ khúc, như tổ khúc âm nhạc gồm bẩy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự liền lạc chặt chẽ bởi mô-típ chỉ đạo chế ngự toàn tác phẩm: cái cười và sự lãng quên.

Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười. (Các chuyện tình của Kundera đều buồn cười, nhưng là nụ cười cay đắng.) Tình dục thì luôn luôn buồn bã, như hoang mang giữa mê lộ. Và quái! Không phải quái đản, quái lạ, quái gở hay quái dị, mà quái “chiêu.” (Ở đây, tôi chỉ có thể tìm được một tiếng lóng, một từ đường phố, “quái chiêu,” để diễn tả chất “quái” trong văn Kundera khi viết về tình dục.) Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử: cuộc sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm chiếm Bohemia.


Cuốn tiểu thuyết đã đưa Kundera lên đài danh vọng quốc tế vào cuối thập kỷ 70. Nó là cuốn sách chẳng những phong phú ở mặt xây dựng nhân vật và câu chuyện, mà còn lạ lùng, sâu sắc ở phần tưởng tượng. Nơi đây thực tại và huyễn tưởng đan xen nhau dễ dàng và tự nhiên đến nỗi người đọc khó phân biệt đâu là đời sống thật, đâu là giấc mơ. Kỳ thực, điều đó không cần thiết khi đọc tiểu thuyết Kundera. Tuyệt đối không cần thiết, bởi chính ông cũng hay nhắc nhở người đọc rằng đừng xem những gì ông viết là sự thật ngoài đời, mặc dù trong đó có rất nhiều phần thuộc dạng hồi ức tự truyện, âm nhạc, triết học hay lịch sử. Ông thường cố ý cho người đọc nhận ra các nhân vật tiểu thuyết của ông chẳng qua chỉ là  những  hình ảnh ông lấy ra từ trí tưởng tượng của mình. Ông cho chủ thể ở ngôi thứ nhất trong lúc miêu thuật một câu chuyện ở ngôi thứ ba. Trong lúc viết, ông quan tâm đến các từ định đoạt tính cách và số phận của nhân vật hơn là ngoại hình. Chẳng bao giờ nghe ông miêu tả nhân dáng các nhân vật của ông ra sao, như thể trí tưởng tượng của người đọc tự động tiếp nối và hoàn tất cái nhìn của người viết. Làm như thế, người viết sẽ chú trọng nhiều hơn ở phần cốt lõi của tác phẩm. Thậm chí, thế giới nội tâm (hoặc tâm lý) của nhân vật đối với ông cũng chẳng quan thiết. Tuy nhiên, đôi lúc, tính cách đặc trưng nào đó được nhấn mạnh hầu làm sáng tỏ thêm bản chất của nhân vật.


Viết tiểu thuyết, Kundera ưa chuộng thủ pháp “tiểu thuyết tư duy.” Có nghĩa là ông không miêu thuật một câu chuyện từ đầu chí cuối, mà đưa ra một ý tưởng rồi “bịa” một hay nhiều “tình huống” để biện chứng cho ý tưởng đó. Với lối viết này, Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nhà văn kiệt xuất người Áo của nửa đầu thế kỷ XX là Robert Musil [1880-1942] và Hermann Broch [1886-1951]. Kẻ không quen lối viết này có thể bĩu môi chê bai, “Sao mà lý sự lắm thế!” bởi đối với họ, nghệ thuật tiểu thuyết yêu cầu ý kiến tác giả đứng ngoài tầm nhìn; tất cả mọi tư duy hãy để người đọc định đoạt, nó là thành tố ngoại tại của loại hình tiểu thuyết.


Thế nhưng Kundera đã mở toang cánh cửa để tư duy tuôn tràn vào tiểu thuyết. Ông không ngần ngại tuyên bố rằng “biện pháp bổ sung những tư duy chắc nịch một cách đầy thông tuệ vào tiểu thuyết và bằng những thủ pháp tuyệt luân đầy nhạc tính khiến nó trở nên thành phần bất khả phân ly trong tác phẩm là một trong những sáng tạo táo bạo nhất mà không phải tiểu thuyết gia nào cũng dám làm trong kỷ nguyên nghệ thuật hiện đại.”


Tư duy tiểu thuyết, theo Kundera, không dính líu gì đến tư duy khoa học hay triết học; nó là phi triết học; thậm chí phản triết học, có nghĩa là nó hết sức độc lập với bất kỳ hệ suy tưởng tiên nghiệm nào; nó không thẩm định; không công bố chân lý; nó ra câu hỏi, nó kinh ngạc, nó xét nét; loại hình của nó thật là phong phú: ẩn dụ, châm biếm, giả định, khoa đại, châm ngôn, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc; và điều chính yếu là không bao giờ nó tách lìa ra khỏi cái vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống những nhân vật của nó; những đời sống nuôi dưỡng, chứng thực nó.


Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính hài (và ở chừng mực nào đó, châm biếm) thấm đẫm trong văn ông. Kỳ thực, đối với ông, hài là một thuộc tính bất khả tách ly của văn chương. Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả. Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc huyền ảo lạ lùng. Chuyện bông đùa, giai thoại, chuyện hài hước: chúng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy giữa cảm quan nhạy bén của hiện thực và thần trí tưởng tượng, tiểu thuyết liều lĩnh đi vào cái bất khả lý. Kundera bảo như vậy.


Kundera cũng khai thác triệt để khía cạnh bi-hài của chủ nghĩa độc tài toàn trị, mặc dù ông quyết liệt phản bác lại mọi phê phán xem tiểu thuyết của ông là một diễn ngôn chính trị. “Sự lên án chủ nghĩa độc tài toàn trị không xứng đáng đem vào tiểu thuyết” là câu nói thường xuyên ông phát biểu mỗi khi đề tài này được đem ra thảo luận. Tiểu thuyết gia Mexico Carlos Fuentes nói như sau về Kundera:


Điều thú vị ông ta [Kundera] tìm ra là sự tương tự giữa chủ nghĩa độc tài toàn trị và giấc mơ tuy mê hoặc nhưng chẳng có gì đáng nhớ về một xã hội hài hòa nơi đời sống riêng tư và đời sống công cộng nhập lại thành khối nhất thể và sự hiệp nhất đó được xây dựng xung quanh một ý chí và một đức tin.

Tính bi-hài nhiều phần đen tối ấy cho chúng ta thấy một lần nữa Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ Franz Kafka.


Ngày nay trong khi nhiều người mất niềm tin vào tiểu thuyết như một loại hình nghệ thuật, thậm chí có người tuyên bố tiểu thuyết đã chết, thì Kundera tỏ ra vẫn tha thiết với nó. Để hiểu nguyên do vì sao, chúng ta có thể tìm đọc lại suy nghĩ của ông như sau:

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi. Đó là lý do tại sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó bằng nhau. Mỗi nhân vật vượt qua đường biên do chính tôi vạch ra. Chính đường biên bị vượt qua đó (bên kia đường biên, “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt) là cái gì quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia đường biên là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật cuốn tiểu thuyết yêu cầu. Tiểu thuyết không phải lời tự thú của tác giả; nó là cuộc nghiệm sinh của con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành.

… cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Quá chính xác, và tôi không thể không đồng ý với ông. Bởi trong mắt nhìn của ông, thế giới hiện đại là một thế giới bị triết học bỏ rơi và hàng trăm chuyên ngành khoa học đập vỡ tan. “Chỉ có tiểu thuyết là còn lại với chúng ta như đài quan sát cuối cùng để từ đó chúng ta có thể ôm lấy đời sống con người như một toàn nguyên.” Ông nói như vậy.


Đừng kỳ vọng Kundera cho chúng ta câu trả lời về bất cứ điều gì sau khi đọc xong tác phẩm. Sẽ không có câu trả lời, và mọi chất vấn hoài nghi chỉ làm tối tăm thêm cái nghịch lý của đời sống. Hãy nhận ra nét đẹp của nghệ thuật và đó là phần thưởng duy nhất nhà văn có thể cống hiến.


UserPostedImage

Đôi dòng tiểu sử Milan Kundera
Milan Kundera sinh năm 1929 tại thành phố Brno nay thuộc Cộng Hòa Czech trong một gia đình Czech trung lưu. Cha ông là cầm thủ piano kiêm nhà âm nhạc học. Thế chiến II, ông làm nghề buôn và chơi nhạc jazz kiếm sống trước khi được nhận vào đại học Charles ở thủ đô Praha theo học Âm nhạc học, Điện ảnh, Văn học và Mỹ học. Năm 1952 ông tốt nghiệp, trở thành phó giáo sư và sau đó giáo sư khoa Điện ảnh của Viện Nghệ thuật Trình diễn ở Praha, ông cũng là giảng viên thuyết trình về văn học thế giới. Thời gian này, ông cho xuất bản một số thơ, tiểu luận, dựng kịch, tham gia ban biên tập hai tạp chí văn học Literani Noviny và Listy.


Kundera thuộc thế hệ nhà văn có rất ít quan hệ và trải nghiệm đối với nền Cộng hòa Dân chủ Tiệp Khắc. Ý thức hệ của họ khởi nguồn từ Thế chiến II và thời gian bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Năm 1948, cũng như các trí thức nhiệt huyết khác, Kundera gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1950 ông bị Đảng khai trừ vì tội danh “có xu hướng cá nhân chủ nghĩa” và những hành vi chống Đảng. Việc này được ông dùng làm chủ đề cho cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa xuất bản năm 1967. Tuy thế mấy năm sau đó ông được cứu xét lại và từ năm 1957 cho đến 1970 ông trở lại Đảng. Suốt thập kỷ 50, Kundera công tác với tư cách một dịch giả, một nhà viết tiểu luận, một nhà dựng kịch. Năm 1953 ông xuất bản cuốn sách đầu tay, và mặc dù có vài tập thơ ra mắt công chúng nhưng ông chỉ được biết đến sau khi tập truyện Những chuyện tình buồn cười xuất hiện. Năm 1967 ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, cuốn Chuyện đùa, với chủ đề chống chủ nghĩa Stalin. Năm 1970 ông bị khai trừ khỏi Đảng lần thứ hai, bị cách chức giáo sư và tác phẩm bị cấm lưu hành vì là một trong những trí thức hàng đầu trong phong trào Mùa Xuân Praha, một phong trào tranh đấu của trí thức Tiệp đòi hỏi dân chủ hóa và bị Xô Viết xua quân sang giẫm nát năm 1968. Ông chủ trương cải tổ chứ không đánh đổ Đảng Cộng sản, và đã có những bài bút chiến nảy lửa với nhà soạn kịch Václav Havel về vấn đề này. Sau cùng, có lẽ thất vọng, ông từ bỏ mọi giấc mơ cải tổ và năm 1975 đưa gia đình di cư sang Pháp.


Tác phẩm tiểu thuyết thứ hai của ông, cuốn Đời sống ở nơi khác xuất bản ở Paris năm 1973. Năm 1975 ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Rennes, Bretagne, Pháp quốc. Năm 1979 cuốn tiểu thuyết Tập sách cái cười và sự lãng quên ra mắt quần chúng với nội dung không tốt cho chế độ cầm quyền và ông bị nhà nước Tiệp Khắc tước quyền công dân. Năm 1981 ông vào quốc tịch Pháp và từ 1985 ông chỉ nhận trả lời phỏng vấn qua văn bản vì ông cho là trước đó người ta hay có xu hướng diễn dịch sai ý ông. Năm 1986 ông xuất bản cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, một tập tiểu luận đặc sắc và là tác phẩm đầu tiên viết bằng Pháp ngữ. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Sự bất tử, và cho đến ngày nay, ông đều sử dụng Pháp văn cho sáng tác của mình. Ông tự cho mình là một tác giả Pháp, và yêu cầu người ta xếp loại cũng như nghiên cứu công trình trước tác của ông như là văn học Pháp. Cuốn Lễ hội những điều vô tích sự gần đây nhất, xuất bản năm 2014 lấy bối cảnh Paris, và mặc dù có va chạm ít nhiều đến chủ nghĩa Stalin, nhưng gần như ông không quay lại các chủ đề quen thuộc như lòng hoài niệm quê hương, sự lãng quên, cái nhẹ khôn kham, v.v...


Một người bạn sinh sống ở Praha có lần bảo tôi dân Tiệp không xem Kundera là một nhà văn Tiệp, điều đó có thể phần nào giải thích thái độ không mấy quan tâm của ông đối với quê cũ. Mặc dù vẫn giữ quan hệ viễn liên với vài người bạn thân, ông hiếm khi về thăm quê hương, và mỗi lần về đều âm thầm, không xuất hiện ngoài công chúng bao giờ.


Nhưng đối với thế giới, Kundera được xem là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Hậu Hiện đại Tây phương. Có người đi xa hơn, không ngần ngại gọi ông là một trong ba hoặc bốn nhà văn lớn nhất của văn học thế giới đương đại. Nhà văn Simon Leys có lần tuyên  bố tác phẩm của  Kundera khiến George  Orwell bị lu mờ. Đâu đó người ta còn so sánh ông với Kafka.


Dịch “Milan Kundera”

Giữa tôi và Milan Kundera, tính cho đến ngày nay, hiển nhiên có một gắn bó trên 30 năm, một quan hệ phi vật thể vì tôi biết ông chứ ông không biết tôi là ai. Nhưng tôi thấy trên trang viết của ông những điều rất gần gũi và tâm đắc. Gần gũi vì cũng như ông, tôi không được sinh sống trên quê hương mình. Tâm đắc vì hầu như tất cả những gì ông viết, tôi đều thấy lôi cuốn, cầm sách lên khó lòng buông xuống, bỏ đi làm chuyện khác. Ông suy nghĩ thay cho tôi. Ông là nhà văn với một khối óc phân tích và tổng hợp uyên áo, câu chuyện kể thường dẫn đến vô vàn những tư duy độc đáo, và đó chính là điểm mạnh của ông.


Vào quãng năm 1988, 89 gì đó, tôi đọc Kundera lần đầu sau khi đọc những bài phê bình, giới thiệu của các nhà văn Mỹ như Philip Roth, John Updike đăng trên The New York Times Book Review. Đó là thời điểm đế quốc Xô Viết đang trên đà sụp đổ, tan rã toàn diện và Chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu đi vào giai đoạn cáo chung ở Đông Âu. Trí thức phương Tây bỗng chú ý đến văn học của vùng đất đang tận lực đấu tranh để thoát ra khỏi tai ách Cộng sản phủ trùm trên quê hương, dân tộc họ suốt già nửa thế kỷ qua, và Kundera xuất hiện như một kiện tướng hàng đầu. Cũng như nhiều người khác, tôi chụp lấy cuốn Đời nhẹ khôn kham đọc ngấu nghiến, và với sự khuyến khích của nhà văn  Nguyễn  Mộng Giác,  bắt  đầu  dịch  tác  phẩm này sang tiếng Việt, rồi gửi đăng rải rác trên các tạp chí văn học thời đó như Văn, Văn Học, Hợp Lưu… Nhưng phải đợi đến năm 2002, tôi mới cho xuất bản cuốn sách dịch  lần  đầu,  và  mãi  đến năm 2018 một ấn bản mới (dịch lại gần như toàn bộ tác phẩm theo phiên bản Anh ngữ mới do chính tác giả hiệu đính) ra mắt độc giả Việt Nam do công ty sách Nhã Nam thực hiện xuất bản và phát hành. Cùng năm, cuốn sách được Hội đồng  trao  giải  sách  hay  thuộc  hai  tổ  chức  IRED và OpenEdu  trao tặng Giải Sách Hay, hạng mục Sách Văn học, thể loại Sách dịch.


Dĩ nhiên, tôi không ngừng ở Đời nhẹ khôn kham mà vẫn ấp ủ ý định dịch tiếp một cuốn tiểu thuyết nữa của Kundera, và thật dễ hiểu, đó là cuốn Tập sách cái cười và sự lãng quên.


Dịch Tập sách cái cười và sự lãng quên là việc làm thú vị tuyệt vời đối với tôi. Dịch xong, tôi thấy tiếc tại sao Kundera không viết thêm bẩy phần nữa trong cuốn sách cho tôi dịch tiếp.


Thiết tưởng cần nói thêm đôi điều về việc dịch nhan đề sách. Bản Anh ngữ của sách là The Book of Laughter and Forgetting; và bản Pháp ngữ Le livre du rire et de l’oubli. Cả hai có lẽ dịch sát nghĩa từ nguyên tác tiếng Tiệp Kniha smíchu a zapomnení. Tôi đã đắn đo khá nhiều trong lúc tìm một nhan đề tiếng Việt khả dĩ cho… “văn vẻ” một tí mà ý nghĩa không đi quá xa tựa sách nguyên thủy. Quả tình không dễ dàng chút nào. Tìm hiểu thêm, tôi biết người Trung quốc dịch là Tiếu Vong Thư, ngắn gọn, súc tích, sát với tinh thần Trung văn, nhưng hiển nhiên tôi không thể bắt chước hay mô phỏng họ, dịch là “Sách cười và quên” được. Bạn bè cũng có vài đề nghị, nhưng sau cùng tôi quyết định dịch là: Tập sách cái cười và sự lãng quên, nghe không “văn vẻ,” thậm chí không thuận nhĩ đối với đa phần độc giả người Việt, vốn quen với những nhan đề bóng bẩy, “kêu.” Tuy nhiên, sau khi suy xét, tôi thấy nó phù hợp nhất với cuốn sách này của Kundera, và tôi đã làm một chọn lựa tuy khó khăn nhưng quả tình  không thể làm khác hơn.


Đúng ra nhan đề sách là Tập sách của cái cười và sự lãng quên, nhưng tôi bỏ chữ “của” vì ngữ pháp tiếng Việt cho phép tôi làm vậy. Nhưng tại sao lại “cái cười” thay vì “cười” hay “tiếng cười?”
Trước hết, nếu dịch là “tiếng cười” thì chẳng những không chính xác, mà còn làm hạn hẹp ý nghĩa và tinh thần cuốn sách cũng như chủ ý tác giả. Do đó, tôi có thể yên tâm gạch bỏ cụm từ “tiếng cười” ra khỏi bộ từ vựng của tôi. Còn lại chỉ có thể là “cái cười.” Mạo từ “cái” tôi thêm vào không phải là tùy tiện cho xuôi tai, bớt cộc lốc. Từ “cái” trong tiếng Việt có một hàm nghĩa rất lớn: nó đứng trước sự việc để nhấn mạnh, nhưng nó cũng cho sự việc tính phổ quát. Vâng, “cái” gì cũng có thể là “cái” được, từ cái bàn cái ghế, cái ăn cái uống, chí đến “cái con mẹ,” “té cái bịch,” “tát cái bốp,” v.v. “Cái” là “Mẹ” (Bố Cái Đại Vương, con dại cái mang); “cái” còn là to rộng, lớn lao (sông cái, đường cái). Nếu có thể làm một bảng danh mục các trường hợp từ “cái” được sử dụng trong tiếng Việt, có lẽ tôi phải mất cả trang giấy. Bởi vậy, tại sao không là “cái cười” trong trường hợp này? Và, quan hệ hơn, tôi thấy nó quả phù hợp với ý nghĩa đặc trưng của tính hài trong cuốn sách, mà tôi nhận định trong phần dẫn nhập bên trên, “Cái cười” và “té cái bịch” có lẽ nằm trong cùng một hệ cơ số.


Rồi đến cụm từ “sự lãng quên” tôi cũng có đôi chút bối rối. Xin nói ngay, “lãng quên” có lẽ là một từ mới trong tiếng Việt, và thường được định nghĩa là: Quên mất, không chú ý đến nữa. Tôi nói “mới” bởi ở những bộ từ điển cũ như cuốn Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, không có động từ này mà chỉ có “lảng quên” hay “quên lảng,” – xin chú ý, “lảng” dấu hỏi – và được định nghĩa là “Cố tìm việc nghĩ khác, việc làm hay thú vui để quên đi cái việc đáng buồn hay trái ý.” Truyện Kiều của Nguyễn Du không hề có cụm từ “lãng quên,” mà chỉ có động từ “lảng” với ý nghĩa là tản, vẹt qua nơi khác, như “lảng tránh.” Như vậy, tôi nên chọn “lãng quên” hay “lảng quên,” bởi ý nghĩa của hai cụm từ đó khác nhau, cùng là “quên” nhưng một bên là “quên” do vô thức sai khiến, và bên kia, “quên” có ý thức. Vấn đề cho tôi ở đây là cả hai đều sai, cả hai đều không cùng ý nghĩa mà Kundera muốn nói đến.


Ngay trong Phần I của tác phẩm – Những cánh thư thất lạc – Kundera đã đưa ra định nghĩa sau về “cái quên,” và nó chính là chủ đề tái hiện hoài hoài suốt cuốn sách:

Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên [forgetting].

Ngay tức khắc, nó cho thấy tôi sẽ không bao giờ lột dịch từ forgetting sao cho đúng với ý nghĩa mà Kundera muốn đặt ra. Về điểm này, Kundera nói rõ trong tập tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết:

… con người luôn luôn ấp ủ tham vọng muốn viết lại tiểu sử của chính mình, muốn thay đổi quá khứ, muốn bôi xóa mọi dấu vết của chính hắn và kẻ khác.

Ông cũng nói thêm, nó không phải sự lừa dối, nó tuyệt đối không có công lý trong đó, nhưng cùng lúc nó đem lại nguồn an ủi.


Xem ra, “lảng quên” có vẻ gần với điều Kundera muốn  nói hơn là  “lãng quên.”  Nhưng nếu tôi dùng từ “lảng” ở đây  thì  chắc  chắn  có  người  bảo  tôi viết sai chính tả! (Kỳ thực, điều đó đã xảy ra cho tôi.)


Có vẻ như tôi bế tắc.


Để chạy làng, tôi có thể dịch là Tập sách cái cười và cái quên. Nhưng thú thật tôi là kẻ yếu bóng vía, dũng cảm lắm cũng chỉ lân la mân mó vành ngoài chứ vành trong thì chẳng dám!


Để an ủi phần nào, tôi tự nghĩ “lãng quên/ lảng quên/ gì gì quên” đều không có kết luận, như văn chương, như nghệ thuật, không bao giờ kết thúc, không bao giờ là chân lý, không bao giờ viên mãn, nên tôi cứ việc thả cho nó bay phất phơ ngoài khí quyển mà chẳng mong có ngày nó tìm được chỗ đáp an toàn trên mặt đất.

Trịnh Y Thư
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.384 giây.