Ảnh minh họa : Ông Tập Cận Bình (G) tại một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. © JU PENG / AP
Nghị quyết thứ ba về lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/11/2021, được công bố toàn văn hôm 16/11, tiếp tục được giới nghiên cứu soi xét, nhằm tìm cách lý giải những vận động hiện tại trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Bản nghị quyết thứ ba của ĐCSTQ về lịch sử, với tên gọi chính thức « Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng CS Trung Quốc về những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong thế kỷ qua », được công bố đúng vào năm chính quyền Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản (1921-2021).
Bản nghị quyết về lịch sử này cũng thường được coi như một nghị quyết có ý nghĩa « lịch sử ». Hai nghị quyết về lịch sử trước đó của đảng Cộng Sản Trung Quốc (vào hai năm 1945 và 1981), mỗi lần ra mắt đều mở đường cho một thời kỳ mới trong lịch sử của ĐCSTQ. Thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, và thời kỳ chính quyền Trung Quốc từ bỏ con đường Mao Trạch Đông, chuyển hướng theo chủ trương cải cách, hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết lần thứ ba về lịch sử của ĐCSTQ có tham vọng mở ra « một kỷ nguyên mới » cho đất nước Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Tập Cận Bình (1). Tuy nhiên, nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử như vậy hay không ? Nghị quyết lần thứ ba về lịch sử của ĐCSTQ có mang lại cho ông Tập Cận Bình cơ hội khẳng định quyền thống trị toàn Đảng, như Mao Trạch Đông trước đây, hay xác định hướng đi lâu dài cho Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình ?
Nhà Trung Quốc học Alex Payette có bài phân tích trên trang mạng Asialyst, chuyên về thời sự châu Á, nhan đề « Trung Quốc : Tập Cận Bình uy quyền tối thượng sau 2022 ? Trong hiện tại không có gì là chắc chắn ». Cũng như một số chuyên gia, ông Alex Payette khẳng định nghị quyết thứ ba về lịch sử không tạo ra được một « sự đứt đoạn rõ ràng » so với « kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình » (2). Nhà Trung Quốc học Alex Payette cũng nhấn mạnh đến việc lãnh tụ Tập Cận Bình, người được tôn làm lãnh đạo « hạt nhân » của Đảng (trong một nghị quyết của ĐCSTQ năm 2016), đã buộc phải có nhiều nhượng bộ đáng kể trên con đường khẳng định quyền lực sau 2022.
***
Vì sao nói ông Tập Cận Bình phải có nhiều nhân nhượng đáng kể ? Theo chuyên gia Alex Payette, các nhân nhượng đáng kể nhất của ông Tập Cận Bình với đối thủ tiềm năng trong đảng đặc biệt liên quan đến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, được coi là con người đầy quyền uy trong bóng tối, cho dù đã chính thức giã từ quyền lực, nhưng vẫn đề lại ảnh hưởng sâu đậm trong bộ máy cầm quyền Trung Quốc.
Có hai chi tiết đáng chú ý. Một nằm trong phần 4 của Nghị quyết, có nhan đề « Không gian mới của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc ». Phần đặc biệt quan trọng, với 13 tiểu mục này, có mục tiêu ca ngợi đường lối mang dấu ấn cá nhân của lãnh tụ Tập Cận Bình, đã không trực tiếp phê phán di sản thời Giang Trạch Dân, không chính thức chỉ ra các hậu quả tiêu cực của các cải cách do Đặng và Giang chủ trương, như điều mà ông Tập Cận Bình « đã từng muốn ».
Điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai, cũng là điểm « nhân nhượng lớn thứ hai », là nghị quyết về lịch sử thứ ba của ĐCSTQ đã phải khẳng định Giang Trạch Dân là người đã « biết cách bảo vệ Đảng và các lợi ích của Đảng » sau biến cố Thiên An Môn 1989. Lần duy nhất Nghị quyết dẫn tên cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân trong văn bản, là để ca ngợi vai trò đặc biệt của Giang Trạch Dân trong giai đoạn hậu Thiên An Môn.
Đoạn liên quan đến Giang Trạch Dân nằm trong phần 3 của Nghị quyết cụ thể như sau : « Sau phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, những người cộng sản Trung Quốc với đồng chí Giang Trạch Dân đứng đầu đã đoàn kết, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân giữ vững đường lối và lý luận cơ bản của Đảng, làm sâu sắc thêm hiểu biết về chủ nghĩa xã hội và phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, và việc cần phải có một đảng chính trị như thế nào để đạt được mục tiêu này, và làm thế nào để xây dựng một đảng như vậy ».
Hội nghị trung ương nói trên diễn ra trong hai ngày 23 và 24/06/1989, tức 20 ngày sau vụ Thảm sát các sinh viên tranh đấu đòi dân chủ tại quảng Thiên An Môn.
Đoạn viết quan trọng vừa nêu liên quan đến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân cho biết rõ : « Trên cơ sở này, Ban chấp hành Trung ương đã xác lập Lý thuyết Ba Đại Diện (tức lý thuyết cho phép kết nạp vào ĐCS Trung Quốc chủ các doanh nghiệp tư nhân – vốn bị coi là kẻ thù giai cấp trong lý luận truyền thống của đảng Cộng Sản). Trước tình hình phức tạp trong nước, quốc tế và những thất bại nghiêm trọng đối với chủ nghĩa xã hội thế giới, Ban chấp hành Trung ương đã bảo vệ được chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, xác định việc xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của cải cách, đặt ra khuôn khổ cơ bản về vấn đề này, xây dựng hệ thống kinh tế cơ bản cho giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, theo đó sở hữu công cộng là trụ cột và các hình thức sở hữu đa dạng cùng phát triển, cũng như một hệ thống phân phối thu nhập mà phân phối theo lao động là chủ đạo, đồng thời tồn tại nhiều hình thức phân phối. Họ đã mở ra những chân trời mới cho công cuộc cải cách, mở ra trên mọi mặt trận và đạt được nhiều tiến bộ trong công trình vĩ đại mới của việc xây dựng Đảng. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần thành công đưa chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc vào thế kỷ XXI ».
Theo chuyên gia Alex Payette, đây là một nhân nhượng « ghê gớm » so với những gì Tập Cận Bình thực sự nghĩ về Giang Trạch Dân. Nghị quyết về lịch sử của ĐCS Trung Quốc chính thức ghi công của Giang trong việc cứu chế độ khỏi tình trạng hỗn loạn, do « những yếu tố bên ngoài, và áp lực nội bộ ».
Theo chuyên gia Alex Payette, việc đặt Giang Trạch Dân vào vị trí công đầu này là điều hoàn toàn bất ngờ, trong lúc Tập Cận Bình không hề có ý định dành cho Giang bất cứ khen ngợi nào, chưa nói đến các chỉ trích, phê phán (3). Theo Alex Payette, « chắc chắn trong nội bộ Đảng đã phải có những tranh luận dữ dội xung quanh vấn đề này, bởi vì rõ ràng là ông Tập Cận Bình sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này ».
Nhìn chung, tương quan lực lượng trong nội bộ đảng CS Trung Quốc ra sao, sau Nghị quyết thứ ba về lịch sử nói trên, theo chuyên gia Alex Payette ? Nhà Trung Quốc học Alex Payette đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất khó lường của phong trào « tanping » (tạm dịch là « nằm ườn ») thể hiện rõ ràng trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, với đặc điểm tiêu biểu là các quan chức cấp dưới, ở địa phương, không tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm lên trên. Điều này đặc biệt thể hiện ra qua cuộc khủng hoảng điện những tháng gần đây. Các quan chức địa phương đã không chủ động điều chỉnh việc giảm dần sử dụng năng lượng than, mà đa số tiếp tục để cho sử dụng than đạt hết định mức cho phép, một khi hết định mức, tất cả đều ngưng lại. Đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng vừa qua. Nhìn chung, chủ trương tập trung thâu tóm quyền lực trở lại về trung ương (ngược lại chủ trương tản quyền của Đặng Tiểu Bình), bắt đầu từ thời Hồ Cầm Đào, đang gây nhiều phản ứng tiêu cực từ phía các cấp chính quyền cơ sở.
Theo chuyên gia Alex Payette, Nghị quyết thứ ba về lịch sử này hoàn toàn không mang lại cho ông Tập Cận Bình một lợi thế đủ để thâu tóm toàn bộ quyền lực. Mà, nếu không có được một « thắng lợi triệt để », thì sau năm 2022, ông Tập Cận Bình sẽ phải mang theo toàn bộ các vấn đề của thời kỳ sau 2013 (tức từ khi ông Tập lên nắm quyền) sang nhiệm kỳ mới.
Tình trạng bất hợp tác của giới quan chức địa phương, cấp dưới (hay phong trào « nằm ườn » trong giới quan chức) dự kiến sẽ gia tăng với quy mô lớn hơn nhiều. Những kháng cự mang tính gián tiếp này trong bộ máy cũng đặt ra vấn đề : ông Tập Cận Bình thậm chí có thể không còn muốn tiếp tục nắm quyền.
Vấn đề là, để được an toàn và để bảo đảm thế cân bằng quyền lực trong nội bộ, Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách giao phó nhiều quyền lực hơn cho các cấp dưới thân tín. Khó khăn với Tập Cận Bình, theo chuyên gia Alex Payette, là đương kim lãnh đạo Trung Quốc không đủ mạng lưới tay chân thân tín sâu rộng như Giang Trạch Dân. Ông Tập sẽ khó lòng rút khỏi quyền lực, mà phần nào vẫn tiếp tục có ảnh hưởng như Giang.
Theo chuyên gia Alex Payette, Tập Cận Bình khó có thể là một lãnh đạo tuyệt đối sau 2022, mà ngược lại phải chia sẻ quyền lực hay (« hòa loãng quyền lực » từ dùng của tác giả), để chuẩn bị cho giai đoạn sau đó. Điều đặc biệt thách thức với nền chính trị Trung Quốc hiện nay là việc ban lãnh đạo ĐCS hiện nay không để ngỏ cơ chế cho khả năng lãnh đạo tối cao (tức Tập Cận Bình) ra đi, mà không khiến toàn bộ hệ thống chính trị phải thay đổi.
Theo RFI
______________________
Ghi chú 1/ « Trung Quốc : Lịch sử đảng Cộng Sản theo tầm nhìn của Tập Cận Bình », RFI ngày 12/11/2021.
2/ « Còn quá sớm để nói về “một thời đại mới của đảng Cộng Sản Trung Quốc” », RFI ngày 18/11/2021.
3/ Giới nghiên cứu đặc biệt chú ý đến tấm gương của người cha trong hành trang chính trị của ông Tập Cận Bình. Nhà báo Katsuji Nakazawa nhắc đến câu chuyện thân phụ Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (1913 – 2002), một lãnh đạo cao cấp của đảng, từng ngăn chặn việc Đặng Tiểu Bình cách chức tổng bí thư của Hồ Diệu Bang (1915 - 1989), lãnh đạo theo đường lối ủng hộ dân chủ hóa. Cái chết của Hồ Diệu Bang được coi như đã châm ngòi nổ cho phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn, mùa xuân 1989. Xem Katsuji Nakazawa, « Analysis: Xi’s need to overtake Deng poses big risk for Taiwan », Nikkei Asia, ngày 18/11/2021.