Nghĩa là vẫn những lời lẽ như cũ; chỉ thêm một hứa hẹn, “trong sạch, vững mạnh.”
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng xấp xỉ tuổi ông Joe Biden, gần 80 cả rồi. Dân Mỹ thì ngày nào cũng thấy ông Biden trên ti vi. Cái nghề tổng thống nó vất vả; cần cho dân thấy mình đang làm việc, mỗi ngày đều có việc mới; để người dân không quên họ có một ông tổng thống. Bởi vì ông sẽ ra tranh cử nữa.
Ông Trọng được an nhàn hơn. Từ khi chỉ còn giữ một chức tổng bí thư, cả năm ông ra mắt dân chúng năm, ba lần cũng đủ. Nhiều người Việt, kể cả người trong nước, có khi đã quên ông rồi. Nhưng ông Trọng không cần dân bỏ phiếu; nhớ đến bộ mặt của mình ích lợi gì?
Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng nắm cả hai chức, chủ tịch nước và tổng bí thư, giống ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc. Thế rồi ông bệnh nặng. Nhờ ơn Trời Phật vẫn còn sống; nhưng ông không thể làm chủ tịch nước nữa. Không phải lo họp hành, dự lễ lạc, không cần đến cắt băng khánh thành cái trụ sở nào hết, ông yên tâm nằm dưỡng bệnh chờ đến giờ thì uống thuốc, chích thuốc, thoa bóp, uống sâm. Chỉ làm Tổng bí thư thì lâu lâu mới phải đứng dậy ra khỏi giường. Nhưng hiện nay cả nước ai cũng có thể thấy các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính trên ti vi mỗi ngày. Nhiều người Việt có thể đã quên rằng nước mình còn có một ông nữa, giữ chức tổng bí thư, lớn hơn hai ông Phúc và Chính.
Vì vậy, lâu lâu ông Nguyễn Phú Trọng phải xuất hiện. Đầu năm 2021 mọi người được thấy mặt ông, nhân dịp Đại hội thứ 13 của Đảng Cộng sản. Ông Trọng được mời ra nói về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” Đó là nghề chuyên môn của ông, cái nghề tay phải, như người Việt mình nói. Có người đi học tiến sĩ chọn nghiên cứu về bệnh ung thư, có người tìm hiểu về ngôn ngữ Quechua ở Peru và Colombia, có người chọn ngành gây giống lúa; đại khái mỗi người chọn một nghề.
Luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Phú Trọng, làm tại “Mát Xì Cơ Va” năm 1983 chọn nghề “Xây dựng Đảng.” Tiến sĩ môn Xây dựng Đảng. Bảy năm sau, Liên xô sụp đổ, các vị tiến sĩ cùng nghề ở Nga đã mất việc cả. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết tiếp tục hành nghề, “bổ sung những nhận thức mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” Ngày 26 tháng 1 năm 2021, ông Trọng phải mặc quần áo chỉnh tề, thắt cà vạt đỏ, đứng nói mấy câu trong Đại hội XIII về “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” Nói xong rồi lại vào giường nằm. Như dân Việt Nam biết ông vẫn còn sống bình an.
Bẵng đi gần nửa năm không ai thấy hình ông nữa. Bỗng vào tháng Năm, trên ti vi chiếu cảnh ông Kim Jong Un, “lãnh tụ đáng yêu đáng kính” của Bắc Triều Tiên, lên đài hô hào nhân dân tiếp tục tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, không được ngồi xuống nghỉ uống trà hay xỉa răng. Ông Nguyễn Phú Trọng nhìn cậu bé nhỏ tuổi hơn con mình cũng lên mặt dậy đời, thấy ngứa nghề!
Ông bèn kêu thư ký đem laptop tới, bảo viết một bài báo mới, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.” Viết dễ lắm. Đại khái, cứ theo đúng sách vở học ở trường Đảng tại Liên Xô thời 1980, nhắc lại các khẩu hiệu từ thời Stalin, Mao Trạch Đông. Chỉ cần thêm chút mắm muối cho có màu sắc “hiện đại;” chứng tỏ mình cũng là một nhà lý luận biết “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc!”
Phần mắm muối ông sáng tạo thêm đã viết, “… chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.” Mới mẻ thật! Vì những ông Mao cũng như ông Xít, rồi ông Hồ, ông Duẩn chưa bao giờ nói tới “xơ cứng, trì trệ, lạc hậu.” Tới thời Gorbachev mới dám nhìn thấy những căn bệnh thâm niên đó.
Một “sinh lực mới’ khác gợi hứng cho ông Trọng thêm vào là khẩu hiệu “của dân, do dân và vì dân,” nghe nói một ông tổng thống Mỹ nào đó bày ra. Ông Nguyễn Phú Trọng đã “sáng tạo” thành một câu của mình, “… chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.” Thật là một “sáng tạo!”
“Không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.” Đọc tới câu đó, các ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều giật mình, nghĩ ông Trọng đang nhắm nói về họ. Thật sự, họ rất giàu có. Mà họ cũng chỉ là một thiểu số tí hon trong 99 triệu dân Việt Nam.
Vì thế, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức một “Hội nghị lần thứ tư” vào cuối tháng Mười, vẫn để nói chuyện “xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” Hội nghị đã “thống nhất cao” trong kết luận, “kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,…” Không ai biết “thống nhất cao” thì nó khác với “thống nhất thấp” như thế nào. Các ủy viên trung ương đã phản ứng với nhận định “chỉ cho một thiểu số giàu có” của ông Tổng bí thư; bằng cách nhấn mạnh cần ngăn chặn, đẩy lùi các “suy thoái về đạo đức, lối sống.” Không nói gì đến việc truy tố các hành vi phạm luật. Vì Đảng chỉ “xử lý nội bộ,” không bao giờ cần tòa án với luật pháp.
Không quên vẫn phải tiến tới chủ nghĩa xã hội, các ủy viên cũng thề sẽ “xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên … biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…” Cũng không biết “xử lý nghiêm” với “xử lý bình thường” thì có khác nhau chỗ nào không, vì chưa thấy xử lý ai cả. Nhưng biết chắc họ không tự diễn biến tức là không chấp nhận tự do dân chủ.
Một sáng kiến của Hội nghị lần thứ tư là đã “thảo luận và thống nhất cao” một “Quy định mới số 37 ngày 25-10-2021” về “những điều đảng viên không được làm.” Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ, ban hành văn bản ngày 29-11-2021, hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Dân nghe nói vui mừng quá! Té ra cũng có “những điều đảng viên không được làm.”
Dân chưa được thấy các quy định mới đó như thế nào. Chuyện thâm cung bí sử, chắc người ngoài sẽ không bao giờ được đọc. Chỉ biết rằng ngày 9 tháng 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có cơ hội xuất hiện, “chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.”
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, gồm đủ mặt các cán bộ lớn nhỏ trong đảng cũng như các tổ chức chầu rìa. Kết quả của hội nghị là gì? Không cần phải suy nghĩ mệt óc, người Việt Nam nào cũng có thể đoán ra! Thông cáo cho biết Đảng sẽ “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”
Nghĩa là vẫn những lời lẽ như cũ; chỉ thêm một hứa hẹn, “trong sạch, vững mạnh.”
Thôi, nói mãi về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” cũng đủ mệt rồi. Khi một vị Tổng bí thư đang lâm trọng bệnh vẫn chứng tỏ mình còn nói được, vẫn không ngưng làm nghề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thật đáng mừng cho gia đình, vợ con ông.
Dân Việt Nam lại tiếp tục sống với lợi tức bình quân $3,600 đô la một năm, gần bằng Phi Luật Tân, bằng một phần ba lợi tức dân Malaysia, một nửa dân Thái Lan, chỉ giàu hơn dân ba nước Campuchia, Lào và Miến Điện. Nhưng tất cả các nước Đông Nam Á, lợi tức trung bình $5,000 đô la một năm, không nước nào được chứng kiến công tác “xây dựng và chỉnh đốn Đảng” một năm nói đến ba lần, như đám dân con Lạc cháu Hồng.
Ngô Nhân Dụng (VOA)