Bí quyết giúp Hoa Kỳ thống trị cuộc đua giành giải NobelHuy chương vàng trao cho các giải Nobel. AP - Jacquelyn Martin
Hôm qua 11/10/2021, Ủy Ban Nobel Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh Tế 2021, kết thúc mùa trao giải Nobel năm nay, với ba tên tuổi đoạt giải đều mang quốc tịch Mỹ, nâng tổng số công dân Hoa Kỳ đoạt giải thưởng danh giá này năm nay lên thành 8 người, chiếm gần 2 phần ba trong tổng số 13 người.
Sự hiện diện đông đảo của các nhà khoa học Mỹ trong số những người đoạt giải Nobel không phải là biệt lệ năm nay, mà là một thực tế đã trở thành thông lệ. Câu hỏi đặt ra là bí quyết nào đã giúp Hoa Kỳ thống trị giải Nobel, hơn hẳn các cường quốc khoa học khác?.
Tính ra trong vòng 120 năm, tức là kể từ lễ trao giải Nobel đầu tiên năm 1901 cho đến năm nay 2021, Hoa Kỳ đã giành được tổng cộng 400 huy chương Nobel, bỏ xa Vương Quốc Anh đứng nhì với 138 giải và Đức thứ ba với 111 giải. Đối với hãng tin Pháp AFP, uy lực không thể chối cãi của Hoa Kỳ bắt nguồn từ hai yếu tố hòa quyện vào nhau: trình độ cao của các trường đại học Mỹ và khả năng các trường này cũng như xã hội Mỹ thu hút nhân tài từ mọi nơi trên thế giới.
Công lao của các trường đại học Mỹ đã được chính những nhân vật đoạt giải nói lên. Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Ardem Patapoutian, một người Mỹ gốc Liban-Armenia vừa đoạt giải Nobel Y Học cùng với David Julius, một người Mỹ khác, đã lên tiếng cảm ơn nước Mỹ đã tạo cho ông những cơ may thăng tiến và cho rằng thành công mà ông có được chính là nhờ vào trường Đại Học Mỹ ở California UCLA, nơi ông theo học, và là nơi thầy ông là David Julius giảng dạy.
AFP đã không tránh khỏi trầm trồ: Cho đến nay, đội ngũ nghiên cứu và các giáo sư của trường đại học UCLA đã giành được 70 giải Nobel, gần bằng số 71 giải Nobel mà toàn thể nước Pháp đoạt được.
Nhà nghiên cứu Syukuro Manabe chẳng hạn, người đồng đoạt giải Nobel Vật Lý năm nay, đã rời quê hương là Nhật Bản vào những năm 1950 và đã thực hiện công trình mang tính đột phá của ông về hiện tượng khí hậu bị hâm nóng tại Đại Học Mỹ Princeton, đã tuyên bố với giới báo chí rằng nhân tố quyết định sự thành công của ông chính là việc tại Princeton, ông đã có thể thúc đẩy nghiên cứu theo bất cứ hướng nào mà ông thấy cần thiết.
Đại Học Princeton cũng chính là bệ phóng cho David MacMillan, đoạt giải Nobel Hóa Học, một người đã rời Scotland đến Mỹ vào những năm 1990, hiện là giảng viên của trường, hay các khôi nguyên Nobel Kinh Tế David Card người Mỹ gốc Canada, và Joshua Angrist người Mỹ gốc Israel, đều nghiên cứu tại Princeton, và ngay cả người đoạt giải Nobel Hòa Bình, nhà báo người Mỹ gốc Philippines Maria Ressa, được đào tạo tại đại học này.
Đối với giới quan sát, sức mạnh của Mỹ là tạo được môi trường thuận lợi để các nhà nghiên cứu phát triển được tài năng của mình, không chỉ chú ý đến lãnh vực ứng dụng, mà sẵn sàng đầu tư vào các lãnh vực nghiên cứu cơ bản, có thể trải dài trên nhiều năm, thâm chí hàng chục năm, mà hiệu quả kinh tế không tài nào dự đoán được.
Vấn đề tuy nhiên không chỉ đơn thuần là đầu tư, mà còn là khả năng thu hút nhân tài từ mọi nơi trên thế giới và Hoa Kỳ được xem là rất xuất sắc trong lãnh vực này.
Theo đánh giá của HN Cheng, chủ tịch Hiệp Hội Hóa Học Hoa Kỳ, nếu đang dần bắt kịp Mỹ về tổng kinh phí dành cho nghiên cứu (496 tỷ so với 569 tỷ đô la vào năm 2017), thì Trung Quốc vẫn thua Mỹ trong lãnh vực tự do học thuật và khả năng thu hút những bộ óc tài năng nhất.
Hoa Kỳ cũng được lợi từ vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo H.N Cheng, tại Mỹ, một nhà khoa học chẳng hạn “sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm việc hơn, không chỉ trong học viện mà còn trong các ngành công nghiệp, phòng thí nghiệm của chính phủ hoặc những nơi khác”,.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng không ngần ngại đặt sự tin tưởng vào giới trẻ. Marc Kastner, giáo sư vật lý danh dự tại MIT, nhắc lại rằng các trường đại học Mỹ thường khen thưởng những nhà nghiên cứu trẻ nhiều triển vọng nhất bằng cách cung cấp cho họ một phòng thí nghiệm riêng.
Theo vị giáo sư này: “Tại châu Âu và Nhật Bản, cũng có những nhóm lớn được dẫn dắt bởi một người thầy rất giàu kinh nghiệm, nhưng chỉ khi người thầy nghỉ hưu thì một người trẻ mới có thể nổi lên và lúc đó họ rất có thể là không còn những ý tưởng sáng giá nhất”.
Chính vì lý do đó mà nhà sinh học thần kinh người Pháp tại Đại Học Harvard, Catherine Dulac, người đã giành được giải thưởng Breakthrough năm 2021, một giải thưởng khoa học của Mỹ trị giá ba triệu đô la, cho nghiên cứu của cô về bản năng làm cha mẹ, đã không muốn trở lại Pháp khi cô còn ở lứa tuổi hai mươi.
Theo RFI