Hình minh hoạ: Múa rồng ở bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội hôm 3/10/2020
AFP
Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội nhằm “xây dựng môi trường văn hoá” cho thời kỳ mới và mục đích sâu xa là chấn hưng văn hoá. Như thường lệ, các tham luận bị giới hạn bởi định hướng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội. Không được và không thể nhìn thẳng vào thực trạng bất ổn văn hoá hiện nay để chỉ ra nguyên nhân thực sự thì sao có thể chấn hưng văn hoá?
Có nhiều định nghĩa về văn hoá, nhưng phổ quát nhất đều xoay quanh “toàn bộ những khả năng và thói quen mà con người xã hội thu nhận” được phản ánh trong mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân và nhóm xã hội, nhà nước mà văn hoá có vai trò kết nối trong môi trường thể chế nhất định và những giá trị hỗ trợ chúng. Trong văn hoá phạm trù đạo đức có liên quan đến những chuẩn mực hành vi, thái độ ứng xử đúng hay sai của con người, được thúc đẩy bởi các động cơ, tạo thành các quy tắc, thể chế. Chúng được phân biệt bởi trật tự tự phát theo đó chủ thể khác nhau tự nguyện tuân theo hay được tạo lập có chủ đích bởi quyền lực bên ngoài cộng đồng bằng những hướng dẫn hay chỉ thị.
Văn hoá gắn liền với dân tộc, mang tính bền vững. Đó là tất cả những gì đáng truyền lại cho thế hệ kế tiếp, “văn hoá còn thì dân tộc còn.” Ở đây, bản sắc văn hoá giúp người ta phân biệt dân tộc này và dân tộc khác. Bản sắc văn hoá Việt Nam có tính ‘mở’ cao. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), đặc trưng văn hoá Việt Nam mang tính “tiếp biến” mạnh mẽ, nghĩa là dễ tiếp nhận, chấp nhận những yếu tố mới lạ để biến đổi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Bản sắc văn hoá có thể hàm chứa một “tính Việt”, như nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt mô tả, tạo nên sự khác biệt khiến người ta ‘nhận ra nhau’, nhận ra ‘đồng hương’ dù không quen biết, kể cả khi sống trên “đất khách quê người.” Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đã chỉ ra ưu thế là con người dễ thích nghi với thay đổi, linh hoạt đồng thời với hạn chế bởi tính tuỳ tiện, cảm tính, nước đôi.
Văn hoá và con người Việt Nam hiện đại thăng trầm cùng với những biến động xã hội phức tạp trong điều kiện thời chiến và môi trường hoà bình. Đặc trưng lớn nhất của thay đổi văn hoá là ‘sự va chạm’ các mô thức khác nhau với sự hoà hợp và xung đột đan xen trong nhiều tình huống ứng xử. Chẳng hạn, mới đây dư luận dậy sóng tranh luận với phát biểu của một giáo sư, nhà nghiên cứu văn hoá, Trần Ngọc Thêm rằng nên bỏ cái khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” treo trên cổng của hầu hết các trường học Việt Nam bởi nó cản trở tự do và sáng tạo của học sinh. Ý kiến còn rất khác biệt về ý nghĩa, tác dụng tích cực hay tiêu cực, thậm chí đúng sai về đạo đức, nhưng rõ ràng xuất xứ của nó từ triết lý nho giáo Trung Hoa. Các giá trị nho giáo, phật giáo chi phối văn hoá làng xã trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.
Mô thức tiếp theo là văn hoá, đạo đức cách mạng, được thiết lập bởi chế độ Đảng Cộng sản toàn trị sau Cách mạng giành độc lập tháng 8 năm 1945. Khái niệm này được nêu trong bài viết Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1958. Ông nhấn mạnh “đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho Cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.” Logic của kiểu đạo đức này là mỗi cá nhân là nhỏ bé, muốn lớn mạnh cần phải liên kết thành tập thể. Nó có sức mạnh “ khi gặp khó khǎn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước.” Đảng dựa vào tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lenin, có sứ mệnh xoá bỏ áp bức, bóc lột và xây dựng xã hội chủ nghĩa bình đẳng, bác ái. Các giá trị lý tưởng có sức hấp dẫn khiến nhiều trí thức Việt kiều trở về nước làm việc theo lời kêu gọi của người lập quốc. Mô thức văn hoá này có ưu thế trong điều kiện thời chiến, nhưng đã ‘suy thoái’ trong thời bình, đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh ý thức hệ về kinh tế. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoàn toàn năm 1991. Sự giới hạn về tri thức khiến giới lãnh đạo chế độ không thể thiết kế sao cho đạt được lý tưởng cao đẹp.
Hình minh hoạ: Cờ búa liềm của ĐCS trên đường phố Hà Nội nhân dịp Tết nguyên đán năm 2014. Reuters
Gọi mô thức thứ ba là văn hoá chuyển đổi, bởi vì nó đang ‘tự phát’ hình thành trong bối cảnh Đảng CS duy trì chế độ độc đoán đồng thời chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Sự mâu thuẫn này thể hiện trong mọi lĩnh vực, trước hết là thể chế kinh tế - chính trị. Giới lãnh đạo đang lờ đi quan điểm “đấu tranh giai cấp”, “bóc lột sức lao động” khi áp dụng chính sách thực dụng có xuất xứ từ Trung Quốc, và “loay hoay” tìm cách ‘bước lùi’ nhưng gọi ‘hoa mỹ’ là cải cách, chẳng hạn tư nhân hoá gọi là cổ phần hoá”, nhà đầu tư thay cho chủ doanh nghiệp tư nhân, cạnh tranh thay cho thi đua, động cơ lợi nhuận thay cho lời lãi, thuế thay cho thu quốc doanh… Nói khái quát, thị trường thay cho kế hoạch tập trung. Với chính sách thực dụng Đảng Cộng sản có thể duy trì quyền lực độc tôn bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế và ‘từ chối’ mọi hình thức dân chủ, tự do cá nhân. Điều này đã đạt được trong thời kỳ khá dài từ nền kinh tế xuất phát điểm thấp, bị kìm nén lâu đến mức chỉ cần những cải cách kinh tế, trao quyền kinh doanh cho người dân cũng có thể tạo nên ‘sức bật’ tăng trưởng và giảm đói nghèo. Mặc dù chính sách thực dụng hiện nay ủng hộ việc cải cách pháp lý và hành chính để hiện đại hóa, nhưng Đảng đã ‘không lường’ trước khả năng quyền lực vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dung dưỡng lòng tham trong tầng lớp thống trị đã dẫn đến rối loạn chức năng toàn trị đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Liên quan đến thể chế văn hoá, phát triển kinh tế thị trường đang huỷ hoại “đạo đức cách mạng” vốn được dẫn dắt bởi bạo lực, thay vì để cán bộ đảng viên nêu gương thì nay nó đang bị suy thoái nghiêm trọng. Giá trị của “đạo đức cách mạng” như lòng vị tha, mình vì mọi người là những phẩm chất được ngợi ca của con người, vốn vận hành tốt trong nhóm nhỏ, nhờ hiểu biết tốt về người khác cùng khả năng kiểm soát lẫn nhau, ôn hoà nhờ sự đồng cảm, lại không thể chuyển sang phạm vi xã hội đại chúng với nền kinh tế ngày càng phức tạp theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa tập thể theo khẩu hiệu ‘làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’ đã triệt tiêu động lực làm việc, dẫn đến trốn tránh công việc, và hệ quả là mức sống nghèo nàn và mọi người bị cưỡng bức.
Thực tế hàng thế kỷ phát triển thị trường ở phương Tây đã chỉ ra con người được tư lợi thúc đẩy trong phối hợp hành vi của mình với người khác vì lợi ích tương hỗ. Trong quá trình thị trường các hành động mưu cầu tư lợi được sắp xếp bởi tín hiệu lỗ-lãi theo sự dẫn dắt của ‘bàn tay vô hình’ thông qua cơ chế cạnh tranh làm xuất hiện các quy tắc, theo đó mọi người có thể tự nguyện tuân thủ và đem lại cho những người khác những lợi ích vật chất cùng những cơ hội mới. Để tránh xung đột lợi ích một nhà nước được người dân uỷ thác qua lá phiếu để bảo vệ các thể chế này. Hơn thế, để loại trừ sự tha hoá quyền lực nhà nước một cơ chế kiểm soát thông qua phân lập tam quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một số quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển đổi dân chủ thành công song vẫn giữ được bản sắc văn hoá tốt đẹp.
Sự va chạm các mô thức văn hoá đang tác động đến mọi mặt cuộc sống xã hội Việt Nam hiện nay. Trong văn hoá hỗn hợp, chồng lấn trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường ngày càng có nhiều cá nhân ‘đạo đức’ hơn khi quyết định từ bỏ những tập quán văn hoá thụ động, cam chịu trông chờ phúc lợi bao cấp để hướng tới văn hoá năng động, sáng tạo, mạo hiểm theo đuổi để “mưu cầu hạnh phúc”. Quá trình chuyển đổi thị trường liên quan với chuyển đổi dân chủ, nhưng việc hình thành văn hoá dân chủ thế nào vẫn là câu hỏi nhạy cảm với chế độ. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy rằng chính sách thực dụng có vai trò to lớn giúp duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị nhờ động lực thị trường nhưng đã tới hạn. Các nhà cải cách thể chế cần vượt qua ngộ nhận ý thức hệ, thực hiện nhiệm vụ kép để chấn hưng văn hoá, đó là vừa giữ gìn mặt tích cực của “tính Việt’ vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
TS. Phạm Quý Thọ (Blog RFA)
Duy Hữu, USA says: Văn Hóa Việt Nam...
của dân tộc Việt Nam, của toàn dân Việt Nam... từ đời này sang đời kia, cả ngàn năm văn hiến... đa văn hóa, đa đạo giáo, đa tôn giáo ...
có phải là... chỉ là... độc nhất là... văn hóa xã hội chủ nghĩa Mác - Lê - Hồ vô văn hóa... độc đoán, độc tôn, độc địa, độc quyền định hướng văn hóa ?
Trần Hồng Nhật says: Con trai của Hun Xen sắp thế cha làm Thủ Tướng Kampuchea không cần bầu bán .Chừng nào đến phiên con ông Nguyễn Phú Trọng thay cha làm Tổng Bí Thư ? con ông Nguyễn Xuân Phúc lên ngôi chủ tịch nước? và con Phạm Minh Chính lấy ghế Thủ Tướng không cần bầu bán?
Đảng cộng sản Kampuchea cao tay ấn hơn Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng ta "bèo" thế?