PHÓNG SỰ ĐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: GIỚI NGHỆ THUẬT GIẢI TRÍ TRONG NƯỚC NGÀY CÀNG KHÓ CHỊU VỚI HỆ THỐNG KIỂM DUYỆT CỦA NHÀ NƯỚC Dù chỉ là những sản phẩm giải trí thuần túy, nhưng giới sản xuất âm nhạc, điện ảnh trong nước đang ngày càng bộc lộ sự khó chịu với chiếc áo kiểm duyệt, ngày càng chật chội hơn so với sự phát triển trong nước. Những hình ảnh phim sản xuất mà quý vị đang xem, bị kiểm soát nặng nề đến mức nhiều kịch bản, lời nói, câu hát trở nên ngớ ngẩn và kém cỏi đến mức khó tin, nhưng điều đó lại được các quan chức văn hóa Cộng sản hài lòng. Những lời chỉ trích đối với cách kiểm duyệt và quan điểm cũ mòn của giới quản lý nghệ thuật trong nước ngày càng nhiều, nhiều nghệ sĩ cũng lên phản đối, không còn ngán ngại như những ngày xa xưa nữa. Mới đây, báo chí cũng bắt đầu lên tiếng chỉ trích bề những điều này.
Một bài viết có tựa đề Phải kiểm duyệt mới mong đi qua ải, đã dẫn lời nhiều người phản ứng rõ ràng về sự kiểm duyệt văn hóa hiện nay. Bài báo nhấn mạnh tình trạng nhiều đạo diễn muốn vượt rào, lẳng lặng chấp nhận gửi phim ra nước ngoài dự thi, sau đó mới thông báo cho hệ thống kiểm duyệt trong nước. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận các hình phạt, miễn sao đứa con tinh thần của mình nguyên vẹn mà thôi. Bài báo cho biết nhiều bộ phim Việt Nam được giải thưởng hay trình chiếu tại Đại hội Điện Ảnh uy tín khi quay trở lại trình chiếu trong nước cũng lại không qua nổi cửa kiểm duyệt. Trường hợp đạo diễn Phan Đăng Di cũng là một ví dụ rõ những câu chuyện ngược đời như vậy.
Bộ phim của đạo diễn Phan Đăng Di có tên Bi, Đừng Sợ, do lén đưa ra ngoài dự thi, đoạt giải thưởng tại Cannes. Thế nhưng khi trở về Việt Nam dù đã gắn mác cấm dưới 18 tuổi, nhưng vẫn bị cắt đi không ít cảnh, bất cần quan điểm của nghệ thuật. Tương tự như vậy, các phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được Ban tổ chức Đại hội Điện Ảnh của Nam Hàn lựa chọn trình chiếu tại Busan, nhưng đến khi trình chiếu tại các rạp trong nước cũng không thoát khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt. Không phải chỉ có điện ảnh, mà ngay trong ca nhạc, một nhạc sĩ ở Hà Nội được coi là người của chế độ là nhạc sĩ Ngọc Đại, cũng vì không chịu được kiểm duyệt mà tuyên bố phát hành album bất cần giấy phép Nhà nước, thậm chí chấp nhận chịu các hình phạt của Sở Văn hóa thông tin địa phương.
Gần đây nhất là chuyện phim Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn. Dù thành phẩm nhưng do kiểm duyệt về tư tưởng chính trị, phim bị cấm. Tồi tệ hơn, Cục điện ảnh Cộng sản Việt Nam do sợ đạo diễn Charlie Nguyễn sẽ im Lặng mang phim ra nước ngoài, Cục này đã giấu mặt, cho người tự phân phát bất hợp pháp bản sơ dựng gửi xin duyệt phim này khắp nơi, để chặn đường phát hành chính thức của phim. Suốt trong mấy tháng trời, lời chỉ trích về hành động tồi tệ này của Cục điện ảnh Cộng sản Việt Nam xuất hiện không ngớt trên các mạng xã hội. Cái áo kiểm duyệt văn hóa của Nhà nước ngày càng chật chội. Và đáng thương khi chỉ còn kiểm soát được một ít, trước cánh cộng thông tin tự do quá lớn hiện nay.
SBTN