Một nhóm người Việt chiều 19/12 tiến hành biểu tình tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, phản đối những bản án nặng được liên tiếp đưa ra đối với các nhà hoạt động ở Việt Nam.
Viết bằng ba thứ tiếng, Việt Nam, Anh và Czech trên trang web và trang Facebook của nhóm, những người tổ chức nói: "Để phản đối sự vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại Việt Nam, nhóm Văn Lang kêu gọi một cuộc biểu tình trước Cơ quan ngoại giao, đại diện cho Việt Nam tại Cộng hòa Czech là Đại sứ quán Việt Nam tại Prague."
Giới hoạt động liên tiếp vào tù: Vì sao phương Tây và Mỹ 'mềm mỏng' với VN?
Việt Nam kết án nhà hoạt động: LHQ và ngoại giao bốn nước G7 bất bình
Chỉ trong vòng ba ngày của trung tuần tháng 12, tòa án tại Việt Nam đã ra phán quyết với tổng mức 35 năm tù giam dành cho bốn nhà hoạt động sau ba phiên tòa riêng rẽ.
Bà Phạm Đoan Trang bị án 9 năm, ông Trịnh Bá Phương, 10 năm, bà Nguyễn Thị Tâm, 6 năm, và ông Đỗ Nam Trung, 10 năm, đều với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Nguồn hình ảnh, Van Lang
Những mức án nặng nề này ngay lập tức đã bị Liên Hiệp Quốc cùng nhiều nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên tiếng phản đối.
'Hãy thực hiện quyền được lên tiếng của mình'
Từ Prague, ông Nguyễn Cường, thành viên Ban điều hành nhóm Văn Lang, nói với BBC News Tiếng Việt:
"Điều chúng tôi mong muốn nhất, là hành động của chúng tôi sẽ để cho người Việt mình thấy rằng việc thực hiện quyền lên tiếng, quyền trình bày quan điểm của mình không phải là tội lỗi. Đó là quyền tự nhiên, không cần phải lo lắng khi thực hiện quyền đó. Đó không phải là hành vi phạm tội, không phải là việc phạm luật."
Ông cũng cho biết thêm là sau việc tổ chức biểu tình, nhóm dự kiến sẽ viết thư gửi Bộ Ngoại giao Czech và cơ quan đại diện của EU tại Czech.
"Chúng tôi quyết định tổ chức biểu tình vì muốn bày tỏ sự phản đối trước vụ xử các nhà hoạt động ở Việt Nam trong tuần qua.
"Hơn nữa, trong tuần này, Cộng hòa Czech đang kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông Václav Havel, tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc tự do.
"Chính phủ mới của Czech vừa mới thành lập, họ sẽ còn nhiều việc phải lo, có lẽ chưa thể quan tâm ngay tới chuyện đang diễn ra tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin là chính phủ mới sẽ đề cao những giá trị nhân quyền, những giá trị mà ông Václav Havel đã theo đuổi.
"Chúng tôi sống ở Tiệp Khắc trải qua mấy chục năm, từ 1989, sau Cách mạng Nhung đến giờ, nên chúng tôi quan tâm vấn đề nhân quyền.
"Quyền tự do lên tiếng, quyền tự do biểu đạt, đó là quyền của công dân, không chỉ công dân EU hay ở Tiệp mà của cả công dân Việt Nam ở Việt Nam. Đó là quyền có sẵn trong Hiến pháp. Không có lý do gì mà người Việt Nam ở Việt Nam lại không được quyền nói trong khi người Việt Nam sống ở Prague lại được quyền nói."
Tin cho hay cuộc biểu tình diễn ra với sự tham dự của vài chục người.
"Lúc này là thời gian gần tới dịp lễ Giáng sinh, mọi người đều khá bận rộn với công việc, trong lúc tình hình dịch bệnh Covid tương đối căng, nên sự tham dự của mọi người có phần bị hạn chế," ông Nguyễn Cường nói.
"Nhiều người ở Đức, Ba Lan và cả Việt Nam có nhắn tin cho chúng tôi, nói họ không tới trực tiếp tham dự được, nhưng sẽ theo dõi, ủng hộ từ xa. Chúng tôi rất vui về điều đó.
"Việc yêu cầu chính quyền Việt Nam thả những người vừa bị xử án thì rất khó. Nhưng việc cần lên tiếng thì chúng ta cứ lên tiếng."
Nguồn hình ảnh, Van Lang
Chụp lại hình ảnh,
Nhóm Văn Lang trong những năm qua có nhiều hoạt động nhằm bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị, xã hội lớn ở Việt Nam
Nhóm Văn Lang là một nhóm xã hội dân sự được thành lập 10 năm về trước, sau sự kiện bộ phim 'Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát' của tác giả người Pháp, ông Menras André Marcel, người lấy tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, bị cấm chiếu ở Việt Nam, tuy sau đó vài năm, phim đã được phép lưu hành trong nước.
Từ phiên tòa Phạm Đoan Trang, VN chờ đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?
Việt Nam kết án nhà hoạt động: LHQ và ngoại giao bốn nước G7 bất bình
Án tù 9 năm cho nhà báo Phạm Đoan Trang
"Chúng tôi thấy đó là bộ phim nói về vấn đề rất sát sườn, gần với vận mệnh đất nước mình, nhưng chính quyền Việt Nam lại cấm chiếu. Do đó, chúng tôi phối hợp tổ chức một đợt chiếu phim, tổ chức ở Prague, cả ở Đức, Pháp, Ba Lan," ông Nguyễn Cường nói.
Nguồn hình ảnh, Van Lang
Chụp lại hình ảnh,
Nhóm Văn Lang được thành lập sau sự kiện bộ phim 'Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát' của tác giả người Pháp lấy tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết bị cấm chiếu ở VN
Trên thực tế, các hoạt động biểu tình phản đối của các cộng đồng người Việt trước các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng quy mô tổ chức và mức độ quan tâm của cộng đồng tại các nước Đông Âu thuộc khối XHCN cũ như Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga thường khiêm tốn hơn so với ở các nước phương Tây.
Tuy nhiên, nhóm Văn Lang tin rằng tuy chỉ là một nhóm nhỏ, tiếng nói phản đối của họ vẫn đến được tai chính quyền trong nước, và bất kể việc tạo được tác động lớn hay nhỏ, nhóm sẽ vẫn kiên trì với hoạt động của mình.
"Quan điểm của chúng tôi là việc mỗi một người lên tiếng không phải là vì để trông đợi sự ủng hộ từ bên ngoài, hay để mong đem đến sự thay đổi của chính quyền Việt Nam, mà là để thực hiện quyền lên tiếng của mình, cho dù việc đó có đem lại tác động nhiều hay không," ông Nguyễn Cường cho biết.
"Tôi nghĩ là họ rất quan tâm đến hoạt động của chúng tôi.
"Trong nhóm chúng tôi có ba, bốn người bị Sứ quán cấm không cho về. Có người lên Sứ quán Việt Nam ở Prague để xin visa nhanh về chịu tang người thân đã không được cấp. Thậm chí có những người về để tang cha, mẹ, đã về đến sân bay ở Việt Nam mà còn bị họ cấm, không cho vào mà bắt phải quay lại Czech."
Theo BBC