Một xí nghiệp may trang phục thể thao tại Nam Định, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 08/06/2020. AP - Hau Dinh
Việt Nam đang cung cấp 20% tổng số hàng may mặc và giày dép tiêu thụ tại Mỹ, và hiện nay chỉ mới có 4% dân số được chích ngừa Covid. Cơ quan vận động hành lang của ngành may mặc và giày dép Hoa Kỳ kêu gọi tổng thống Biden gia tăng viện trợ vac-xin cho Việt Nam.
Nỗi lo thiếu hụt giày thể thao vì biến thể DeltaLiên quan đến Việt Nam, Les Echos trong bài « Biến thể Delta sẽ làm thiếu hụt giày thể thao ? » cho biết đại dịch Covid đã làm hàng ngàn nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa, trong đó có những nước xuất khẩu quần áo và giày thể thao như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh. Các thương hiệu lớn đang vận động viện trợ vac-xin cho các nước này, đặc biệt là Việt Nam.
Đã bị thiếu chất bán dẫn, thương mại quốc tế nay lại bị đe dọa với việc hàng loạt nhà máy sản xuất trang phục, giày, phụ kiện…cho thế giới phải ngưng hoạt động. Tương đối an toàn trong năm 2020, giờ đây Việt Nam, Thái Lan, Indonesia vốn có tỉ lệ người được tiêm chủng rất ít, đang bị tê liệt do biến thể Delta lây lan nhanh chóng, số người bị nhiễm và tử vong tăng vọt.
Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng dịch tễ đặc biệt trầm trọng từ giữa tháng Bảy, khiến chính quyền buộc lòng phải phong tỏa chặt chẽ các khu công nghiệp ở miền Nam xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ. Sau nhiều tháng trời chưa bao giờ phát hiện được quá 10 ca dương tính một ngày, đất nước 98 triệu dân từ nay phải đối mặt với tình trạng mỗi ngày trên 8.000 ca. Và có đến 85% trong số 1.306 trường hợp tử vong vì Covid diễn ra chỉ trong tháng Bảy !
Để dập dịch, chính quyền từ đầu tháng Tám đã mở rộng việc kiểm soát ra nhiều tỉnh, khiến các nhà cung cấp cho các nhãn hiệu Nike, Adidas, Uniql hay Gap phải đóng cửa các nhà máy mới, và kéo dài thời gian nghỉ việc tại nhiều địa điểm. Công nhân viên được yêu cầu làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà máy, một dạng « quả bóng dịch tễ » để tránh tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng khoảng vài chục ổ dịch vẫn xuất hiện, khiến nhiều công ty đành phải từ bỏ chính sách « sản xuất ba tại chỗ ».
Lobby vac-xin cho Việt Nam để không đứt gãy chuỗi cung ứngNhà kinh tế Trinh Nguyen của Natixis nhận định : « Việt Nam là nhân tố chính trong lãnh vực hàng dệt may và giày dép, chiếm 7,7% thị phần thế giới. Thế nên các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa sẽ gây tác động dây chuyền ở tầm quốc tế ». Chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng, trong khi tình trạng vốn đã rất căng thẳng vì vận tải đường biển tắc nghẽn.
Các thương hiệu đặc biệt lo ngại về việc cung ứng hàng cho các thị trường phương Tây. Tuy không cho biết tình hình chuỗi cung ứng hiện nay, Nike nhìn nhận gần phân nửa số giày của mình được sản xuất tại Việt Nam trong năm tài chính 2020. Adidas cũng đang ngồi trên đống lửa, khi 75/500 nhà cung ứng là ở Việt Nam.
Đầu tháng Tám, American Apparel and Footwear Association (Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ - AAFA), cơ quan vận động hành lang của ngành này trong một lá thư ngỏ đã kêu gọi tổng thống Biden giúp đỡ chính phủ và kỹ nghệ Việt Nam. Chủ tịch hiệp hội, ông Steve Lamar viết : « Tôi đề nghị tổng thống lập tức đẩy nhanh việc phân phối số vac-xin đang có dư của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác chính ». Tổ chức lobby này nhắc nhở, Việt Nam đang cung cấp 20% tổng số hàng may mặc và giày dép tiêu thụ tại Mỹ, và hiện nay chỉ mới có 4% dân số được chích ngừa Covid.
Theo RFI