Hình ảnh đường phố Sài Gòn năm 1972. AFP
Ngày hai tháng bảy năm 1976, Đô thành Sài Gòn chính thức bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo chí Nhà nước, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chính là người đầu tiên đưa ra đề nghị đổi tên Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26 tháng tám năm 1946, nhân kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng. Theo vị bác sĩ này, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, Thành phố Sài Gòn nên đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày hai tháng bảy năm 1976, Quốc hội khóa VI ra quyết định chính thức để Đô thành Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.
Sài Gòn là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời và gắn bó liên tục với nhiều thế hệ người Việt Nam từ trước năm 1975, không chỉ riêng với người miền Nam mà với cả đồng bào miền Bắc. Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của cả một nền văn hóa. Và đối với thế giới, Sài Gòn đã có thời được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông. Còn việc họ đổi tên Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 thì đó là một sự cưỡng chiếm. - Nhà báo Đinh Quang Anh TháiNhà báo Đinh Quang Anh Thái, hiện sống tại miền Nam California nhận định về sự kiện này với RFA:
“Sài Gòn là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời và gắn bó liên tục với nhiều thế hệ người Việt Nam từ trước năm 1975, không chỉ riêng với người miền Nam mà với cả đồng bào miền Bắc. Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của cả một nền văn hóa. Và đối với thế giới, Sài Gòn đã có thời được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông.”
Còn việc họ đổi tên Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 thì đó là một sự cưỡng chiếm. Lý do đơn giản là theo Hiệp ước hòa bình 1973, hai miền Nam - Bắc thỏa thuận sẽ đạt tới nền hòa bình, tiến tới hòa giải nhưng sau đó họ xé bản hiệp định đó, họ bất chấp các luật lệ quốc tế đem quân cưỡng chiếm miền Nam. Dĩ nhiên ‘lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng’. Với chiến thắng của họ thì họ đổi tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng ta cứ nhìn ra thế giới sẽ thấy hành động này là man rợ, bởi ngay cả Hitler khi chiếm cả châu Âu vẫn tôn trọng tên thủ đô của các nước chứ không lấy tên mình đặt lại, ngay cả cho nước Đức.”
Từ năm 1946, Sài Gòn đã là thủ đô của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ. Đến năm 1949 là thủ đô của Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Sài Gòn khi đó được chọn làm thủ đô với tên gọi chính thức là “Đô thành Sài Gòn”.
Dù Thành phố Sài Gòn - Gia Định bị đổi tên đến nay đã 45 năm, nhưng với hầu hết những người dân từng sống ở miền Nam trước năm 1975, bất kể giọng nói của họ thuộc vùng miền nào, đều giữ cái tên Sài Gòn khi nói về Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Cái tên Sài Gòn được dùng như tên bán chính thức của thành phố này.
Nhạc sĩ Lê Việt hiện sống ở Bình Dương chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA:
“Đó là một cái tên đã đi vào trong tiềm thức, đi vào trong đời sống người ta từ người già đến người trẻ. Nó là cái tên nhưng nó có cái linh hồn ở trong đó. Chính quyền mới sau 1975, khi họ “giải phóng” được miền Nam thì họ quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là do họ mà thôi.
Đa phần những người mình tiếp xúc đều là những người ở miền Nam hồi xưa nên khi nói chuyện với nhau đều gọi là Sài Gòn. Nói vậy mới hiểu nhau nhanh. Đó là một sự tự nhiên. Mặc dù về mặt hành chánh thì người ta không ghi như vậy nhưng trong ngôn ngữ, trong lời nói, trong suy nghĩ, trong tâm thức của con người thì họ vẫn gọi là Sài Gòn.
Cả người miền Nam lẫn người Bắc di cư năm 1954 thì đến 99% bây giờ họ vẫn gọi là Sài Gòn. Chỉ có một số bạn bè tôi là người Bắc vào miền Nam sau năm 1975 thì mới gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà thôi.”
https://www.rfa.org/viet...435.html/000_9d28nt.jpg/@@images/df8068ca-89c7-4b33-9fa9-f97259219b34.jpeg
Hình ảnh buôn bán trên vỉa hè Sài Gòn năm 1972. AFP
Ông Minh, một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hay, cả ông và bạn bè ông đều dùng cái tên “Sài Gòn” để nói về vùng đất mà ông sinh sống hơn nửa thế kỷ. Với họ, vùng đất Sài Gòn là vùng đất của văn hóa, của lịch sử, của ký ức. Ông nói:
“Tôi vẫn gọi là Sài Gòn vì nó gắn với mình nhiều kỷ niệm lắm rồi, cộng với môi trường sống, khí chất của con người cũng như phong cách sống của con người nơi đây nó ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Thế nên trong suy nghĩ, tôi vẫn thấy sử dụng tên Sài Gòn nó hay hơn.
Từ lúc thơ ấu cho đến bây giờ đã hơn 50 tuổi, cái tên Sài Gòn vẫn là cái tên gần gũi, dễ nhớ - dễ nhớ không chỉ là cái tên mà là những gì gần gũi thuộc về đất Sài Gòn - cho nên trong hoài niệm cũng như trong suy nghĩ những người sống lâu ở Sài Gòn như tôi vẫn quen gọi là Sài Gòn, chứ không dùng tên Hồ Chí Minh.
Việc đổi tên là do Nhà nước, nó mang tính chính trị nhiều hơn. Còn người dân gọi tên này thì dân miền Nam gần như là không có mà chỉ có dân miền Bắc sau này họ gọi là Thành phố Hồ Chí Minh.”
Cô Lan, một công nhân sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh lại có một suy nghĩ khác:
“Em thích gọi là Thành phố Hồ Chí Minh chứ không thích gọi là Sài Gòn vì Hồ Chí Minh là tên bác. Sài Gòn chỉ là tên thời chiến tranh dù gia đình em vẫn gọi là Sài Gòn.”
Đó là một cái tên đã đi vào trong tiềm thức, đi vào trong đời sống người ta từ người già đến người trẻ. Nó là cái tên nhưng nó có cái linh hồn ở trong đó. Chính quyền mới sau 1975, khi họ “giải phóng” được miền Nam thì họ quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là do họ mà thôi. - Nhạc sĩ Lê ViệtNói về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sài Gòn thì có ít nhất ba thuyết. Theo thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát thì Sài Gòn do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn. Theo thuyết của ông Louis Malleret thì Sài Gòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.
Còn theo thuyết của học giả Vương Hồng Sển thì Sài Gòn do tiếng Thầy Ngồn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sài Gòn sau khi tên này được dùng để chỉ đất Bến Nghé cũ.
Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn còn nhiều tranh luận nhưng dù có nguồn gốc như thế nào thì cái tên Sài Gòn vẫn không thay đổi trong tâm thức của người dân từng sinh sống tại vùng đất này, bất kể tuổi tác.
Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy môn Lịch sử Đông Nam Á, nêu quan điểm của ông:
“Sài Gòn trước năm 1975 nó là một địa danh. Còn đơn vị hành chánh là Đô thành Sài Gòn. Cái địa danh thì không bao giờ mất đi trong tâm tư, trong tình cảm của cư dân. Hiện nay người ta hay lẫn lộn giữa Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một đơn vị hành chánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, còn Sài Gòn là một địa danh đã được hình thành hơn 300 năm. Cái tên gọi Người Sài Gòn, địa danh sài Gòn, vùng Sài Gòn nó không chỉ ám chỉ những người cư ngụ trong một đơn vị hành chánh cụ thể mà nó còn là một khu vực, một vùng đất mới từng dung nạp mọi thành phần từ nhiều miền về mở đất.
Do đó, cái địa danh Sài Gòn, cái tên gọi Sài Gòn nó rất quan trọng với những người dân Nam Bộ, không chỉ những người ở Sài Gòn.”
Có thể thấy, cái tên Sài Gòn vẫn trong tâm trí, trong cách gọi của rất nhiều người Việt Nam, cho dù cái tên này chính thức bị khai tử bởi Quốc hội Việt Nam vào ngày hai tháng bảy năm 1976. Mỗi năm, cứ vào ngày kỷ niệm này thì cái tên Sài Gòn lại tràn ngập trên mặt báo.
Theo ghi nhận của RFA, nếu Nhà nước làm một cuộc trưng cầu ý dân để chọn tên cho thành phố lớn nhất miền Nam này, thì Sài Gòn xưa sẽ được trả lại tên.
Theo RFA