Một biểu tượng tự do báo chí của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. © RSF
Trong năm 2021, có 488 nhà báo bị bỏ tù tính trên toàn thế giới. Đây là mức kỷ lục trong vòng 26 năm qua, tính từ khi tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) bắt đầu ra báo cáo thường niên hồi năm 1995.
Năm quốc gia có số nhà báo bị bắt giữ nhiều nhất, tính đến ngày 01/12, là Trung Quốc (127), Miến Điện (53), Việt Nam (43), Belarus (32) và Ả Rập Xê Út (31). Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất.
Theo thông cáo của tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền tự do báo chí, công bố hôm nay 16/12/2021, số nhà báo bị bỏ tù như vậy đã tăng 20% trong vòng một năm, chủ yếu liên quan đến 3 nước và vùng lãnh thổ, Miến Điện, Belarus và Hồng Kông. RSF nhấn mạnh từ khi luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông vào năm 2020, số nhà báo bị giam giữ tại Hồng Kông đã tăng mạnh. Về Việt Nam, số lượng nhà báo bị giam giữ năm nay tăng gấp rưỡi so với năm ngoái (28 nhà báo bị giam giữ năm 2020).
Theo AFP, một điều đáng lưu ý khác là chưa bao giờ số nhà báo nữ bị giam giữ lại cao đến như vậy : 60 người, tăng 1/3 so với năm 2020. Belarus là quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nữ nhất (17 nhà báo nữ so với 15 nhà báo là nam giới bị tù giam). Trên thế giới, tính trung bình 87,7% số nhà báo bị bỏ tù là nam giới.
Số nhà báo bị giết là 46 người, con số thấp nhất trong 20 năm qua. 65% là do bị ám sát. Theo phân tích của RSF, số nhà báo bị giết hại có xu hướng giảm từ năm 2016, do diễn biến của các cuộc xung đột tại nhiều khu vực như Syria, Irak và Yemen, cũng như do các mặt trận vốn dĩ gây nhiều tử vong đã ổn định hơn sau những năm 2012 và 2016.
Mêhicô và Afghanistan vẫn là hai quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong năm 2021, với lần lượt 7 và 6 người thiệt mạng, tiếp theo là Yemen và Ấn Độ, với 4 nhà báo thiệt mạng ở mỗi nước.
Ngoài số nhà báo bị bỏ tù và bị giết hại, RSF còn cho biết có ít nhất 65 nhà báo bị bắt làm con tin, nhiều hơn năm ngoái 2 người, chủ yếu ở Trung Đông.
Theo RFI